Trang chủ / 7 Thói Quen Để Thành Đạt

Đọc sách 7 Thói Quen Để Thành Đạt

Review sách 7 Thói Quen Để Thành Đạt. Tải sách 7 Thói Quen Để Thành Đạt PDF/EPUB

Dưới đây là nội dung cuốn 7 Thói Quen Để Thành Đạt. Hãy mua cuốn 7 Thói Quen Để Thành Đạt trên Shopee để ủng hộ tác giả.

Các nguyên tắc hợp tác sáng tạo

“Tôi lấy niềm tin của thánh thần dẫn đường cho tôi:
trong những vấn đề cốt yếu – là sự đoàn kết;
trong những mặt quan trọng của cuộc sống – là sự đa dạng;
và trong tất cả mọi thứ – là sự rộng lượng.”

Trích diễn văn nhậm chức của Tổng thống George Bush

Khi Winston Churchill được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội Anh để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống phát-xít, ông nói rằng ông đã dành cả cuộc đời mình cho giây phút này. Theo một nghĩa tương tự, sự chuẩn bị là quá trình thực hành tất cả các thói quen khác để có được thói quen đồng tâm hiệp lực.

Đồng tâm hiệp lực là hoạt động cao nhất trong cuộc sống, là sự tập hợp và vận dụng cùng lúc tất cả các thói quen từ 1 đến 5, là sự huy động bốn khả năng thiên phú của con người. Nó tập trung vào động lực của tư duy cùng thắng và các kỹ năng giao tiếp thấu hiểu gay go nhất mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Qua đó, chúng ta có thể vận dụng tất cả mọi thói quen có được để tạo nên thành quả tốt nhất.

Đồng tâm hiệp lực là điều cốt yếu của mô thức lãnh đạo lấy nguyên tắc làm trọng tâm. Nó là chất xúc tác, liên kết và giải phóng những sức mạnh to lớn bên trong mỗi con người. Tất cả các thói quen chúng ta đã có là sự chuẩn bị để tạo ra điều kỳ diệu của đồng tâm hiệp lực.

Vậy, đồng tâm hiệp lực là gì? Nói một cách đơn giản, đó là tổng thể thống nhất bao giờ cũng mạnh hơn từng phần cộng lại. Nó không chỉ là một bộ phận cấu thành mà còn là chất xúc tác mạnh nhất, là sự tập trung cao nhất và là một thể thống nhất chặt chẽ tuyệt đối.

Nó cũng rất thú vị, là vì không ai biết trước kết quả sẽ thế nào. Bạn không thể biết trước những nguy hiểm hay thách thức mới nào đang đón chờ phía trước. Vì vậy, để có được tinh thần đồng tâm hiệp lực, mỗi cá nhân phải có sự an toàn nội tâm mạnh mẽ, phải dũng cảm rời bỏ “vỏ ốc” của mình để đương đầu với những thách thức. Mỗi người sẽ tự mở ra những khả năng mới của chính họ.

Sách hay khuyên đọc

Đồng tâm hiệp lực có mặt khắp nơi trong tự nhiên. Nếu bạn trồng hai cây xanh gần nhau thì rễ của chúng sẽ quyện vào nhau. Cả hai sẽ cùng phát triển tốt hơn so với khi trồng tách ra. Nếu bạn ghép hai miếng gỗ vào nhau, nó sẽ chịu được trọng lực lớn hơn so với từng miếng gỗ. Tổng thể thống nhất bao giờ cũng mạnh hơn từng phần cộng lại. Một cộng một khi đó sẽ bằng ba hoặc lớn hơn.

Vấn đề thách thức ở đây là làm thế nào để áp dụng các nguyên tắc hợp tác sáng tạo mà chúng ta học được từ thiên nhiên vào trong các tương tác của con người?

Cuộc sống gia đình chính là một cơ hội để vận dụng nguyên tắc đồng tâm hiệp lực. Việc người đàn ông và người phụ nữ sống với nhau, sinh ra những đứa con là biểu hiện đơn giản nhất của đồng tâm hiệp lực. Bản chất của sự đồng tâm hiệp lực là đề cao sự khác biệt – tôn trọng sự khác biệt, phát huy các thế mạnh và bù đắp nhược điểm của nhau.

Chúng ta nhìn thấy rất rõ sự khác biệt về thể chất giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng. Nhưng còn sự khác biệt về xã hội, tâm lý và tình cảm thì sao? Liệu những khác biệt này có thể trở thành nguồn lực tạo ra những lối sống mới, hấp dẫn hơn? Liệu chúng có tạo ra một môi trường mới làm hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng sự tự khẳng định cho mỗi cá nhân, tạo ra các cơ hội độc lập và sau đó dần dần chuyển sang tương thuộc? Đồng tâm hiệp lực tạo ra một “kịch bản” mới cho thế hệ sau – một thế hệ hướng nhiều đến phục vụ và cống hiến, bớt đi dựa dẫm, kình địch, ích kỷ; một thế hệ cởi mở hơn, đáng tin cậy hơn, rộng lượng hơn; một thế hệ biết coi trọng tình yêu, biết quan tâm đến người khác cũng như bớt chỉ trích người khác.

1. SỰ GIAO TIẾP ĐỒNG TÂM HIÊP LỰC

Khi giao tiếp với tinh thần đồng tâm hiệp lực, bạn sẽ mở cửa con tim, khối óc và hành vi của mình cho những khả năng và lựa chọn mới. Điều đó có vẻ như là bạn gạt sang một bên Thói quen thứ hai – bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn đang hoàn thiện thói quen đó. Bạn không biết chắc khi giao tiếp đồng tâm hiệp lực, mọi việc sẽ diễn ra như thế nào, hay kết cục sẽ ra sao, nhưng bạn nhất định sẽ cảm nhận được sự hứng thú, an toàn với một chút phiêu lưu, và quan trọng hơn, đó là một kết cục tốt đẹp.

Bạn bắt đầu bằng niềm tin rằng các bên giao tiếp sẽ sáng suốt hơn, tạo đà để tiếp tục học hỏi lẫn nhau nhiều hơn và trưởng thành hơn.

Rất nhiều người chưa thực sự trải nghiệm đồng tâm hiệp lực dù ở mức độ khiêm tốn nhất. Họ được đào tạo và định hình giao tiếp theo lối chống đỡ hay phòng thu, hoặc được dạy dỗ rằng con người không thể sống chỉ bằng lòng tin. Do vậy, họ không bao giờ thực sự mở lòng tiếp nhận Thói quen thứ sáu và các nguyên tắc liên quan.

Đó là một bi kịch, một sự lãng phí, bởi con người có quá nhiều tiềm năng không được khai thác, sử dụng đến. Tệ hơn, một số người chỉ biết sống mòn bên cạnh những tiềm năng đang bị họ bỏ phí. Họ trải nghiệm rất ít về đồng tâm hiệp lực trong cuộc sống.

Những người như thế chỉ lưu giữ một số kinh nghiệm bất ngờ, đột xuất, chẳng hạn khi họ tham gia vào một đội thể thao nào đó. Tinh thần đồng đội trong các trận đấu không hề được họ vận dụng vào các mối quan hệ trong cuộc sống thường nhật. Một số người khác chỉ có thể hợp tác hiệu quả khi rơi vào tình huống khẩn cấp, khi họ tạm gạt bỏ cái tôi và tự ái cá nhân nhằm cứu mạng của một ai đó, hoặc để tìm ra giải pháp cho một cuộc khủng hoảng.

Đối với nhiều người, những sự kiện như vậy hiếm khi xảy ra. Nhưng sự thật không phải như vậy, chúng có thể diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Để có thể đối đầu với chúng, mỗi cá nhân cần có sự an toàn nội tâm, cởi mở và một tinh thần dám mạo hiểm. Hầu hết những nỗ lực sáng tạo đều mang tính chất không dự đoán được. Nếu chúng ta không kiên trì hoặc không lấy nguyên tắc và giá trị nội tâm làm chỗ dựa tinh thần thì sẽ nhanh chóng nản lòng. Chỉ trừ những người đã có quá nhiều kinh nghiệm sống, còn đa số phải vượt qua thử thách mới có được thành công.

2. ĐỒNG TÂM HIÊP LỰC TRONG NHÓM

Là một người có nhiều năm đứng trên bục giảng, tôi tin rằng giới trẻ ngày nay đang chịu nhiều sức ép và mất phương hướng khi gia nhập vào cộng đồng.

Đôi lúc, cả thầy giáo lẫn sinh viên đều không biết chắc về những gì sắp sửa xảy ra. Đầu tiên, chúng tôi còn có được một bầu không khí chan hòa cho phép sinh viên thực sự cởi mở, học hỏi và lắng nghe ý kiến của nhau. Nhưng rồi, hễ có một hiện tượng bất thường nào xảy đến là y như rằng bầu không khí trong lớp trở nên đầy kích động.

Theo thói quen Đồng tâm hiệp lực, tôi và tập thể sinh viên cần phải từ bỏ “kịch bản” cũ và viết ra “kịch bản” mới.

Tôi không bao giờ quên kỷ niệm sâu sắc ở một lớp đại học, nơi tôi dạy về Triết lý và Phong cách Lãnh đạo. Chúng tôi đã bắt đầu học kỳ được 3 tuần. Khi thuyết trình, một sinh viên đã liên hệ với những trải nghiệm rất xúc động và sâu sắc của bản thân. Một không khí thông cảm và tôn trọng bao trùm lớp học – tôn trọng và đánh giá cao trước sự dũng cảm của một cá nhân.

Tinh thần đó trở thành động lực mạnh mẽ cho nỗ lực đồng tâm hiệp lực và sáng tạo. Các sinh viên bắt đầu chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ của mình, kể cả những điều họ còn băn khoăn; chúng tôi đã thành công trong việc cùng nhau dựng nên một “kịch bản” học tập hoàn toàn mới.

Chúng tôi quyết định dẹp qua một bên chương trình học cũ, cả sách giáo khoa và thời gian biểu để xác định các mục tiêu mới cũng như các dự án và nhiệm vụ mới. Chúng tôi rất háo hức chờ mong những giờ học tới – giữa bầu không khí hoàn toàn mới mẻ, hiệu quả và đầy sáng tạo. Ai cũng muốn chia sẻ ý tưởng với người khác. Nhiều nhiệm vụ được thay đổi, nhiều dự án mới được thực hiện, nhiều nhóm làm việc được thành lập. Các sinh viên học tập tích cực hơn nhiều so với lối học cũ, động cơ thúc đẩy cũng hoàn toàn khác trước.

Từ trải nghiệm này, một nền văn hóa đồng tâm hiệp lực độc đáo xuất hiện và không ngừng lan tỏa. Thế rồi, khi gần kết thúc khóa học, chúng tôi quyết định viết một tập san ghi lại những kinh nghiệm rút ra từ mô thức học tập mới.

Cho đến hôm nay, khi gặp lại nhau trong những cuộc họp mặt cựu sinh viên, thầy trò chúng tôi vẫn nhớ như in chuyện cũ và cùng nhau ôn lại những điều tuyệt vời đã xảy ra.

Một điều rất lý thú mà tôi rút ra được là: chỉ với niềm tin cậy lẫn nhau, trong một thời gian ngắn, người ta cũng có thể tạo dựng được sự đồng tâm hiệp lực. Có được điều đó là nhờ vào sự trưởng thành của từng cá nhân, từ kinh nghiệm tích lũy, những sáng tạo mới lạ và hấp dẫn, từ những trải nghiệm thật sự có ý nghĩa.

Nhưng một điều đáng buồn là rất nhiều người dễ dàng bị tổn thương bởi những thất bại ban đầu. Họ tự biện minh để chống lại và cách ly bản thân khỏi sự đồng tâm hiệp lực. Điều đó cũng giống như việc nhà quản trị lập ra các quy tắc và luật lệ dựa trên hành vi của một vài phần tử xấu trong một tổ chức. Bằng cách đó, họ đã hạn chế quyền tự do, tinh thần đồng tâm hiệp lực và khả năng sáng tạo của nhiều người khác – và đôi khi cả đối tác kinh doanh của họ.

Nhớ lại những trải nghiệm khi còn làm công việc tư vấn và đào tạo quản lý, tôi có thể nói rằng những thành tích nổi bật nhất hầu như luôn là kết quả của đồng tâm hiệp lực, xuất phát từ lòng dũng cảm. Từ đó, mọi người sẽ tin cậy nhau hơn, cởi mở và chân thành hơn; quá trình giao tiếp đồng tâm hiệp lực cũng trở nên sáng tạo hơn, làm nảy sinh những ý tưởng sâu sắc mà trong kế hoạch ban đầu không ai nghĩ tới.

Bạn càng đáng tin cậy và chân thành bao nhiêu thì càng có nhiều người tìm đến với bạn. Điều đó càng khiến nhiều người khác nữa tin tưởng bạn hơn, và sự thấu hiểu sáng tạo, tầm suy nghĩ mới, sự học hỏi lẫn nhau cứ thế không ngừng được nhân lên.

Chỉ khi đó, mọi người mới bắt đầu tương tác với nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng thấu hiểu nhau. Những viễn cảnh mới, mô thức mới được mở rộng để đưa ra các phương án, lựa chọn tối ưu. Đôi khi, cũng có những ý tưởng mới ban đầu còn chưa thực tế lắm, nhưng cuối cùng chúng thường đưa đến kết quả thiết thực và hữu ích.

3. ĐỒNG TÂM HIÊP LỰC TRONG KINH DOANH

Tôi có một kinh nghiệm rất thú vị khi cùng các đồng sự xây dựng một tuyên ngôn sứ mệnh cho công ty. Lúc đầu, việc thảo luận diễn ra trong bầu không khí nghiêm trang, dè dặt. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu bàn về các phương án, các khả năng và cơ hội phía trước thì nhiều người tỏ ra cởi mở hơn, mạnh dạn hơn, thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ của mình. Cuộc họp bàn về tuyên ngôn sứ mệnh dần biến thành một hội thảo tự do với những ý tưởng tự phát, trong sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Kết thúc cuộc họp, chúng tôi có được tuyên ngôn sứ mệnh của công ty như sau: “Sứ mệnh của chúng tôi là tạo sức mạnh cho mọi người và mọi tổ chức, để nâng cao đángkể khả năng thực hiện nhiệm vụ, nhằm đạt được những mục đích xứng đáng, thông qua sự hiểu biết và thực hành mô thức lãnh đạo lấy nguyên tắc làm trọng tâm.”

Khi được mời tham gia một hội nghị hoạch định kế hoạch năm cho một công ty bảo hiểm lớn, tôi lại một lần nữa được trải nghiệm sự đồng tâm hiệp lực. Những hội nghị như thế trước đây thường chỉ là những cuộc trao đổi chung chung, mang tính chiếu lệ, thỉnh thoảng lại biến thành những cuộc chiến thắng/thua giữa các cá nhân vô cùng nhàm chán.

Khi tôi nói với ban tổ chức hội nghị về sức mạnh của đồng tâm hiệp lực, họ rất tâm đắc và đồng ý thay đổi cách thức tổ chức cuộc họp. Họ yêu cầu các thành viên viết ra những vấn đề họ bức xúc, theo quan điểm riêng của họ, vào những tờ giấy trắng và không cần đề tên để nộp cho ban tổ chức trước cuộc họp. Năm nay, mọi người sẽ đến hội nghị để lắng nghe chứ không phải để phát biểu, để sáng tạo và đồng tâm hiệp lực với nhau chứ không phải để công kích hay biện hộ.

Chúng tôi dành nửa ngày đầu tiên của hội nghị để nói về các nguyên tắc và thực hành kỹ năng của các Thói quen 4, 5 và 6. Thời gian còn lại dành cho mọi người thể hiện sự đồng tâm hiệp lực sáng tạo.

Thật không thể tin nổi năng lực sáng tạo được giải phóng như thế nào! Sự hứng thú đã thay thế cho sự nhàm chán. Mọi người trở nên hết sức cởi mở với nhau, họ đưa ra nhiều ý tưởng mới, giải pháp mới ở mức độ nhận thức cao hơn. Hội nghị kết thúc trong bầu không khí thật sự hiểu biết lẫn nhau và về các thách thức trọng tâm của công ty. Các kiến nghị ghi ra giấy trước cuộc họp bỗng trở nên lạc hậu. Những quan điểm khác biệt đã được coi trọng và tỏ ra vượt trội. Một tầm nhìn mới bắt đầu hình thành trong tất cả mọi người.

4. ĐỒNG TÂM HIÊP LỰC VÀ VẤN ĐỀ GIAO TIẾP

Đồng tâm hiệp lực rất thú vị. Sáng tạo cũng rất hấp dẫn. Kết quả tích cực mà sự cởi mở, chân thành trong giao tiếp có thể đem lại thật phi thường. Những lợi ích và tiến bộ thu được là chuyện đáng để chúng ta chấp nhận thử thách, rủi ro.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chính phủ Hoa Kỳ bổ nhiệm David Lilienthal đứng đầu Ủy ban Năng lượng Nguyên tử mới. Bên cạnh những thành viên mới, Lilienthal kêu gọi nhóm chuyên gia trước đây của mình cùng tham gia tổ chức này.

Lilienthal đã dành nhiều tuần lễ để xây dựng một tài khoản tình cảm giữa mọi thành viên trong tổ chức. Ông để những người này gặp gỡ, làm quen với nhau, cùng trao đổi những mục tiêu, những khó khăn phía trước. Ông tạo điều kiện để họ có được sự tương tác, gắn bó trong công việc.

Kết quả là nhóm người này trở nên gắn bó nhau chặt chẽ, tôn trọng lẫn nhau, phát huy sáng tạo và luôn thể hiện sự đồng tâm hiệp lực. Khi có bất đồng, thay vì đối đầu và chống đỡ, họ cố gắng để hiểu nhau. Thái độ ứng xử của họ là: “Nếu một người thông minh, có năng lực và có trách nhiệm như anh không đồng ý với tôi, thì chắc chắn phải có lý do, nhưng tôi chưa hiểu, vậy tôi phải tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Tôi cần phải nhìn sự việc bằng cái nhìn của anh để xem xét lại vấn đề”. Thế là một lối văn hóa ứng xử mới đã xuất hiện, do mọi người không cần phải chống đỡ khi tương tác.

Sơ đồ dưới đây minh họa sự tin cậy có quan hệ chặt chẽ như thế nào đến các cấp độ giao tiếp khác nhau.

Image

Mức độ giao tiếp thấp nhất xuất phát từ các tình huống tin cậy thấp mà đặc trưng là sự chống đỡ hay phòng ngự. Chúng ta có thể gặp điều này trong các điều luật – những căn cứ pháp lý, các điều kiện và điều khoản, các phương án thoái lui trong trường hợp xảy ra bất ổn. Vì chỉ dẫn đến quan hệ thắng/thua hay thua/thua và không có sự cân bằng P/PC, sự giao tiếp không có hiệu quả và tạo ra thêm các lý do để tiếp tục phòng ngự, chống đỡ.

Cấp độ giao tiếp ở giữa là sự giao tiếp tôn trọng lẫn nhau giữa những con người khá chín chắn. Họ tôn trọng nhau, và vì muốn tránh khả năng đối đầu nên họ giao tiếp một cách lịch sự. Tuy nhiên, khó mà tìm thấy sự thấu hiểu lẫn nhau ở mức độ giao tiếp này. Họ có thể hiểu nhau trên phương diện lý trí, nhưng không thực sự hiểu về các mô thức của nhau và không cởi mở đối với những cơ hội mới.

Giao tiếp tôn trọng lẫn nhau có tác dụng trong các tình huống độc lập và thậm chí trong các tình huống có tính tương thuộc, nhưng các cơ hội sáng tạo sẽ không được mở ra. Trong các tình huống độc lập, sự thỏa hiệp là lập trường thường thấy, có nghĩa là 1 + 1 = 1(1/2) tức cả hai bên đều phải nhượng bộ. Sự giao tiếp ở đây không có tính chất chống đỡ hay phòng thủ, tức giận hay khống chế; đó là sự giao tiếp trung thực, chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng đó không phải là giao tiếp sáng tạo hay đồng tâm hiệp lực mà chỉ là một hình thức thấp của quan hệ cùng thắng.

Đồng tâm hiệp lực có nghĩa là 1 cộng 1 có thể bằng 8, 16 hay thậm chí hơn nữa. Ở mức độ tin cậy cao, nó đem lại những giải pháp tốt đẹp hơn mọi giải pháp được đưa ra ban đầu, và các bên đều biết rõ điều đó. Hơn thế nữa, họ sẽ có được tinh thần dám nghĩ dám làm một cách chân chính. Trong một số trường hợp, đồng tâm hiệp lực không khả thi và giải pháp “không giao kèo” cũng không thể thực hiện. Tuy nhiên, tinh thần luôn cố gắng một cách chân thành cũng có thể dẫn đến một thỏa hiệp hữu hiệu.

5. TÌM KIẾM MỘT PHƯƠNG ÁN THỨ BA

Để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của các cấp độ giao tiếp đến tính hiệu quả của mối quan hệ tương thuộc, hãy hình dung một kịch bản sau đây.

Vào dịp nghỉ hè, người chồng muốn đưa cả gia đình đi nghỉ tại một vùng quê ven hồ để cắm trại và câu cá. Với anh ấy, đây là sự kiện quan trọng được chuẩn bị cả năm trời. Bọn trẻ cũng đang rất háo hức với chuyến đi này.

Tuy nhiên, người vợ lại muốn tranh thủ kỳ nghỉ này để đi thăm mẹ. Bà ngoại của bọn trẻ đang ốm và ở cách họ khoảng 400 km. Cô ấy ít có dịp đi thăm mẹ nên chuyến đi này rất quan trọng với cô.

Hai sự lựa chọn khác biệt này có thể là mầm mống cho những bất hòa tiếp theo.

“Kế hoạch đã đâu vào đấy cả. Các con đều rất trông mong đến kỳ nghỉ này. Chúng ta đi cắm trại thôi”, người chồng nói.

“Nhưng em muốn được ở cạnh mẹ lúc này. Mẹ đang ốm và chúng ta không biết mẹ còn sống được bao lâu nữa”, vợ anh trả lời, “Đây là cơ hội duy nhất trong năm để cả nhà đi thăm mẹ”.

“Nhưng còn bọn trẻ, chúng sẽ ủ rũ suốt cả tuần lễ ở nhà ngoại và sẽ làm mọi người phiền toái. Vả lại, mẹ đâu có bệnh nặng đến mức như vậy. Và bà còn có chị gái em, chị ấy ở cách đó chưa đến một dặm mà!”

“Em cũng là con. Em muốn ở bên mẹ.”

“Em có thể gọi điện thoại hàng ngày vào buổi tối. Và chúng ta cũng có kế hoạch đi thăm bà vào Giáng sinh này. Em nhớ chứ?”

“Việc đó còn hơn năm tháng nữa. Chưa biết bà có còn sống đến lúc đó hay không. Ngoài ra, mẹ đang muốn có em, mẹ cần có em bên cạnh.”

“Bà đang được chăm sóc tốt. Bọn trẻ và anh cũng cần có em nữa.”

“Mẹ em quan trọng hơn là đi cắm trại.”

“Chồng và các con của em cũng quan trọng không kém mẹ em.”

Cuộc tranh cãi tưởng như không có hồi kết. Nhưng cuối cùng, họ cũng tìm ra một giải pháp: người chồng dẫn các con đi cắm trại và câu cá, còn người vợ về thăm mẹ, mặc dù ít nhiều cả hai đều cảm thấy có lỗi và mất vui.

Với lựa chọn khác, người chồng có thể chiều ý vợ, nhưng sẽ rất miễn cưỡng. Và dù hữu ý hay vô tình, anh cũng có thể vin vào đó để minh chứng cho lời tiên đoán của mình là kỳ nghỉ này rốt cuộc chẳng vui vẻ gì cả.

Người vợ cũng có thể chiều theo ý chồng, nhưng cô ấy cũng cảm thấy bị ép buộc. Nếu như mẹ cô ấy bị bệnh nặng thực sự hoặc qua đời trong lúc họ đi cắm trại thì người chồng sẽ phải ân hận và cô sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ấy.

Vấn đề ở đây là cái nhìn của hai vợ chồng rất khác nhau. Sự khác biệt đó có thể là nguyên nhân làm rạn nứt mối quan hệ vợ chồng. Nhưng nếu cả hai biết khai thác các thói quen của sự tương thuộc một cách có hiệu quả, họ sẽ có cách xử lý vấn đề theo một mô thức hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, sự gắn bó giữa họ sẽ ở mức cao hơn.

Vì có một tài khoản tình cảm ở mức cao nên hai vợ chồng sẽ có được sự tin cậy và sự giao tiếp cởi mở trong quan hệ hôn nhân. Vì có tư duy cùng thắng nên họ sẽ tin vào giải pháp thứ ba – giải pháp các bên cùng có lợi – ưu việt hơn hẳn mọi giải pháp mà mỗi bên đưa ra ban đầu. Vì biết lắng nghe thấu hiểu nên họ sẽ tạo ra được bên trong bản thân một bức tranh toàn diện về những giá trị và mối quan tâm chung cần phải được tính đến khi đưa ra quyết định.

Sự kết hợp các thành phần này – tài khoản tình cảm ở mức độ cao, tư duy cùng thắng và tinh thần lắng nghe thấu hiểu – sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho sự đồng tâm hiệp lực.

Phật giáo gọi đây là “giải pháp trung dung”. Nhưng ở đây, nó có ý nghĩa mang tầm cao hơn sự thỏa hiệp. Để tìm kiếm “giải pháp trung dung”, người chồng và người vợ trong câu chuyện trên cần nhận thức rằng tình yêu, mối quan hệ của họ là một phần của sự đồng tâm hiệp lực.

Khi nói chuyện với nhau, người chồng sẽ thật sự cảm nhận và chia sẻ nguyện vọng của vợ. Anh ấy sẽ hiểu rằng vợ mình muốn san sẻ gánh nặng với người chị trong việc chăm sóc mẹ. Anh ấy sẽ hiểu đúng là điều đó quan trọng hơn việc đi cắm trại.

Và người vợ cũng sẽ hiểu rõ hơn mong muốn của chồng: anh ấy muốn gia đình sum họp và tạo không khí thoải mái cho bọn trẻ vui chơi. Cô ấy sẽ nhận ra sự chuẩn bị công phu của chồng cho kỳ nghỉ và cảm nhận được tầm quan trọng của việc tạo ra những kỷ niệm tốt đẹp giữa họ.

Do vậy, họ sẽ không còn mâu thuẫn nhau trong cách giải quyết vấn đề nữa. Họ sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp thứ ba, đáp ứng các nguyện vọng của cả hai bên.

“Có thể chúng ta thu xếp dịp khác trong tháng này để em về thăm mẹ”, người chồng gợi ý, “Anh sẽ lo việc nhà vào ngày nghỉ cuối tuần và thu xếp để em có thể đi. Anh hiểu, em cần có thời gian cho chuyến đi này.”

Hoặc:

“Chúng ta có thể tìm địa điểm cắm trại và câu cá gần chỗ mẹ em. Địa điểm đó có thể không được đẹp lắm, nhưng bọn trẻ vẫn có thể vui chơi ngoài trời. Chúng ta có thể mời các anh em họ, các dì các cậu của chúng tham gia. Như thế lại càng vui.”

Họ đồng tâm hiệp lực với nhau, trao đổi và thấu hiểu nhau cho đến khi tìm ra một giải pháp chung. Đó là giải pháp giúp xây dựng P và PC. Thay vì giao tiếp giải quyết vụ việc, nó biến thành giao tiếp tạo sự chuyển biến, trong đó cả hai đều nhận được cái mình muốn, đồng thời vun đắp được mối quan hệ hôn nhân.

6. ĐỒNG TÂM HIÊP LỰC TIÊU CỰC

Tìm kiếm giải pháp thứ ba có thể tạo nên biến chuyển lớn về mô thức tâm lý lưỡng phân. Hãy nhìn vào sự khác biệt ở kết quả!

Năng lượng tiêu cực được sử dụng như thế nào khi người ta tìm cách giải quyết vấn đề hay đưa ra quyết định trong một thực tế có tính tương thuộc? Bao nhiêu thời gian bị tiêu tốn cho việc kể tội người khác, cho thái độ kình địch, cho các xung đột giữa các cá nhân? Điều này chẳng khác gì tay lên ga, chân lại đạp thắng trong khi lái xe trên đường.

Trong nhiều trường hợp cần thắng lại, nhiều người lại nhấn ga hết cỡ thay vì nhả ga. Họ tìm cách tăng thêm sức ép, tăng thêm tính thuyết phục để củng cố lập trường của mình. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ những người phụ thuộc lại luôn cố giành phần thắng trong các thực tế tương thuộc. Hoặc họ dựa vào sức mạnh quyền lực để đi đến giải pháp thắng/thua, hoặc tỏ ra “dĩ hòa vi quý” để đi đến giải pháp thua/thắng. Họ có thể nói về kỹ năng cùng thắng, nhưng không thực sự muốn lắng nghe ai cả; họ chỉ muốn khống chế người khác. Cho nên, trong môi trường như vậy, đồng tâm hiệp lực không thể sinh sôi nẩy nở.

Những người có tâm trạng bất an thường suy nghĩ rằng thực tiễn cần phải được sửa đổi để phù hợp với mô thức của họ. Họ rất muốn người khác làm theo họ, suy nghĩ như họ. Nhưng họ không nhận thức được rằng sức mạnh của mối quan hệ chính là ở chỗ có được quan điểm của người khác.

Giống nhau không có nghĩa là nhất thể; đồng dạng không có nghĩa là thống nhất. Thống nhất hay nhất thê bổ sung lẫn nhau, nhưng không giống nhau. Giống nhau thì không có sự sáng tạo và rất nhàm chán. Điều cốt lõi của đồng tâm hiệp lực là luôn quý trọng sự khác biệt.

Chìa khóa cho sự chung sức là đồng tâm hiệp lực với tâm điểm là các nguyên tắc của ba thói quen đầu tiên. Các nguyên tắc này tạo ra sự an toàn nội tâm đủ để chúng ta dám cởi mở lòng mình và sẵn sàng chấp nhận tổn thương. Nhờ lĩnh hội những nguyên tắc này, chúng ta sẽ có được tâm lý rộng lượng của tư duy cùng thắng và nhận thức rõ thói quen thứ năm.

Một trong những kết quả thực tiễn của tư duy lấy nguyên tắc làm trọng tâm là nó làm cho chúng ta hội nhập hoàn toàn. Những người đã được định hình sâu sắc bằng tư duy lô-gíc, bằng lời nói, những ai có bán cầu não trái hoạt động mạnh hơn sẽ nhận thấy tư duy đó không thích hợp để giải quyết những vấn đề đòi hỏi phải hết sức sáng tạo. Khi nhận ra, họ bắt đầu xây dựng một “kịch bản” mới ở bán cầu não phải.

Khi khai thác cả bán cầu não phải vốn thiên về trực giác, sáng tạo và trừu tượng cùng bán cầu não trái thiên về phân tích, lô-gíc và ngôn ngữ, toàn bộ não bộ chúng ta sẽ phát huy tối đa sức mạnh. Nói cách khác, đồng tâm hiệp lực về tâm lý sẽ xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Và yếu tố này tỏ ra thích hợp nhất với thực tế cuộc sống, bởi vì cuộc sống không chỉ có lô-gíc mà còn có tình cảm.

Hôm nọ, tôi có buổi thuyết trình tại hội thảo của một công ty ở Orlando, Florida với đề tài “Quản lý từ bên trái, lãnh đạo từ bên phải”. Cuối buổi, vị chủ tịch công ty đến gặp tôi và nói: “Stephen này, điều anh nói rất hay, nhưng tôi thấy nội dung đó có thể áp dụng vào cuộc hôn nhân của tôi hơn là vào công việc kinh doanh. Vợ chồng tôi đang gặp phải vướng mắc trong cách đối xử với nhau. Liệu ông có thể cùng đi ăn cơm trưa với chúng tôi chỉ để quan sát chúng tôi nói chuyện với nhau, sau đó cho tôi một lời khuyên hay không?”.

“Tôi rất sẵn lòng”, tôi trả lời.

Sau khi ngồi vào bàn, chúng tôi trao đổi với nhau vài câu xã giao. Sau đó, vị chủ tịch quay sang vợ mình và nói:

“Em này, anh mời Stephen cùng ăn trưa với vợ chồng mình để anh ấy xem có thể giúp cải thiện mối quan hệ của vợ chồng mình hay không. Anh biết em muốn anh phải là người chồng nhạy cảm hơn, chu đáo hơn. Liệu em có thể cho biết cụ thể anh cần phải làm gì?” [Bán cầu não trái của ông ấy cần có các sự kiện, con số, chi tiết, và từng bộ phận cụ thể]

“Như em đã nói với anh trước đây, chẳng có gì đặc biệt đâu. Đó chỉ là… cảm giác chung chung của em mà thôi.” [Bán cầu não phải của bà ấy đang nghĩ về cảm giác, về các dạng thức, về cái toàn thể và về mối quan hệ giữa các bộ phận]

“Điều đó có nghĩa là gì? Em muốn anh phải làm gì? Em cứ nói cụ thể anh mới biết phải làm thế nào chứ.”

“Chỉ là cảm giác của em thôi.” [Bán cầu não phải của bà ấy đang liên hệ đến những hình ảnh và cảm xúc] “Em chỉ cảm thấy cuộc hôn nhân của chúng ta không quan trọng đối với anh như anh từng nói với em.”

“Được rồi, thế anh phải làm gì để nó trở nên quan trọng hơn? Hãy cho anh cái gì đó chi tiết, cụ thể hơn để anh thực hiện.”

“Điều đó khó nói bằng lời được.”

Đến lúc đó, anh ấy đảo mắt nhìn sang tôi như muốn nói “Stephen này, anh có chịu nổi cái kiểu mù mờ của cô ấy không?”.

“Em này”, ông ấy nói với vợ, “Đó là vấn đề của em. Và đó cũng là vấn đề của mẹ em. Thực ra, đó là vấn đề của tất cả phụ nữ mà anh biết”.

Rồi ông bắt đầu chất vấn bà ấy như đang lấy khẩu cung.

“Có phải em đang sống trong căn nhà mà em mơ ước?”

“Không phải chuyện đó”, bà ấy thở dài, “Không phải chuyện đó đâu!”.

“Anh biết. Nhưng vì em không chịu nói ra cụ thể là cái gì, anh cho rằng cách tốt nhất là dùng phép loại suy. Em có được sống ở nơi em hằng ao ước không?”

“Em cho rằng như vậy.”

“Em ạ, Stephen đang ngồi đây chỉ vài phút để giúp chúng ta. Em chỉ cần trả lời nhanh ‘có’ hoặc ‘không’. Em có được sống nơi em muốn không?”

“Có.”

“Được rồi. Coi như xong câu hỏi đó. Em có được đầy đủ các thứ tiện nghi em muốn không?”

“Có.”

“Tốt. Em có được làm những gì em muốn không?”

Điệp khúc đó tiếp tục diễn ra một lúc nữa, và tôi cảm thấy mình chẳng giúp được gì. Vì thế, tôi nói xen vào: “Có phải đây là chuyện thường diễn ra trong quan hệ của hai người không?”.

“Ngày nào cũng vậy. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi dường như chỉ có bấy nhiêu”, bà vợ thở dài nói.

Tôi nhìn cả hai vợ chồng, và một ý nghĩ thoáng qua rằng đây là hai người bị chi phối bởi hai bán cầu não khác nhau.

“Ông bà có con không?”, tôi hỏi.

“Chúng tôi có hai đứa.”

“Thế ư?”, tôi hỏi lại, vờ như không tin nổi, “Làm sao ông bà có thể có con được với nhau?”.

“Anh nói thế nghĩa là gì?”

“Hai người phải hòa hợp lắm mới làm nên điều kỳ diệu đó!”, tôi nói. “Một cộng một thường bằng hai. Nhưng ông bà đã lấy một cộng một thành ra bốn. Đó chính là sự đồng tâm hiệp lực. Tổng thể thống nhất lớn hơn tổng của từng phần”.

Ngừng một lát, tôi thốt lên: “Vấn đề ở đây là cần phải coi trọng sự khác biệt của nhau, ông bà ạ”.

7. COI TRỌNG SỰ KHÁC BIÊT

Coi trọng sự khác biệt là bản chất của đồng tâm hiệp lực – đó là sự khác biệt về mặt trí tuệ, tình cảm, tâm lý giữa những con người khác nhau. Và chìa khóa để coi trọng sự khác biệt là phải nhận thức được rằng, ai cũng đều có cái nhìn riêng về thế giới, thực tại khách quan, theo quan điểm riêng của họ, không phải như nó vốn có.

Nếu tôi tưởng rằng thế giới trong mắt mình là như nó vốn sẵn có thì tôi cần coi trọng sự khác biệt để làm gì? Tại sao tôi lại phải bận tâm với những người có quan điểm khác tôi – tức “lầm lẫn”? Mô thức của tôi lúc đó sẽ là: những người khác đều bị vướng vào cái vụn vặt, chỉ có tôi mới nhìn thấy bức tranh toàn cảnh – vì tôi có tầm nhìn cao hơn. Nhưng thật ra, tôi đã bị giới hạn trong mô thức cố định của mình.

Và nếu đó là mô thức của tôi, tôi sẽ không bao giờ bị tác động bởi tư duy tương thuộc.

Người thành đạt cần có sự khiêm nhường và biết tôn trọng người khác để nhận ra những giới hạn nhận thức của mình, và để đánh giá cao những nguồn lực phong phú thông qua sự tương tác với tập thể. Người đó coi trọng sự khác biệt bởi vì nó làm tăng thêm kiến thức, hiểu biết của họ đối với thực tế. Nếu chỉ dựa vào trải nghiệm của bản thân, chúng ta sẽ luôn luôn bị thiếu thông tin.

Liệu có lô-gíc không khi hai người bất đồng ý kiến nhưng cả hai đều đúng? Điều đó là không lô-gíc, nhưng đúng về mặt tâm lý, và có thực. Bạn nhìn thấy hình ảnh một cô gái trẻ, còn tôi nhìn thấy hình ảnh một bà lão. Chúng ta cùng nhìn vào một hình vẽ, và cả hai đều đúng. Chúng ta cùng nhìn vào những đường nét màu đen, những mảng khối màu trắng nhưng lại giải thích chúng theo các cách khác nhau, bởi chúng ta đã bị định hình để giải thích một cách khác nhau.

Nếu không coi trọng sự khác biệt về nhận thức, nếu không coi trọng lẫn nhau và thừa nhận rằng cả hai đều đúng, rằng các mặt cuộc sống không phải lúc nào cũng mang tính quy luật, rằng luôn luôn có thể có giải pháp thứ ba, chúng ta sẽ không bao giờ vượt ra khỏi được giới hạn của sự định hình đó.

Do đó, khi tôi biết được sự khác nhau trong nhận thức của chúng ta, tôi sẽ nói: “Được rồi! Bạn nhìn nó khác với tôi! Bạn hãy giúp tôi thấy cái mà bạn thấy”.

Nếu hai người có cùng ý kiến thì việc bàn luận là không cần thiết. Sẽ không có ích gì cho tôi khi giao tiếp với một người cũng nhìn thấy hình ảnh một bà lão như tôi. Tôi chẳng muốn nói chuyện, trao đổi với ai đó luôn đồng ý với tôi; tôi muốn trao đổi với bạn vì bạn nhìn sự việc khác với tôi. Tôi coi trọng sự khác biệt đó.

Bằng cách đó, tôi không chỉ tăng cường được nhận thức của mình; tôi còn khẳng định được cho bạn. Tôi đem đến cho bạn một bầu không khí tâm lý ôn hòa. Tôi tạo ra môi trường đồng tâm hiệp lực.

Tầm quan trọng của việc coi trọng sự khác biệt có thể được rút ra từ câu chuyện ngụ ngôn hiện đại có tên Trường học dành cho động vật của nhà giáo dục học, Tiến sĩ R. H. Reeves.

Một hôm, các con vật quyết định thành lập một trường học. Chúng áp dụng giáo trình giảng dạy chung bao gồm các môn chạy, leo, bơi và bay. Con vật nào cũng phải học tất cả các môn.

Vịt bơi tốt (trên thực tế nó còn giỏi hơn cả giáo viên dạy bơi) và bay cũng khá, nhưng lại rất kém ở môn chạy. Vì thế, cậu ta phải bỏ môn bơi để tập trung luyện chạy. Việc này kéo dài cho đến khi màng chân vịt bị mòn vẹt, và cậu ta chỉ đạt điểm trung bình môn bơi lội.

Thỏ ngay từ đầu đứng hạng nhất về môn chạy, nhưng lại bị mất tinh thần vì đã phải cố gắng quá nhiều ở môn bơi lội.

Sóc thì xuất sắc về leo trèo cho đến khi thất bại ở kỳ thi bay. Thầy giáo bắt cậu ta phải nhảy từ đất lên ngọn cây, thay vì nhảy từ ngọn cây xuống. Cậu ta bị chuột rút do cố gắng quá sức và nhận được điểm trung bình môn leo trèo và điểm kém ở môn chạy.

Đại bàng là một đứa hư hỏng, phải chịu kỷ luật nghiêm ngặt. Trong việc lên đến được ngọn cây theo yêu cầu của thầy giáo, cậu ta tỏ ra vượt trội hẳn các con vật khác, nhưng lại khăng khăng áp dụng theo cách riêng của mình nên vẫn bị thầy giáo phạt và cho điểm kém.

Bạn cũng sẽ thích

Cuối năm, một con rồng hình thù quái dị, bơi khá nhanh, bay khá giỏi, biết chạy và biết cả leo trèo đã đạt điểm cao nhất. Nó được chọn để Ban giám hiệu tuyên dương toàn trường.

Riêng chó không chịu đến trường vì biết rằng nhà trường không đưa môn đào hang vào chương trình học. Chúng gởi lũ chó con đến học nghề nơi các con chồn và chuột chũi.

Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách 7 Thói Quen Để Thành Đạt với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.