Nhà ga
Họ rời con tàu Oâi-ma-chi tạu ga Gi-y-u-gao-ka, và người mẹ nắm tay Toot-tô-chan đi ra cổng soát vé. Tốt-tô-chan chưa đi tàu bao giờ nên em không muốn trả lại cái vé quý giá mà em đang nắm chặt trong tay.
– Cháu giữ lại cái vé này được không? – Tốt-tô-chan hỏi người soát vé.
Bác liền trả lời:
– Không được đâu cháu ạ, – và thu lấy cái vé của em.
Tốt-tô-chan liền chỉ vào cái hộp đựng đầy vé và hỏi:
– Có đúng tất cả những cái vé này là của bác không?
– Không đâu, đây là vé của nhà ga. – Bác trả lời, trong lúc vẫn luôn tay đón lấy vé của những người khách ra cổng.
Tốt-tô-chan lại nhìn chiếc hộp một cách thèm muốn và nói tiếp:
– Oâi thế nào lớn lên cháu cũng đi bán vé xe lửa thôi!
Bác soát vé nhìn em kỹ hơn:
– Thằng bé nhà bác cũng muốn làm việc ở nhà ga, các cháu sẽ cùng làm với nhau vậy!
Tốt-tô-chan bước sang một bên và trìu mến nhìn bác soát vé. Người bác tròn mập mắt đeo kính vẻ mặt rất phúc hậu.
Tốt-tô-chan đứng chống nạnh, suy nghĩ về cái điều bác soát vé vừa nói: “Hừm! Hừm cháu không phản đối chuyện cháu cùng làm việc với con trai bác đâu”, em nói:
– Cháu sẽ nghĩ kỹ thêm về chyện này. Bây giờ cháu sẽ rất bận vì cháu đang trên đường đi đến trường mới.
Em chạy đến với mẹ đang đứng đợi em và nói to:
– Con sẽ làm một người bán vé, mẹ ạ.
Bà mẹ không tỏ vẻ ngạc nhiên, bà nói:
– Mẹ tưởng con sẽ trở thành một nhà tình báo cơ mà.
Tốt-tô-chan nắm chặt tay mẹ bước đi. Em rất nhớ là cho tới ngày hôm qua, em vẫn còn có ý muốn trở thành một nhà tình báo. Nhưng thật vui xiết bao nếu được làm chủ một cái hộp đựng đầy vé!
– À con nghĩ ra rồi, – một ý hay chợt thoáng hiện ra trong đầu em. Em nhìn mẹ và nói to. – Liệu con có thể vừa làm người bán vé vừa làm một nhà tình báo được không hả mẹ?
Người mẹ không trả lời. Dưới chiếc mũ dạ có đính những bông hoa nhỏ, khuôn mặt đáng yêu của người mẹ trở nên đăm chiêu. Sự thật là bà đang rất lo. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người ta không nhận Tốt-tô-chan vào trường mới? Bà nhìn Tốt-tô-chan đang tung tăng vừa đi vừa nói luôn mồm. Tốt-tô-chan không biết rằng mẹ đang rất lo lắng như vậy, nên khi bốn mắt gặp nhau, em nói một cách rất vui vẻ:
– Con nghĩ khác rồi mẹ ạ. Con sẽ xin vào một ban nhạc nhỏ đi hát rong trên đường phố, quảng cáo cho những cửa hàng mới cơ!
Giọng người mẹ đượm vẻ thất vọng khi bà nói:
– Mau lên con! Kẻo lại muộn bây giờ. Chúng ta không được để thầy hiệu trưởng phải đợi. Đừng huyên thuyên nữa. Hãy nhìn xuống đường và bước đi cho cẩn thận.
Đằng xa, phía trước họ, cổng một ngôi trường nhỏ cứ hiện rõ dần.
Cô bé bên cửa sổ
Lý do khiến bà mẹ lo lắng là mặc dù Tốt-tô-chan vừa mới đi học, em đã bị đuổi ra khỏi trường. Niềm yêu thích đã bị gạt bỏ ngay từ lớp một!
Chuyện xảy ra cách đây mới một tuần. Cô chủ nhiệm lớp Tốt-tô-chan đã mời mẹ em đến. Cô đi thẳng vào vấn đề:
– Con gái bà làm loạn cả lớp tôi. Tôi buộc phải đề nghị với bà chuyển em sang trường khác! – Cô giáo trẻ và xinh đẹp thở dài. – Thực sự tôi không còn cách nào khác!
Người mẹ vô cùng sững sốt. Bà phân vân tự hỏi, Tốt-tô-chan đã làm gì để đến nỗi loạn cả lớp lên?
Cô giáo đưa tay lùa mái tóc cắt ngắn kiểu con trai, đôi mắt chớp chớp lia lịa vẻ lo lắng, và bắt đầu kể rõ:
– Thưa bà, trước hết là chuyện em ấy cứ mở và đóng nắp bàn hàng trăm lần. Tôi có dặn là không em nào được mở và đóng nắp bàn trừ phi phải lấy ra hoặc cất đi một cái gì đó. Thế là con gái bà luôn tay lấy cái này ra, cất cái kia vào – lấy ra hoặc cất vào quyển vở, hộp bút chì, những cuốn sách giáo khoa và những thứ lặt vặt khác của em ấy. Ví dụ khi cả lớp viết bảng chữ cái, con bà mở nắp bàn lấy vở ra rồi đóng sầm lại.
Tiếp đó em lại mở nắp bàn, thò đầu vào, lấy ra chiếc bút chì, rồi lại mau chóng đóng sầm nắp bàn lại, sau đó viết chữ “A”. Nếu em viết bẩn hay viết lỗi, em mở ngăn bàn, lấy cái tẩy ra đóng nắp bàn lại, tẩy chữ đó, rồi lại mở và đóng nắp bàn cất tẩy vào – tất cả các động tác diễn ra rất nhanh.
Khi em viết xong chữ “A”, em đặt từng thứ một vào trong ngăn bàn. Em cất bút chì xong, đóng nắp bàn lại, liền đó lại mở nắp bàn để cất quyển vở vào. Khi viết đến chữ khác, em lại lặp lại từ đầu tất cả – trước tiên là quyển vở, rồi đến cái bút chì, đến cái tầy – mở và đóng nắp bàn với từng thứ một. Những động tác đó làm đầu óc tôi quay cuồng. Và tôi cũng không thể trách em được vì mỗi lần em mở hay đóng nắp bàn đều có lý do cả!
Đôi hàng mi dài của cô giáo chớp chớp như thể cảnh tượng đó đang sống lại trong đầu cô.
Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu người mẹ: Tại sao Tốt-tô-chan lại mở và đóng nắp ngăn bàn nhiều lần như vậy? Bà nhớ lại Tôt-tô-chan tỏ ra rất xúc dộng trong buổi đầu sau khi ở trường về. Em nói: “Trường học thật tuyệt! Bàn học của con ở nhà thì có các ngăn kéo, nhưng bàn hoc ở trường lại có nắp nâng lên. Nó giống như một cái hộp, và mẹ có thể cất mọi thứ vào đó. Thật là thú vị!”
Người mẹ hình dung cảnh con gái mình khoái chí hết mở, rồi lại đóng nắp chiếc bàn mới kia. Và người mẹ cũng không nghĩ rằng việc làm đó là nghịch ngợm. Dù sao thì Tốt-tô-chan cũng sẽ chấm dứt trò mở, đóng nắp bàn khi nó thấy không còn mới lạ nữa. Nhưng bà chỉ nói với cô giáo rằng:
– Tôi sẽ nói với cháu về chuyện này.
Cô giáo nói tiếp giọng to hơn:
– Nếu chuyện chỉ có thế, tôi đã cho qua…
Người mẹ hơi lùi lại khi cô giáo chồm về phía trước:
– Khi đã chấm dứt trò cập kênh với chiếc nắp bàn em ấy lại đứng dậy. Đứng suốt cả buổi học.
– Đứng dậy ư? Ở đâu? – người mẹ vô cùng ngạc nhiên hỏi.
– Bên cửa sổ, – cô giáo trả lời vẻ bực dọc.
– Tại sao cháu lại đứng bên cửa sổ ạ? – người mẹ hỏi một cách bối rối.
– Để em ấy có thể gọi những người hát rong lại, – cô giáo gần như gào lên.
Đại khái câu chuyện của cô giáo là thế này: Sau gần một giờ cập kênh với chiếc nắp bàn, Tốt-tô-chan rời chỗ ngồi đến bên cửa sổ nhìn ra đường phố. Sau đó, đúng vào lúc cô giáo hy vọng rằng, nghĩ đến trật tự, em ấy có thể trở về chỗ ngồi, thì Tốt-tô-chan bỗng gọi to đoàn hát rong ăn mặc lòe loẹt đang đi ngang qua.
Phòng học ở ngay tầng trệt nhìn ra đường phố là niềm vui của Tốt-tô-chan và cũng là nỗi khổ của cô giáo. Chỉ có một hàng rào thấp ngăn cách, cho nên bất kể ai trong lớp cũng có thể nói chuyeejndeex dàng với những người qua lại. Nghe Tốt-tô-chan gọi, những người hát rong đến ngay bên cửa sổ. Cô giáo kể tiếp: Thế là Tốt-tô-chan nói to với cả lớp “Họ đến rồi đấy!” và tất cả học sinh trong lớp ùa đến ngay bên cửa sổ, nói chuyện với những người hát rong.
“Chơi bài gì đi!”, Tốt-tô-chan đề nghị. Và thế là đoàn hát rong, vốn thường đi qua trường lặng lẽ, đã dùng ngay các nhạc cụ như kèn cla-ri-nét, cồng, trống, đàn ba dây biểu diễn cho học sinh xem trong lúc cô giáo tội nghiệp chẳng biết làm gì ngoài việc kiên trì chờ đợi cho đến khi cuộc vui kết thúc.
Cuối cùng, cuộc biểu diễn chấm dứt, đoàn hát rong ra đi, còn học sinh trở về chỗ của mình. Tất cả, chỉ trừ Tốt-tô-chan. Khi cô giáo hỏi: “Tại sao em còn đứng đó?” Tốt-tô-chan trả lời một cách nghiêm túc: “Thưa cô, có thể là ban nhạc khác sẽ đến. Và thật là tiết nếu họ đến mà chúng em không được gặp”.
– Bà có thể nhận thấy những sự việc này gây mất trật tự đến chừng nào rồi, có đúng không? – cô giáo xúc động nói.
Bà mẹ tỏ vẻ đồng tình. Cô giáo lại tiếp tục kể, giọng gay gắt hơn:
– Và sau đó, ngoài những chuyện tôi vừa kể trên…
– Cháu nó còn làm những gì nữa ạ? – bà mẹ hỏi trong tâm trạng của người bị yếu thế.
– Gì nữa ấy à?- cô giáo kêu lên. – Nếu tôi có thể kể hết được những việc mà em đã làm thì tôi không phải đề nghị bà cho cháu chuyển trường.
Cô giáo trấn tĩnh lại, nhìn thẳng vào mặt bà mẹ và lại nói:
– Hôm qua, Tốt-tô-chan lại tiếp tục đứng ở bên cửa sổ như thường lệ. Tôi tiếp tục giảng bài, nghĩ rằng em ấy lại đứng đợi những người hát rong thì bỗng nhiên tôi nghe thấy em ấy hỏi một người nào đó: “Bạn đang làm gì thế?”. Từ nơi tôi đứng, tôi chả nhìn thấy ai và tôi cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó em lại hỏi: “Bạn đang làm gì thế” Em không nói chuyện với người đi trên đường mà với một ai đó ở trên cao kia.
Tôi bắt đầu tò mò và có nghe tiếng trả lời nhưng không thấy gì. Trong lúc đó, vì con gái bà cứ liên tục hỏi “Bạn đang làm gì thế?” nên tôi không thể nào giảng bài được. Tôi đi đến bên cửa sổ để xem con bà đang nói chuyện với ai. Khi tôi ngoái đầu ra ngoài cửa sổ nhìn lên, tôi thấy một đôi chim nhạn đang làm tổ dưới mái hiên của nhà trường. Em đang nói chuyện với đôi chim nhạn! Bây giờ khi đã hiểu các em, tôi không cho rằng nói chuyện với chim nhạn là xấu đâu! Chỉ có điều tôi muốn nói là không nên hỏi chim nhạn đang làm gì khi còn ở trong lớp.
Bà mẹ chưa kịp xin lỗi thì cô giáo đã nói tiếp:
– Sau đó là tiết vẽ. Tôi yêu cầu các em vẽ lá cờ nước Nhật. Tất cả các em khác đều vẽ đúng, chỉ trừ con gái bà. Em không vẽ quốc kỳ mà lại vẽ lá cờ của hải quân, loại cờ có tua xung quanh như bà biết đấy. Theo tôi, vẽ như vậy cũng không có gì là sai. Nhưng ngay sau đó em vẽ những đường diềm ở xung quanh. Vẽ đường diêm! Bà biết không, nó giống như những đường diềm ở cờ thiếu nhi ấy mà. Có lẽ em đã nhìn thấy một chiếc cờ như thế ở một nơi nào đó. Trước khi tôi nhận ra em vẽ như thế nào, thì em đã vẽ đường tua vàng vượt ra khỏi trang giấy xuống mặt bàn. Bà biết không, em vẽ lá cờ gần hết cả trang giấy nên không còn đủ chỗ để vẽ đường diềm nữa. Thế là em cầm cái bút màu vàng vẽ hàng trăm nét quanh lá cờ, vượt cả ra ngoài trang giấy va khi em nhấc quyển vở lên, mặt bàn đã đầy những vệt vàng không thể nào lau sạch được.
Cũng may là em chỉ vẽ những đường đó ở ba phía.
– Cô nói, chỉ có ở ba phía, có nghĩa là thế nào? – bà mẹ lúng túng hỏi.
Tuy đã thấm mệt, cô giáo vẫn ôn tồn giải thích:
– Em ấy vẽ cán cờ ở phía bên trái nên đường diềm chỉ ở ba phía xung quanh thôi.
Bà mẹ phần nào cảm thấy vợi đi nỗi lo lắng:
– Tôi hiểu rồi, chỉ có ở ba phía…
Nhưng phần lớn cán cờ lại cũng vượt ra ngoài trang giấy, và nó vẫn còn để nguyên dấu vết trên mặt bàn. – Sau đó cô giáo đứng dậy, lạnh lùng, nói to như nổ một loạt súng để từ biệt. – Không phải chỉ có tôi bực mình, mà ngay cả cô giáo phòng bên cũng rất khó chịu.
Như vậy rõ ràng là bà mẹ phải làm một việc gì đây. Hành động của con gái bà như vậy là không hay đối với những học sinh khác. Bà sẽ phải đi tìm một trường học nào đó, nơi người ta có thể hiểu được cô con gái nhỏ bé của bà, và dạy cho nó biết cách sống hòa hợp với người khác.
Nhà trường mà hai mẹ con bà đang trên đường đi tới đã được bà phát hiện ra sau khi dày công tìm kiếm.
Bà mẹ không hề nói với Tốt-tô-chan rằng em đã bị đuổi học. Bà nhận thấy rằng Tốt-tô-chan không thể hiểu nổi những việc làm sai trái của em, và bà cũng không muốn con gái bà có những mặc cảm, nên bà quyết định không nói với Tốt-tô-chan về chuyện này cho đến khi nào em lớn lên. Trước sau, bà chỉ hỏi:
– Con có thích đến trường mới học không? Mẹ nghe nói đây là một trường rất tốt.
– Cũng thích mẹ ạ, – Tốt-tô-chan trả lời sau một thoáng suy nghĩ. – Nhưng…
“ Lại còn những gì nữa đây”, bà mẹ lo lắng nghĩ. “Liệu con bà có nhận biết rằng nó đã bị đuổi học không?”
Một lúc sau Tốt-tô-chan phấn khởi hỏi bà:
– Nhưng những người hát rong cũng sẽ đến trường mới chứ mẹ?
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Totto Chan Bên Cửa Sổ với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.