Bắt Trẻ Đồng Xanh là một cuốn tiểu thuyết khá hài hước và chửi bậy nhiều nhất tôi từng đọc. Cuốn tiểu thuyết của Jerome David Salinger, người đã đã chết từ 8 năm trước nhưng lúc đọc tác phẩm của ông ấy thì tôi vẫn cứ tưởng như đang đọc của một gã trẻ trâu nào đấy nhưng lại vô cùng thú vị.
Tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi giọng văn của ông ta nhưng coi đó là cái hay. Bìa sách lúc đầu không làm tôi ấn tượng lắm bởi nó chỉ có mỗi chữ Bắt trẻ đồng xanh, nếu nó là font chữ Arial chắc tôi sẽ chẳng thèm đọc nữa.
Mở trang đầu cũng không rườm rà kiểu “cuốn sách này khai sinh như thế nào, ông này là ai?” mà chỉ có một dòng “Dành tặng mẹ.” Rồi vào câu chuyện ông ấy kể luôn. Lúc đó tôi cũng thấy ngạc nhiên nhưng tiếp tục đọc thì thấy giọng văn ông này rất khôi hài. Tôi nghĩ phần giới thiệu thông tin không quan trọng và ông ta cũng không muốn trở nên quá nổi tiếng nên phần ấy khá đơn giản.
Nhân vật chính là cậu nhóc vừa bị đuổi học là kiểu người chán ghét tất cả mọi người trên đời này và cho rằng tất cả đều giả tạo ngoại trừ cô em gái của hắn. Sự giả tạo ấy trong truyện viết là “bộ tịch.” Lũ bộ tịch ở trường làm cậu ta ngán tận cổ thế là cậu ta để mình bị đuổi. Cậu ta phiêu bạt khắp thành phố, uống rượu và hẹn hò với cô bạn gái, nói về ước nguyện của mình nhưng lại bị đa số chê cười và họ còn chẳng thèm quan tâm đến câu chuyện hão huyền của hắn.
Một vài người quan tâm và khuyên nhủ cậu ta hãy đi học, tìm cho mình một sở thích và tài năng nhưng cậu ta không muốn làm bất cứ nghề nào tương tự như kĩ sư, luật sư,… Cậu cho rằng tất cả những nghề ấy đều để kiếm tiền, ngồi trong xe sang trọng, vào nhà hàng sang trọng và nói những câu chuyện sang trọng bộ tịch.
Tôi cũng rất hoang mang tại sao mình không biết mình thích bất kỳ nghề nghiệp nào ra hồn trước khi đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh. Nhưng khi đọc rồi mới biết không chỉ có mình như vậy, mà đa phần mọi người đều giống như mình, chỉ khác là tôi không thích chơi đuổi bắt với mấy đứa trẻ cả ngày ở ngoài đồng xanh. Các bạn cũng vậy chứ?
Tác phẩm này có quá nhiều từ ngữ tục tĩu, những vấn đề tình dục bừa bãi và tâm lý chán ghét cả thế giới đem đến tiêu cực cho người đọc. Nhưng riêng đối với góc nhìn của tôi, cái tôi quan tâm là tâm lý khác người, ước muốn làm những điều khác biệt. Tôi tin rằng cả xã hội này ai cũng có những điều nổi loạn của riêng mình, cũng có những ước muốn điên rồ nhưng không có đủ điều kiện và can đảm chọn điều ấy. Thế rồi họ trở thành những bản copy mà chính mình chẳng hề muốn thế.
Holden Caulfield, cậu ta không những khinh ghét cả thế giới, cậu ta còn sợ hãi sự tha hoá của con người về danh vọng và đồng tiền.
Đúng vậy, khi cái tôi của bạn càng lớn bạn càng không thể nhìn ra mọi sự một cách hoàn chỉnh được nữa. Bạn sẽ không biết bạn là bạn hay là cái tôi ấy. Bạn sẽ luẩn quẩn và lún sâu vào bản ngã, vô minh. Thế nên ngay từ đầu Holden đã chọn cách lánh xa mọi sự mà anh ta coi là giả tạo.
Bắt Trẻ Đồng Xanh không bao gồm những triết lý cao siêu, chỉ đơn giản là sự đồng cảm với tuổi trẻ, với những hão huyền của riêng mình. Điều ấy không thể chứng minh được những người ao ước hão huyền là những người lười biếng chỉ vì thế giới không làm giống như vậy.
Tôi nghĩ nếu tôi đọc cuốn sách này lúc còn trẻ hơn một chút chắc tôi sẽ rút ra được những điều hống hách của cậu Holden ấy mà học hỏi. May mắn thay, tôi sẽ không cần phải chán ghét tất cả mọi người nữa, bởi những con người sống xung quanh tôi bây giờ chính là sự phản chiếu của chính tôi sau bao thời gian chọn lọc. Tôi không phải sống giữa một thế giới đầy rẫy những người bộ tịch. Chắc chắn cuốn sách này sẽ nằm trong bộ sưu tập những cuốn sách tôi yêu.
Review tiểu thuyết Bắt Trẻ Đồng Xanh
Hút thuốc, chửi tục, phóng khoáng chuyện tình dục và lắm lúc tùy tiện, bất cần là những gì bạn thấy ở Holden Caulfied. Những gì tưởng chừng như lối sống sa đoạ về đạo đức ở 1 người học sinh nhưng ẩn sâu trong đó là tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc.
Cái nhạy cảm ấy giết con người cậu vì khi nhìn vào bất cứ đâu, Holden thấy con người luôn giả tạo. Họ sống chạy theo hào nhoáng của bản thân, theo thực tại tầm thường, theo những gì mà thiên hạ muốn mình theo mà quên mất bản thân mình. Với Holden, những người khác chỉ đang giả vờ làm người, chứ ko thật sống như một con người. Tôi nghĩ bắt trẻ đồng xanh là hình ảnh ẩn dụ về ước mơ đc sống thật của Holden.
Cậu nói cho em Phoebe nghe về mong muốn của mình, rằng cậu đứng trên một tảng đá đặt trong một cánh đồng xanh. Trong ấy, không có người lớn nào ngoài cậu và cậu sẽ bắt những đứa trẻ lại gần tảng đá. Bắt những đứa trẻ hay bắt lấy trái tim sống thuần khiết, đơn sơ, giản dị, hồn nhiên? Quả thật thế giới người lớn đã khiến hình ảnh tự thân của chúng ta vô cùng méo mó, lệch lạc và chạy theo xu hướng. Chúng ta sống giả tạo hơn và lấy làm hãnh diện với cái giả tạo xuẩn ngốc ấy. Nên Holden cứ mơ mình là một đứa trẻ.
Để khỏi phải lớn. Khỏi phải bước vào cái thế giới phức tạp và tự lừa dối mình. Nhưng con người dù có chán nản đến thế nào thì cũng phải học – đó là lời tâm huyết của thầy Antolini dành cho cậu. Khi hiểu biết đủ nhiều ta mới thấy rõ mọi điều. Điều gì hợp và điều gì ko hợp. Điều gì nên theo và điều gì nên buông. Quan trọng hơn là thấy chính mình. Như lời người thầy đã nói “thứ hiểu biết làm trái tim chú rất, rất âu yếm.”
Tôi nghĩ giá trị nhân văn và giáo dục của tác phẩm quá sức lớn lao, nên nó đã vượt mọi lời chửi tục rất nhiều trong đó, để được đưa vào làm chương trình dạy học trong sách giáo khoa ở các trường công Mỹ. (Đức Khải)