Bạn đang lái xe về nhà và chợt nhận ra rằng mình đã quên mua nước sốt rau, thứ vốn dĩ là lý do chính khiến bạn phải cất công lấy xe để ra siêu thị. Thôi thì bạn cũng có thể mua ở cửa hàng tạp hóa cạnh trạm xăng kế tiếp. Mà thôi, để lần sau vậy.
Suy nghĩ về nước sốt khiến bạn trầm ngâm về giá xăng dầu, dẫn tới đắn đo về những hóa đơn đang còn nợ, từ đó lại nghĩ về việc liệu bạn có thể mua được một chiếc TV mới không, và TV lại gợi nhớ về cái lần mà bạn ngồi xem một mạch hết cả một mùa phim Battlestar Galactica. Cái quái gì thế này? Bạn đã về tới nhà và chẳng còn có chút ký ức nào về hành trình vừa diễn ra.
Bạn vừa mới lái xe về nhà trong trạng thái thôi miên trên cao tốc. Ở trạng thái đó trí óc và cơ thể của bạn dường như tách riêng ra và di chuyển song song với nhau. Khi dừng xe tắt máy, bạn trở lại bình thường. Trạng thái này nhiều khi còn được gọi là sự thôi miên dây chuyền, do nó miêu tả trạng thái bị rơi vào thế giới tâm trí riêng, như
những công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất công nghiệp với các thao tác lặp đi lặp lại nhàm chán. Ở trạng thái này, sự tỉnh táo dần trôi đi, những hoạt động tay chân được đặt vào chế độ tự động, và phần còn lại của tâm trí được tự do suy nghĩ vẩn vơ.
Trải nghiệm chủ quan của bạn luôn được đưa vào hai phần: ý thức và tiềm thức. Ngay lúc này đây, bạn đang thở, chớp mắt, nuốt nước bọt, giữ nguyên tư thế, và giữ cho miệng ngậm trong khi đang đọc cuốn sách này. Bạn có thể lôi những hoạt động trên vào vùng kiểm soát ý thức, hoặc cứ để hệ thần kinh tự chủ điều hành một cách tự động.
Bạn có thể chủ động lái xe xuyên đất nước, luôn tập trung vào những thao tác đạp ga, bẻ lái, đưa ra hàng triệu những quyết định nhỏ cần thiết để tránh gặp tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc, hoặc bạn cũng có thể vừa lái vừa hát vang với những người bạn ngồi trên xe, trong khi để nhiệm vụ lái xe cho những phần tự động của bộ não xử lý. Bạn chấp nhận phần tâm trí tiềm thức này như một phần thiết yếu kỳ lạ của bản thân, nhưng lại thường coi nó là một thực thể nguyên sơ riêng biệt, nằm bên dưới lớp ý thức, và chẳng gây ảnh hưởng gì tới hành động của bạn.
Khoa học đã cho thấy điều ngược lại.
Một ví dụ tuyệt vời chứng minh cho tác động mạnh mẽ của tiềm thức đã được đưa ra trong nghiên cứu của Chen-Bo Zhong tại Đại học Toronto và Katie Liljenquist tại Đại học North Western. Nghiên cứu này đã được xuất bản trong một bài báo trên tạp chí chuyên đề Science, số ra năm 2006.
Trong nghiên cứu này, hai nhà khoa học đã yêu cầu những người tham gia kể về một lỗi lầm khủng khiếp trong quá khứ, một việc họ đã làm trái với đạo lý. Các nhà nghiên cứu đã để những người này miêu tả về cảm giác của bản thân, sau đó bảo một nửa số người tham gia đi rửa tay.
Cuối buổi, họ hỏi những người này có sẵn lòng tham gia một nghiên cứu không trả công để giúp đỡ một nghiên cứu sinh nghèo hay không. 74% trong số những người không rửa tay đồng ý tham gia, trong khi đó, ở nhóm đã đi rửa tay thì con số này chỉ là 41%. Theo như phân tích của các nhà nghiên cứu thì nhóm này đã rửa đi cảm giác tội lỗi của mình một cách vô thức và nhu cầu làm việc thiện để sám hối đã bị giảm bớt.
Các đối tượng nghiên cứu không thực sự gột rửa cảm giác tội lỗi của mình và cũng không hề ý thức rằng mình đã làm vậy. Việc rửa ráy có ý nghĩa rộng lớn hơn là động tác giữ vệ sinh đơn thuần. Theo Zhong và Liljenquist, hầu hết các nền văn minh trong lịch sử đều sử dụng các ý niệm về sự sạch sẽ và thanh khiết cùng những từ đối nghịch diễn tả sự bẩn thỉu hay ô uế để nói về cả trạng thái vật chất lẫn tinh thần của con người. Rửa sạch là một phần không thể thiếu trong nhiều nghi lễ tôn giáo, và cũng là từ được dùng với ý nghĩa ẩn dụ trong ngôn ngữ hàng ngày.
Giống như việc chúng ta hay so sánh những việc xấu xa là việc làm bẩn thỉu, hay gọi những kẻ xấu là lũ cặn bã vậy. Thậm chí, khi cảm thấy phẫn nộ vì hành vi xấu xa của người khác, gương mặt bạn cũng sẽ mang biểu cảm như khi nhìn thấy cái gì đó gớm ghiếc.
Một cách vô thức, những người tham gia thí nghiệm này đã kết nối việc rửa tay với tất cả những ý niệm có liên hệ tới hành động này, và sự liên hệ đó đã ảnh hưởng lên hành vi của họ.
Việc một tác nhân trong quá khứ ảnh hưởng đến cách mà bạn hành xử, suy nghĩ, hay nhìn nhận các sự việc khác sau này được gọi là mồi tiềm thức. Mỗi nhận thức bạn có về thế giới xung quanh, dù bạn có ý thức được về nó hay không, cũng sẽ kích hoạt một loạt những ý niệm có sẵn trong não bộ. Bút chì khiến bạn nghĩ tới bút máy. Bảng đen làm bạn liên tưởng tới lớp học. Điều này xảy ra mọi lúc mọi nơi, và mặc dù bản thân bạn không nhận ra, nó vẫn tác động đáng kể lên hành vi của bạn.
Một trong những nghiên cứu chỉ ra được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tiềm thức lên suy nghĩ và hành vi của bạn, cũng như chứng minh được rằng thực chất, bạn rất dễ bị thao túng bởi mồi tiềm thức đã được Aaron Kay, Christian Wheeler, và John Barghand Lee Ross thực hiện vào năm 2003. Người tham gia đã được chia thành hai nhóm và được giao nhiệm vụ nối hình ảnh với từ miêu tả.
Một nhóm làm việc với những hình ảnh trung tính như con diều, cá voi, gà tây, v.v. Nhóm còn lại thì được giao cho những bức hình và miêu tả của các đồ vật liên quan tới giới kinh doanh như cặp tài liệu hay bút máy. Sau đó, tất cả được đưa vào những căn phòng riêng và được phổ biến rằng họ sẽ xếp cặp với một người tham gia khác. Thực chất thì người tham gia thứ hai này là diễn viên và biết hết về thí nghiệm đang diễn ra. Sau khi ổn định, người tham gia được thông báo rằng họ sẽ được chơi một trò chơi với phần thưởng lên tới 10 đô-la.
Các nhà nghiên cứu đưa ra một chiếc cốc với hai mẩu giấy, một ghi là đề nghị, mẩu còn lại ghi quyết định. Ai bốc được mẩu giấy đề nghị sẽ được nhận cả 10 đô-la và được tùy ý lựa chọn cách chia số tiền này với người còn lại. Người bắt được lá thăm quyết định sẽ có quyền quyết định xem có chấp nhận đề nghị chia chác đó hay không. Nếu họ từ chối thì cả hai sẽ chẳng được gì.
Đây được gọi là trò chơi tối hậu thư. Nhờ có tính dễ phỏng đoán nên nó đã trở thành công cụ ưa thích của các nhà tâm lý học và kinh tế học. Những lời đề nghị chia chác dưới 20% tổng giá trị giải thưởng thường sẽ bị từ chối ngay.
Tất cả các đối tượng tham gia trong thí nghiệm này đều không biết rằng cả hai lá thăm trong cốc đều ghi là đề nghị, và diễn viên sẽ giả bộ như họ đã bốc được mẩu giấy quyết định. Như vậy là tất cả những người tham gia đều bị đặt vào tình huống phải đưa ra một đề nghị sao cho hợp lý, không thì họ sẽ bỏ lỡ chút tiền chùa. Và kết quả đáng kinh ngạc của thí nghiệm này đã giúp các nhà nghiên cứu có thể khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của mồi tiềm thức.
Vậy hai nhóm tham gia khác nhau thế nào? Kết quả là trong nhóm làm việc với những hình ảnh trung tính trước khi chơi trò tối hậu thư, 91% số người đã chọn chia đều số tiền. Trong khi đó, ở nhóm còn lại, sau khi xử lý những hình ảnh liên quan tới giới doanh nhân, chỉ có 33% đưa ra đề xuất chia đều. Số còn lại cố chia sao cho mình được nhiều hơn một chút.
Các nhà khoa học đã tiếp tục thực hiện thí nghiệm này một lần nữa, nhưng với đồ vật thật thay vì hình ảnh và từ miêu tả. Họ cho một nhóm người chơi trò tối hậu thư trên trong một căn phòng có đầy những đồ vật liên quan tới giới kinh doanh: một chiếc cặp da và bộ hồ sơ để trên bàn, kèm theo những chiếc bút máy trong ống bút. Nhóm còn lại thì ngồi trong căn phòng với các đồ vật trung tính như balo, hộp bìa, bút chì gỗ.
Lần này thì 100% những người trong nhóm trung tính đưa ra đề xuất chia đều số tiền, trong khi chỉ 50% số người trong nhóm còn lại làm như vậy. Một nửa trong số những người ngồi gần các đồ vật gợi nhớ tới việc kinh doanh đã cố gắng để mình được lợi nhiều hơn đối phương.
Khi được hỏi về lý do cho hành vi của mình trong thí nghiệm, tất cả những người tham gia đều không hề nhắc tới các đồ vật có trong phòng. Thay vào đó, họ nói về những vấn đề khác, ví dụ như về cảm xúc tức thời của họ, hay là quan niệm thế nào là công bằng và bất công. Một số người còn miêu tả về ấn tượng của họ với đối phương, và cho rằng chính điều này đã ảnh hưởng lên quyết định họ đưa ra.
Chỉ một sự tiếp xúc đơn thuần với những chiếc cặp da và bút máy đắt tiền đã có thể khiến cho hành vi của những con người bình thường bị ảnh hưởng tới như vậy. Họ trở nên cạnh tranh hơn, tham lam hơn, và bản thân không hề nhận ra điều đó. Khi đối mặt với việc phải giải thích, họ cố gắng hợp lý hóa hành vi của mình bằng những lý do không có thật mà họ tự tưởng tượng ra.
Nhóm các nhà khoa học đó tiếp tục làm lại thí nghiệm trên theo các cách khác. Họ cho người tham gia chơi trò điền chữ cái còn thiếu. Và một lần nữa, 70% số người trong nhóm có tiếp xúc với tác nhân liên quan tới việc kinh doanh đã điền những từ như c_n___anh thành cạnh tranh, trong khi chỉ có 42% trong nhóm còn lại đưa ra đáp án tương tự. Khi được cho xem một cuộc hội thoại không rõ ràng giữa hai nhân vật nam đang cố gắng tìm tiếng nói chung, những người trong nhóm thứ nhất cho rằng đó là một cuộc thương lượng, trong khi nhóm thứ hai lại nghĩ hai nhân vật đang cố gắng thỏa hiệp. Trong mọi thí nghiệm, tâm trí của những người tham gia đều đã bị ảnh hưởng bởi mồi tiềm thức.
Tất cả những vật thể bạn gặp trong cuộc sống đều có khả năng kích hoạt một loạt những liên hệ chớp nhoáng trong tâm trí. Bạn không phải là một chiếc máy tính nối với hai cái camera. Thực tế cũng không phải là một khoảng chân không, nơi bạn có thể quan sát rõ ràng mọi thứ hiện hữu ở xung quanh mình. Mỗi giây trôi qua, chính bản thân bạn cũng đang xây dựng một thực tế riêng trong tâm trí mình, sử dụng những ký ức và cảm xúc xoay quanh khả năng cảm thụ và nhận thức; tất cả những điều này tạo nên một chuỗi dài ý thức chỉ tồn tại trong hộp sọ của bạn mà thôi.
Một số vật thể có ý nghĩa tinh thần, ví dụ như chiếc nhẫn đồ chơi người bạn thân nhất tặng bạn hồi trung học, hay như đôi găng len do chị gái bạn đan. Những thứ khác có ý nghĩa văn hóa hoặc ý nghĩa phổ biến, ví dụ như mặt trăng, một con dao, hay một chùm hoa nhỏ. Chúng luôn ảnh hưởng tới bạn, dù bạn có để ý hay không, và nhiều khi chúng len lỏi quá sâu vào bộ não khiến cho bạn chẳng bao giờ nhận ra được.
Một phiên bản khác của thí nghiệm nói trên sử dụng mùi hương. Vào năm 2005, nhà nghiên cứu Hank Aarts tại Đại học Utrecht đã cho những người tham gia trả lời một bảng những câu hỏi. Sau khi trả lời xong thì họ sẽ được ăn một chiếc bánh quy. Nhóm thứ nhất thực hiện thí nghiệm trong một căn phòng thoang thoảng mùi của chất tẩy rửa, trong khi nhóm thứ hai ngồi trong một căn phòng không có mùi gì. Kết quả là những người thuộc nhóm bị mồi bởi mùi chất tẩy rửa sau khi ăn bánh đã lau chùi nhiều gấp 3 lần so với nhóm còn lại.
Hay như trong nghiên cứu của Ron Friedman, đối tượng tham gia chỉ được nhìn thấy chứ không được phép uống nước tăng lực hoặc nước đóng chai. Và kết quả cho thấy những người được tiếp xúc với hình ảnh của nước tăng lực có khả năng chịu đựng các bài tập yêu cầu thể lực lâu hơn so với nhóm còn lại.
Mồi tiềm thức sẽ có tác dụng nhất khi bạn ở trong trạng thái lái tự động, hay chính xác hơn là khi bạn không cố gắng chủ động đưa ra các lựa chọn để điều khiển hành vi của mình. Khi mà bạn không chắc là mình phải làm gì thì những ý tưởng gợi ý sẽ trồi lên từ phần sâu thẳm trong tâm trí, nơi luôn chịu tác động mạnh mẽ của mồi tiềm thức. Thêm nữa, bản thân bộ não của bạn rất ghét sự nhập nhằng nên nó sẽ chấp nhận việc chọn con đường ngắn nhất để thoát khỏi trạng thái lưỡng lự. Khi không có phương án nào rõ ràng thì bạn sẽ chọn trong số những cái có sẵn. Khi không nhận ra được khuôn mẫu nào, bạn sẽ tự tạo một khuôn mẫu riêng.
Trong những thí nghiệm nói trên, bộ não của những người tham gia đã bị đặt vào tình huống nơi không có gì cụ thể để sử dụng làm manh mối quyết định trạng thái của tiềm thức, nên nó đã tập trung vào những vật thể liên quan tới kinh doanh và mùi hương của sản phẩm tẩy rửa. Vấn đề duy nhất là phần ý thức của những đối tượng tham gia không nhận ra được điều đó.
Bạn cũng sẽ thích
- Người Nam Châm – Bí Mật Của Luật Hấp Dẫn
- Khí Chất Bao Nhiêu Hạnh Phúc Bấy Nhiêu
- Vị Tu Sĩ Bán Chiếc Ferrari
Bạn không thể tự mồi bản thân, ít nhất là không thể làm điều đó một cách trực tiếp. Việc này phải diễn ra trong tiềm thức; chính xác hơn thì nó phải diễn ra trong trạng thái được các nhà tâm lý học gọi là tiềm thức thích nghi (adaptive unconscious).
Đây là vùng lãnh địa trong tâm trí mà ý thức của bạn ít khi xâm nhập vào được. Khi bạn lái xe đường dài, chính phần tiềm thức thích nghi là nơi diễn ra hàng triệu những tính toán cần thiết, dự đoán các tình huống, đưa ra những vi quyết định, điều chỉnh cảm xúc và điều hòa các cơ quan trong cơ thể. Nó làm hết tất cả những việc nặng nhọc, để phần tâm trí có ý thức của bạn tự do suy nghĩ mạch lạc và đưa ra những quyết định ở tầm vĩ mô. Có thể nói rằng: Trong bạn lúc nào cũng tồn tại hai tâm trí cùng lúc, một phần là ý thức duy lý ở bậc cao, và phần còn lại là tiềm thức cảm xúc lẩn khuất ở bậc thấp.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.