Hành Trình Về Phương Đông mở ra một chân trời mới về Đông Tây gặp nhau, để khoa học Minh triết hội ngộ, để Hiện đại Cổ xưa giao duyên, để Đất Trời là một.
Nội dung cuốn sách
“Hành Trình Về Phương Đông” kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người.
Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chúng kiến nhiều pháp luật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo…của nhiều pháp sư, đạo sĩ…họ được tiếp xúc với những vị thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như Yoga, thiền định, thuật chiêm duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết….
Đúng lúc một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành đang sắp diễn ra với các đạo sĩ bậc thầy, thì đoàn nhận được tối hậu thu từ chính quyền Anh Quốc là phải ngừng ngay việc nghiên cứu, tức khắc hồi hương và bị buộc phải im lặng, không được phát ngôn về bất cứ điều gì mà họ đã chứng nghiệm.
Sau cùng ba nhà khoa học trong đoàn đã chấp nhận bỏ lại tất cả sau lưng, ở lại Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu và cuối cùng trở thành tu sĩ. Trong số đó có giáo sư Salding- tác giả hồi ký đặc biệt này.
Review sách Hành Trình Về Phương Đông
Tuy là một cuốn sách nổi tiếng và phổ biến nhưng theo tôi nó vẫn kén người hiểu và yêu thích. Đã nhiều người đọc và bình luận rằng nó khó hiểu. Theo tôi cuốn sách này sẽ phù hợp với những người tìm hiểu tâm linh, chay tịnh. Thật may mắn vì tôi đã chọn đọc nó đúng thời điểm, nếu là hai năm trước thì có lẽ tôi đã vứt nó qua một bên và chê bai thậm tệ. Cuốn sách như mọi cuộc hành trình khác, đầy gian truân và chứa đựng nhiều triết lý giá trị.
Là một người phương Đông, tôi đã phải tự đánh giá lại tầm hiểu biết của mình. Tôi luôn tự hào là một kẻ hiểu biết nhiều tác phẩm nổi tiếng phương Tây, chạy theo mốt phương Tây, đua đòi lễ hội phương Tây, coi phương Tây như một dòng dõi thượng đẳng mà ít khi quan tâm đến những giá trị từ nơi mình sinh ra.
Trong cuốn sách, tác giả nêu rõ sự đối lập giữa hai nền văn hoá: Phương Đông thì quá nhiều lòng tin, còn phương Tây thì luôn muốn mọi thứ có logic, chứng minh bằng vật chất. Cả hai đều có khiếm khuyết và cần bổ trợ cho nhau. Cuốn sách như mở ra cầu nối giữa khoa học và minh triết, giúp thế giới hài hoà hơn. Những điều khoa học hiện đại chưa thể chứng minh thì các cao nhân Ấn Độ đã thấu tỏ từ hàng ngàn năm trước.
Một số người chê bai cuốn sách này quá ảo, dẫn dắt và đầy mê tín. Nhưng cũng trong chính cuốn sách đã nói: “Bạn giống như một ly nước đầy, có rót thêm cũng chỉ tràn ra ngoài.” Vậy việc đầu tiên là phải đổ bớt nước ra, đồng nghĩa với việc loại trừ định kiến mới có thể thu thập thêm nhiều kiến thức.
Nhân quả thường đến muộn nên ta nhầm tưởng rằng chúng không có thật. Nhưng có vẻ như cuốn sách đã đưa ra những lý luận khá hay để chứng minh nhân quả tồn tại, bằng cách so sánh sự tác động của mặt trăng đối với thuỷ triều, sự hoàn hảo về khoảng cách giữa trái đất, mặt trăng, mặt trời. Chiêm tinh học không khác gì một bộ môn khoa học nhưng đã bị lãng quên từ lâu. Nhân quả bị tác động bởi các vì sao chiếu mệnh và cũng thay đổi bởi chính tác động của bản thân.
Tôi thấy phần đầu cuốn sách rất thuyết phục và lôi cuốn, nhưng càng về sau thì càng ảo và không thể không ngần ngại nghi ngờ. Những điều kỳ dị vô hình không thể chứng minh bằng những câu chuyện suông miệng. Tuy vậy, cuốn sách vẫn luôn hướng đến những điều thiện lành.
Ngày trước tôi là một người khá sợ cái chết, vẫn đầy bám chấp. Nhưng cuốn sách này như xoa dịu nỗi lòng tôi, cảm giác nhẹ lòng hơn. Khi đã thấu hiểu phần nào thì cái chết không còn là đau buồn nữa. Cách trình bày về những lời khuyên răn cũng nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người.
“Tự do tư tưởng không phải là ta muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, mà còn là giải thoát ta ra khỏi các áp lực bắt ta phải suy nghĩ theo một lề lối nào đó.”
Áp đặt suy nghĩ chính là giết chết nhân tài. Vì vậy những người thành công luôn là những người dám nghĩ khác, làm khác.
Bạn cũng sẽ thích
- Ikigai – Đi Tìm Lý Do Thức Dậy Mỗi Sáng
- Bí Mật Và Thực Tế Về Tự Kỷ Ám Thị
- Khởi Nghiệp Kinh Doanh Online
“Chúng ta càng ham muốn thì càng sợ hãi, càng sợ hãi thì càng đau khổ.”
Bất kể cuốn sách tâm linh nào cũng đều nhắc đến việc ham muốn. Tâm không sinh ham muốn sẽ không bao giờ đau khổ. Con người càng ít nhu cầu, ít ham muốn thì cuộc sống càng dễ dàng và tốt đẹp. Cái ham muốn ấy chỉ là ảo, lúc đạt được ta luôn có cảm giác hụt hẫng vì nó không phải cảm giác mà ta nghĩ trước đó. Hạnh phúc tạm bợ mà loài người luôn u mê chạy theo. Họ nghĩ đấy đã là khó khăn lắm rồi. Khó khăn lắm mới mua được căn nhà mà sao chẳng thấy vui? Hạnh phúc vĩnh hằng còn khó hơn gấp trăm ngàn lần nhưng khi đạt đến thì sẽ viên mãn đời đời.
Tóm lại, Hành trình về phương Đông là một cuốn sách chứa đựng nhiều kiến thức bổ ích, triết lý dễ hiểu, nghiêng về tâm linh và niềm tin. Giúp ta biết được những lợi ích từ việc ngồi thiền, tập yoga,… Nếu là người đang bắt đầu tìm hiểu về tâm linh thì bạn nên tìm đọc để tham khảo.