“Bạn nghĩ rằng thế gian này đang làm khổ bạn? Nếu bạn nghỉ ngơi, thế gian này cũng sẽ nghỉ theo.”
Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ một lát rồi đi tiếp. Khi bị người khác làm tổn thương đến rơi nước mắt, Khi điều bạn khao khát không trở thành hiện thực, Khi người bạn yêu thương rời bỏ bạn, hãy cứ nghỉ một lát rồi đi tiếp.
Hãy gặp những người thật lòng trân trọng bạn Nói hết những chuyện bạn giấu trong lòng bấy lâu, Những chuyện làm bạn buồn phiền, đau khổ, từng chút từng chút một, kể hết cho họ nghe.
Để bù đắp cho cơ thể đã mệt mỏi vì phải chịu đựng nhiều khổ tâm, hãy tập thể dục, đi nhà tắm hơi, ăn bánh gạo xào cay hay chả cá, những món mà bạn rất thích khi còn nhỏ.
Hãy đến rạp chiếu phim, nơi mà đã lâu rồi bạn không đến, chọn lấy bộ phim hài nhất. Rồi vừa xem vừa cười thật sảng khoái như kẻ điên. Hãy chọn lấy những bài hát đẹp, những bài hát như hiểu được lòng bạn. Nghe đi nghe lại để cổ vũ chính mình.
Nếu vẫn không có tác dụng, hãy xin nghỉ ốm, đi du lịch xa vài ngày. Hãy đi theo đường tàu Kyungchun đến Chuncheon hoặc đến thăm chùa Mi Hwang Sa tuyệt đẹp ở ngôi làng cuối đất nước. Hãy đi du lịch một mình, tới những vùng đất bạn luôn muốn đến mà chưa có dịp.
Sau khi đã dành thời gian cho mình, cuối cùng, hãy cùng cầu nguyện. Không quan trọng chuyện bạn có theo tôn giáo nào hay không, hãy cầu nguyện, cho chính bản thân bạn đang chịu nhiều khó khăn. Hãy cầu nguyện để bạn biết yêu thương chính mình hơn nữa.
Và hãy cầu nguyện cho mình có thể học cách tha thứ. Phải như thế mới có thể sống. Phải như thế mới có thể tiếp tục sống những ngày sắp tới nên hãy khẩn cầu rồi ngủ yên như trẻ thơ. Vì bạn, người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng chính là tôi. Nên hôm nay tôi sẽ cầu nguyện cho cả bạn nữa. Dù còn nhiều thiếu sót, nhưng hãy luôn yêu lấy bản thân mình.
Bạn, người luôn cố gắng sống chăm chỉ đến thế giữa thế gian này, không phải đôi lúc cũng thật đáng thương ư? Bạn bè còn có thể an ủi lẫn nhau, tại sao chính bạn lại không quan tâm đến bản thân mình như thế?
Hãy vỗ về trái tim đi và tự nói rằng bạn rất yêu bản thân mình. Ngay lúc này, hãy thử viết lên giấy những điều làm bạn phiền não. Hãy viết ra cả những việc bạn nhất định phải làm. Rồi nghĩ rằng mình sẽ từ từ, chậm rãi làm từ việc dễ dàng nhất. Sau đó hãy cứ nghỉ hết đêm nay. Đến sáng mai khi mở mắt ra, bạn sẽ thấy cơ thể và trái tim mình sẵn sàng làm việc hơn lúc này. Thật đấy.
Đừng vội tổn thương và bỏ cuộc quá dễ dàng chỉ vì vài lời dè bỉu của người khác. Đừng quá coi trọng lời nói của những người Không hiểu rõ bản thân bạn. Bị ghét, đôi khi cũng có thể coi là minh chứng cho việc bạn đang làm rất tốt việc của mình. Hãy dũng cảm, lẳng lặng đi tiếp con đường bạn đang đi.
Đừng quá giày vò bản thân vì những lỗi lầm mình gây ra. Không có ai sống hoàn hảo cả. Trường học cuộc đời luôn dạy cho chúng ta những bài học quý thông qua những lỗi lầm. Hãy biết ơn những bài học ấy, và bạn sẽ càng trưởng thành hơn. Xin được vỗ về bạn.
Thứ chúng ta cần lúc này là biết cách trân trọng những gì đang có. Không phải làm việc chăm chỉ vô điều kiện mà là yêu thích việc mình đang làm. Nếu có niềm vui và sự hài hước, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống đủ đầy và thong thả hơn.
Từ trước đến giờ chúng ta đánh giá mọi thứ chỉ qua sự chăm chỉ và nỗ lực. Vì vậy mà khuôn mặt ta đanh lại, trong lòng luôn cảm thấy gấp gáp, bất an. Sự hài hước sẽ mở cửa những trái tim đang đóng kín.
Sự hài hước sẽ giải tỏa những suy nghĩ đang mắc kẹt trong đầu bạn. Khi bạn cười thật tươi, bạn có thể chấp nhận được mọi thứ. Thậm chí bạn có thể tha thứ cho cả những người mà thường ngày bạn ghét.
Chính vì vậy, sự hài hước là thứ không thể thiếu của cuộc sống.
Nếu bạn vui vẻ, trái tim bạn cũng sẽ mở ra. Và bạn có thể tiếp nhận những điều mới mẻ. Ngược lại, những khi bạn thấy khó chịu hoặc tâm trạng tồi tệ. Dù có được dạy bao điều hay, bạn cũng sẽ không thể nào đón nhận chúng.
Nếu lòng không tìm được niềm vui yên bình, bạn sẽ tiến bộ rất chậm, cả trong công việc, học tập cũng như tu hành. Thực ra, những người làm việc chăm chỉ nhưng vẫn vui vẻ như đang chơi sẽ làm việc hiệu quả hơn cả.
Còn những người chỉ chăm chăm vào công việc sẽ hoàn thành công việc bằng chính sự căng thẳng của mình, không chút vui vẻ gì. Nếu bạn muốn làm một công việc lâu dài chứ không chỉ làm trong một thời gian ngắn thì đừng chỉ cố gắng làm việc chăm chỉ mà hãy kiếm tìm niềm vui trong công việc ấy.
Nếu bạn chỉ lo làm việc mà không nghỉ ngơi, bạn sẽ đánh mất nhịp điệu của mình Và cuối cùng chẳng thể làm công việc ấy được lâu.
Bạn đang có chuyện phiền lòng?
Hãy dành ra một phút thôi, để ngắm nhìn gương mặt của một đứa trẻ đang ngủ. Bạn sẽ nhận được cảm giác yên bình.
Một gia đình nọ cùng dạo bước trên con đường phủ lá mùa thu. Người cha cúi xuống bế đứa con năm tuổi của mình lên, Đứa bé hôn lên má cha mình thắm thiết. Người mẹ ngắm nhìn cảnh ấm áp ấy, trên môi nở nụ cười. Chỉ cần dành cho mình chút thong thả và ngắm nhìn xung quanh là bạn có thể dễ dàng tìm thấy những hình ảnh hạnh phúc của cuộc sống.
Bạn muốn tạo nên những kỳ tích nhỏ trong cuộc sống? Nếu vậy, hôm nay hãy kết thúc công việc sớm hơn thường ngày. Đến trường chờ con mình tan học, sau đó cùng con đến khu vui chơi. Rồi cùng con ăn những món hằng ngày con vẫn muốn ăn Và chia sẻ những câu chuyện nhỏ với con nữa. Khi về nhà đừng quên mua một chiếc bánh kem đem về cho cả gia đình.
Như thế, bạn sẽ tạo nên một ký ức hạnh phúc không bao giờ quên được cho con mình.
Trước khi các con bạn trưởng thành, trước khi cha mẹ bạn quá già, hãy đi du lịch cùng cả gia đình nhiều hơn. Dù là gia đình cùng sống một nhà, ngày nào cũng gặp nhau, nhưng vì những bộn bề cuộc sống, chúng ta thường không thể quan tâm nhau đúng mực. Sự lạ lẫm của những chuyến du lịch sẽ làm gia đình gần nhau hơn và trò chuyện cùng nhau nhiều hơn. Chính vì vậy đi du lịch cùng gia đình còn có thể ngăn chặn được những cuộc ly hôn.
Lý do âm nhạc được xem là một thứ gì đó đẹp đẽ là vì giữa các nốt, có khoảng cách, có đoạn nghỉ.
Lý do lời nói được xem là một thứ gì đó đẹp đẽ là vì giữa các từ có khoảng nghỉ vừa phải.
Thỉnh thoảng bạn hãy nhìn lại xem mình có quá mải mê chạy mà không nghỉ hay nói quá nhiều mà không ngừng hay không.
Khi có việc quan trọng cần phải quyết định, bạn đừng quá dằn vặt mình khi chưa biết lựa chọn ra sao. Bạn hãy nghỉ ngơi, uống thứ thuốc có tên gọi thời gian, bởi trong vô thức bạn vẫn sẽ tìm kiếm cầu trả lời. Nên hai, ba ngày sau, khi đi dạo, khi ăn cơm, khi vừa ngủ dậy, hay cả khi đang trò chuyện cùng bạn bè thì câu trả lời sẽ đến với bạn.
Hãy tin vào bản thân mình, và tự cho mình thêm một chút thời gian.
Khi công việc không thuận lợi sẽ có lúc bạn cảm thấy mặc cảm vì nghĩ rằng đó là lỗi của mình. Nhưng có thực sự tất cả mọi thứ đều là lỗi của bạn? Lấy ví dụ, bạn là ca sĩ Jo Yong Pil, nhưng người họ cần lại là Pavarotti Thì dĩ nhiên bạn không đáp ứng được yêu cầu của họ. Đơn giản vì đó chưa phải là cái duyên. Chứ không phải là lỗi của bạn.
Hãy tự tin lên, cố lên!
Dù bạn có phải nấu mì ăn liền cho bữa tối một mình thì cũng hãy ăn thật ngon miệng với suy nghĩ yêu thương, trân trọng bản thân mình. “Vất vả biết bao nhiêu khi phải kéo lê tấm thân mệt mỏi cùng trái tim nhiều vết thương này mà sống.”
Bây giờ bạn hãy vừa tự vỗ về mình vừa nói “Hôm nay đã vất vả rồi.” Rồi đi ngủ sớm hơn ngày thường một tiếng. Lấy đó làm món quà tự tặng cho bản thân.
Bạn có điều phiền não? Hãy đi dạo và đắm mình dưới ánh nắng. Nếu đi dạo vào một ngày nắng đẹp, cơ thể bạn sẽ tạo ra hoóc môn serotonin giúp bạn bình tĩnh lại. Khi đã tĩnh tâm mà tìm hướng giải quyết, thật thần kỳ bạn sẽ tìm được câu trả lời một cách bất ngờ.
Có phải vì hay nghĩ rằng “Mình sẽ được ai đó an ủi” nên con người ta càng cảm thấy mệt mỏi hơn không? Nếu cứ nghĩ rằng “Mình sẽ được ai đó an ủi” thì sẽ chẳng ai có thể an ủi cho đến khi bạn cảm thấy đủ cả. Chi bằng hãy quyết tâm dùng lời cầu nguyện của mình để tự động viên mình cũng như động viên người khác.
Hãy quyết tâm. Khi ấy, bạn sẽ thấy được an ủi, và thấy mình mạnh mẽ hơn.
Hãy mua hoa, thay vì mua vé số. Dù chỉ là vài đóa hoa cũng hãy cứ mua, vì gia đình thân yêu, vì chính bản thân mình.
Đặt bình hoa ấy lên bàn ăn trong nhà, bạn sẽ chắc chắn trúng được một phần thưởng lớn chính là sự hạnh phúc yên ả trong suốt nhiều ngày.
Bạn có điều khó nghĩ? Bạn có chuyện buồn? Những chuyện khó khăn ấy chính là những bài học mà trường học cuộc đời muốn dạy cho bạn. Đừng vội vàng mà hãy chậm rãi ngẫm xem bài học ấy là bài học gì.
Dù bản thân ta không tồn tại, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Hãy buông bỏ cái suy nghĩ nếu không có mình thì mọi chuyện sẽ không thể tiếp tục. Khi sống, càng cảm thấy biết ơn người khác, bạn sẽ càng hạnh phúc. Vì khi ấy, bạn sẽ biết rằng mình đang “sống giữa những con người gắn bó với nhau” chứ không phải là kẻ bị bỏ rơi trơ trọi trên thế gian này.
Khi biết ơn người khác, bạn sẽ tiến đến gần chân lý của con người hơn. Thứ làm cho chúng ta trở nên yếu đuối hơn… chính là tham vọng được người khác kiểm chứng và công nhận giá trị của chính bản thân mình.
Tấm lòng thiện khi thật lòng muốn vì người khác và muốn giúp họ thành công sẽ làm bạn cảm thấy hạnh phúc, ấm áp hơn rất nhiều. Bạn sẽ không còn lo nghĩ, và sẽ chẳng có thứ thuốc bổ nào có thể tốt hơn thế nữa.
Hôm nay, nếu bạn có chuyện không vui, hãy nghĩ đến việc giúp một ai đó dù chỉ là việc nhỏ nhất.
Ngay lúc này đây, tại sao mình lại bận rộn thế?
Khi cảm thấy thế gian xung quanh mình đang xoay chuyển quá vội vàng, hãy dừng lại một lần và tự hỏi. “Là do tâm trí chính bạn bận rộn hay là do thế gian này quá vội vàng?”
Con người thường nghĩ rằng “tâm trí” và “thế gian” là hai định nghĩa tồn tại hoàn toàn riêng biệt, chúng ta luôn quan niệm, tâm trí là thứ ở trong ta, còn thế gian là thứ ở bên ngoài. Và chúng ta cho rằng tâm trí ta chịu sự chi phối của thế gian bên ngoài, có khi thế gian này làm ta vui, cũng có khi thế gian này khiến ta buồn. Chính vì vậy mà chúng ta coi tâm trí mình chỉ là một thứ gì đó bé nhỏ và yếu đuối, chẳng đáng gì so với thế gian rộng lớn ngoài kia.
Nhưng lời đức Phật dạy sẽ làm thay đổi hẳn suy nghĩ của chúng ta. Không phải thế gian này làm ta buồn hay khiến ta vui, mà là khi ta nhìn thấy tâm trí mình được phản chiếu lại trong cuộc sống, ta dựa vào đó rồi tự cho rằng thế gian rất thế này, và rất thế kia. điều này có nghĩa là gì? Nhìn thấy tâm trí mình được phản chiếu lại trong cuộc sống là sao? Tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản. Đầy là câu chuyện do một sư thầy bề trên kể lại cho tôi, sau khi hoàn thành việc xây dựng một pháp đường cách đây không lâu.
“Những ai đã từng trực tiếp xây nhà chắc chắn sẽ hiểu cảm giác của tôi. Khi đang xây pháp đường, đến công đoạn lợp ngói cho mái nhà, hễ cứ đi đến đâu, bất kể là nhà ở bình thường hay chùa, đền là mái ngói ở đấy lại lọt vào mắt tôi trước tiên. Đến khi lót sàn cho phần hiên, thì đi đâu tôi cũng chỉ nhìn vào hiên nhà đấy. Tôi toàn để ý xem sàn hiên được lót bằng gỗ màu gì, vân như thế nào, có chắc chắn hay không. Khoảnh khắc giật mình nhận ra chuyện này, tôi đã giác ngộ được một điều nho nhỏ. Khi ta nhìn thế gian, dường như ta chỉ nhìn những thứ tâm ta muốn nhìn. Tôi ngộ ra một điều mới mẻ, rằng thế gian mà chúng ta nhìn thấy không phải toàn bộ vũ trụ rộng lớn, mà là thế gian bị giới hạn bởi tầm nhìn của đôi mắt trong tâm.”
Sau khi nghe vị sư ấy nói, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và quả đó là sự thật. Có bao giờ chúng ta để ý đến cả vũ trụ rộng lớn mà sống đâu. Và thật ra chúng ta cũng không cần phải biết tất cả những chuyện đang xảy ra trên vũ trụ này làm gì. Chúng ta sống và nhận thức thế gian chỉ qua ống kính tâm hồn của chính mình mà thôi.
Khi ta nhìn thế gian với ống kính tâm hồn ở trạng thái “ta cần thứ này” thì ta sẽ chỉ nhìn thấy thứ ta đang tìm kiếm. Vì khi ấy tâm ta chỉ đang hướng về thứ nó cần mà thôi. Cũng giống như khi có một vị sư lớn tuổi đi ngang qua và buông một câu nói, người bình thường sẽ không thấy gì đặc biệt, nhưng những người tu hành đang khẩn thiết cầu sự giác ngộ sẽ nhận ra ngay một bài học lớn chứa trong câu nói ấy.
Nếu vậy, tâm trí ta đâu phải chỉ là một thứ gì đó nhỏ bé thụ động, chịu sự chi phối của thế gian rộng lớn. Chẳng phải chính chúng ta có thể tự quyết định ống kính tâm hồn mình sẽ hướng về mặt nào của thế gian đấy sao? Dù sao đi nữa, thế gian mà chúng ta nhìn thấy thông qua ống kính tâm hồn mình cũng bị giới hạn, khi ta tự chỉnh tâm điểm hướng về những gì mình muốn nhìn thấy, thì theo đó, thế gian cũng sẽ cho ta thấy những thứ mà ta muốn nhìn. Nhưng dĩ nhiên chuyện này không dễ dàng như lời nói. Để có thể thay đổi chiều hướng của ống kính theo ý chí, cần có sự nỗ lực cực kỳ to lớn.
Lý do chính là vì tâm trí chúng ta có lực quán tính rất mạnh, luôn cố làm theo những thói quen vốn có thường ngày. Hãy nghĩ đến chuyện gặp gỡ một người ta rất ghét. Chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ đến những điều chúng ta ghét trước khi nghĩ đến những điều tốt chúng ta có thể đạt được khi gặp người này.
Nhưng hãy thử thay đổi tâm điểm của ống kính, tập trung vào những điểm tốt của người đó xem nào. Ban đầu sẽ rất khó vì bạn sẽ muốn từ chối việc suy nghĩ đến điểm tốt của họ, cũng như cảm thấy bị gượng ép. Nhưng sau một khoảng thời gian, khi đã quen được với điều này, thì đến một khoảnh khắc nào đó bạn sẽ cảm thấy rằng thực sự xung quanh mình toàn là người tốt. Nghĩa là, mọi người xung quanh ta đều giống nhau, còn tùy vào cách nhìn của ta mà họ có thể trở thành người tốt hoặc người xấu.
Nhưng điều quan trọng hơn cả, không chỉ là điều chỉnh hướng của ống kính, mà chính là trạng thái của ống kính. Nghĩa là, tâm trí ta nhìn thế giới theo trạng thái nào, thì màu sắc của ống kính sẽ thay đổi theo vô vàn các trạng thái đó. Khi tâm ta vui vẻ thì ống kính sẽ có màu của sự vui vẻ. Và dĩ nhiên thế giới được nhìn thấy qua ống kính ấy cũng sẽ đầy ắp niềm vui. Ngược lại, khi lòng cảm thấy cô đơn thì ống kính cũng sẽ đổi màu, khiến cho thế gian xung quanh cũng cô quạnh vô chừng.
Như vậy những chuyện xảy ra trên thế gian này vốn dĩ không có chuyện nào là vui, không có chuyện nào là bất hạnh, không có chuyện nào là đẹp đẽ, cũng chẳng có chuyện nào là đáng kinh tởm. thế gian không tự phân chia mọi chuyện ra như thế, mà chính ống kính tâm hồn của chúng ta làm việc này. Khi nhìn thấy lá vàng rơi vào mùa thu, sẽ có người nói “Ôi, sao mà cô đơn quá”, cũng sẽ có người nói “A, cảnh đẹp quá”. Thế gian đó vẫn chỉ là một, cùng là một cảnh lá rơi, nhưng tùy theo tâm mỗi người đang thanh tịnh hay cô đơn, thì thế gian mà người đó nhìn thấy cũng sẽ thay đổi theo.
Giờ tôi sẽ nói về câu chuyện của chính mình. Khi ở Mỹ, vừa phải thực hiện bổn phận của một nhà sư, vừa phải thực hiện bổn phận của một giáo sư, tôi không có phút rảnh rỗi nào. Cùng lúc sống cuộc sống của một học giả, một giáo viên, một nhà tôn giáo, một người tu hành, nhiều khi tôi cảm thấy mình cực kỳ bận rộn.
Các ngày trong tuần tôi vừa dạy học cho sinh viên vừa làm nghiên cứu, cuối tuần thì lái xe suốt ba tiếng đồng hồ để đến ngôi chùa ở New York của ân sư từng dạy dỗ tôi, nhận nhiệm vụ và làm việc ở đó. Đến kỳ nghỉ thì lịch làm việc của tôi còn bận hơn nữa. Tôi phải đi thăm viếng và chào hỏi các sư thầy lớn tuổi, nếu có người nhờ tôi đi thông dịch thì tôi lại đi dịch, nếu có người nhờ tôi đi giảng pháp văn thì tôi lại đi giảng, ngoài ra tôi còn phải dành thời gian riêng để tự mình tu hành. Chưa kể còn phải viết luận văn và tiếp tục nghiên cứu.
Thật ra cũng có lúc tôi tự hỏi “Rốt cuộc là mình làm nghề gì vậy?” Cũng có lúc tôi nghĩ không hiểu mình có đúng là nhà sư hay không, nếu là nhà sư thì có được phép sống bận rộn tối mắt tối mũi như thế này không. Nhưng rồi tôi nhận ra ngay. Không phải là thế gian này bận rộn, mà chính tâm trí tôi bận rộn. Thế gian này chẳng bao giờ tự thở dài và than thở “Ha, mình thật là bận rộn” cả. Rốt cuộc, nếu tâm trí ta nghỉ ngơi thì thế gian này cũng sẽ nghỉ theo.
Rồi tôi quan sát bản thân đang sống cuộc sống bận rộn kỹ thêm một chút nữa, và tôi hiểu ra một điều. Lý do cuộc sống tôi bận rộn đến mức này, là vì chính tôi muốn mình bận rộn. Nếu thực sự muốn nghỉ ngơi thì tôi cứ nghỉ là được. Nếu có ai nhờ vả thì chỉ cần từ chối, nếu không thể nói lời từ chối thì chỉ cần tắt điện thoại đi là xong.
Nhưng việc tôi không thể làm thế mà tiếp tục đẩy bản thân mình vào trong lịch làm việc bận rộn như vậy, chính là bởi ở một mức độ nào đó bản thân tôi cũng đang thích thú với sự bận rộn này. Vì đối với tôi, việc gặp gỡ những người cần tôi và giúp đỡ họ, dù là những điều nhỏ bé nhất, cũng đã là niềm vui và niềm hạnh phúc lớn lao rồi.
Nếu bạn thực sự muốn nghỉ ngơi? Vậy thì ngay lúc này, hãy để tâm trí mình tập trung vào hiện tại. Tâm trí bạn luôn bận rộn nghĩ rằng mình phải làm thứ này, phải làm thứ kia chỉ đơn thuần là do bạn đang lo lắng quá mức về quá khứ và tương lai mà thôi. Khi tập trung vào hiện tại, thì sẽ không có quá khứ, cũng không có tương lai. Và như thế, cái hiện tại “ngay lúc này” không chút vướng bận tất nhiên cũng sẽ không còn bận rộn nữa. Chẳng phải thế sao?
Có câu nói “Mắt Phật chỉ nhìn thấy Phật, mắt lợn thì chỉ nhìn thấy lợn”. Con mắt tâm hồn của ta nhìn thế gian ở trạng thái như thế nào, thì thế gian mà ta nhìn thấy sẽ giống y như trạng thái ấy.
Tóm lại, tất cả mọi chuyện không phải chỉ là lỗi của thế gian. Căn nguyên của những cảm xúc tốt, xấu, mệt mỏi, cô đơn,… của ta về thế gian này, có thể là do chính ta đã tự gieo trong tâm trí mình, dù là một cách có ý thức hay vô thức. Bạn hãy nhìn xem. Nếu tâm trí bạn nghỉ ngơi, thế gian Cũng nghỉ ngơi theo bạn. Nếu tâm trí bạn hạnh phúc, thế gian cũng hạnh phúc theo bạn. Tâm trí con người và thế gian không phải là hai thứ tồn tại riêng lẻ. Trước khi oán trách thế gian, hãy cùng lau lại tấm kính của tâm hồn mình cho sạch đẹp.
Chúng ta chỉ có thể nhìn thế gian qua cánh cửa có tên gọi là tâm hồn. Nếu tâm ta ồn ào, thì thế gian sẽ ồn ào. Nếu tâm ta yên bình, thì thế gian sẽ yên bình. Vì vậy có một điều quan trọng hơn cả việc thay đổi thế gian đó chính là hiểu rõ được chính tâm hồn mình.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Bước Chậm Lại Giữa Thế Gian Vội Vã với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.