Trang chủ / 7 Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffett

Đọc sách 7 Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffett

Review sách 7 Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffet. Tải sách 7 Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffett PDF/EPUB/AZW3

Dưới đây là nội dung cuốn 7 Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffett. Hãy mua cuốn 7 Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffett trên Shopee để ủng hộ tác giả.

CHƯƠNG 1: ĐỊNH HƯỚNG

“Việc luôn có một cái giá niêm yết cho phần vốn của bạn trong doanh nghiệp (cổ phiếu) lúc nào cũng nên được coi là một tài sản để sử dụng nếu muốn. Nếu nó trở nên đủ điên rồ, dù là theo bất kỳ hướng nào, thì bạn nên tận dụng điều đó.”

Hãy tưởng tưởng bạn đang ở Omaha, Nebraska: Đó là một buổi tối mùa thu năm 1956. Elvis vừa xuất hiện lần đầu trên chương trình The Ed Sullivan Show còn Eisenhower thì đang ở Nhà Trắng.

Tối nay, bạn cùng hai mươi người khác sẽ vào một lớp học tại Đại học Nebraska Omaha để dự bài giảng đầu tiên trong khóa học “Nguyên tắc đầu tư”. Thầy giáo của bạn là một chàng thanh niên chạc tuổi đôi mươi tên là Warren Buffett. Rồi bạn chọn ngồi kế người dì Alice của Buffett – một trong bảy nhà đầu tư ban đầu trong thỏa thuận góp vốn đầu tiên của ông.

Tôi muốn coi cuốn sách này là bản mô phỏng của lớp học “Nguyên tắc đầu tư” ngày đó theo cách riêng của nó, dựa trên những bài học mà Buffett đã truyền dạy trong những Bức thư gửi thành viên góp vốn mà ông viết cùng thời điểm với khóa học này. Nó sẽ hướng dẫn cho bạn về những điều cơ bản trong chiến lược đầu tư thông minh, được trình bày qua những trích đoạn quan trọng lấy từ gần bốn mươi bức thư này.

Đó là những năm tháng trước khi Công ty Berkshire ra đời, từ năm 1956 tới năm 1970, khi nguồn vốn của Buffett rất hạn hẹp, còn cơ hội của ông thì thật không giới hạn. Đó là khoảng thời gian, đặc biệt trong những ngày đầu hoạt động của Công ty Hợp danh, khi cũng giống như bạn và tôi bây giờ, Buffett có thể đầu tư vào hầu hết mọi thứ, chẳng có công ty nào là nhỏ bé để mà không hứng thú cả.

Trong suốt những năm 1950 – 1960, ban ngày Buffett tham gia đầu tư còn tối đến lại dạy học. Dì Alice của ông cùng nhiều thành viên góp vốn đều tham gia lớp học đó. Sau khi hoàn thành khóa học của Dale Carnegie nhằm vượt qua những ngần ngại của việc nói trước công chúng, Buffett dùng việc dạy học làm cách để phát triển kỹ năng của mình. Không chỉ vậy, ông còn noi gương người thầy của mình, Ben Graham – ngoài viết thư gửi các nhà đầu tư, ông còn giảng dạy khóa học về phân tích chứng khoán tại Trường Kinh doanh Columbia khi điều hành công ty đầu tư của mình, Graham-Newman.

Nguyên tắc nền tảng của Benjamin Graham

Chẳng có gì tốt hơn để bắt đầu đọc cuốn sách về chiến lược đầu tư thông minh bằng việc tìm hiểu nguyên tắc nền tảng trong cách tư duy của Buffett, nguyên tắc mà các học trò của Graham đều tường tận: Trong ngắn hạn, thị trường có thể và sẽ đôi lúc hoàn toàn hỗn loạn và vô lý, nhưng về dài hạn, chứng khoán sẽ được định giá phù hợp với giá trị nội tại của chúng.

Sách hay khuyên đọc

Buffett sử dụng ý tưởng có phần hơi nghịch lý của thầy mình làm công cụ truyền dạy trong suốt những bức thư bởi ý tưởng này giúp phân biệt rõ được điều những nhà đầu tư thực sự theo đuổi: phân tích việc kinh doanh một cách có cơ sở thống nhất, hợp lý dựa trên tính logic và lý luận đúng đắn để có thể chọn được chứng khoán có lợi nhuận tiềm năng cao nhất với độ rủi ro tương ứng ở mức thấp nhất có thể.

Đó mới là cách tiếp cận của nhà đầu tư dài hạn và hoàn toàn khác việc cố gắng kiếm lời bằng cách đầu cơ dựa trên những điều các nhà đầu tư khác sẽ hay sẽ không làm qua dự đoán những biến động ngắn hạn trong các biến số ở cấp vĩ mô như giá dầu hay lãi suất. Nhà đầu tư, theo đúng nghĩa chúng ta sẽ giải thích, mua doanh nghiệp; còn nhà đầu cơ chỉ “chơi” thị trường mà thôi.

Nhà đầu tư cần học cách coi những biến động ngắn hạn về giá của cổ phiếu như những biến động ngẫu nhiên và tin rằng phần lớn chúng không đáng để quan tâm; khi đó, do chúng được coi là ngẫu nhiên nên chẳng phải cố gắng dự đoán chúng một cách có hệ thống làm gì. Đơn giản đây không phải trò chơi của chúng ta.

Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường sẽ tự điều chỉnh và cuối cùng lại phản ánh tình hình kinh tế của doanh nghiệp trong giá cổ phiếu của nó. Nếu hiểu điều này, nhà đầu tư sẽ chỉ tập trung vào việc phân tích và lập luận thận trọng tình hình kinh doanh dài hạn – đó là điều chúng ta tin rằng cuối cùng sẽ đem lại kết quả trên mức trung bình.

Nguyên tắc nền tảng vĩ đại này xuất phát trực tiếp từ Ben Graham, người thầy, người sếp, người hùng của Buffett và thực tế là người đã phát minh ra việc phân tích chứng khoán. Được mệnh danh là Hiệu trưởng Phố Wall, Ben Graham là một nhà cách mạng, người tiên phong biến những gì được cho là “nghệ thuật đen tối” thành một nghề nghiệp thực sự.

Buffett đã lĩnh hội các ý tưởng của Graham ngay từ lúc tiếp cận chúng – nhiều tới mức ông thậm chí còn đặt tên con trai mình, người sẽ trở thành Chủ tịch không điều hành của Công ty Berkshire Hathaway, là Howard Graham Buffett. Để nắm bắt được các nguyên tắc đầu tư của Buffett, những phần mà không hề thay đổi từ suốt những năm tháng của Công ty Hợp danh tới tận ngày nay, phải hiểu rõ được ý tưởng nền tảng và những ảnh hưởng của Graham đối với Buffett. Mọi chuyện bắt đầu như thế này:

Buffett tốt nghiệp Đại học Nebraska – Lincoln sớm hơn một năm vào năm 1950 khi ông mới 19 tuổi. Sau đó, ông nộp đơn xin học tại Trường Kinh doanh Harvard nhưng được đáp lại rằng sẽ có cơ hội đỗ cao hơn vào trường nếu nộp đơn lại vào mấy năm sau. Tuy nhiên, bị Trường Kinh doanh Harvard từ chối lại là một trong những điều may mắn nhất từng xảy đến với ông. Khi bắt đầu tìm kiếm các trường kinh doanh khác, Buffett tình cờ bắt gặp cuốn catalog của Trường Kinh doanh Columbia.

Từ cuốn catalog đó, ông khám phá ra rằng tác giả của cuốn sách ông ưa thích, Nhà đầu tư thông minh, không chỉ còn sống mà còn đang giảng dạy ở ngôi trường này. Ngay lập tức, Buffett nộp đơn xin học. Nhiều tuần sau (ông nộp đơn vào tháng Tám), ông được nhận vào trường Columbia và chẳng bao lâu sau đó, ông trở thành sinh viên nổi bật nhất trong lớp học của Graham. Bạn chỉ có thể tưởng tượng cường độ truyền thụ tri thức giữa hai người này mà thôi. Graham xây dựng nền móng trí thức cho Buffett, còn Buffett, sinh viên duy nhất đạt điểm A+, góp nhặt mọi thứ thầy Graham truyền thụ.

Sau khi tốt nghiệp, Buffett rất muốn làm việc ở công ty đầu tư của Graham, nhưng, như ông thường đùa, ông bị khước từ vì bị “định giá quá cao” mặc dù ông đề nghị làm việc không công. Lý do thực sự ông không được làm việc tại đó có lẽ phần nhiều là do Graham-Newman là một trong số ít công ty đầu tư do người Do Thái sở hữu; Buffett có thể tìm được một công việc tốt ở nơi khác khi bị Graham khước từ, nhưng những người Do Thái có trình độ cao khác thì có thể không.

Quá thất vọng, ông trở về Omaha cùng cha mình điều hành hãng môi giới chứng khoán; tại đây, ông vẫn tiếp tục theo đuổi ý nghĩ làm việc chung với Graham. Ba năm liền đều đặn gửi thư và các ý tưởng đầu tư chứng khoán cuối cùng cũng có kết quả; người thầy đã động lòng và mời ông trở lại New York vào năm 1954. Buffett không có nhiều thời gian làm việc tại Graham-Newman; bởi chỉ một năm sau khi ông làm việc tại đây, Graham quyết định nghỉ hưu.

Một lần nữa, khi ở tuổi hai mươi lăm, Buffett trở lại Omaha; dù vậy, lần này ông không quay lại công việc môi giới chứng khoán cùng cha mình nữa. Lần này, bất chấp lời khuyên của Graham và cha mình, ông thành lập một thỏa thuận góp vốn đầu tư của riêng mình. Ông cấu trúc thỏa thuận này theo những gì Graham đã thiết lập và vận hành chủ yếu theo nguyên tắc của riêng mình. Graham và Buffett vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi mãi tới khi Graham qua đời năm 1976.

Ngài Thị trường

Lời giải thích giá trị nhất của Graham về tính phi hiệu quả của thị trường ngắn hạn được đúc kết trong khái niệm của ông về “Ngài Thị trường”. Ý tưởng như sau: thị trường chứng khoán có thể được coi như một ông bạn tính khí thất thường, mắc chứng hưng-trầm cảm, luôn sẵn sàng mua hay bán cho bạn một nửa cổ phần trong công ty của mình mỗi ngày. Hành vi của Ngài ấy có thể tự do, vô lý và rất khó dự đoán.

Đôi lúc, Ngài ấy thấy phấn khích và đánh giá cao triển vọng của công ty mình. Khi đó, Ngài ấy sẽ chào bán cổ phần của mình cho bạn ở mức giá cao nhất. Lúc khác, Ngài ấy thấy chán nản và chẳng buồn nghĩ về chính mình hay công ty nữa. Thế là Ngài ấy chào bán cùng cổ phần đó cho bạn ở mức giá hời, thấp hơn nhiều. Đôi lúc, tâm trạng của Ngài ấy lại bình bình. Mặc dù bạn chẳng bao giờ chắc chắn mình tìm thấy Ngài ấy lúc ở tâm trạng nào, một điều bạn có thể chắc là dù bạn có mua bán gì với Ngài ấy hôm nay, thì ngày mai, Ngài Thị trường cũng sẽ trở lại cùng các mức giá hoàn toàn mới.

Nhìn thị trường qua lăng kính từ câu chuyện ngụ ngôn của Graham sẽ bật mí tại sao giá thị trường tại bất kỳ ngày nào cũng sẽ không cho chúng ta hình dung về giá trị nội tại của chứng khoán. Chúng ta phải tìm ra con số đó một cách độc lập và chỉ hành động khi tâm trạng của Ngài Thị trường có lợi cho mình.

Đó là điều mà Buffett đặc biệt nhấn mạnh trong các lá thư của mình khi giảng dạy, “việc luôn có một cái giá niêm yết trên thị trường không bao giờ được phép trở thành một gánh nặng mà theo đó những sai lầm định kỳ của nó sẽ định hình nhận định của mọi người.” Nếu dựa vào giá thị trường để định giá một doanh nghiệp, bạn thường dễ bỏ lỡ cơ hội mua vào lúc Ngài Thị trường thấy chán nán và bán ra lúc Ngài ấy đang phấn khích. Bạn không thể để thị trường suy nghĩ thay cho bạn. Nhà đầu tư biết họ phải tự làm công việc của mình.

Sở hữu một cổ phiếu là sở hữu cả một doanh nghiệp

Tất nhiên, “công việc” ở đây là thẩm định giá trị doanh nghiệp. Trong khi giá trong ngắn hạn phụ thuộc vào tâm trạng của Ngài Thị trường, thì về dài hạn, giá cổ phiếu sẽ bám sát giá trị nội tại của doanh nghiệp. Hay như Graham nói: “Trong ngắn hạn, thị trường giống như một chiếc máy bầu cử, nhưng trong dài hạn, nó giống một chiếc cân hơn.” Điều này là đúng bởi cổ phiếu, theo định nghĩa, là giấy xác nhận phần sở hữu tính trên toàn bộ công ty. Nếu chúng ta có thể định giá được doanh nghiệp đó, thì chúng ta cũng có thể định giá được cổ phiếu của họ.

Về mặt toán học, chắc chắn cổ phần của công ty, khi tổng hợp lại và trong suốt vòng đời hoạt động của nó, phải tạo ra mức lợi suất phù hợp tuyệt đối với kết quả kinh doanh của công ty đó. Đúng, một số cổ đông sẽ làm giỏi hơn nhiều người khác trong thời gian ở giữa tùy thuộc vào thời điểm mua và bán, nhưng tổng hợp lại và cuối cùng, kết quả của những nhà đầu tư giỏi hơn nhờ hiểu biết hay may mắn này sẽ khớp đến từng đồng với số lỗ mà những nhà đầu tư kém hơn do quá ngây thơ hay thiếu may mắn phải chịu.

Do đó, những nhà đầu tư mà có thể dự đoán lợi nhuận trong dài hạn của một doanh nghiệp bằng phân tích hợp lý sẽ có khả năng nhận được cùng mức lợi nhuận dài hạn đó bằng việc sở hữu cổ phần của công ty, với điều kiện họ cần cẩn trọng không trả giá quá cao.

Đó là lý do tại sao nhà đầu tư nên đầu tư trong dài hạn. Qua lời dạy của Buffett, chúng ta học được cách tập trung vào doanh nghiệp, chứ không phải vào việc chọn thời điểm đầu tư trong ngắn hạn sao cho những khoản đầu tư có vẻ như sẽ đền đáp xứng đáng. Như Buffett từng viết, “Diễn biến của thị trường chứng khoán sẽ quyết định, phần lớn, khi nào chúng ta sẽ đúng, nhưng tính chính xác trong phân tích công ty của chúng ta mới phần nhiều quyết định liệu chúng ta có đúng thật không. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng tập trung vào điều gì sẽ xảy ra, chứ không phải khi nào nó xảy ra.”

Ý tưởng này được thống nhất xuyên suốt các bức thư, vì vậy tôi sẽ nhấn mạnh một lần nữa ở đây: Cổ phiếu không chỉ là mấy tờ giấy được mua đi, bán lại, chúng là giấy xác nhận quyền sở hữu đối với một doanh nghiệp, và phần lớn cổ phiếu đều có thể phân tích và thẩm định được. Nếu giá thị trường của doanh nghiệp (cổ phiếu) thấp hơn giá trị nội tại trong bất kỳ khoảng thời gian dài nào, thì các tác nhân thị trường cuối cùng cũng sẽ hành động để điều chỉnh lại việc định giá thấp đó bởi về dài hạn, thị trường là hiệu quả.

“Khi nào” không phải là câu hỏi cần quan tâm bởi nó phụ thuộc vào “Ngài Thị trường” không mấy tin cậy. Vào thời điểm mua, thật khó để biết cái gì sẽ khiến Ngài ấy nhận ra giá trị mà bạn nhìn thấy rõ ràng ở đó. Tuy nhiên, các công ty thường mua lại các cổ phiếu của mình khi thấy chúng quá rẻ.

Trong khi các công ty lớn hơn và các tổ chức góp vốn tư nhân thì thường tìm cách thôn tính các công ty đang được định giá thấp. Khi nhận thức được tiềm năng của những điều này, những người tham gia thị trường thường săn lùng và mua lại các cổ phiếu giá rẻ, nhờ đó giúp loại bỏ việc định giá thấp. Buffett luôn dạy các nhà đầu tư phải tin rằng thị trường rồi sẽ tự điều chỉnh; ông hướng chúng ta tập trung vào việc tìm đúng doanh nghiệp có mức giá phù hợp, và bỏ qua hầu hết việc tính toán thời điểm mua hay thời điểm khoản đầu tư sinh lợi.

Phán đoán thị trường

Một bài học khác Buffett nhấn mạnh là tính khí thất thường của thị trường có thể mang tính ngẫu nhiên, khiến chúng (theo định nghĩa) thường không thể đoán trước. Chỉ đơn giản là quá khó để biết được điều gì sẽ xảy ra trong ngắn hạn, vì thế những quan điểm của ông về các biến số vĩ mô (như cổ phiếu, tỷ giá, ngoại tệ, hàng hóa hay GDP) chẳng tác động gì tới quyết định đầu tư của ông.

Trong các bức thư, ông cũng phê phán những người đưa ra các quyết định mua bán cổ phiếu dựa vào các dự đoán trong ngắn hạn. Ông thích trích dẫn câu nói của Graham: “Đầu cơ không phải là phạm pháp, phi đạo đức nhưng cũng chẳng béo bở gì (về mặt tài chính).”

Tới tận bây giờ, Buffett vẫn luôn trung thành với ý tưởng này. Có quá nhiều biến số phải xem xét. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Phố Wall vẫn tiếp tục thực hiện các dự đoán kiểu này. Bạn chỉ cần bật ti-vi lên sẽ thấy những chuyên gia thị trường này, tất cả đều răm rắp nghe theo lời khuyên đáng báng bổ của Ngài Keynes “vĩ đại”: “Nếu không thể dự đoán tốt, hãy dự đoán thường xuyên.”

Là nhà đầu tư, chúng ta hiểu rằng câu trả lời đúng cho câu hỏi cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, hàng hóa, vv… sẽ như thế nào trong ngày tới, tháng tới, quý tới, năm tới hay thậm chí nhiều năm tới là “Tôi chịu”. Thông qua những hiểu biết sâu sắc của Buffett, chúng ta sẽ học được cách để không trở thành nạn nhân của những ca từ quyến rũ trong các quan điểm “chuyên gia” này và làm loạn danh mục đầu tư của mình, nhảy hết từ dự đoán này sang dự đoán khác và rồi để cho chút lợi nhuận đó bị xâu xé bởi thuế, tiền hoa hồng môi giới và cơ hội ngẫu nhiên. Theo Buffett, các dự đoán thường nói bạn biết nhiều hơn về người dự đoán thay vì về tương lai.

Một cách tự nhiên, lời khuyên tiếp theo sẽ là: Hãy cho phép mình nâng niu lối tư duy “Tôi chịu”. Nó sẽ giúp bạn tránh lãng phí thời gian và công sức quý báu của mình, đồng thời cho phép bạn tập trung vào việc suy nghĩ từ góc nhìn của người chủ sở hữu hay chủ sở hữu tương lai của toàn bộ doanh nghiệp mà bạn sẽ hiểu và thấy rất cuốn hút. Có ai định bán một trang trại chỉ vì nghĩ rằng chắc chắn ít nhất có 65% khả năng là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất trong năm tới không?

Hơn nữa, hãy luôn hoài nghi bất kỳ ai cho rằng họ có thể nhìn rõ tương lai. Một lần nữa, chúng ta lại được nhắc nhở rằng bạn thực sự không thể để người khác tư duy thay bạn – bạn phải tự mình làm điều này. Những cố vấn mà bạn trả tiền, dù có sẵn lòng hay không, sẽ thường chỉ dẫn bạn theo hướng có lợi cho chính họ.

Bản chất con người là vậy. Thành công không tưởng của Buffett trong những năm tháng của Công ty Hợp danh và sau này đều xuất phát từ việc chẳng bao giờ giả bộ biết những thứ không thể biết hay chưa được biết. Lời dạy của ông khuyến khích các nhà đầu tư luôn giữ thái độ bất khả tri tương tự và tự mình suy nghĩ.

Bước lùi có thể dự đoán

Thời điểm một đợt giảm giá lớn trên thị trường xảy ra cũng nằm trong danh sách những điều không thể biết trước. Đây cũng là một nguyên tắc định hướng chủ chốt khác mà Buffett đã đúc kết từ Graham và Ngài Thị trường. Lúc này hay lúc khác, Ngài Thị trường rồi cũng sẽ phải rơi vào khoảnh khắc tâm trạng khổ sở – mà chúng ta hầu như chẳng thể làm gì để tránh bị rơi vào những điểm lún này.

Buffett nhắc nhở các nhà đầu tư rằng trong những thời điểm như vậy, ngay cả một danh mục đầu tư với những cổ phiếu siêu rẻ cũng sẽ đi xuống cùng với thị trường. Ông nhấn mạnh đây là phần không thể tránh khỏi khi sở hữu cổ phiếu và nếu việc giá trị danh mục cổ phiếu sẽ giảm tới 50% làm bạn đau khổ thì bạn cần phải giảm sự tiếp xúc của mình với thị trường.

Tin tốt là đợt giảm giá thị trường lớn thi thoảng xảy ra này không có mấy tác động tới các nhà đầu tư dài hạn. Chuẩn bị tinh thần để thờ ơ trước đợt suy thoái tiếp theo là một yếu tố quan trọng trong phương pháp Buffett đưa ra. Mặc dù chẳng ai biết được thị trường sẽ như thế nào trong những năm tới, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ có ít nhất một vài đợt giảm giá từ 20% tới 30% trong một vài thập kỷ tới. Khi nào những điều này xảy ra cũng không quan trọng lắm.

Điều quan trọng là nơi bạn bắt đầu và nơi bạn kết thúc – bạn có thể dao động giữa những năm tháng lên xuống nhưng kết quả cuối cùng bạn nhận được cũng vẫn thế thôi. Vì xu hướng chung là đi lên, nên miễn là đợt giảm giá nghiêm trọng 25-40% không khiến bạn phải bán tháo cổ phiếu của mình ở mức giá thấp, thì bạn sẽ hưởng lợi tương đối lớn từ cổ phiếu trong dài hạn. Bạn cứ để thị trường lên xuống thoải mái đi, bởi điều đó là không thể tránh khỏi.

Thật không may, những ai chưa có lối tư duy này thường trở thành nạn nhân cho các cảm xúc của chính mình và sợ hãi bán hết đi ngay khi thị trường vừa đi xuống. Theo một nghiên cứu do Fidelity tiến hành, những nhà đầu tư tốt nhất là những người, theo nghĩa đen, quên hẳn các danh mục đầu tư của mình.

Bạn cũng sẽ thích

Trong khi phần lớn các nhà đầu tư ồ ạt bán đi khi thị trường đáng lo hay thậm chí ảm đạm, thì những ai bỏ qua việc bán tháo trên thị trường (hay còn quên hẳn việc họ đang đầu tư) lại có thành tích tốt hơn hẳn.

Đây là một ví dụ tuyệt vời: Để trở thành một nhà đầu tư thành công, bạn cần phải tách biệt phản ứng cảm xúc đối với việc thị trường lao dốc khỏi khả năng nhận thức rằng bạn là một nhà thẩm định giá trị doanh nghiệp dài hạn có lý trí. Bạn không bao giờ được để việc niêm yết giá biến từ một tài sản thành một gánh nặng.

Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách 7 Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffett với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.