Ngày gả con gái là ngày trọng đại, đích thân Ông Trùm ra đón khách tận bậc cửa lớn. Toàn bạn bè quen thân, tin cậy cả, trong số đó thiếu gì kẻ nhờ giúp đỡ mà làm nên sự nghiệp, nhân dịp vui mừng này mới dám gọi tiếng Bố Già thân mật?
Giúp đỡ đám cưới toàn là bạn bè tự động chạy tới. Chẳng hạn như khoản rượu, tất cả mọi thứ rượu đã có một ông bạn già bao hết, lại còn xung phong lãnh chân barman. Dọn bàn ghế, bưng thức ăn là đám bạn của mấy đứa con trai. Nấu cỗ là Bà Trùm và mấy bà bạn trong khi bồ bịch cô dâu lãnh vụ treo đèn kết hoa tưng bừng đầy một khu vươn nửa mẫu.
Đã là khách thì Ông Trùm tiếp đón như nhau hết, tuyệt không có kẻ khinh người trọng. Xưa này vẫn vậy. Đặc biệt hôm nay Ông Trùm lên bộ đồ lớn cắt thật khéo, chạy tới chạy lui lăng xăng nên anh nào không biết dám tưởng bậy là chú rể lắm!
Đứng sau Ông Trùm là hai trong số ba đứa con trai. Đứa lớn tên Santino nhưng trừ ông bố ra ai cũng gọi tắt Sonny. Cậu cả này bị các bậc cha chú kỵ lắm nhưng bọn trẻ lại khoái. Gốc Ý, mới nhập tịch dân Mỹ có một đời mà vóc dáng được như hắn có thể gọi là lớn con: Sonny cỡ thước tám nhưng nhờ mớ tóc quăn dày cộm trông cao hơn nhiều.
Khuôn mặt hắn đều đặn và rõ nét đa tình, miệng rộng môi dày và cằm lại lẹm vô một chút nên trông càng dâm. Người hắn hùng hục như trâu đến nỗi mụ vợ khốn khổ cứ nhác thấy cái giường là hết hồn! Người ta còn đồn rằng hồi còn nhỏ cậu Sonny đi chơi bời đã vô động nào thì chỉ những em lỳ lợm, gân guốc nhất mới dám tiếp và chị em nào cũng nằng nặc tăng giá gấp đôi hết.
Mấy bà sồn sồn hông to miệng rộng thấy cậu cả là tha hồ ngắm nhưng đặc biệt trong đám cưới này có ngắm cũng vô ích. Vì dù có mặt cả vợ hắn và ba đứa con nhỏ, Sonny vẫn ngấp nghé cô bé phù dâu Lucy Mancini đang ngồi đây kia, rực rỡ trong bộ phù dâu màu hồng, mớ tóc đen nhánh cài một vòng hoa. Làm gì cô nàng không biết? Suốt một tuần nay hai đứa nhấm nháy nhau chán chê và sáng hôm diễn tập trước bàn thờ Chúa nàng còn bấm tay chàng một phát. Phù dâu bạo đến thế là cùng.
Đối với em Lucy thì chẳng cần anh Sonny phải hách như ông già. Mạnh khỏe, gan dạ đủ rồi. Tính hắn rộng rãi, bụng dạ cũng hào sảng chớ đâu phải chỉ giỏi cái khoản kia? So với Ông Trùm thì Sonny thiếu đứt nết khiêm nhượng, dễ giận, dễ cáu, quyết định nông nổi. Vì vậy trong công việc làm ăn hắn giúp bố rất đắc lực mà ít ai tin một ngày kia hắn sẽ là người kế vị.
Cậu hai Frederico, gọi tắt là Fred có thể nói là đứa con trai trong mộng của mọi gia đình Ý. Chăm chỉ, có hiếu, bố gọi đến là dạ ngay. Ba mươi tuổi đầu vẫn chưa vợ, vẫn ở chung với bố mẹ. Không hề cãi lại, không dám dây dưa với cô nào để gây phiền phức cho gia đình. Người tầm thước, mặt mũi không được bảnh trai nhưng cũng phảng phất nét đa tình nghĩa là mái tóc xoăn rậm, cặp môi chì dầy thưỡi ra.
Típ người Fred chẳng phải trời sinh ra để chỉ huy. Hắn mềm quá, thiếu hẳn cái dũng lực buộc người khác phải tuân lệnh nên chắc chắn việc kế nghiệp chẳng bao giờ đến hắn.
Đứa con trai út trong nhà, cậu ba Michael không đứng cùng hai anh phía sau lưng Ông Già mà ngồi riêng một nơi, ở tuốt góc vườn. Nhưng có ngồi tách ra vẫn cứ bị thiên hạ chú ý như thường vì cả nhà chỉ có một mình hắn là dám cưỡng lệnh Ông Trùm. Trông hắn không đa tình như hai anh, mái tóc đen láng chớ không xoăn. Da mịn như con gái nên hắn đẹp trai một cách thanh tú. Hồi còn nhỏ Ông Trùm cứ e ngại thằng út quá nhiều nữ tính, mãi đến năm nó 17 tuổi ông mới yên chí.
Chủ ý của Michael là tuyệt đối không muốn dính dáng đến việc nhà, không dây dưa vào công việc làm ăn của bố nên ngồi cũng ngồi tách ra một nơi. Bên cạnh hắn là cô bồ cả nhà chỉ nghe nói, mãi hôm nay hắn mới dẫn về. Michael giới thiệu rất chững chạc nhưng xem ra chẳng ai khoái vì nhà này quả không hạp với típ đàn bà con gái Mỹ. Họ chê cô này gầy quá, mặt mũi “trí thức” quá mà cứ chỉ quá luông tuồng. Ngay cái tên nghe cũng lạ tai rồi, đàn bà con gái gì mà tên Kay Adams? Nó Mỹ quá, ngắn ngủn quá… nghe không vô.
Ông Trùm làm như không chịu Michael, điều đó thấy rõ. Chẳng là hồi trước hắn là con cưng trong nhà, sẵn sàng kế nghiệp sau này vì hắn giống bố in hệt ở chỗ ngoài sự khôn ngoan còn có một quyền lực tiềm ẩn, làm như trời sinh ra để làm lãnh tụ, hễ cất tiếng nói là thiên hạ không nghe không xong vậy.
Có điều chiến tranh vừa bùng nổ là cậu ba Michael hăng hái nhảy ngay vô Thủy quân lục chiến, coi lệnh cấm của bố như không có. Ai chớ Ông Trùm đời nào chấp nhận để cho thằng con trai út nhào đầu vô chỗ chết, phục vụ cho những thằng ở đâu đâu và hy sinh lãng nhách như vậy? Lập tức có màn tung tiền ra vận động ngầm, lo lót bác sĩ nhà binh. Vận động đủ mọi mặt, tốn kém kể gì nhưng làm sao cản nổi một gã con trai 21 tuổi khi nó nhất định xung phong?
Sau đó Michael đi tác chiến, đánh trận tùm lum miền Thái bình dương, lên lon Đại úy và bắt nhiều huy chương. Năm 1944, tạp chí Life đi nguyên một phóng sự bằng hình ca ngợi chiến công hiển hách của Đại úy Michael Corleone. Tờ báo được một ông bạn đưa cho Ông Trùm coi chứ người nhà đâu dám? Ông bố chỉ nhún vai lẩm bẩm: “Cái thằng… chỉ hùng cho người ngoài!”
Đầu năm 1945, sau thời gian nghỉ dưỡng thương, Michael được giải ngũ mà không ngờ chính ông bố đã vận động vụ này. Nhưng về nhà mới có vài tuần thì chẳng cần bàn bạc hỏi ý kiến ai, cậu Út đã mau mau ghi tên học Dartmouth. Để có cớ không phải ở nhà. Phải vụ đám cưới con em gái, Michael mới bò về nhà để luôn thể trình diện vị hôn thê.
Ngồi sóng vai ở tuốt một góc vườn, Kay lấy làm khoái chí nghe chàng kể những mẩu “chuyện vui” về mấy ông khách kỳ dị hiện có mặt trong đám cưới ngày hôm nay. Với cô nàng thì bất cứ chuyện gì vui lạ, ngồ ngộ đều khoái nghe lắm. Michael càng ham kể…
Sau cùng Kay nhận ra một đám bốn ông khách đang quanh quẩn quanh hũ rượu chát tổ bố. Nàng đoán mấy ông này phải có chuyện bối rối, bứt rứt chớ chẳng đi ăn cưới khơi khơi. Michael khen ngay: “Em nhận xét tinh lắm. Mấy cha đó chắc có chuyện nan giải, muốn gặp riêng ông già để nhờ vả đấy. Thấy không, ông già đi đến đâu là mắt họ dõi theo theo đến đấy”. Ông Trùm Corleone đang đứng đón khách thì một chiếc Chevy đen ở đâu chạy tới tốp ở vỉa hè bên kia phía ngoài cư xá. Có hai thằng ngồi băng trước. Chúng lấy sổ tay ghi từng số xe một, không cần giấu diếm.
Sonny vội phi báo: “Cớm, bố ạ!”
Ông Trùm nhún vai: “Kệ chúng nó… Ngoài lộ thì chúng làm gì tha hồ. Mình đâu có mua hết đất nhà nước?”
Sonny giận đỏ mặt. “Mấy thằng khốn… không nể nang gì hết!” Nó hăm hở nhảy mấy bậc cửa, chạy băng ngang cư xá tới kế bên chiếc Chevy đen, thò cổ vào toan hùng hổ với mấy thằng lái xe. Thằng cớm phớt tỉnh móc ví chìa tấm thẻ hình sự. Sonny làm thinh lùi lại, nhằm cửa sau xe nhổ một phát nước bọt rồi quay lưng tà tà đi. Hắn cố ý mong cho thằng lái xe bực mình chạy theo để lọt vào cư xá là có chầu ăn đòn hội chợ, nhưng đời nào nó mắc mưu.
Vừa bước lên Sonny vừa cằn nhằn: “Bọn FBI bố ạ! Nó lấy hết số xe”.
Vụ FBI cho a-giăng tới “đi đám cưới” đã được tiên liệu rồi nên theo lời khuyến cáo của Ông Trùm, bọn đàn em và mấy ông bạn thân nhất bữa nay đều xài xe đi mượn hết. Thằng Sonny nóng giận vô lý thật nhưng xét ra cũng có lợi là chứng minh cho bà con anh em biết chẳng ai mời cớm đến mà e ngại.
Giận thì Ông Trùm không giận vì từ bao lâu rồi ông vẫn chủ trương là trên cõi đời này có nhiều khi bị người ta chửi vào tận mặt cũng vẫn phải nhịn nhục lờ đi với niềm an ủi miễn còn sống được, còn mở mắt ra được thì còn có ngày một thằng hèn yếu nhất có quyền rửa hận một tay thế lực nhất. Nhiều anh phải phục lăn Vito Corleone ở điểm nhịn nhục này.
Ở sân sau ban nhạc bắt đầu chơi. Khách khứa đủ mặt rồi. Ông Trùm Corleone bèn quên béng vụ FBI để hớn hở dẫn hai thằng con trở vô.
Khu vườn rộng đen nghẹt cả trăm người. Ai khoái khiêu vũ thì nhảy lên chiếc sàn gỗ kê cao khỏi mặt đất chung quanh treo đèn kết hoa. Bằng không thì ngồi dài dài khắp vườn vì chỗ nào cũng có bàn, thức ăn thơm ngon chất như núi và rượu chát, thứ nhà làm đặc biệt thì từng hũ lớn 5 lít một.
Bàn danh dự của cô dâu chú rể dĩ nhiên phải cao hơn một chút. Bọn phù dâu phù rể đứng ngồi quây quần quanh cô dâu Connie. Đám cưới tổ chức đặc biệt theo phong tục cổ của người Ý, dĩ nhiên cô dâu chẳng hài lòng chút nào. Nhưng có “nhà quê” cũng phải chịu, phải chìu vì nội cái vụ chọn thằng Carlo Rizzi làm chồng cũng đã nghịch ý ông bố quá xá rồi! Vì đối với gia đình này thì Carlo Rizzi “lai” 50%. Cha nó gốc Sicily thật nhưng mẹ người miền Bắc nên mới có mớ tóc vàng và cặp mắt xanh thế kia. Cha mẹ nó lập nghiệp ở Nevada nhưng cu cậu phải bỏ xứ đi vì có chuyện lộn xộn với pháp luật. Lên Nữu Ước sống nó gặp Sonny và chớp luôn con em. Trước khi gả con, dĩ nhiên Ông Trùm phải cử một số đàn em tin cẩn đi Nevada để điều tra về gia thế cậu rể tương lai. Thì ra Carlo bị dính vô một vụ súng ống sao đó nên phải trốn chứ thực ra vụ này giải quyết dễ cái một. Nhưng cái hay trong vụ này là Ông Trùm đã đánh hơi ra vụ thầu sòng bạc ở Nevada kiếm ăn rất ngon nên tiện thể sai bọn đàn em đi làm một công hai việc.
Connie Corleone thực ra không đẹp vì thuộc típ con gái thì gầy nhưng lấy chồng ít năm sẽ mập thù lù. Tuy nhiên nhờ còn con gái và nhờ bộ đồ cô dâu trắng muốt, cô bé trông lộng lẫy, xinh đáo để. Ngồi bàn danh dự mà tay nó cứ luồn xuống phía dưới bấm đùi chú rể, môi còn chúm lại hôn gió lia lịa.
Vì Connie chịu thằng Carlo ở khoản nó vừa đẹp trai, vừa lực sĩ. Tay nó, vai nó bắp thịt vun lên, cái lưng làm như căng rách bộ đồ đến nơi. Cứ như điệu nó biểu diễn thì Carlo cưng vợ lắm, chìu vợ lắm, rót rượu nó cũng rót hầu. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là kịch, cặp mắt nó chỉ nhấm nháy ngó chiếc túi lụa trắng con nhỏ đeo một bên vai. Cái túi bây lớn và căng ra như thế kia thì phải biết là bộn tiền phong bao! Dám 10.000 hay 20.000 đô không chừng… Carlo mỉm cười. Bấy nhiêu đó đủ rồi. Giai đoạn đầu mà. Chớp được con nhỏ này thì cả đời cứ nằm dài ra cũng không lo đói.
Trong đám quan khách cũng có một vị trẻ tuổi, “lên cây” rất hách đang bận tâm “nghiên cứu” túi bạc kè kè của Connie. Đó là thằng Paulie Gatto mặt lưỡi cày.
Thì ra vì quen nghề “ngánh” nên thấy túi bạc ngon ăn là nó động lòng ngó chơi tưởng tượng đớp cách nào ăn chắc cho đỡ buồn, chớ ở đây thì ông nội nó cũng không dám biểu diễn nghề nghiệp.
Vì xếp Peter Clemenza của nó đây kia! Xếp đang hăng máu khiêu vũ loạn.
Già rồi, có bụng rồi mà Clemenza cứ thấy em nào ngon mắt là ôm bừa, nhảy loạn.
Ban nhạc chơi một bản Tarantella siêu bình dân nên cô bác hoan nghênh ầm ĩ.
Xếp Clemenza lại có dịp biểu diễn những bước lả lướt vô cùng điệu nghệ, nên dù có sừng sững như một ông hộ pháp cũng không “thất nghiệp” một giây một phút.
Các cô khoái đã đành, mấy bà sồn sồn cũng bám lấy Xếp, không cho nghỉ! Rốt cuộc mấy cặp trẻ đành rút lui, nhường sàn nhảy cho một mình Xếp quay cuồng.
Gặp một bà nhỏ con thì ngực vừa đụng đến cái bụng phệ của Clemenza và hai bên cứ cạ qua cạ lại giữa tiếng rên rỉ của một cây mandoline: hoạt cảnh vừa tục tĩu, dâm đãng lại vừa tức cười nên cử tọa hò reo như sấm.
Rốt cuộc Clemenza mệt bở hơi tai, mồ hôi vã ra, mặt nhợt nhạt đành rút lui và té ngồi trong lòng ghế, đàn em Paulie Gatto vừa kịp thời đưa ra đỡ! Rất mau mắn thằng Gatto bưng ly rượu chát lên tận miệng Xếp, một tay rút chiếc mùi xoa lụa lau hầu lia lịa. Cứ uống một hớp rượu là Xếp lại nghỉ mệt một hơi và thở rống như trâu. Vừa lấy lại tý hơi sức là Xếp quay ra sửa lưng thằng đàn em: “Đây đâu phải chỗ mày đứng làm giám khảo khiêu vũ? Đi cha mày ra ngoài kia, coi xem có gì lộn xộn không nào?”. Đàn em Paulie bèn lỉnh gấp.
Ban nhạc cũng nghỉ xả hơi. Lúc bấy giờ thằng Nino Valenti mới nhẩy lên khán đài, vớ lấy một chiếc mandoline rồi chân trái ghếch lên một chiếc ghế, nó vừa vê đàn vừa gân cổ biểu diễn một bản tình ca độc đáo của dân Sicily. Thằng Nino khá đẹp trai nhưng mặt nó say rượu đỏ nhừ. Nó vừa nháy mắt vừa dùng lưỡi điểm lóc chóc những chỗ lời ca tục tĩu nên mấy bà mấy cô ôm bụng cười rũ, còn bọn đàn ông thì khoái chí rống lên phụ họa theo từng chập.
Bà Trùm khoái chí bắt nhịp theo như điên nhưng Ông Trùm xưa nay đâu có chịu những vụ trai gái lẳng lơ nên lỉnh vào nhà để khỏi phải nghe tiếp. Thấy vậy cậu cả Sonny bèn mắt trước mắt sau xề lại em phù dâu Lucy Mancini. Hắn chỉ ngán có Ông Già và biết dư mụ vợ giờ này còn phải ở dưới bếp sửa lại chiếc bánh cưới. Do đó không biết hắn rỉ tai cái gì mà con nhỏ đứng ngay lên, biến vô trong nhà. Sonny làm bộ đợi vài phút, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ rồi theo hút em bé gấp. Vậy mà không giấu được ai vì xét ra em phù dâu Lucy đâu có phải tay vừa? Em Mỹ hóa đến độ vô đại học ba năm là cóc cần tai tiếng nữa. Lucy mấy bữa nay cứ đeo cứng cậu cả Sonny và lả lơi ra mặt vì phù dâu với lại phù rể mà!
Mặc dầu thiên hạ thừa biết nhưng em cứ ngây thơ vén váy cười ngỏn ngoẻn khi leo thang lầu lên phòng tắm. Chỉ một loáng sau đã thấy đàn anh Sonny đưa tay ngoắc rồi.
Cái vụ móc ngoéo tưởng là bí mật này có một người biết hết: Đứng trên lầu hé rèm cửa nhìn xuống thì còn cái gì qua mắt nổi Thomas Hagen? Nãy giờ hắn đứng trong phòng Ông Trùm “theo dõi nội vụ” từ đầu đến cuối.
Trên nguyên tắc Hagen là luật sư riêng của nhà này nhưng trên thực tế lại là xử lý thường vụ consigliori tức cố vấn kiêm phụ tá, nghĩa là nhân vật tối quan trọng, chỉ đứng dưới một mình Ông Trùm. Cho nên vừa thấy ổng đi vô là Hagen đã mau mắn có mặt sẵn trong văn phòng. Đâu phải chỉ vì bận đám cưới mà Ông Trùm Corleone buông xuôi hết công việc?
Việc đầu tiên mà Hagen muốn báo cáo gấp là vụ “làm ăn” của cậu cả Sonny nhưng sau khi cân nhắc lợi hại hắn nhăn mặt gác qua một bên. Lờ đi thì hại thật xong cho ông bố biết cái vụ này thì Sonny chỉ có chết. Hắn còn lạ gì tính nết của Bố Già? Ngay trong căn phòng bốn bề toàn sách luật này hắn đã từng phụ tá và cố vấn cho Ông Trùm biết bao nhiêu là vụ điên đầu nên hợp “giơ” quá rồi!
Hagen đi tới bàn bureau, cầm miếng giấy ghi tên những người Ông Trùm bằng lòng tiếp hôm nay. Bố Già vừa bước vô là hắn đưa liền để nghe một lệnh ngắn ngủn: “Để Bonasera sau cùng nghe”. Hagen vội chạy đi kiếm ông chủ lò bánh mì Nazorine và hướng dẫn vô văn phòng. Thấy dạng Nazorine, Ông Trùm vui mừng đứng lên ôm hôn. Hai thằng chơi với nhau từ thuở còn bé tí ở quê nhà mà?
Sang đất Mỹ hai gia đình còn qua lại thân thiết. Bất cứ lúc nào nhà Corleone cần đến bánh là có ngay cả xe do ông bạn Nazorine vui vẻ cung cấp. Năm nào cũng vậy, nhiều ít Nazorine cũng đóng niên liễm thật hăng cho nghiệp đoàn làm bánh của Ông Trùm sáng lập từ lâu lắm rồi. Vậy mà trừ mấy cái “bông” đường hồi còn chợ đen Nazorine đâu có xin xỏ đòi hỏi gì? Chỗ thân tình như vậy, trung thành như vậy thì Ông Trùm chỉ chờ hỏi đến là giúp đỡ liền.
Đưa mời điếu xì gà Di Nobili và tự tay đưa một ly Strega, Ông Trùm thân mật khoác vai để hai người tâm tình thân mật, khiến Nazorine mạnh miệng hỏi han. Ông chủ lò bánh mang vụ thằng rể tương lai Enzo ra kể lể. Nó người gốc Sicily, bị quân Mỹ bắt làm tù binh nhưng tạm thời được ở lại làm thợ chuyên môn.
Nó tới giúp việc lò bánh và quyến luyến con bé Katherine. Tụi nó thương nhau quá, nếu thằng này mà bị tống về thì con bé đến chết mất. Và bây giờ chỉ có mình Bố Già Corleone là có thể cứu được chúng.
Hai người đi lại quanh phòng, Nazorine kể đến đâu Bố Già Corleone gật gù đến đấy và sau cùng vỗ vai cười mỉm: “Có vậy thôi ư? Cái vụ này dễ quá mà. Tiếp xúc một ông dân biểu rồi ông dân biểu sẽ đưa nội vụ này ra Hạ viện, nhờ các bồ bịch thông qua một đạo luật nhập tịch là đâu vào đấy hết. Có điều phải xì tiền ra, theo thời giá cỡ 2 ngàn đô la chớ mấy? Bảo đảm là xong và chỗ anh em với nhau thì 2 ngàn đô đâu ăn nhằm gì mà đặt cọc hay đưa trước?
Ông chủ lò bánh mì gật đầu gấp, và không ngờ mọi việc lại dễ dàng và Bố Già lại nhân đức đến thế. Lão cám ơn tíu tít, nước mắt rưng rưng khi được đưa ra tận cửa và nghe Ông Trùm xác nhận lại: “Bạn đừng lo nghĩ vớ vẩn nữa. Sẽ có người đến tận nhà bạn lo dùm mọi thủ tục”.
Hagen mỉm cười: “Khi không được một thằng rể, một chuyên viên giúp việc đắc lực mà lại có người chỉ dùm cho hai ngàn đô xong việc mới trả sau thì cha Nazorine sướng quá còn gì? Vụ này mình giao cho ai thưa bác?”
Ông Trùm cau mày suy nghĩ. “Chớ có giao cho thằng nhà quê Luteco nghe.
Để thằng Fisher làm hay hơn. Nếu cần thì bảo Enzo đổi địa chỉ đi. À, chiến tranh chấm dứt tất nhiên sẽ có rất nhiều vụ tương tự. Mi nhớ gài sẵn người của mình ở Hoa-Thịnh-Đốn để có áp-phe nhập tịch là bắt liền. Mỗi vụ tối thiểu 2 ngàn đô đâu phải đồ bỏ”.
Người thứ hai bước vô là Anthony Coppola. Vụ nhờ vả của nó giản dị hơn nhiều vì nó là chỗ con cháu nhà, xưa kia cha nó cùng làm phu hỏa xa với Ông Trùm hồi còn đói khổ. Bây giờ cu cậu cần có 5 trăm đô để mở cửa tiệm bánh chiên, mua lò, sắm đồ vặt vãnh mà đào không ra tiền. Nhưng đối với Ông Trùm thì vụ này quá dễ. Người móc túi rút ra mớ bạc nhỏ đếm vừa vặn 4 trăm bèn quay sang phía Hagen: “Mi cho mượn đỡ 100 đô, sáng thứ hai ra băng lấy tiền nhớ nhắc”. Coppola thấy vì mình mà Bố Già phải ngửa tay đi mượn đã ấp úng “Dạ 4 trăm cũng đủ rồi” nhưng Ông Trùm vỗ vai âu yếm: “Cháu thông cảm. Đám cưới tốn quá xá nên bác hết tiền mặt”.
Hagen lấy tiền túi đưa ra 1 trăm cho đủ số, đưa thằng Coppola ra mà phục lăn lối xử thế khôn khéo của Bố Già. Ra điều vì mình mà một nhân vật cỡ Bố Già phải đi vay trăm bạc để cho mượn vốn làm ăn thì cu cậu cảm động để đâu cho hết!
Có mấy ông triệu phú chịu làm cái việc phiền phức này bao giờ?
Ông Trùm vừa ngước mắt lên là Hagen báo cáo tiếp :
– Cháu không ghi sẵn… nhưng thằng Luca Brasi nói muốn vô gặp bác. Chắc có chuyện cần.
– Có gì cần đâu?
– Vụ này chắc bác hiểu nó hơn cháu nhưng cháu đoán nó nhận được thiếp mời nên lấy làm cảm động, muốn gặp bác để cám ơn chắc.
Ông Trùm gật đầu ra hiệu đồng ý.
Đúng lúc đó ở ngoài vườn Kay Adams cũng đang hỏi thăm Michael về ông khách lạ có bản mặt thật cô hồn mang tên Luca Brasi. Trước sau cũng phải giải thích cho cô bé vị hôn thê hiểu sơ qua về gia thế mình nhưng Michael áp dụng chiến thuật tiết lộ từ từ để Kay khỏi sửng sốt hết hồn vì cho tới ngày giờ này cô bé vẫn cứ tưởng Ông Già là người làm ăn, tuy hơi khác thường một chút. Rất thản nhiên, Michael giới thiệu Luca Brasi như một hung thần của giới giang hồ miền Đông. Nét độc đáo trong việc làm ăn của nó là giết người khỏi cần ai phụ giúp và một khi nó đã làm thì pháp luật có biết cũng bó tay vì kiếm được bằng chứng sát nhân của Luca Brasi là một việc xưa nay chưa ai làm được. “Không hiểu có đúng như vậy không nhưng nó đối với Ông Già thì trung thành lắm”.
Kay trợn mắt ngạc nhiên “Bộ Ông Già xài cả những người như vậy sao anh?” Cái vụ này chẳng thể trả lời trực tiếp nên Michael đành vòng vo :
– Cỡ 15 năm về trước hình như vụ nhập cảng dầu ăn của ông già bị một bọn toan cưỡng đoạt. Chúng mưu sát ổng tới mấy lần và chút xíu nữa là rồi. May nhờ có Luca Brasi. Người ta kể rằng hồi đó hắn hạ một hơi 6 mạng, vỏn vẹn trong 2 tuần. Phe bên kia ngán quá bỏ cuộc luôn.
– Nói vậy ông già bị bọn găng-tơ mưu sát sao?
– Ấy là chuyện 15 năm về trước kìa chứ bây giờ đâu có chuyện gì?
Rất hóm hỉnh, Kay hích cho Michael một cú: “Thôi bồ đừng bịa chuyện để tôi rét, tôi né là bồ khỏi phải làm đám cưới chứ gì? Bồ láu quá!”
– Không, anh nói thật đó.
– Nghĩa là Luca Brasi thủ tiêu 6 mạng thật sao?
– Thì người ta đồn đại, báo chí đăng tùm lum vậy… chớ có bằng chứng gì đâu. Nhưng hình như nó còn làm một vụ gì ghê gớm hơn thế, hãi hùng đến nỗi chính ông già cũng không dám nhắc đến. Vụ này thằng Hagen cũng biết, anh có hỏi mấy lần mà lần nào nó cũng gạt đi. Do đó anh chắc nó phải ghê gớm lắm.
Luca Brasi quả thực là người ma quỉ cũng phải chê. Cứ thấy dạng nó là thiên hạ đã hết hồn vì cả khổ người chắc nịch của nó toát ra sự kinh khủng, cái sọ tổ bố, bản mặt lầm lì rất ư là cô hồn. Cặp mắt nâu lờ đờ không sinh khí mà miệng nó tàn ác ở đôi môi mỏng quẹt như hai miếng thịt bò sống gắn vô.
Trong giới giang hồ, Luca Brasi nổi danh hung thần cực kỳ tàn bạo nhưng cả nước biết nó một lòng thần phục Ông Trùm Corleone. Một trung thần hiếm có, một trong những cột trụ chống đỡ đắc lực. Luca Brasi không sợ trời sợ đất, địa ngục thiên đường nó đều coi như zê-rô. Không có cảm tình với bất cứ một ai, không ngán một người nào, kể cả Cảnh sát. Nhưng riêng với Ông Trùm thì nó tự quyết định phải yêu, phải sợ và do đó, phải phục vụ hết mình!
Được đưa vào văn phòng, tự nhiên hung thần đâm khép nép, kính cẩn trước mặt Ông Trùm. Nó ấp úng mãi mới ngỏ được lời chúc mừng, đại để mong sao Người sớm có cháu bế, cháu trai. Rồi mới vụng về đưa ra một bao thư lớn mừng cô dâu chú rể, song đích thân Ông Trùm phải nhận cho mới quý! Nó chỉ muốn có bấy nhiêu mà!
Đứng bên cạnh, Hagen lưu ý cung cách Bố Già tiếp Luca Brasi. Hay thật!
Rõ ra là quý mến, từng lời nói cử chỉ đều bộc lộ rõ. Có đều không hề thân mật, làm như đấng quân vương sẵn lòng chấp nhận sự cung kính của một bầy tôi và nó có đích thân đòi đưa đồ mừng tận tay cũng là lẽ tự nhiên vậy.
Một phong dày cộm thế kia thì hiển nhiên phải bộn tiền hơn bất cứ một phong bao nào khác. Luca Brasi đã suy tính cả giờ về vụ phải “đi” cỡ bao nhiêu để hơn hết mọi người và phải đưa tận tay để Bố Già biết cho là nó cung kính hơn ai hết. Biết vậy nên nó có ăn nói vụng về, ngớ ngẩn Ông Trùm cũng vẫn lờ đi Hagen nhận thấy rõ bong là được hậu đãi quý hóa như vậy, vẻ mặt cô hồn của Luca Brasi bỗng dưng hiền hậu, ngờ nghệch hẳn đi. Làm như nó khoan khoái lắm, vinh hạnh lắm. Trước khi xin từ biệt nó còn kính cẩn hôn tay Ông Trùm rồi mới theo Hagen đi ra. Mở cửa cho thằng cô hồn này Hagen cũng cẩn thận áp dụng chiến thuật tay mở cửa, miệng nở sẵn nụ cười cảm tình. Vậy mà cái đầu bự của Luca Brasi chỉ sẽ gục gặc và cặp môi thịt thì chỉ khẽ vén lên, đủ để biểu diễn một nụ cười nhạt.
Không riêng gì Hagen, ngay Ông Trùm Corleone đối với Luca Brasi xem ra vẫn cứ “kính nhi viễn chi”. Thấy mặt nó là phải lưu ý, chừng nó đi khuất mới nhẹ nhõm thở ra. Chẳng là Luca Brasi tính nết ngang tàng, như ngựa hoang vậy. Không dễ gì “nắm” được nên dùng nó dễ sợ như phải sử dụng cốt mìn. Sơ sẩy là không xong nhưng vẫn cứ phải dùng… và dùng rất hiệu quả.
Khi cửa đóng lại, Ông Trùm hất hàm hỏi: “Còn một mình Bonasera hả? Nếu vậy đi kiếm thằng Santino (Sonny), biểu nó vô đây trước. Có thể nó sẽ có một bài học hữu ích”.
Hagen tất tả trở ra ngoài vườn. Bảo thằng cha Bonasera gắng chờ thêm ít phút rồi hỏi Michael và Kay coi có thấy nó đâu không. Michael lắc đầu là hắn bắt đầu ngại. Thằng Sonny dám lôi con nhỏ vào một xó nào “quất” bừa lắm. Nó đi theo con nhỏ đến nửa giờ còn gì? Sơ sẩy mà đổ bể là mất mặt với gia đình Mancini và con vợ Sonny cũng chẳng hiền gì!
Hắn vừa đi khuất là Kay hỏi ngay: “Ai đấy anh? Anh giới thiệu là anh em… nhưng tên hắn đâu có giống, mà coi chẳng có vẻ người Ý nữa!”
– Vì thằng Tom ở nhà này từ năm nó 12 tuổi mà. Nó mồ côi cha mẹ, và đau mắt tưởng đâu mù luôn. Nó đang sống lang thang thì Sonny bắt gặp và đưa về nhà ở luôn từ hồi đó. Lấy vợ rồi nó cũng không đi đâu hết.
– Nếu vậy thì ông già nhân đức đấy chứ? Có tới 4 mặt con mà còn nuôi thêm thằng con nuôi nữa.
Chẳng buồn giải thích là đối với một gia đình Ý có 4 con chưa phải là nhiều, Michael chỉ cải chính :
– Đâu phải con nuôi? Tom chỉ ở lại, coi nhà này như nhà hắn vậy thôi.
– Ủa, sao không nhận nuôi cho rồi?
– À, tại ông già không muốn. Theo ổng thì bắt con nhà người ta đổi họ đổi tên đi là hỗn xược. Nhất là đối với những người đã khuất.
Lúc bấy giờ họ nhìn lên thấy Hagen đang đẩy Sonny bước vô căn phòng và đưa tay ngoắc Bonasera. Cô bé Kay ngạc nhiên lắm. “Ô hay, sao mấy người này lại kỳ cục vậy? Nhè đúng bữa nhà người ta có đám cưới mà bàn chuyện làm ăn!”
Michael lại phải tươi cười giải thích :
– Phong tục xứ Sicily đấy! Đúng truyền thống thì chẳng ai nỡ từ chối ai điều gì trong ngày gả con. Biết vậy nên họ cứ nhè ngày này mà nhờ vả cho chắc ăn.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Bố Già – The Godfather với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.