Trang chủ / Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can

Đọc sách Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can

Review sách Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can. Tải sách Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can PDF/EPUB/AZW3

Dưới đây là nội dung cuốn Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can. Hãy mua cuốn Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can trên Shopee để ủng hộ tác giả.

VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH

Vì sao những người dân Đồng Nai vốn bình thường hiền lành, thân ái với nhau, lại trong tích tắc trở nên khác hẳn, hăm hở lao vào núi bia đổ, lễ mễ khuân ra mấy bịch, rồi háo hức quay lại làm đợt nữa.

Điều gì làm cho những thanh niên Nghệ An, cuối tuần vừa đi chơi với bạn gái, bỗng hăng lên lao vào “đánh hôi” kẻ trộm chó như đi trẩy hội. Lý do nào khiến những công nhân xây dựng ở Thái Nguyên, hằng ngày chăm chỉ mang cặp lồng cơm đi làm, bỗng trở nên hung hãn và đập phá chính ngay công việc đem lại miếng cơm manh áo cho mình? Sẽ hời hợt nếu ta chỉ đưa ra những bình luận chung chung về sự suy đồi của đạo đức, về sự xuống cấp của xã hội, về niềm tin bị đánh mất, về người Việt thiếu văn hóa, vân vân và vân vân. Để có thể hiểu được những hiện tượng này và truy tìm nguyên nhân, chúng ta cần phải nhìn sâu hơn vào tâm lý đám đông và xem nó vận hành như thế nào.

Một đám đông có những yếu tố đặc biệt. Thứ nhất, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Khác với lúc đứng riêng rẽ một mình, cái vô danh trong đám đông đem lại cho người ta một sự an toàn và cảm giác được bảo vệ nhất định. Thứ hai, đám đông gây phấn khích. Những người đã từng ở trong một sân vận động khổng lồ đều biết cảm giác đó khác với cảm giác có được khi xem trận bóng trước màn hình ti vi. Số đông cộng hưởng và tạo ra một năng lượng đặc biệt, một sự hưng phấn có sức lây lan lớn. Lúc đó, cô gái nhút nhát nhất cũng có thể văng tục ngon ơ và cho ngón tay vào mồm, cùng huýt sáo la ó trọng tài.

Đám đông cũng đem lại cho các cá nhân trong nó một cảm giác về quyền lực. Trong đám đông, những người vốn thấp cổ bé họng bỗng có cảm giác mình mạnh mẽ. Chúng ta hẳn còn nhớ một người đàn ông Đồng Nai vừa bê bia vừa trừng mắt quát người tài xế xe tải: “Báo công an đi, ông thách đấy!”

Và cuối cùng, đám đông rùng rùng chuyển động và trăm người như một cùng làm một hành vi nào đấy, khi họ được một sự kiện bất ngờ châm ngòi. Giả sử như hàng trăm thùng bia ở Đồng Nai kia được xếp ngay ngắn ven đường, thì dù chỉ có một người trông coi thôi, chắc cũng không ai nghĩ tới chuyện xông vào lấy. Bia đổ tung tóe ra đường tạo ra một tình huống lạ, một điều bất thường, kết hợp với sự vô danh, phấn chấn lây lan, cảm giác quyền lực và an toàn, làm giảm đáng kể ý thức trách nhiệm của mỗi người về hành vi của mình, biến một bà mẹ mẫu mực thành một người hớt hải gom bia mặc dù trong nhà không có ai uống, để tới lúc tỉnh cơn say mới hối hận về hành động của mình. Trong đám đông, con người dễ đánh mất bản thân.

Tuy nhiên, chen chúc nhau để lượm mấy lon bia trên mặt đường, hay để bẻ mấy cành hoa trong một hội chợ vẫn khác xa với việc xông vào đánh đấm tới chết một kẻ trộm chó, hay châm lửa đốt rụi hàng chục cái xe máy. Điều gì khiến đám đông trở thành một sức mạnh phá hủy – nhiều khi phá hủy chính môi trường sống của bản thân họ? Những sự kiện trên có điểm gì chung với những lần các cổ động viên bóng đá ở Anh bỗng nhiên hỗn chiến và giật tung ghế của sân vận động, với làn sóng đập phá và hôi của ở London năm 2011 làm toàn thế giới kinh ngạc, hay với sáu ngày bạo lực và cướp bóc ở Los Angeles năm 1992 làm 53 người tử vong?

Sách hay khuyên đọc

Điểm chung của Nghệ An 2014 (thanh niên nông thôn) , Samsung Thái Nguyên 2014 (công nhân xây dựng) , London 2011

(thanh niên nhập cư) và Los Angeles 1992 (thanh niên da đen) là: đám đông này là đám đông của những người ngoài lề, những người thấp bé trong xã hội, thu nhập thấp hoặc thất nghiệp, và không có cơ hội. Họ mang sẵn trong mình một sự cáu kỉnh và chán nản. Họ bực bội với bản thân, với cuộc đời mình, với những thứ xung quanh. Khi họ nhập vào một đám đông, như Gustave Le Bon nhận xét trong Tâm lý học đám đông (bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Tri thức năm 2006) , họ đánh mất tính cá nhân, tính độc lập, khả năng đánh giá và phán xét đạo đức, họ bị cuốn vào ảnh hưởng phi lý của tập thể xung quanh. Do đó, đám đông có thể làm những hành động phá hủy và bạo lực mà mỗi cá nhân, nếu đứng riêng biệt, sẽ không bao giờ nghĩ là họ có thể làm. Chỉ cần một sự kiện nhỏ xảy ra: một công nhân bị bảo vệ đánh vào đầu, một con chó bị trộm.

Thực chất, sự hung hãn của người nghèo, của những người ở đáy xã hội, tới từ cảm giác bất lực, ngoài lề, không làm chủ được cuộc đời mình. Họ thấy mình như kẻ lạ trên chính đất nước của mình, bị bỏ rơi, bị lãng quên. Họ thấy mình kém cỏi, vô giá trị.

Cũng vì thế, khi đã ngấm cái say của một đám đông nổi loạn thì họ hân hoan như đang tham dự một cuộc vui điên dại. Một tờ báo đã rất chính xác khi chạy tít cho vụ Nghệ An “Đánh trộm chó đông như đi hội”. Ai xem những video quay cảnh bạo loạn ở nhà máy Samsung hẳn cũng nhận ra không khí vui vẻ, phấn khích, các bình luận xôn xao, tiếng huýt sáo, reo hò, tiếng cười sảng khoái, như ở một buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng mà ai cũng được tham gia góp vui. Ít nhất, trong khoảnh khắc đó, họ có cảm giác mình là người thắng, người mạnh, rằng cuộc sống thú vị, sôi động, làm họ quên đi cái mòn mỏi hằng ngày của mình. Đám đông cho họ một bản sắc, cho họ một nơi để thuộc về.

Đám đông “mới” của ngày nay khác đám đông “cũ” của năm 1945. Đám đông cũ, qua quá trình được “vận động” tham gia cách mạng, đã phát triển cho mình một ý thức hệ. Sau 30 năm kinh tế thị trường, công nhân và người nghèo bây giờ đã mất đi ý thức về bản thân như một giai cấp. Họ đơn giản bị kẹt trong cái bẫy nghèo truyền xuống từ thế hệ trước để lại. Họ là sản phẩm của văn hóa nghèo khổ, những người, mà như Oscar Lewis đã định nghĩa trong Văn hóa của nghèo khổ năm 1998, “có rất ít ý thức về lịch sử. Họ là những người bên lề, chỉ biết tới những vật lộn của bản thân, chỉ biết được hoàn cảnh của địa phương họ, thế giới hẹp của họ, cách sống riêng của họ. Thông thường, họ không có kiến thức, tầm nhìn hay ý thức hệ để nhận ra điểm tương đồng giữa những vấn đề của họ và vấn đề của những người giống họ trên thế giới. Nói một cách khác, họ không có ý thức giai cấp, mặc dù họ rất nhạy cảm với sự phân biệt về đẳng cấp.” Chúng ta, những người đã quen với các đại tự sự cách mạng, ngạc nhiên nhận ra rằng những đám đông nổi loạn bây giờ không có quan điểm xã hội hay thông điệp chính trị gì. Những công nhân đập phá ở Thái Nguyên không đưa ra một đòi hỏi cụ thể gì cho doanh nghiệp hay công đoàn; những người dân đánh trộm chó ở Nghệ An không có yêu cầu gì với công an hay chính quyền địa phương. Họ phá phách một cách vô phương hướng và vô nghĩa. Chính vì vậy, sự hung hãn bùng phát thường bất ngờ với các nhà bình luận xã hội và các nhà chức trách, lúc đó họ mới bối rối đi tìm lý do và lời giải thích.

Lời giải thích đơn giản nhất có lẽ đến từ Martin Luther King:

“Không có gì nguy hiểm hơn là xây dựng một xã hội mà trong đó một nhóm lớn có cảm giác họ không được can dự, rằng họ không có gì để mất. Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá hủy nó.”

Chúng ta hãy dành cho đám đông những người nghèo đô thị, những thanh niên nông thôn, những công nhân ở các khu công nghiệp, một phần tử tế của miếng bánh, một cảm giác xã hội là của họ, phục vụ họ. Một cảm giác thực sự chứ không phải chỉ trên các khẩu hiệu và văn kiện.

Nếu không, họ sẽ không để cho những người khác yên.

Tháng Giêng 2014

LẠI CHUYỆN BIA, THỊT CHÓ VÀ ẤN ĐỀN TRẦN

Từ bao giờ người Việt có thói quen lấy khoái cảm từ việc tự xỉ vả bản thân? Mấy hôm nay, người ta chuyền tay nhau các con số 3 tỉ lít bia, 5 triệu con chó, và 500.000 ấn đền Trần được tiêu thụ trong một năm như những minh chứng hùng hồn cho sự bệ rạc và xuống dốc của người Việt. Chúng ta đang tự mô tả mình như một cộng đồng chỉ quẩn quanh dọc ba cạnh của hình tam giác mà ba đỉnh là quán bia, đền chùa và quán thịt chó (trong đó cạnh nối quán bia và quán thịt chó là được lưu thông nhiều nhất).

Tôi muốn kêu gọi: chúng ta hãy bình tĩnh. Chúng ta có thể không thông minh như người Do Thái, không chăm chỉ như người Nhật Bản, hay không xinh đẹp như (đàn ông) Ả Rập, nhưng chúng ta đâu có đến nỗi nào. Đề nghị tất cả ngồi xuống, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ từng chuyện.

3 TỈ LÍT BIA

Theo con số của các nhà sản xuất bia thì người Việt tiêu thụ 3 tỉ lít bia một năm, hay bình quân 33 lít trên một đầu người. Vậy là mỗi tuần, mỗi người uống chừng 0,6 lít bia. Tôi không cho rằng đây là con số gây sốc. Tất nhiên, có người có thể lý luận là phải bỏ ra ngoài phép tính này trẻ em, người già, phụ nữ, vân vân. Nhưng kể cả như vậy, suy ra, mỗi người đàn ông Việt cũng chỉ uống cỡ 1,2

lít bia, hay là hơn hai cốc vại một chút, một tuần. Một con số khiêm tốn. Bạn không tin ư? Xin thưa, tửu lượng này tương đương với mức độ của Ý (là những người mà ta biết là ngoài bia ra còn uống khá nhiều rượu vang). Mà Ý lại chỉ bằng một nửa Brazil. Mà Brazil lại chỉ bằng hai phần ba Úc. Nói cách khác, người Úc uống bia nhiều gấp 3 lần người Việt.

Quán quân thế giới là những người Tiệp Khắc anh em, năm 2012

họ tiêu thụ 160 lít bia mỗi người, thêm bớt mấy cốc không thành vấn đề. Lại có một số người lý luận là thể tích của người châu Âu to hơn nên họ có thể uống nhiều hơn trước khi bị lú lẫn. Nhưng ngược lại, ta phải nhớ là ở xứ lạnh không ra mồ hôi như Tiệp Khắc thì 160 lít của họ sẽ gần với 180-200 lít hơn, còn 33 lít ở ta thì thực ra chỉ còn 20 lít vì mùa hè nó túa ra theo lỗ chân lông hết, vả lại bia hơi vỉa hè thì làm sao mà đo được lượng cồn với Pilsner Urquell. Có thể tranh luận nhiều hơn, nhưng tóm lại, chúng ta không có gì phải băn khoăn ở đây.

5 TRIỆU CON CHÓ

Bây giờ sang chuyện 5 triệu con chó bị đưa lên bàn ăn hằng năm ở Việt Nam (theo nguồn tin của tờ báo Anh The Guardian). Vấn đề này cần phân tích công phu hơn một chút. Người ta ăn chó ở Cameroon, Ghana, Nigeria, và không những ở những nước “lạc hậu” này, mà còn ở Canada (với điều kiện con chó phải bị giết trước sự có mặt của một thanh tra liên bang) , Thái Lan, Nhật Bản, và tất nhiên, ở Hàn Quốc. Chúng ta hãy dừng lại ở đất nước này.

Mỗi năm người Hàn xếp lên đĩa khoảng 8.500 tấn thịt chó. Giả định rằng mỗi con chó nặng trên dưới 10 kg, số lượng thịt này sẽ tương đương với khoảng 850.000 con chó. Công nhận là chưa thấm tháp gì, nhưng ta phải lưu ý dân số Hàn Quốc chỉ có 50 triệu.

Như vậy, nếu dân số tương đương với Việt Nam, lượng chó đi vào bếp ở Hàn Quốc sẽ là hơn 1,5 triệu con. Vẫn còn thấp hơn nhiều so với con số 5 triệu của ta.

Nhưng, và bây giờ các bạn hãy bám chắc vào mép bàn hay thành ghế để khỏi ngã: mỗi năm, người ta dùng thêm 93.600 tấn, tức là hơn 9 triệu chú cẩu nữa, để sản xuất ra một loại nước lên men tên là Gaesoju, nôm na là rượu chó, mà người Hàn Quốc thề là rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt để “điều hòa tiêu hóa” , và nhất là “sau phẫu thuật”. Vị chi tổng cộng là 11 triệu con chó, cho cả ăn lẫn uống.

Không rõ vì sao người Hàn lại bị phẫu thuật nhiều như vậy.

500.000 ẤN ĐỀN TRẦN

Khác với bên trên, trong chuyện ấn đền Trần thì chúng ta không có điều kiện làm các so sánh quốc tế với độ tin cậy cao. Tuy nhiên con số nửa triệu là khá ấn tượng, cộng với các loại ấn của các đền khác nhau trong cả nước, cũng như các lễ lạt chùa chiền khác nữa thì về mặt thống kê có thể nói trung bình gia đình nào cũng có người đầu năm đến nhang khói nhờ thánh thần phù hộ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra ở đây là vì sao bây giờ người Việt lại nhờ cậy tới thần linh nhiều như vậy.

Theo các nhà xã hội học, người ta càng có nhu cầu bám vào các thế lực siêu nhiên khi cuộc sống của người ta càng bấp bênh, bất an, ngoài vòng kiểm soát. Nói một cách khác, khi xã hội không có thượng tôn pháp luật, không đem lại cho người dân an sinh, cảm giác an toàn, chắc chắn, được che chở, bảo vệ, thì người ta phải nương tới cửa thánh thần.

Chẳng ngoài vòng kiểm soát hay sao nếu như bạn không chắc là miếng đất có sổ đỏ của bạn, hay cái đầm cá bạn vẫn canh tác hàng chục năm nay, tới sáng mai liệu có còn thuộc về bạn, hay đã nằm trong dự án của một đại gia nào đó rồi. Rõ là bạn muốn khấn bái để các thánh giúp bạn không bị trượt chân ngã đúng lúc đang ở trong đồn công an, đập gáy vào dùi cui mà thiệt mạng chứ. Để các thần trao cho đứa bé sơ sinh trong gia đình bạn sức đề kháng chống cự lại với vắc xin bệnh viện được bảo quản đúng quy trình chứ. Để bà Chúa Thượng ngàn cho năm nay mưa thuận gió hòa để cái đập thủy điện lơ lửng bên trên đầu bạn không xả lũ đúng quy trình chứ.

Những cái “quy trình” mà lúc nào cũng đúng, nó cứ lừng lững tiến như xe lu, cán bẹp mọi thân phận không may dính phải nó, người ta biết nhờ vào ai mà tránh nếu như không vái tứ phương.

Nhưng còn một cái bấp bênh cuối cùng nữa, đó là không rõ các thánh thần có còn tai mà nghe tiếng cầu khẩn của dân hay không.

Đằng trước hàng chục nghìn dân đen nhốn nháo, quần áo nhếch nhác, chen chúc nhau trước cửa đền Trần là mấy hàng quan chức, trang nghiêm trong những bộ com lê đen trịnh trọng, như đang ở một cuộc họp trung ương. Họ trò chuyện và hứa hẹn gì với đức Thánh Trần, sẽ chẳng ai biết được. Nhưng gì thì gì, ở chỗ linh thiêng này cũng như nơi trần tục, quan phải xong thì mới tới lượt dân.

Cho nên các bạn ơi, đừng có chê bai hay chế nhạo người dân mà tội nghiệp họ. Cuối cùng, chỉ còn mỗi quán thịt chó và quán bia là những nơi mà người dân có thể vui vẻ bên nhau và trú ẩn chốc lát trước một cuộc sống đầy bất trắc.

Tháng Hai 2014 .

“SỐNG CHUNG VỚI LŨ” VÀ CHỦ NGHĨA ANH HÙNG THƯỜNG NHẬT

Câu chuyện của một người bạn tôi, ta tạm gọi là Hồng, trưởng bộ môn ở một trường đại học lớn, chắc hẳn cũng xảy ra trong vô vàn cơ quan và công ty nhà nước khác. Hằng năm, chị và các đồng nghiệp đều được “nhắc khéo” khi sắp tới ngày giỗ bà thân sinh của ông hiệu trưởng, và vào hôm đó, lãnh đạo các khoa và các bộ môn lại nghỉ việc, cùng nhau thuê một chuyến xe về quê ông hiệu trưởng. Trung bình mỗi người đi ăn giỗ để vào phong bì một triệu, một khoản thu nhập xinh xắn mà không vất vả cho ông hiệu trưởng.

Những người về dự giỗ hôm đó có thực sự muốn chia sẻ với ông hiệu trưởng một ngày đáng nhớ, xúc động, trong không khí ấm cúng, với 300 người “gần gũi” của gia đình? Chắc chắn không.

Ngược lại, ai cũng hiểu rằng đây là một kỹ thuật làm tiền thô thiển.

Nhưng người ta tuân theo nó vì “ai cũng làm vậy cả”. Ma chay hiếu hỉ, rồi Trung thu, Tết, sinh nhật, ốm đau, mỗi lần là một dịp phong bì. Không ai muốn bị đánh giá là không trung thành, là phá bĩnh.

Đây chỉ là một vài trong số vô vàn tiểu tiết người ta làm để mong có được một cuộc sống yên ổn.

Tôi hình dung, trên chuyến xe hôm đó, người ta bông lơn pha trò, giống như các chuyến dã ngoại khác của trường, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy le lói sự lố bịch của tình huống. Lúc bước xuống xe, có thể người ta không khỏi cảm thấy một chút cay đắng, nhưng rồi gạt nhanh nó đi. Khi lần lượt bắt tay ông hiệu trưởng, thông điệp mà mỗi người phát ra sau nụ cười là: “Ông thấy chưa, tôi cư xử đúng như ông muốn nhé. Tôi tuân theo luật chơi đấy, nên ông hãy để yên cho tôi sống, và có món gì thì đừng có mà quên tôi.”

Điều chúng ta nhìn thấy ở đây là quyền lực độc tôn, quyền lực của một bộ máy mà ông hiệu trưởng là đại diện trực tiếp, bao trùm lên những người dưới ông như một vỏ bọc khổng lồ. Trong thâm tâm, người ta có thể lên án, nhưng bên ngoài họ im lặng, và làm những điều mà hệ thống yêu cầu. Họ sống trong một sự dối trá.

Người Việt mô tả tình huống này bằng một câu nói tài tình “Sống chung với lũ”. Đây là một câu cửa miệng – không chỉ những người dưới quyền ông hiệu trưởng dùng câu này, mà bản thân ông ấy và cả những vị bên trên ông cũng thế. Qua câu này, người ta muốn thể hiện, với người nghe và với bản thân, rằng họ là người đàng hoàng, tuy họ phải sống cùng cái xấu, nhưng họ khác nó, họ không phải cái xấu.

Tất nhiên, không ai muốn tự thú nhận sự khúm núm mất tự trọng của mình, và bên kia cũng hiểu vậy, nên cả hai tìm ra những hình thức trang trí cho mục đích thực chất đằng sau. Trá hình dưới những dịp lễ Tết, sinh nhật, ốm đau, hiếu hỉ, mục đích thực chất là để một bên luôn tái khẳng định quyền lực, và bên kia luôn tái khẳng định sự phục tùng, trong khi vẫn tự nhủ với nhau và với bản thân rằng nhân phẩm của họ vẫn nguyên vẹn.

Nhưng “sống chung với lũ” chỉ là một sự tự ru ngủ. Bởi khi người ta chấp nhận sống chung với cái dối trá, thậm chí cố gắng trục lợi từ nó, thì như Václav Havel, cố tổng thống Tiệp Khắc, viết trong tiểu luận mang tên Quyền lực của những người không quyền lực, “người ta xác nhận cái hệ thống, đáp ứng nó, làm ra nó. Người ta chính là cái hệ thống đó.”

Và khi có người cầm phong bì xuất hiện trước cửa nhà Hồng và đồng nghiệp để nhờ cậy, họ sẽ phải phản ứng thế nào? Nếu từ chối những vị khách này thì chẳng phải họ tự thú nhận những hành động họ làm với ông hiệu trưởng là đáng chê trách, đáng xấu hổ, là không chấp nhận được? Hơn nữa, không ai chỉ có thể cho mãi mà không nhận. Cho nên, họ phải coi đây là một hành động bình thường. Khi người ta chậc lưỡi nhận phong bì từ những người có ít quyền lực hơn mình, họ đã khép kín vòng tròn. Để ngủ ngon, họ phải tin vào tính chính danh của các hành động của mình. Điều này, Václav Havel viết tiếp trong tiểu luận nói trên, “cho phép người ta đánh lừa lương tâm và che đậy trước thế giới và trước bản thân chỗ đứng thực của họ, cái cuộc sống thê thảm của họ. Nó là tấm voan để con người có thể giấu đi sự tồn tại thảm hại, sự tầm thường hóa, sự thích nghi của mình. Nó là một lời thanh minh mà ai cũng sử dụng, từ một nhân viên sợ mất việc tới một lãnh đạo cao cấp bám lấy quyền lực. Chức năng của nó là khiến người ta, những nạn nhân lẫn những trụ cột của hệ thống, ảo tưởng rằng hệ thống đang tồn tại hài hòa với trật tự của con người.”

Chuyến xe dự giỗ kia là một nhắc nhở cho mọi người về cái trật tự đó, nhắc nhở họ đang sống ở đâu, họ phải hành xử thế nào, nếu như họ không muốn bị loại ra ngoài, bị hắt hủi. Hành xử đó cũng phải được thể hiện ở vô vàn chỗ khác: trong lớp học, trong các hội đồng nghiệm thu đề tài, khi viết các bài báo, khi họp bộ môn, khi xét thưởng và bổ nhiệm, ở các buổi văn nghệ và liên hoan… Cái vòng tròn khép kín kia chính là hệ mao mạch đưa cái giả dối thẩm thấu đến chân tơ kẽ tóc vũ trụ của Hồng và các đồng nghiệp của cô.

Và lúc đó, ai sẽ là người lên tiếng khi có bất công xảy ra? Ai sẽ phát biểu khi một giảng viên bị trù úm, một luận án bị hủy bỏ bất thường, một ghế trưởng khoa được mua bán ngang nhiên, một công trình đạo văn trắng trợn? Khi đã thận trọng, tính toán qua từng chuyến xe buýt, từng cái phong bì, để xây dựng và chăm chút cho sự an toàn của cái cuộc đời con con của mình, người ta có còn dám để lương tâm lên tiếng khi nó muốn lên tiếng?

“Đây là một thời kỳ mà cái xấu được thưởng công, và những điều tốt bị trừng phạt. Những kẻ hung hãn được ngợi ca, còn người yếu mềm bị chà đạp. Trong thế giới điên đảo này, phần lớn mọi người bối rối. Sợ hãi làm họ mất phương hướng, mong muốn tự vệ làm họ mù lòa.” Những dòng trên là những gì nhà tâm lý học Eva Folgemann viết trong cuốn Lương tâm và can đảm về thời kỳ Phát xít Đức, và vẫn còn nguyên tính thời sự.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều như vậy – thời đó cũng thế mà bây giờ cũng vậy. “Một số ít người vẫn giữ được con đường của mình. Một số ít vẫn dùng la bàn đạo đức riêng để định hướng.”

Folgemann viết tiếp. Hồng và một vài người nữa trong trường đã không lên xe đi dự giỗ.

Giống như những người tố cáo một bệnh viện nhân bản xét nghiệm máu hay tráo thủy tinh thể, hay lên tiếng khi thấy lãnh đạo một trường nội trú cắt xén học bổng của học sinh, trong khi những người khác xung quanh im lặng, ở đây có một số cá nhân quyết định bước ra ngoài hệ thống, không tham gia “cuộc chơi” , và chấp nhận các thiệt thòi mà quyết định đó có thể đem lại. Giáo sư Philip Zimbardo gọi đó là những hành động anh hùng và những cá nhân đó là những “anh hùng thường nhật”. Trái với hình dung lãng mạn của chúng ta, anh hùng không chỉ là những siêu nhân xả thân cứu cả cộng đồng hay quốc gia trong một cuộc chiến tranh.

Nhà điền kinh và hoạt động xã hội Mỹ, Arthur Ashe, viết, “chủ nghĩa anh hùng thực sự thường không rực rỡ và không kịch tính.”

Những “anh hùng thường nhật” là những người giữ được “la bàn đạo đức” của mình trong một tình huống, có thể rất nhỏ, của cuộc sống. Theo Zimbardo, chủ nghĩa anh hùng khác với các hoạt động nhân đạo từ thiện, tuy cả hai đều phục vụ những người khác. Nó đòi hỏi một thái độ chấp nhận hy sinh lớn hơn. Để không thỏa hiệp các nguyên tắc của mình, những anh hùng thường phải chấp nhận các tổn thất lớn nhỏ: đánh đổi tiện nghi vật chất, bị cô lập, hắt hủi về mặt xã hội, hay bị khủng bố, gây áp lực về tinh thần.

Khái niệm “anh hùng thường nhật” thay đổi cách nhìn của chúng ta. Thay vì hình dung rằng phẩm chất “anh hùng” được thiên nhiên ban tặng cho một số cá nhân đặc biệt, chúng ta hiểu rằng nó không phi thường, mà gần gũi hơn rất nhiều. Thứ nữa, khi đặt chữ “anh hùng” cho một hành động nhỏ như hành động của Hồng, chúng ta cho nó một sự tôn vinh và khích lệ xứng đáng. Cuối cùng, “anh hùng thường nhật” mang trong nó hàm ý là ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều tốt, thậm chí, thay vì thụ động chờ đợi một siêu nhân ra tay, ai cũng có nghĩa vụ trở thành anh hùng thường nhật ở một khía cạnh nào đó, trong một tình huống nào đó. Đó là cách duy nhất để đẩy lùi lũ.

Tháng Bảy 2015 .

NGƯỜI NGHÈO KHÔNG CÓ LỖI

Hẳn ai cũng từng nhìn thấy hình ảnh này đâu đó ở vùng núi: người dân ngủ lăn lóc bên vệ đường, xe máy vứt lỏng chỏng bên cạnh.

Trước đó, họ đã ra chợ bán đi mấy bó củi hay con gà, rồi mua rượu uống say túy lúy. Nếu xuống làng của họ, sẽ thấy thêm nhà nào cũng uống, người nào cũng uống. Đây là những làng mà trợ cấp bao nhiêu cũng hết nhưng không làm ra được cái gì, tiền hỗ trợ cho trẻ con đi học thì bị người lớn lấy để mua điện thoại di động, dùng vài tuần rồi vứt lăn lóc. Đến thóc giống được phát cũng “nảy mầm” thành rượu. Trẻ em thì lớn lên trong hoang dã, không ai đoái hoài. Nhìn những cảnh đó, khó mà kiềm chế được cảm giác bực bội. Hình dung lãng mạn về người nghèo của chúng ta vẫn là những bà mẹ tần tảo chợ búa, những người cha gầy gò cặm cụi kéo xe. Nhưng thực tế trần trụi là ở nhiều nơi, người nghèo sống một cuộc sống vật vờ, thậm chí ốm thì cũng đắp chiếu nằm đó chứ không thiết đi chữa bệnh.

Thời gian gần đây có thể nhận thấy có một sự sốt ruột từ phía chính quyền và dư luận xã hội với những người nghèo. “Anh chị mà còn nghèo,” họ lên tiếng, “thì là lỗi tại các anh chị, chứ còn của ai nữa.” Đầu tháng Ba, trong bài Sống ăn bám trên VnExpress, tác giả Hoàng Xuân mô tả sự lười biếng, buông xuôi nát rượu ở một làng quê Ninh Thuận, nơi người dân có “cái vẻ hiền lành gần như trì độn” làm tác giả “chỉ muốn hét to”. Người nghèo quen xin xỏ, dựa dẫm, được cấp cho con bò thì buộc cọc bỏ đói, có cơ hội thì “đào mỏ” tới cạn kiệt những họ hàng khá giả hơn. Tâm lý ăn bám, hèn nhược bệnh hoạn, tác giả kết luận, là lý do khiến nhiều người nghèo vẫn hoàn nghèo. Bài viết nhận được hưởng ứng của khá đông đảo bạn đọc và được share gần 1000 lần qua Facebook.

Giữa năm ngoái, trang mạng của đảng bộ Điện Biên dẫn ý kiến của nhiều vị lãnh đạo tỉnh: “Nguyên nhân căn bản cản trở mục tiêu giảm nghèo của địa phương là bệnh lười khá phổ biến trong tư tưởng người nghèo.” Với những người này, “có nỗ lực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bao nhiêu thì tất cả cũng trở thành vô nghĩa.” Một phát ngôn khá táo bạo với một tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo chính thức là 38%.

Đầu năm nay, Đà Nẵng hết kiên nhẫn và tuyên bố “kiên quyết không thực hiện hỗ trợ chính sách đối với những hộ nghèo nhưng lười lao động”. Đây là địa phương đầu tiên làm động tác mạnh tay này, và sẽ không ngạc nhiên khi trong thời gian tới quan điểm quản lý ấy được các địa phương khác noi theo.

Quan điểm “nạn nhân có lỗi” không chỉ có ở Việt Nam. Ở các nước Trung Âu, nhiều cộng đồng người nhập cư vẫn được coi là “nát rượu” và là “máy đẻ” , lợi dụng lòng hảo tâm của nhà nước.

Dân Di gan thì khỏi nói, bị liệt luôn vào dạng mọi rợ, cộng thêm lưu manh vặt, tóm lại là vô phương cứu chữa. Ở Mỹ, nhiều người lớn tiếng là đã tới lúc người nghèo phải tắt ti vi đi và nhấc cái mông béo ú ra khỏi xô pha mà đi tìm việc, thay vì sống triền miên bằng trợ cấp xã hội.

Thực ra, đây là một quan niệm rơi rớt lại từ tư duy của cách đây hai thế kỷ. Ở London thời Victoria, tầng lớp giàu có cho rằng nghèo đói là do lười nhác, nghiện ngập, cờ bạc và chi tiêu vô tội vạ (giống hệt những gì tác giả Hoàng Xuân kể về cái làng ở Ninh Thuận) , và do đó, chính phủ không nên và không cần can thiệp.

Samuel Smiles, tác giả có ảnh hưởng lớn của cuốn Self-Help nổi tiếng, xuất bản năm 1859, còn cảnh cáo là “bất cứ cố gắng nào của chính quyền nhằm giúp đỡ người nghèo sẽ chỉ làm họ thêm phung phí trong tiêu pha và không lao động chăm chỉ để cải thiện bản thân”. Ở điểm này, có vẻ ông Samuel Smiles và chính quyền Đà Nẵng có cùng suy nghĩ.

Suy nghĩ này tuy xuôi tai (và dễ nhận được sự đồng tình từ những người làm từ thiện mãi rồi nản) , nhưng lại nhìn nhầm vấn đề. Điểm chung của người nghèo ở Việt Nam bây giờ và người bần cùng ở London cách đây 150 năm là: không phải lối sống của họ dẫn họ tới nghèo đói, mà nghèo đói đã tạo cho họ lối sống như vậy. Nói khác đi, cái nghèo cha truyền con nối đã biến họ thành những con người có thái độ sống buông xuôi, những người mà một cán bộ địa phương ở Vân Canh, Bình Định, mô tả một cách rất chính xác là “ngày ngày cứ ra đường ngồi chống cằm rồi về… uống rượu”.

Người nghèo phải chịu một mức độ stress cao hơn rất nhiều, do bệnh tật, thiếu thốn, đói kém và rủi ro triền miên đem lại. Một cách tự nhiên, con người phản ứng với tình trạng stress này bằng hai cách: hoặc giận dữ, hung hăng, hoặc thụ động, buông xuôi; và nhiều khi họ chạy từ thái cực này sang thái cực khác. Theo các nghiên cứu về thần kinh, trong khi các cú stress ngắn hạn có tác dụng làm tăng sự tập trung và linh lợi, stress mãn tính gây hại tới “hồi hải mã” (hippocampus) , một phần của não trước đảm nhiệm việc lưu giữ thông tin, ngôn ngữ, hình thành ký ức dài hạn và khả năng định hướng trong không gian.

Các quan sát lâu năm cũng cho thấy, ở trẻ em lớn lên trong nghèo khổ, vùng tiền não thùy (prefrontal cortex) – đây là vùng liên quan tới khả năng kiểm soát bản thân và điều phối cảm xúc –

bị ảnh hưởng, tương tự như ở người trầm cảm. Điều này cũng giải thích cho vẻ mặt “hiền lành gần như trì độn” mà bài báo VnExpress quan sát được.

Các nghiên cứu về hành vi gần đây cũng chỉ ra là sự thiếu thốn và bất an làm giảm thiểu các tài nguyên liên quan tới nhận thức, hay là công suất não, dẫn tới những hành vi không hợp lý và các quyết định không hiệu quả. Năm ngoái, một loạt các thí nghiệm với người dân Mỹ của Đại học Princeton kết luận rằng nghèo khổ có hậu quả tương đương với mất đi 13 điểm của chỉ số IQ. Cái nghèo làm cho người ta thiếu những kỹ năng sống cơ bản, cũng như năng lực nhận thức để có thể làm chủ bản thân và cuộc sống.

“Mụ mẫm vì nghèo” là một cách diễn đạt khác.

Và như vậy, yêu cầu những người sinh ra và lớn lên trong một môi trường cùng cực, thậm chí qua nhiều thế hệ, là họ phải có nghị lực, quyết tâm, chăm chỉ, cần cù, suy nghĩ sáng tạo, quyết định hợp lý, tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng chỗ, thì không khác gì yêu cầu dân văn phòng, những người vốn không quen sử dụng cơ thể của mình, phải có sự khéo léo, uyển chuyển, dẻo dai, động tác chính xác, cử chỉ nhịp nhàng, duyên dáng như một vận động viên nhảy cầu.

Hãy hình dung bạn có một người em nghiện ngập, nhu nhược, lười biếng, và hay làm những việc khiến bạn muốn phát điên lên.

Bạn phải làm gì? Chu cấp mãi thì không ổn, mà phủi tay bỏ đi thì cũng không xong. Trước hết, bạn dừng lại các chê trách và lên án.

Và sau đó, bạn tìm cách giúp người đó nhen nhóm lên sự tự tin, tạo thói quen bắt tay vào việc dù rất nhỏ, kiên nhẫn hướng dẫn, khích lệ để họ đạt được những bước tiến dù bé xíu, gây dựng cho họ niềm hy vọng về chính bản thân, một cảm giác họ không phải là phế thải.

Bạn cũng sẽ thích

Một cộng đồng nghèo cũng cần được đối xử như vậy. Nó khó hơn nhiều việc chỉ quyên góp tiền hay hỗ trợ thóc gạo, nhưng không có cách nào khác.

Tháng Tư 2014 .

Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.