Trang chủ / Chó Sủa Nhầm Cây

Đọc sách Chó Sủa Nhầm Cây

Review sách Chó Sủa Nhầm Cây. Tải sách Chó Sủa Nhầm Cây PDF/EPUB/AZW3

Dưới đây là nội dung cuốn Chó Sủa Nhầm Cây. Hãy mua cuốn Chó Sủa Nhầm Cây trên Shopee để ủng hộ tác giả.

Có nên thận trọng và vâng lời nếu muốn thành công?

Phải chăng cứ chơi theo luật là có thành quả xứng đáng? Sự thật từ những thủ khoa, những người không biết đau đớn, và thần đồng dương cầm.

Ashlyn Blocker không cảm thấy đau.

Sự thật là cô chưa bao giờ cảm thấy đau. Trong mắt mọi người, cô chỉ là một cô gái tuổi teen bình thường, nhưng do một khiếm khuyết trong gene SCN9A, thần kinh của cô không hoạt động giống như bạn hoặc tôi. Tín hiệu đau đớn không thể đến được não của Ashlyn.

Nghe như phép màu trời cho hả? Gượm đã. Trang Wikipedia nói về “Chứng vô cảm bẩm sinh với cơn đau” viết rất đơn giản: “Đây là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm.” Dane Inouye viết, “Hầu hết trẻ em đều mơ ước trở thành siêu anh hùng. Bệnh nhân CIPA (“Congenital insensitivity to pain with anhidrosis” — vô cảm bẩm sinh với cơn đau) có thể được xem như Superman vì không cảm thấy cơn đau thể chất, nhưng trớ trêu thay, thứ cho họ ‘siêu năng lực’ cũng chính là đá kryptonite của họ.”

Theo bài viết của Justin Heckert trên tạp chí New York Times, cha mẹ của Ashlyn phát hiện cô bị vỡ mắt cá chân trước cả khi bản thân cô nhận ra — trong khi nó đã xảy ra từ 2 ngày trước. Karen Cann, một phụ nữ khác mắc chứng rối loạn tương tự, đã bị vỡ xương chậu khi sinh đứa con đầu lòng nhưng không hề cảm nhận được điều gì trong nhiều tuần, cho đến khi phần xương hông khiến cô gần như không thể bước đi.

Người mắc chứng rối loạn này thường có tuổi thọ ngắn và chết trong thời thơ ấu. Trong số các em bé bị chứng CIPA, 50% không sống qua 3 tuổi. Quấn trong tấm khăn của những bậc cha mẹ có ý tốt, những đứa trẻ này không hề khóc khi nhiệt độ bên trong quá nóng. Những người sống sót thường xuyên cắn đầu lưỡi hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng cho giác mạc từ việc dụi mắt. Người lớn bị chứng rối loạn này thường gây ra các vết sẹo trên người và gãy xương nhiều lần. Mỗi ngày họ phải kiểm tra cơ thể của mình để xem liệu có vết thương nào không. Nhìn thấy các vết thâm tím, vết cắt hoặc bỏng là cách duy nhất để họ biết chuyện gì đã xảy ra. Viêm ruột thừa và các bệnh ác tính khác là mối quan tâm đặc biệt — người bị CIPA thường không nhận ra bất kỳ triệu chứng gì cho đến khi đã quá muộn.

Sách hay khuyên đọc

Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta, tại một thời điểm nào đó, từng ước mình giống như Ashlyn?

Thật dễ dàng nhìn thấy lợi ích của chứng này. Không còn những cơn đau dai dẳng. Không còn sợ hãi mỗi khi bước vào phòng nha sĩ. Một cuộc sống miễn nhiễm với mọi sự khó chịu dù là nhỏ nhất từ bệnh tật và chấn thương. Không bao giờ đau đầu hoặc phải chịu đựng chứng đau lưng dưới.

Về phạm trù chăm sóc sức khoẻ và suy giảm năng suất lao động, những Cơn đau đã làm nước Mỹ hao tổn từ 560 đến 635 tỷ đô/năm. 15% người Mỹ phải đối mặt với cơn đau mãn tính hàng ngày, và nhiều người trong số họ sẽ không ngần ngại hoán đổi vị trí với Ashlyn.

Một trong những nhân vật phản diện trong cuốn tiểu thuyết bán chạy The Girl Who Played with Fire bị mắc chứng CIPA, và khiếm khuyết ấy được ví von như một loại siêu năng lực. Với kỹ năng của một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp và không biết đau là gì, anh ta dường như bất khả chiến bại, và đồng thời cũng là một kẻ thù đáng sợ.

Điều này gợi lên những câu hỏi lớn hơn: Khi nào thì điểm yếu của chúng ta sẽ thật sự trở thành điểm mạnh? Liệu có tốt hơn khi là một kẻ xuất chúng vừa có cả khuyết tật lẫn siêu năng lực? Hay cuộc đời chúng ta sẽ tốt hơn nếu là người bình thường? Chúng ta thường được khuyên hãy thận trọng, nhưng liệu cứ làm theo những điều “đúng đắn” và không mạo hiểm ở những cực điểm có là con đường dẫn đến thành công — hay chỉ là cách để mắc kẹt với sự tầm thường?

Để giải quyết câu đố này, trước hết hãy nhìn vào những người luôn tuân theo các quy tắc và làm đúng mọi thứ. Hãy xét các thủ khoa ở trường trung học. Đó là điều tất cả các bậc cha mẹ đều mong ước con mình đạt được. Các bà mẹ thường bảo rằng cứ học hành chăm chỉ là con sẽ thành công trong cuộc sống. Và mẹ thì thường nói đúng.

Nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Karen Arnold tại Đại học Boston đã theo dõi 81 học sinh tốt nghiệp thủ khoa và á khoa ở các trường trung học để xem nhóm dẫn đầu về thành tích học tập này sau đó ra sao. 95% số học sinh đó về sau tiếp tục học tập và tốt nghiệp đại học, điểm trung bình 3,6 (với 4 là số điểm tối đa) — đến năm 1994, 60% đã có bằng sau đại học. Thành công ở trung học dự báo thành công ở đại học là chuyện không phải bàn. Gần 90% hiện đang làm nghề có chuyên môn, với 40% làm các công việc bậc cao nhất. Họ rất đáng tin cậy, ổn định, dễ thích nghi, và đa số đều có cuộc sống tốt đẹp.

Nhưng có bao nhiêu người trong số những học sinh số 1 tại trường trung học thay đổi thế giới này, điều hành thế giới này, hay để lại dấu ấn gì đó đặc biệt trên khắp địa cầu? Câu trả lời gần như quá rõ ràng: 0.

Khi bàn về con đường thành công của những đối tượng đang quan sát, Karen Arnold nói: “Mặc dù hầu hết đều là những người thành công trong sự nghiệp, phần lớn các cựu thủ khoa của trường trung học đều không góp mặt ở các vị trí đầu bảng xếp hạng trên các đấu trường dành cho người trưởng thành.” Trong một buổi phỏng vấn khác, Arnold nói: “Các thủ khoa thường không phải là người có tầm nhìn xa trông rộng trong tương lai […] họ thường sắp xếp mọi thứ một cách hệ thống thay vì đổi mới.”

Hay do 81 học sinh này chưa đủ trình để vào nhóm cao nhất? Không. Nghiên cứu cho thấy thứ giúp học sinh gây ấn tượng trong lớp cũng chính là thứ làm giảm khả năng bứt phá để chiến thắng bên ngoài học đường.

Vậy tại sao những thủ khoa ở các trường trung học rất hiếm khi chạm đến vị trí số một trong cuộc sống? Có 2 lý do. Đầu tiên, trường học luôn thưởng cho những học sinh biết nghe lời và làm theo những gì được bảo. Điểm số ở trường chỉ tương quan lỏng lẻo với chỉ số thông minh (các bài kiểm tra đã chuẩn hóa đo lường chỉ số IQ hiệu quả hơn). Tuy nhiên, điểm SỐ lại là một chỉ báo tuyệt vời về sự tự giác, sự tận tâm, và khả năng tuân thủ quy tắc.

Trong một cuộc phỏng vấn, Arnold cho biết: “Về cơ bản, chúng ta đang khen thưởng cho sự tuân thủ và sẵn sàng đồng hành cùng hệ thống. Nhiều thủ khoa cũng thừa nhận rằng họ không phải là người thông minh nhất lớp, chỉ là người làm việc chăm chỉ nhất. Số khác cho rằng vấn đề nằm ở chỗ họ CỐ gắng đáp ứng đòi hỏi của giáo viên hơn là thực sự tìm hiểu kiến thức. Hầu hết các đối tượng trong nghiên cứu này được phân loại vào nhóm “sự nghiệp gia” (careerist): Họ xem công việc của mình là đạt điểm số tốt chứ không phải là học hỏi.

Lý do thứ hai là trường lớp thường tập trung khen thưởng các “tổng quát gia” (generalist) — những người đa lĩnh vực. Có quá ít sự ghi nhận về đam mê hay biệt tài của học sinh. Ngoài đời thực, chuyện lại hoàn toàn trái ngược. Đề cập đến những thủ khoa, Arnold nói, “Họ hiểu biết sâu rộng và cực kỳ thành công, cả trên phương diện cá nhân lẫn sự nghiệp, nhưng họ không bao giờ cống hiến cho một lĩnh vực nhất định nào, và không dốc hết đam mê vào đó. Và đó thường không phải công thức cho sự đột phá.”

Nếu bạn muốn học tốt ở trường và đồng thời cũng mê toán, bạn cần phải dừng việc cố đạt luôn điểm A trong môn Lịch sử. Cách tiếp cận “đa khoa” này sẽ không giúp tạo dựng chuyên môn. Nhưng rốt cuộc tất cả chúng ta sẽ đều tham gia một ngành nghề nào đó, nơi mà một kỹ năng nhất định được đề cao, trong khi những kỹ năng khác lại chẳng hề quan trọng.

Trớ trêu thay, Arnold cũng nhận ra những sinh viên thông minh yêu thích học tập lại gặp khó khăn ở trung học. Họ muốn tập trung vào đam mê của mình, thích đạt được sự thành thạo, và cảm thấy cách vận hành ở trường thật ngột ngạt. Trong khi đó, các thủ khoa lại rất thực dụng. Họ tuân theo các quy tắc và đề cao điểm A hơn là những kỹ năng và sự thấu hiểu sâu sắc.

Trường học có những quy tắc rõ ràng. Cuộc đời thường lại không. Khi không có một con đường rõ ràng nào để đi theo, những người có thành tích học tập cao gục ngã.

Nghiên cứu của Shawn Achor tại Harvard cho thấy điểm số đại học của một người cũng không dự đoán được cuộc đời sau này tốt gì hơn cách tiên đoán bằng đổ xí ngầu. Một cuộc nghiên cứu hơn 700 triệu phú Mỹ cũng cho thấy mức điểm trung bình của họ chỉ ở mức 2,9.

Tuân theo quy tắc không tạo ra thành công; nó chỉ loại bỏ những cực điểm — cả cực tốt lẫn cực xấu. Tuy điều này trông cũng tốt vì loại bỏ được rủi ro tiêu cực, nó cũng đồng thời loại bỏ luôn cả những thành tựu long trời lở đất. Giống như thể đặt một bộ điều tiết vào động cơ ngăn cho xe của bạn không vượt quá tốc độ 55; bạn sẽ ít có khả năng đụng chết người, nhưng cũng sẽ không lập được kỷ lục nào về tốc độ.

Vậy, nếu những người chơi theo luật không kết thúc ở vị trí dẫn đầu, thì ai sẽ về nhất?

Winston Churchill lẽ ra đã không bao giờ được làm thủ tướng Anh. Ông không phải dạng người luôn “làm điều đúng,” và thật sốc khi ông lại được chọn. Những người đương thời biết ông có tài — nhưng ông cũng đồng thời là một khẩu đại pháo hoang tưởng khó đoán và khó đối phó.

Leo từng bậc trong hệ thống chính trị Anh một cách vững chãi (ông được bầu vào Quốc hội năm 26 tuổi), Churchill dần dà được đánh giá là thiếu sót và không phù hợp với những vị trí cao nhất. Cho đến những năm 1930, sự nghiệp của ông coi như đã xong phim. Theo nhiều cách ví von, ông như một sự đối lập hoàn hảo với Neville Chamberlain, một nhà lãnh đạo luôn làm điều đúng đắn và là hình mẫu cho vị trí thủ tướng.

Nước Anh không lựa chọn lãnh đạo của mình một cách bất cẩn. Một cuộc nghiên cứu về vị trí thủ tướng cho thấy các vị này thường lớn tuổi và được xem xét kỹ hơn hẳn những người đồng sự Mỹ. John Major vươn lên đỉnh quyền lực nhanh hơn hầu hết bất kỳ lãnh đạo Anh Quốc nào, nhưng vẫn là đối tượng có nhiều sự chuẩn bị cho vị trí này hơn hắn đa số tổng thống Mỹ.

Churchill là một kẻ phi chính thống. Ông không chỉ ái quốc đơn thuần; ông còn thể hiện sự hoang tưởng đến bất kỳ mối đe dọa quyền lực nào. Ông thậm chí xem Gandhi như một mối nguy vì quan điểm đối lập liên quan đến cuộc nổi loạn hòa bình ở Ấn Độ. Churchill là Chú Gà Quẩy của Anh Quốc (Chicken Little of Great Britain), hết lòng chống lại mọi sự thù địch đến đất nước, dù là lớn, nhỏ — hay tưởng tượng. Nhưng tố chất “xấu” này chính là mấu chốt tại sao ông lại trở thành một trong những nhà lãnh đạo được tôn kính nhất trong lịch sử thế giới.

Chú Gà Quẩy này là kẻ duy nhất nhận ra mầm mống đe dọa từ Hitler. Chamberlain, trái lại, xem Hitler như “một người có thể tin cậy khi đã hứa.” Giới lãnh đạo Anh thủ cựu đã bị thuyết phục rằng khuyên giải chính là cách dập tắt phát-xít.

Khi cần kíp, sự hoang tưởng của Churchill đã dự đoán được tình hình. Ông không tin kẻ bắt nạt sẽ để mọi người được yên sau khi đã cống nạp tiền ăn trưa cho hắn. Ông biết rõ là cần phải đấm ngay vào mũi hắn.

Sự nhiệt thành của Churchill — thứ gần như đã hủy hoại sự nghiệp của ông trước đó — lại chính là thứ Anh Quốc cần để tiến vào Thế chiến II. Và cũng rất may là dân Anh kịp nhận ra điều này trước khi quá trễ.

Để trả lời câu hỏi lớn — ai mới là người lên đỉnh — hãy tiếp cận từ một góc độ khác: Điều gì làm nên một nhà lãnh đạo vĩ đại? Trong suốt nhiều năm, giới nghiên cứu chính thống dường như vẫn không thể kết luận liệu các nhà lãnh đạo có thực sự quan trọng hay không. Vài nghiên cứu đã chỉ ra nhiều đội ngũ thành công dù có hay không có đầu tàu. Số khác lại nhận thấy đôi khi một cá nhân lôi cuốn chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của cả nhóm. Mọi chuyện vẫn chưa có gì rõ ràng — cho đến khi một học giả bỗng có một linh cảm.

Gautam Mukunda suy đoán rằng lý do kết quả nghiên cứu không nhất quán chính là thực sự có đến 2 thể loại lãnh đạo khác nhau. Loại đầu tiên nổi lên thông qua kênh chính ngạch, được thăng chức, tuân theo luật lệ, hay đáp ứng được kỳ vọng. Những nhà lãnh đạo kiểu này, như Neville Chamberlain, là loại “chọn lọc.” Loại thứ hai không nổi lên qua thang bậc; họ xuất hiện từ cửa sổ: những doanh nhân không chờ đợi ai đó tiến cử mình; phó tổng thống Mỹ vô tình được trao chức tổng thống; hay nhà lãnh đạo hưởng lợi từ cơn bão hoàn hảo của những sự kiện rất ít khả năng xảy ra, ví dụ như Abraham Lincoln đắc cử. Đây là nhóm “không chọn lọc.”

Vào thời điểm những ứng cử viên “chọn lọc” đang trong cuộc chạy đua cho vị trí hàng đầu, họ đều được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo là người có thể đưa ra những quyết định chuẩn mực được giới truyền thống đồng tình. Họ gần như rất khó vượt lên hẳn — và đó là lý do tại sao nhiều nghiên cứu cho thấy các nhà lãnh đạo loại này tạo rất ít ảnh hưởng.

Nhưng những ứng cử viên “không chọn lọc” thì chưa từng được xem xét bởi hệ thống và không thể luôn đưa ra những quyết định kiểu “đồng thuận cao” — thậm chí nhiều người còn không biết đó là gì nữa. Họ hành động khó lường, có hoàn cảnh khác nhau, và thường không thể đoán trước. Thế mà họ vẫn mang đến thay đổi và tạo sự khác biệt. Và thường là khác biệt tiêu cực. Bởi vì không tuân theo luật lệ, họ thường phá hỏng chính thể mà mình đang dẫn dắt. Dù vậy, vẫn có thiểu số những nhà lãnh đạo “không chọn lọc” mang tư tưởng cải tổ, giải phóng tổ chức của họ khỏi niềm tin sai lầm và tính nhất quán ngu ngốc, đồng thời chuyển hóa sang con đường tốt đẹp hơn. Đó là những nhà lãnh đạo mang lại ảnh hưởng tích cực to lớn trong nghiên cứu.

Trong luận án tiến sĩ của mình, Mukunda ứng dụng lý thuyết này với mọi đời tổng thống Mỹ, đánh giá từng người xem họ thuộc nhóm chọn lọc hay không chọn lọc, cũng như liệu họ có phải là lãnh đạo vĩ đại hay không. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Lý thuyết của ông dự đoán được ảnh hưởng của tổng thống với mức độ tin cậy thống kê cao chưa từng thấy: 99%.

Những nhà lãnh đạo chọn lọc không rung lắc con tàu, trong khi số kia chẳng làm gì khác ngoài việc lắc lư. Thường thì họ phá nát bấy các thứ, nhưng đôi khi họ cũng phá nát những thứ tệ hại như chế độ nô lệ, như Abraham Lincoln đã làm.

Mukunda cũng đã tự mình trải nghiệm chuyện này. Luận án tiến sĩ khác biệt khiến ông trở thành một kẻ ngoại lệ trong thị trường nghề nghiệp học thuật. Dù có gốc Harvard và MIT, ông chỉ nhận được 2 lời mời phỏng vấn sau hơn 50 đơn lĩnh tuyển. Các ngôi trường muốn một giáo sư bình thường, có thể dạy được lớp Nhập môn Khoa học Chính trị — họ muốn một học giả chọn lọc. Cách tiếp cận ngoài-chiếc-hộp của Mukunda khiến cho ông trở thành một ứng cử viên không tiềm năng vào vị trí giáo sư truyền thống. Chỉ có những ngôi trường đang tìm kiếm một ngôi sao ngoại lệ, có nguồn lực hỗ trợ một đội ngũ đa dạng và hiểu biết nhiều lĩnh vực, mới hứng thú với một kẻ như ông. Trường Kinh doanh Harvard đưa ra lời đề nghị, và Mukunda chấp nhận.

Mukunda nói với tôi, “Sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo tốt và vĩ đại không phải là vấn đề ‘nhiều hơn.’ Họ về bản chất là những con người hoàn toàn khác nhau.” Giả như dân Anh nhìn thấy sai lầm từ vụ khuyên giải phát-xít và nói, “Hãy cho chúng tôi một Neville Chamberlain tốt hơn,” họ hẳn đã tiêu rồi. Họ không cần có thêm một lãnh đạo chọn lọc; họ cần một ai đó mà hệ thống không bao giờ cho phép người này bước vào cửa. Nếu cách cũ đã không ra gì, nhân đôi nó lên thì chỉ có thảm họa hơn. Để đấu lại mối đe dọa như Hitler, họ cần một kẻ nổi loạn như Churchill.

Khi tôi hỏi Mukunda điều gì làm cho những nhà lãnh đạo không chọn lọc gây nhiều ảnh hưởng hơn, ông đáp rằng họ có những phẩm chất độc nhất làm cho mình trở nên khác biệt. Không phải những phẩm chất với những lời mô tả tâng bốc như bạn nghĩ, không phải kiểu “cực kỳ thông minh” hay “sắc sảo chính trị” đâu. Những phẩm chất mà ta đang tìm kiếm thường được xem như tiêu cực ở mức độ trung bình — những phẩm chất mà bạn và tôi đều đánh giá là “xấu” — nhưng khi đặt trong hoàn cảnh phù hợp, chúng sẽ hóa tích cực. Giống như sự hoang tưởng của Churchill khi bảo vệ nước Anh, những phẩm chất đó như thể độc dược, khi đặt đúng chỗ sẽ trở thành một loại thuốc nâng cao hiệu suất.

Mukunda gọi đó là “tố chất tăng cường.” Và chúng nắm giữ bí mật về cách biến điểm yếu lớn nhất trở thành điểm mạnh khủng nhất.

Glenn Gould là một kẻ mắc chứng hypochondria (chứng rối loạn ám ảnh bệnh tật) nặng đến nỗi nếu như bạn hắt xì khi đang nói chuyện điện thoại, ông sẽ ngay lập tức cúp máy.

Nghệ sĩ dương cầm cổ điển này có thói quen đeo găng tay, và đối với ông, chuyện mang nhiều đôi một lúc cũng không lạ lẫm gì. Khi nói về đống thuốc luôn mang theo bên người, Gould kể, “Một nhà báo viết rằng tôi thường di chuyển với một vali đầy cả thuốc. Thực ra, số thuốc ấy chỉ khoảng một cái cặp xách thôi.” Ông đã hoãn đến 30% số buổi biểu diễn của mình, đôi khi đăng ký lại và sau đó lại hủy. Gould biện bạch, “Tôi thường không đến xem mấy buổi hòa nhạc, đôi khi của chính bản thân mình.”

Vâng, Gould là một gã kỳ quái. Nhưng ông cũng đồng thời là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất không thể chối cãi của Thế kỷ XX. Ông thắng 4 giải Grammy và bán được hàng triệu album. Ông thậm chí còn đạt được một dấu ấn danh vọng chân thực nhất trong thời đại của chúng ta: được lấy cảm hứng cho một tập phim The Simpsons.

Gould không chỉ là một kẻ mắc chứng hypochondria. Ông được tờ Newsweek gọi là “Howard Hughes trong lĩnh vực nhạc kịch.” Ông đi ngủ lúc 6 giờ sáng và thức dậy vào buổi chiều. Nếu cảm thấy một chuyến bay “không may mắn,” ông sẽ từ chối bước lên máy bay. Ông ghét thời tiết lạnh đến nỗi mặc cả quần áo mùa đông vào mùa hè và thường dùng một túi rác để đựng vật dụng hàng ngày. Điều này từng khiến ông bị bắt giữ ở Florida vì cảnh sát tưởng ông là một kẻ lang thang.

Dĩ nhiên, tính lập dị cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của ông. E ngại đến quá gần người khác có thể làm ảnh hưởng đến công việc của mình, Gould thường giữ khoảng cách với bạn bè. Huyết mạch đời ông chính là cái điện thoại. Trong 9 tháng cuối cùng của đời mình, ông nấu cháo điện thoại với hóa đơn lên đến 13.000 đô la. Thói quen lái xe điên khùng khiến bạn bè đặt biệt danh cho ghế hành khách trên xe ông là “chiếc ghế tự sát.” Ông có lần bình luận, “Tôi cho rằng mọi người có thể xem tôi là một gã tài xế điên loạn. Thực sự là tôi đã từng vượt rất nhiều đèn đỏ, nhưng ở thái cực khác, tôi cũng từng dừng lại trước rất nhiều đèn xanh, thế mà chẳng bao giờ có ai ghi nhận công lao đó.”

Cách ông chơi nhạc còn kỳ lạ hơn. Kevin Bazzana mô tả trong quyển tự truyện tuyệt vời của mình về Gould như sau: “vẻ ngoài nhăn nhở, cúi khoằm xuống phím đàn như khỉ, cánh tay vẩy đập, thân người xoay chuyển cùng cái đầu lắc lư.” Hãy nhớ, đây không phải một nghệ sĩ dương cầm chơi jazz, cũng chẳng phải Elton John. Vị này chơi nhạc Bach. Và Gould ghét biểu diễn. Bản chất kiểm soát quái dị không phù hợp với yêu cầu của chuyến lưu diễn vốn thường xuyên phải thay đổi máy bay và khách sạn, cũng như tiếp xúc với người mới hằng ngày. “Tôi ghét khán giả. Tôi nghĩ họ là một thế lực quỷ dữ nào đó,” ông có lần bày tỏ.

Đó là còn chưa nói đến cái-ghế. Vì phong cách chơi của mình, Goud cần một cái ghế đặc biệt. Nó cao hơn 1 ft (~ 30 cm) một chút so với mặt đất và dốc về phía trước để giúp Gould có thể ngồi thoải mái trên rìa. Cái ghế có nhiều yêu cầu đặc biệt đến nỗi cuối cùng cha của Gould đã quyết định làm riêng cho ông con một cái. Gould đã sử dụng cái ghế đó trong suốt sự nghiệp, vận chuyển nó đến bất kỳ nơi nào mà mình biểu diễn. Nó bị hao mòn đáng kể qua nhiều năm, dần được vá lại bằng băng keo và dây. Người ta có thể nghe cả tiếng rít của cái ghế trong album của ông.

Bất chấp tính cách cực kỳ lập dị đó, Gould vẫn là một con người cực kỳ thú vị. Như George Szell trong dàn nhạc Cleveland Orchestra từng bình phẩm, “Gã điên đó là một thiên tài.”

Nhưng tất cả kỹ năng, danh tiếng, và thành công đó vốn có thể đã không bao giờ thành hiện thực. Đúng, Gould là một thần đồng, đã đạt đẳng cấp chuyên nghiệp ở độ tuổi 12, nhưng ông đồng thời cũng rất nhạy cảm và ngượng ngùng khi còn bé, đến mức từng phải tự học ở nhà trong vài năm vì không thể chịu nổi áp lực bị trẻ khác vây quanh.

Gould lẽ ra có thể trở thành một người nào đó không thể cư xử bình thường trong đời thực. Vậy làm thế nào ông lại vượt qua được và trở nên vĩ đại? May mắn thay, ông được sinh ra trong một môi trường hoàn toàn phù hợp với tính cách mỏng manh của mình. Cha mẹ ông rất ủng hộ — đến một mức độ gần như không tưởng. Mẹ ông cống hiến tất cả để nuôi dưỡng tài năng của con mình, trong khi cha ông bỏ 3.000 đô/năm cho con luyện tập âm nhạc. (Nếu cảm thấy 3.000 đô la nghe cũng chả bao nhiêu thì hãy cân nhắc bối cảnh những năm 1940, khi mức lương trung bình 1 năm ở Toronto — quê nhà của Gould — thời điểm ấy chỉ bằng một nửa con số đó.)

Với sự ủng hộ cao độ cùng tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, tài năng của Gould nở hoa. Ông từng đắm mình trong phòng thu 16 giờ/ngày và hàng trăm giờ/tuần. Không lạ khi ông chẳng để tâm gì đến ngày tháng lúc xếp lịch phòng thu, sau đó mọi người phải nhắc nhở ông rằng không ai muốn đi làm vào dịp lễ Tạ Ơn và Giáng sinh. Khi được hỏi có lời khuyên nào để truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ khác không, ông đáp, “Bạn phải từ bỏ tất cả những thứ khác.”

Cơn ám ảnh thần kinh đó đã được đền đáp. Vào độ tuổi 25, ông tham gia lưu diễn ở Nga. Không một nhạc sĩ Bắc Mỹ nào từng có vinh dự này kể từ trước Thế chiến II. Khi 28 tuổi, ông xuất hiện trên tivi cùng Leonard Bernstein và dàn giao hưởng New York Philharmonic. Đến năm 31 tuổi, Gould đã là huyền thoại âm nhạc.

Sau đó, ông quyết định biến mất. “Tôi muốn dành nửa phần đời còn lại cho chính bản thân mình,” Gould nói. Năm 32 tuổi, ông dừng biểu diễn trước công chúng. Tính cả thảy, ông biểu diễn tổng cộng chưa đến 300 buổi hòa nhạc. Hầu hết nhạc sĩ lưu diễn đạt con số này chỉ trong vòng 3 năm. Ông vẫn làm việc điên cuồng, nhưng không bao giờ biểu diễn trước khán giả nữa. Ông muốn sự kiểm soát mà chỉ phòng thu mới có thể đáp ứng. Kỳ lạ thay, quyết định nghỉ hưu này không những không giới hạn mức độ ảnh hưởng của ông trong thế giới âm nhạc mà còn gia tăng nó thêm. Kevin Bazzana ghi nhận, Gould tiếp tục “giữ sự hiện diện thông qua sự vắng mặt hiển nhiên.” Ông tiếp tục làm việc cho đến khi qua đời vào năm 1982. Năm tiếp theo, tên của ông được vinh danh ở Grammy Hall of Fame.

Gould đã nói gì về thói quen kỳ dị và lối sống điên loạn của mình? “Tôi không nghĩ mình lập dị vậy đâu.” tác giả Kevin Bazzana nói, “Đó chính là dấu ấn lập dị đích thực — không nghĩ mình lập dị, thậm chí khi mọi suy nghĩ, từ ngữ, và hành vi đều cho thấy bạn hoàn toàn tách biệt so với thế giới còn lại.”

Gould chắc chắn không thể trở thành huyền thoại âm nhạc nếu như không có sự động viên thuở bé cùng sự hậu thuẫn tài chính kinh ngạc từ cha mẹ mình. Ông quá mỏng manh và dị thường để có thể chịu được sự khắc nghiệt của thế giới này. Thiếu đi quá trình nuôi dưỡng đó, ông có lẽ đã trở thành một gã lang thang diêm dúa nào đó ở Florida.

Giờ chúng ta hãy bàn đến hoa lan, bồ công anh, và những quái vật hy vọng. (Tôi biết, tôi biết, bạn đã nghe qua mấy thứ này nhiều lần rồi, chẳng có gì mới cả. Mà thôi, chiều tôi lần này nhé.)

Có một câu ngạn ngữ Thụy Điển cổ nói rằng hầu hết trẻ em đều là bồ công anh trong khi chỉ có một ít là hoa lan. Bồ công anh rất kiên cường. Chúng không phải loài hoa đẹp nhất, nhưng có thể lớn lên thậm chí không cần ai chăm sóc. Không ai đi lòng vòng tính toán cách trồng bồ công anh cả. Không cần thiết. Chúng sẽ ổn trong hầu hết hoàn cảnh. Hoa lan thì khác. Nếu bạn không chăm sóc, hoa sẽ héo tàn rồi chết. Nhưng nếu được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ nở ra những bông hoa đẹp ngoài sức tưởng tượng.

Nhưng ta không chỉ đang bàn về hoa, và cũng không phải chỉ nói về bọn trẻ. Chúng ta thực sự đang học một bài học hiện đại về di truyền.

Bạn cũng sẽ thích

Báo đài thường nói một loại gene nào đó gây ra vấn đề này hay vấn đề kia. Bản năng đầu tiên của chúng ta là phân loại một loại gene là “tốt” hay “xấu.” Gene này gây ra chứng nghiện rượu hay bạo lực. Chà hên thật, mình không có loại gene này. Nó quả thật tệ hại. Các nhà tâm lý học gọi đó là “mô hình diathesis-stress” (tạm dịch: mô hình tạng-áp lực). Nếu mang loại gene xấu này và gặp phải vấn đề trong cuộc sống, bạn sẽ có khuynh hướng mắc phải những chứng bệnh như trầm cảm hay lo lắng, vậy nên hãy cầu nguyện cho bản thân không mang loại gene tệ hại có thể biến mình thành quái vật ấy. Nhưng có một vấn đề: Quan điểm đó ngày càng có vẻ sai sai.

Những nghiên cứu gần đây về di truyền học đã đưa ra quan điểm trái ngược với cách hiểu thông thường về mô hình gene xấu/gene tốt và chỉ ra một phạm trù rất giống với khái niệm tố chất tăng cường. Các nhà tâm lý học gọi đó là “giả thuyết khác biệt nhạy cảm”(differential susceptibility hypothesis). Một loại gene mang đến điều xấu vẫn có thể mang đến những hệ quả tuyệt vời trong những tình huống khác. Cùng một con dao dùng để đâm trọng thương ai đó cũng có thể được dùng chuẩn bị thức ăn cho gia đình. Việc đánh giá con dao đó tốt hay xấu phụ thuộc vào hoàn cảnh.

Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Chó Sủa Nhầm Cây với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.