Đất rừng phương Nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của một cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.
Nội dung tác phẩm
Câu chuyện mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài…
Cậu bé Nguyễn An sống cùng với cha mẹ tại thành phố những ngày sau ngày độc lập 2-9-1945. Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, đổ quân vào Nam Bộ. Pháp mở những trận đánh khiến cho những người dân sống tại các thành thị phải di tản. An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Cậu nhớ đến một anh bạn đi tàu đã tặng cậu chiếc la bàn mà không kịp mang theo.
Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ. An kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa và có một cuộc sống tuổi thơ vùng nông thôn đầy êm đềm. Nhưng cứ vừa ổn định được mấy bữa thì giặc đánh tới nơi và lại phải chạy. Trong một lần mải chơi, giặc đánh đến và An đã lạc mất gia đình. Cậu trở thành đứa trẻ lang thang.
Ở nơi chợ búa này cậu gặp những người đầu tiên cứu mạng mình. Dì Tư béo bảo cậu về làm giúp cho quán ăn của dì. Thế là từ đó cậu có nơi nương tựa, không còn phải chịu cảnh đói khổ qua ngày. Tại quán ăn dì Tư béo, An có cơ hội tiếp xúc với nhiều người: anh Sáu tuyên truyền, những anh bộ đội, những kẻ Việt gian bán nước như vợ chồng Tư Mắm, những người nông dân chân chất như lão Ba Ngù…
Vợ chồng Tư Mắm làm nghề bán mắm dọc các con kênh rạch. Vợ Tư mắm là một người đàn bà rất xinh đẹp, bà ta muốn mua chuộc An làm tay sai. Một buổi tối An vô tình đọc được những dòng chữ tiếng Pháp viết trong cuốn sổ của vợ chồng Tư Mắm. An biết rằng hai bọn họ là Việt gian. Khi họ hỏi thì An đối đáp rất thông minh rằng mình thấy nó đẹp mà chả hiểu gì. Nhưng dì Tư sau đó lại bảo rằng An biết tiếng Pháp. Vì thế An chạy trốn, hai vợ chồng Tư Mắm đốt cháy quán dì Tư rồi bỏ đi.
Review sách Đất Rừng Phương Nam
Xuyên suốt tập sách, thiên nhiên như ngự trị qua từng con chữ, nhuốm màu sắc sơ khai khó tả. Khu rừng U Minh thượng kỳ vỹ mênh mông mang một vẻ dữ dội, hoang sơ và lộng lẫy lạ thường. Nơi Đại Ngàn đầy nắng muôn loài muôn vật, cây cối cao to xanh rờn mát rượi phủ bóng rợp mặt đất.
Xen lẫn trong đó thoảng mùi ẩm ướt mát lành từ đất và các con lạch nhỏ bé chảy róc rách qua các rặng cây, rồi đổ về nơi sông suối. Ngay cả khu rừng đước cao to với các dòng nước len lỏi đục ngầu cũng dường như hoang dã và ma quái lạ thường dưới lớp sương của màn đêm. Những sinh vật lạ lẫm, khoe ra bộ lông cánh đủ màu, những cũng có những loài khiến người ta run mình bởi sự đồ sộ dữ dằn như chẳng thuộc về trần thế.
Khu chợ Năm Căn như đối lập với U Minh thượng uy nghiêm bởi vẻ tấp nập, lao nhao của những cô gái người Hoa đang bán từng cây chim cuộn chỉ, những người lái buôn ra sức chào hàng, những món hàng hóa thơm lừng sặc sỡ, nơi ánh hoàng hôn kiêu kỳ buông xuống như một giấc mơ.
Tất cả đều khiến cho ta cứ muốn ở lại đây mãi, trong không khí ồn ào nhưng vui tươi tấp nập này nơi mảnh đất Cà Mau. Từng vùng đất, từng cảnh vật nhuốm vẻ đẹp phiêu lưu chảy qua từng ngọn lá , róc rách qua các tảng đá con như khiêu khích trí tò mò của nhân loại.
Tuy nhiên ẩn sau con đường vàng óng đó là những chông gai sừng sững chờ đợi để vượt qua, nhưng “hỡi thiên nhiên dữ dội và nham hiểm, ngươi hãy coi chừng. Không một sức mạnh nào trong ngươi mà con người không khuất phục nổi đâu!”.
Những con người trong tác phẩm vừa chân chính vừa mang vẻ xót xa, từng người một đem cho tôi những xúc cảm khác nhau. Mỗi người họ như lột tả một xã hội thu nhỏ thời Kháng chiến. Bà dì Tư Mắm keo kiệt với giọng nói ngọt ngào sắc lẻm, biết thấu biết tình, luôn kè kè chiếc bóp đen bóng mỡ phình to.
Lão Ba Ngù vui tính hào sảng nhưng có thể trở nên nghiêm túc bất cứ lúc nào. Cậu bé An tinh ranh trải sự đời, lanh lợi và có óc phán đoán khôn lường. Gia đình ông Hai và chú Võ Tòng đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo bị bóc lột đến tận cùng, lang thang chạy trốn bọn địa chủ ác tà từ nơi này sang nơi khác, bị tù đày rồi phải dứt áo ra đi, bỏ cả quê hương nơi chôn rau cắt rốn.
Tuy “ nghèo như chiếc lá rụng xuống sông, nươc đi tới đâu mình theo tới đó! Huống chi bây giờ lại gặp lúc giặc đánh lung tung…”, mặc cho những chiếc gai bề khổ đâm thấu họ, những con người ấy vẫn hào sảng trung hậu, ngay thẳng, một lòng một dạ vì Tổ quốc quê hương đồng bào.
Mỗi lần đọc lại là một trải nghiệm khác nhau, khung cảnh Nam Bộ càng hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết, một ý niệm mới lại nảy sinh trong tâm trí. Điều tuyệt vời luôn quanh ta, từ những dây leo trên tầng thượng hay đơn giản chỉ là cảnh bình minh mà đôi khi diệu kỳ đến lạ. Tình thương non sông ngày càng được bồi đắp, hòa lẫn vào huyết quản, thấm nhuần giá trị của dân tộc Việt Nam đích thực.