Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không là tự truyện của một bác sĩ bị mắc bệnh ung thư phổi và qua đời trên giường bệnh. Câu chuyện cảm động về cuộc đời vị bác sĩ này từ khi mới bắt đầu học ngành y, tiếp xúc với bệnh nhân cho tới khi phát hiện ra mình bị ung thư và phải điều trị lâu dài sẽ được thuật lại qua cuốn sách này.
Nội dung cuốn sách
Trong cuốn sách, Paul kể về niềm đam mê với văn học, cũng như những băn khoăn của anh về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Chúng đã thôi thúc anh theo học chuyên ngành Tiếng Anh và Sinh học ở Đại học Stanford, Lịch sử và Triết học Khoa học – Y dược ở Đại học Cambridge, và cuối cùng là Y khoa ở Đại học Yale.
Khi đang hoàn thành năm thực tập cuối cùng ở Đại học Stanford trong vai trò bác sĩ giải phẫu thần kinh, Paul Kalanithi bắt đầu nhận thấy các vấn đề sức khỏe như sút cân nhanh và những cơn đau lưng hoặc tức ngực ở các cường độ khác nhau.
Mối quan hệ giữa Paul và vợ anh – Lucy – cũng gặp trục trặc khi Lucy cảm thấy Paul không cởi mở về tình trạng của mình. Những chẩn đoán sau đó đi đến kết luận là Paul bị ung thư phổi di căn giai đoạn cuối.
Ở tuổi 36, khi đang trên đường đến đỉnh cao sự nghiệp, Paul bỗng thấy mình trở thành bệnh nhân trong bệnh viện mà mình từng làm việc. Những ước mơ, dự định của Paul và Lucy cũng vụt biến mất khỏi tầm tay của hai người.
Paul Kalanithi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi vào tháng 5 năm 2013, khi đang là bác sĩ thực tập giải phẫu thần kinh và Phó giáo sư dự bị chuyên ngành thần kinh học ở Đại học Stanford.
Trong quá trình điều trị bệnh, Paul đã chia sẻ cách nhìn và trải nghiệm của anh đối với bệnh tật và y học qua một số bài luận trên các tờ báo The New York Times, The Paris Review và tạp chí Stanford Medicine, đồng thời tham gia phỏng vấn và phát biểu tại nhiều diễn đàn. Bên cạnh đó, anh cũng bắt tay viết cuốn tự truyện kể về hành trình trở thành bác sĩ rồi sau đó là bệnh nhân cận kề với cái chết.
Paul qua đời vào tháng 3 năm 2015, 10 tháng trước khi cuốn sách của anh – “Khi hơi thở hóa thinh không” – được xuất bản. Tiến sĩ Abraham Verghese ghi lời tựa và Lucy Kalanithi – vợ Paul – viết lời kết cho cuốn sách.
Review sách Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không
Một người bình thường khi biết mình mắc bệnh ung thư sẽ không khỏi bàng hoàng tuyệt vọng. Nhưng một bác sĩ được đào tạo để chữa bệnh cho người khác khi biết mình mắc bệnh ung thư sẽ phản ứng và chống chọi ra sao?
Viết lên từ chính cuộc đời mình nên câu chuyện của anh đã được thuật lại theo một phong cách mượt mà, dung dị và đầy cảm xúc. Độc giả cũng được hiểu thêm về triết lý sống, triết lý nghề y của Kalanithi, thông qua ký ức về những ngày anh còn là sinh viên, rồi thực tập, cho đến khi chính thức hành nghề phẫu thuật thần kinh.
“Đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống.” – Kalanithi luôn biết cách đưa vào câu chuyện những suy nghĩ sâu sắc và đầy sự đồng cảm như thế.
Bạn bè và gia đình đã dành tặng những lời trìu mến nhất cho con người đáng kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách này. Dù không thể vượt qua cơn bệnh nan y, nhưng thông điệp của tác giả sẽ còn khiến người đọc nhớ mãi.
Bill Gates cũng bày tỏ tình cảm của mình đối với cuốn sách, nói rằng nó đã làm ông rơi nước mắt dù không phải là người dễ xúc động. Ông viết: “Chắc chắn tôi sẽ đọc lại Khi hơi thở hóa thinh không thêm lần nữa. Cuốn sách đã đưa ra nhiều mâu thuẫn thú vị – như giữa sống và chết, bác sĩ và bệnh nhân, cha và con, sự nghiệp và gia đình, đức tin và lý trí – tôi nghĩ mình sẽ hiểu thêm nhiều điều khi đọc lại cuốn sách lần sau.”
Cuộc chiến đầy nước mắt của Paul Kanithi
Mình tìm đến Khi hơi thở hóa thinh không vào những ngày chán nản của cuộc đời, khi xung quanh đều là những cảm xúc tiêu cực, mình quyết định chìm đắm trong những trang sách để tìm lại bản thân, tìm kiếm những động lực để sống tốt. Những cảm xúc sách mang lại cho mình quá nhiều: từ xúc động đến day dứt sau đó là bài học rút ra từ cuốn tự truyện này. Dưới đây sẽ là những dòng review sách dựa trên cảm xúc của bản thân mình.
Mở đầu cuốn sách là những dòng tâm sự đầy nặng nề của Kalanithi:
“Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chuẩn đoán đã rõ ràng: Hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch. Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm, tôi đã nghiên cứu vô số bản chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của chính tôi.”
Từng là một “thiên thần” cứu rỗi sự sống cho rất nhiều người, giờ đây từ vị trí bác sĩ trở thành bệnh nhân, là một bác sĩ anh hiểu rõ hơn hết căn bệnh này sẽ nhanh chóng cướp đi sinh mệnh của mình. Lúc này anh đành phải giành lấy sự sống nhờ đồng nghiệp của mình mặc dù anh còn hiểu rõ hơn hết tình trạng của mình hơn cả bác sĩ điều trị cho anh.
Nghe thật xót xa, bạn sẽ làm gì nếu biết mình sắp phải chết? Khi nói đến cái chết chúng ta đều sẽ suy nghĩ đến những điểm tiêu cực của cuộc sống. Chết có nghĩa là hết, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa, nhưng đối với Kalanithi thì khác anh rất dũng cảm khi đối diện với nó.
Với kinh nghiệm lâu năm, anh đã chứng kiến rất nhiều người phải tạm biệt thế giới này bằng nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện tại lại chính là Kalanithi, anh hiểu rõ hơn hết cảm xúc của họ và chính bản thân mình đang chuẩn bị phải đối diện với điều gì?
Những gì Kalanithi làm chỉ vỏn vẹn trong hai từ là “dũng cảm” mà thôi nếu là các bạn có thể làm gì khi đứng trước cái chết? Mình thật sự cảm động khi đọc những dòng tự truyện này, trong cuộc chiến đấu với tử thần Kalanithi đã đem tất cả dũng khí của mình để đối diện, anh chiến đấu như một chiến binh thật sự.
Là một bác sĩ đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, căn bệnh ập đến không một thông báo như dập tắt hết tất cả dự định của Kalanithi. Nhưng cách mà Kalanithi đối diện với cái chết làm ai trong mỗi chúng ta đều phải nể phục, bệnh tật không đánh gục tinh thần của anh, nó làm anh trân trọng cuộc sống, trân trọng những ngày cuối đời của mình, thực hiện ước mơ viết lách.
Cuốn sách được viết một cách cẩn thận, tỉ mỉ bởi Kalanithi. Khi hơi thở hóa thinh không sẽ mang đến cho bạn những hoài niệm về sự sống và cái chết. Được sống là một điều tuyệt vời nhất, cuộc chạy đua với bệnh tật của Tác giả sẽ đem lại cho bạn đọc những cảm xúc đặc biệt. Không than vãn một câu, không buông xuôi. Tận hưởng những ngày cuối đời một cách đúng nghĩa là cách Kalanithi đối diện với “án tử” của cuộc đời mình.
“Kalanithi mất vào ngày mùng 9 tháng ba năm 2015 bên cạnh gia đình, bên chiếc giường chỉ cách phòng sinh đẻ nơi con gái Candy của chúng tôi chào đời tám tháng trước đó chưa đầy 200m. Trong khoảng thời gian giữa ngày sinh của Candy và ngày mất của Paul nếu bạn bắt gặp chúng tôi đang ngồi gặm sườn nướng tại một nhà hàng BBQ địa phương và mỉm cười bên ly bia uống chung, bên cạnh là cô gái nhỏ tóc tối màu với hàng mi dài nằm trên xe đẩy, bạn sẽ không bao giờ đoán được rằng cuộc sống của Paul chỉ còn chưa đầy một năm nữa, và chúng tôi cũng không hiểu được điều đó” – Lucy Kalanithi
Khi đọc đến những trang cuốn cùng của cuốn sách mình có chút hụt hẫng vì Kalanithi đã không thể hoàn thành nó mà chính người vợ của anh Lucy đã giúp anh viết nên những trang cuối cùng của cuốn tự truyện ấy. Và điều làm mình thật sự rơi nước mắt chính là những dòng nhật ký mà Lucy viết cho cô con gái của họ là Cady
“Khi một ai đó ra đi, mọi người thường có xu hướng sẽ nói những điều tốt đẹp về người đó. Con hãy nhớ rằng những điều tuyệt vời mọi người đang nói về cha con là thực. Cha con thật sự tốt đẹp và dũng cảm”
Mình tin rằng cuốn sách này sẽ giúp các bạn trân trọng cuộc sống, giúp bạn cảm nhận được mọi khía cạnh của cuộc sống. Ai trong mỗi chúng ta cũng đều phải chết, hãy sống như thể mai là ngày cuối cùng bạn được sống. Sống không đơn giản chỉ là tồn tại mà còn là cống hiến. Mong rằng câu chuyện của Kalanithi sẽ đem đến cho bạn đọc những động lực sống đẹp.