Trang chủ / Đi Tìm Lẽ Sống

Đọc sách Đi Tìm Lẽ Sống

Review sách Đi Tìm Lẽ Sống. Tải sách Đi Tìm Lẽ Sống PDF/EPUB/AZW3

Dưới đây là nội dung cuốn Đi Tìm Lẽ Sống. Hãy mua cuốn Đi Tìm Lẽ Sống trên Shopee để ủng hộ tác giả.

Những Trải Nghiệm Trọng Trại Tập Trung

Hầu hết các sự kiện được mô tả ở đây không xảy ra tại các trại tập trung lớn và nổi tiếng mà ở trong những trại tập trung nhỏ, nơi hầu hết các sự cách ly thực sự diễn ra. Câu chuyện này không phải nói về nỗi đau và cái chết của những anh hùng và liệt sĩ, cũng không nói về các Capo nhiều đặc ân – hay về những tù nhân nổi tiếng. Vì vậy, nó không tập trung nhiều vào nỗi đau của những con người mạnh mẽ, mà nó tập trung vào những hy sinh, sự giày vò và cái chết của số đông những nạn nhân vô danh mà không một tài liệu nào ghi nhận.

Họ chính là những người tù thông thường, những người không có dấu hiệu đặc biệt trên tay áo, và bị các Capo coi thường. Trong khi những tù nhân bình thường này không đủ ăn hoặc không có gì để ăn thì các Capo không bao giờ biết đói; thực ra cuộc sống của nhiều Capo trong trại còn tốt hơn cuộc sống bên ngoài của họ.

Chính họ thường gây khó dễ với tù nhân hơn là các lính canh, và cũng chính họ đánh đập các tù nhân tàn bạo hơn lính SS (Đội bảo vệ của quan Phát xít). Dĩ nhiên những Capo này chỉ được chọn từ những người tù có tính cách phù hợp với yêu cầu công việc. Nếu họ không đáp ứng những gì đội ngũ lãnh đạo trông chờ thì ngay lập tức họ sẽ bị đào thải. Vì vậy, khi được chọn, họ sẽ nhanh chóng trở nên tàn nhẫn giống những tên lính SS và các trại trưởng. Càng độc ác và tàn bạo, các Capo càng được cấp trên đánh giá cao.

Những người bên ngoài thường có cái nhìn chưa đúng về cuộc sống trong trại – họ thường nhìn nhận về cuộc sống của các tù nhân bằng con mắt xót xa, thương cảm. Họ hoàn toàn không biết rõ về cuộc đấu tranh sinh tồn vô cùng khắc nghiệt giữa các tù nhân. Đây là một cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ vì miếng ăn hàng ngày, vì sự sống còn, vì lợi ích của bản thân hay vì một người bạn tù.

Hãy lấy trường hợp vận chuyển tù nhân làm một ví dụ. Việc vận chuyển thường được thông báo chính thức để đưa một số tù nhân đến một trại khác; nhưng không khó để dự đoán rằng đích đến của những chuyến đi này có thể là phòng hơi ngạt. Một nhóm những tù nhân bị bệnh hoặc không còn khả nằng làm việc sẽ được chọn ra để đưa đến một trại tập trung lớn hơn, nơi có trang bị phòng hơi ngạt và lò thiêu. Thông cáo tuyển chọn là dấu hiệu báo trước sẽ có một cuộc ẩu đả hỗn loạn giữa các tù nhân hoặc giữa các nhóm với nhau. Điều quan trọng là sau những trận quyết chiến sống còn này, tên của một vài tù nhân sẽ được loại ra khỏi danh sách các nạn nhân, mặc dù mọi người đều biết rõ rằng với mỗi một người được cứu thoát thì sẽ có một nạn nhân khác bị thế vào.

Có một lượng tù nhân nhất định trên mỗi lượt vận chuyển, nhưng ở đây số lượng không phải là vấn đề bởi vì mỗi tù nhân chẳng còn lại gì ngoài một con số. Lúc nhập trại, tất cả giấy giấy tờ cũng như những vật sở hữu của họ đều đã bị tịch thu (ít ra đây là cách thức ở Auschwitz). Vì vậy, mỗi tù nhân có cơ hội để nói đại một cái tên hoặc một nghề nghiệp nào đó; và vì nhiều lý do nhiều người đã làm thế. Những người phụ trách trại chỉ quan tâm đến các số tù. Những con số này thường được xăm lên da của tù nhân, khâu lên một nơi nào đó trên quần hoặc áo khoác của họ. Bất cứ lính canh nào muốn hoạnh họe tù nhân thì chỉ cần liếc nhìn con số ấy (ánh nhìn đó thật đáng sợ); hắn chẳng bao giờ cần hỏi tên của người tù ấy làm gì.

Sách hay khuyên đọc

Trở về với cuộc vận chuyển, ở đây không có thời gian lẫn nhu cầu xem xét các vấn đề về đạo lý. Mỗi người chỉ có một suy nghĩ trong đầu: cố gắng sống sót vì gia đình đang chờ mình ở nhà, và cứu các bạn mình. Vì vậy, người đó sẽ không do dự khi tìm cách dàn xếp cho một tù nhân khác – một “con số” khác – thế chỗ cho mình trên chuyến vận chuyển đó.

Như tôi đã đề cập trước đó, quy trình chọn ra các Capo là một quy trình tiêu cực; chỉ những tù nhân hung bạo nhất mới được chọn để làm những công việc này (mặc dù cũng có những ngoại lệ thú vị). Nhưng ngoài việc tuyển chọn các Capo được lực lượng SS tiến hành, còn có một loại quá trình tự tuyển chọn luôn diễn ra giữa các tù nhân. Nhìn chung, chỉ còn những tù nhân như thế mới có thể sống sót, những người sau nhiều năm lê lết từ trại này sang trại khác, đã đánh mất mọi cảm thức lương tâm trong cuộc chiến sống còn. Họ sẵn sàng sử dụng bất cứ cách thức nào, trung thực hay không, thậm chí tàn bạo, trộm cướp và phản bội bạn bè của họ để giữ lại mạng sống cho mình. Những người được trở về nhờ vào sự may mắn hoặc một phép màu nào đó hay vì lý do gì đi nữa như chúng tôi đều biết rằng: những điều tốt đẹp nhất trong chúng tôi đã không bao giờ trở lại. Đã có nhiều trình thuật về những dữ kiện xảy ra trong các trại tập trung. Ở đây, các sự việc chỉ có ý nghĩa nếu chúng là một phần trải nghiệm của con người. Khảo luận sau đây sẽ cố gắng miêu tả bản chất đích thực của các trải nghiệm ấy. Đối với những bạn tù của tôi, tôi sẽ cố gắng khắc họa những trải nghiệm của họ theo cách hiểu hiện nay. Và với những người chưa từng ở trại, những miêu tả của tôi có thể giúp họ hiểu và hiểu rõ hơn những trải nghiệm của rất ít tù nhân sống sót và đang gặp khó khăn với cuộc sống hiện tại. Thông thường, họ không muốn nói về những trải nghiệm ấy. Họ không cần một lời giải thích nào, cũng như những người khác sẽ không thể hiểu được cảm nhận của họ khi ấy cũng như bây giờ.

Tôi đã nỗ lực trình bày một cách hệ thống về chủ đề này, nhưng thật sự đây là một việc rất khó, bởi vì tâm lý học cần sự nhận xét khách quan, khoa học. Liệu những quan sát, nghiên cứu từ một tù nhân có đủ sự khách quan cần thiết hay không? Những người ở ngoài trại tất nhiên sẽ có cái nhìn khách quan hơn, nhưng họ lại không có đủ trải nghiệm thực tế để có thể đưa ra nhận định về chân giá trị từ cuộc sống của những con người từng phải chịu đựng bao đau đớn cùng cực. Chỉ có người trong trại mới hiểu được.

Trong tác phẩm của mình, tôi cố gắng không áp đặt bất kỳ ý niệm chủ quan nào, và đó là điều thực sự khó khăn đối với một cuốn sách như thế này. Để nói lên những trải nghiệm rất riêng của bản thân đôi khi cần phải có dũng khí. Tôi đã định viết cuốn sách này mà không công bố tên tác giả, chỉ sử dụng số hiệu trong tù của mình. Nhưng khi bản thảo hoàn thành, tôi nhận thấy rằng, khi công bố sách mà giấu tên người viết thì cuốn sách sẽ bị giảm phân nửa giá trị. Tôi cần phải chịu trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình, và trước hiện thực lịch sử. Tôi có thể khẳng định tôi là người không hề thích phô bày sự việc, song trong quá trình thực hiện tập sách này, tôi giữ quan điểm trung thành với hiện thực lịch sử, không cắt xén cũng không thêu dệt.

Tôi sẽ nhường phần phán xét cho các bạn – những độc giả đáng mến. Các bạn có thể tự rút ra những luận điểm lý thuyết khô khan sau khi tìm hiểu nội dung của cuốn sách. Những luận điểm này có thể góp phần vào việc nghiên cứu tâm lý của người tù, được tiến hành từ sau Thế chiến thứ nhất; những luận điểm này cũng không xa lạ với chúng tôi qua “hội chứng dây kẽm gai”. Nhìn từ góc độ tích cực, Thế chiến thứ hai đã giúp giới nghiên cứu chúng tôi bổ sung thêm kiến thức về “tâm lý học đại chúng” (xin phép được trích dẫn thuật ngữ khá nổi tiếng và cũng là tựa đề một cuốn sách của LeBon). Cuộc chiến ngoài đời cũng đã đem lại cho chúng tôi cả trại tập trung lẫn cuộc chiến của các sợi thần kinh.

Mục đích tôi viết tập sách này là muốn nói lên những trải nghiệm của tôi với tư cách là một tù nhân bình thường. Tôi có thể tự hào khi tuyên bố rằng tôi không được tuyển vào trại với tư cách của một chuyên gia tâm thần hay như một bác sĩ, ngoại trừ những tuần cuối trong trại.

Một số đồng nghiệp của tôi khá may mắn khi được chọn vào làm việc trong các trạm sơ cứu nóng bức, thiếu thốn, sử dụng các miếng băng gạc đượng làm từ đống giấy thải. 119.104 là số hiệu của tôi trong trại, công việc của tôi gắn liền với chiếc xẻng đào đất và dụng cụ lắp ráp các thanh sắt trên đường ray xe lửa. Có lần, tôi được phân công đào hầm một mình để tạo đường nước ngầm bên dưới con đường và tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Với thành tích này, chỉ ngay trước lễ Giáng sinh năm 1944, tôi đã được tưởng thưởng một món quà mà mọi người thường gọi là “phiếu ưu đãi”. Những phiếu này do một công ty xây dựng phát hành, chúng tôi buộc phải làm việc cho công ty này như những nô lệ.

Tiền công mỗi ngày của mỗi tù nhân sẽ được trả cho các trại trưởng, có khi được thanh toán dưới dạng những tấm phiếu ưu đãi. Mỗi tấm phiếu này có giá trị tương đương với 50 xu Đức thời đó và có thể dùng để đổi lấy sáu điều thuốc, nhưng thường là sau nhiều tuần lao động cực nhọc những tấm phiếu này mới đến tay chúng tôi, và đôi khi chúng không còn hiệu lực nữa. Tôi tự hào trở thành người sở hữu những tấm phiếu có giá trị tương đương 12 điếu thuốc. Nhưng quan trọng hơn là những điếu thuốc có thể đổi được 12 phần xúp, và 12 phần xúp thực sự giúp tôi chống chọi với cơn đói.

Thực ra, đặc quyền hút thuốc được dành cho các Capo – những người có được mức phiếu tiêu chuẩn mỗi tuần; hoặc có thể dành cho một tù nhân làm quản đốc trong nhà kho hoặc phân xưởng, được nhận một số điếu thuốc để làm những công việc nguy hiểm. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là dành cho những người đã mất đi ý chí sinh tồn và muốn “tận hưởng” những ngày cuối cùng. Vì vậy, khi chúng tôi nhìn thấy một người đang được bao quanh bởi làn khói thuốc mờ đục như chìm trong cõi vô thức thì chúng tôi biết rằng anh ấy đã từ bỏ niềm tin, và một khi niềm tin ấy đã mất đi thì lòng ham sống cũng không còn nữa.

Khi kiểm tra vô số tài liệu được tích lũy từ nhiều quan sát và trải nghiệm của các tù nhân, ta sẽ thấy rõ ba giai đoạn phản ứng tinh thần của người tù đối với cuộc sống trong trại: giai đoạn đầu sau khi nhập trại; giai đoạn khi đã quen với cuộc sống trong trại; và giai đoạn sau khi được thả tự do.

Triệu chứng đặc trưng cho giai đoạn đầu là việc bị sốc. Trong một số hoàn cảnh nhất định, cú sốc diễn ra trước cả khi các tù nhân nhập trại. Tôi sẽ đưa ra ví dụ về việc nhập trại của tôi:

Một nghìn năm trăm người được vận chuyển bằng xe lửa trong nhiều ngày đêm: có tám mươi người ở mỗi toa xe. Tất cả đều phải ngồi lên hành lý của mình – đây là số tài sản cá nhân ít ỏi còn sót lại. Các toa xe chật đến nỗi ánh bình minh xám xịt chỉ có thể xuyên vào khe hở ở phía trên cửa sổ. Mọi người đều mong muốn chuyến xe sẽ đưa họ đến một nhà máy sản xuất vũ khí – nơi họ sẽ được làm việc như những lao động bắt buộc.

Chúng tôi không biết mình còn đang ở Silessia hay đã đến Ba Lan rồi. Tiếng rít của động cơ thật quái đản, giống như một tiếng cầu cứu được gửi ra từ chuyến đi bất hạnh đang hướng đến đại ngục. Chiếc xe đột nhiên chuyển hướng, rõ ràng nó đang tới gần trạm. Thình lình, một tiếng khóc bật lên từ giữa những con người đang lo lắng: “Có bảng hiệu kìa, Auschwitz!”. Tim tất cả mọi người như ngừng đập vào lúc ấy. Auschwitz – một cái tên gợi lên tất cả những gì khủng khiếp nhất: phòng hơi ngạt, lò thiêu, sự chết chóc. Chiếc xe ì ạch trên đường như thể nó muốn cho hành khách của mình tránh được càng lâu càng tốt cái thực tại đáng sợ đang ùa đến: Auschwitz!

Bóng đêm dần khuất dạng, những đường nét của một trại giam khổng lồ dần hiện ra: hàng rào kẽm gai lưới điện; những tháp canh; những chiếc đèn pha; và hàng dãy những người ăn mặc rách rưới lờ mờ hiện lên trong buổi hừng đông u ám, lê bước trên những con đường hoang phế đến một nơi mà chúng tôi không hề biết. Có những tiếng la hét và tiếng còi ra lệnh. Chúng tôi không hiểu gì cả. Trí tưởng tượng của tôi hình dung ra chiếc giá treo cổ với những xác người đang giãy giụa. Tôi khiếp sợ, nhưng cũng chẳng sao, bởi vì từ từ rồi chúng tôi cũng phải quen với cảnh khiếp sợ và ghê rợn ấy thôi.

Cuối cùng, chúng tôi tiến vào trạm. Không gian yên ắng trước đó đã bị phá vỡ bởi nhiều tiếng quát tháo ra lệnh. Kể từ đây, chúng tôi sẽ phải nghe những âm thanh khản đục, gào thét không ngừng vọng ra từ tất cả các trại. Những âm thanh này nghe như tiếng thét cuối cùng của nạn nhân, nhưng có phần còn thảm thiết hơn thế nữa. Nó là âm thanh gay gắt, khản đục, như thể được phát ra từ cổ họng của một người cứ phải rên thét mãi, một người đã bị tra tấn, hành hạ đến mức chết đi sống lại không biết đã bao nhiêu lần.

Cửa mở, một số tù nhân bên trong trại ùa đến. Họ mặc những bộ đồng phục có sọc vằn, đầu cạo trọc, nhưng trông họ khá khỏe mạnh. Các tù nhân ở đây đến từ các quốc gia châu Âu khác nhau, có người chỉ biết tiếng mẹ để của mình, vì thế họ cố gắng trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ riêng của mình. Trong hoàn cảnh cận kề cái chết này, những giọng nói đa quốc gia ấy khiến tôi cảm thấy tức cười, thậm chí kỳ quái. Giống như người chết đuối nắm được một khúc cây, tính lạc quan bẩm sinh của tôi (thật may mắn là trong những tình huống tuyệt vọng nhất, phẩm chất này trong tôi thường xuất hiện) đưa tôi đến suy nghĩ: Những tù nhân này trông hoàn toàn khỏe mạnh, họ có vẻ khá thoải mái và thậm chí còn cười đùa được. Biết đâu mình cũng sẽ được như họ.

Trong tâm lý học, đây là một trạng thái được gọi là chứng “ảo tưởng miễn tội”. Người bị kết án, trước khi bị hành quyết, có ảo tưởng rằng mình sẽ được ân xá vào phút cuối. Chúng tôi cũng cố bám víu vào tia hy vọng ấy và tin rằng sự việc cũng sẽ không đến nỗi quá tệ. Việc nhìn thấy đôi má hồng hào, khuôn mặt đầy đặn của những tù nhân này là khích lệ đáng kể đối với chúng tôi.

Sau này chúng tôi mới biết chút ít rằng họ là những người được chọn để thành lập một đội đặc biệt, trong nhiều năm chuyên tiếp nhận các tù nhân mới được chuyển vào trại mỗi ngày với số lượng và tần suất càng tăng. Những người thuộc đội kiểm tra này chịu trách nhiệm lục soát những người mới đến bao gồm cả hành lý, vật dụng quý giá và nữ trang mà những người bị bắt đã lén mang theo. Như vậy, những đồ vật độc đáo bằng vàng, bạc, bạch kim và kim cương không chỉ nằm trong những kho lưu trữ chiến lợi phẩm của Đức quốc xã mà còn ở trong tay của lính SS.

Một ngàn rưỡi người bị giam trong một khu được xây dựng có sức chứa tối đa khoảng hai trăm người. Chúng tôi lạnh và đói. Không đủ chỗ cho mỗi người ngồi trên nền đất trống, nói chi chỗ đề ngả lưng. Khẩu phần ăn của chúng tôi trong suốt bốn ngày chỉ là một mẩu bánh mì ít ỏi. Rồi tôi nghe các tù nhân lâu năm đảm trách việc trông coi trại mặc cả với một người trong nhóm tiếp nhận về một cái kẹp cà vạt bằng bạch kim đính kim cương.

Đến cả những chiến lợi phẩm cuối cùng họ chia nhau cũng được dùng để đổi lấy rượu – rượu sơ-náp[6]. Tôi không nhớ rõ cần bao nhiêu ngàn mác Đức để đổi lấy lượng rượu sơ-náp đủ cho một “tối vui vẻ” nữa, nhưng tôi biết rõ rằng các tù nhân lâu năm đó cần rượu sơ-nap. Trong những hoàn cảnh như thế này, ai có thể trách họ về việc say sưa chứ? Có một nhóm tù nhân khác được lính SS cung cấp rượu không hạn chế: họ là những người được tuyển dụng làm việc trong các phòng hơi ngạt và lò thiêu. Họ biết rõ một ngày nào đó họ sẽ bị thay thế bởi một nhóm khác và phải rời bỏ vai trò kẻ hành quyết miễn cưỡng để chính họ trở thành nạn nhân.

Hầu như mọi người đi cùng tôi trong chuyến xe tử thần ấy đều sống trong ảo tưởng rằng họ sẽ được ân xá, rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Chúng tôi đã không nhận thấy sự thật trần trụi đằng sau những cảnh tượng nối tiếp ngay sau đó. Chúng tôi bị yêu cầu để lại hành lý trong xe và bước xuống xếp thành hai hàng – phụ nữ một bên, đàn ông một bên – để một tên lính SS cấp cao kiểm tra chúng tôi. Giờ đây nghĩ lại, tôi vẫn ngạc nhiên vì khi đó tôi đã có đủ can đảm để giấu chiếc ba lô vào bên trong chiếc áo khoác.

Từng người một trong hàng bị lục soát. Thật nguy hiểm nếu một lính SS nào đó phát hiện chiếc ba lô của tôi. Kinh nghiệm cho tôi biết, nếu bị lộ, ít nhất tôi sẽ bị đánh tơi tả. Theo bản năng, tôi thẳng người tiến đến chỗ tên lính chịu trách nhiệm kiểm soát tù nhân để hắn không chú ý đến dáng vẻ nặng nhọc do chiếc ba lô của tôi gây ra. Rồi tôi cũng đối mặt với hắn. Hắn có dáng người cao ốm, vừa vặn trong bộ đồng phục mới nguyên. Bộ dạng của hắn hoàn toàn trái ngược với chúng tôi – những kẻ ăn mặc xốc xếch và dơ dáy sau chuyến đi dài! Với vẻ mặt hoàn toàn lãnh đạm, tay trái đỡ lấy khuỷu tay phải, hắn thờ ơ chỉ ngón trỏ vào phía bên trái hoặc bên phải, nhưng đa phần hắn thường chỉ về bên trái. Không một ai trong chúng tôi khi ấy hiểu được ý nghĩa tai họa đằng sau cái chỉ tay của tên lính.

Rồi cũng đến lượt tôi. Có người nói thầm với tôi rằng phía bên phải là cho những người sẽ được làm việc, còn phía bên trái là cho những người bệnh và những người không có khả năng lao động – những người này sẽ được đưa đến những khu trại đặc biệt. Tôi chỉ biết để mọi việc tự diễn ra, và rồi sự việc đầu tiên cũng đến. Chiếc ba lô nặng làm tôi hơi nghiêng về bên trái, nhưng tôi cố gắng đứng thẳng người. Tên lính SS nhìn tôi một lượt, có vẻ như hắn hơi ngập ngừng trước khi đặt hai tay lên vai tôi. Tôi gồng hết sức để tỏ ra nhanh nhẹn, hắn chầm chậm xoay người tôi cho đến khi mặt tôi hướng về phía bên phải, và rồi tôi thẳng bước về phía đó.

Cuối cùng, đến buổi chiều, chúng tôi cũng được biết ý nghĩa của “trò chơi chỉ chỏ” ban sáng. Đó là sự phán xét đầu tiên quyết định sự sống còn của chúng tôi, nó có nghĩa là cái chết. Bản án được thực thi trong vòng vài giờ sau đó. Những người bị đưa qua phía bên trái được dẫn thẳng từ trại tới lò thiêu. Theo một người làm việc ở đó kể lại, tôi được biết rằng những khu nhà được dùng làm lò thiêu có viết chữ “phòng tắm” ở ngay trước cửa bằng nhiều thứ tiếng châu Âu. Ở lối vào, mỗi tù nhân được đưa cho một cục xà phòng, và những sự việc diễn ra tiếp sau đó có lẽ tôi không cần thiết phải nói tới nữa. Nhiều tài liệu đã viết về cảnh tượng khủng khiếp này rồi.

Chúng tôi – số người ít ỏi đã thoát chết trong chuyến đi – đã biết được sự thật vào chiều hôm ấy. Tôi hỏi một tù nhân vốn đã ở đó lâu năm về nơi mà P. – người đồng nghiệp và là bạn của tôi được đưa đi.

– Anh ấy bị chuyển qua phía bên trái đúng không?

– Vâng! Tôi trả lời.

– Vậy thì anh có thể thấy anh ấy ở đằng kia.

– Ở đâu? – Một bàn tay chỉ về ống khói cách đó vài trăm mét, một cột lửa bùng lên trên bầu trời xám xịt của Ba Lan và nhanh chóng bốc lên những đám khói đầy sát khí.

– Đó là nơi bạn của anh ở, anh ấy đang bay đến Thiên đường. – Nhưng tôi vẫn không thể hiểu cho đến khi người đó nói thẳng sự việc cho tôi nghe.

Nhưng tôi không nói về những con người đã không bao giờ trở về nữa, tôi đang nói về những người ở lại. Là nhà tâm lý học, tôi biết rằng chúng tôi đã trải qua một chặng đường dài kể từ lúc bước xuống nhà ga vào lúc sáng sớm cho đến đêm đầu tiên ở trại.

Một nhóm lính SS có trang bị súng áp giải chúng tôi đi từ trạm xe lửa, qua hàng rào điện, bước vào trại để đến phòng vệ sinh; đối với những người đã vượt qua kỳ tuyển chọn đầu tiên, đó thực sự là một trận gột rửa. Một lần nữa, ảo tưởng về sự ân xá càng được củng cố. Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về lính SS ở đây là dường như họ không có vẻ đáng sợ, mà thậm chí là còn dễ gần nữa. Chẳng mấy chốc chúng tôi tìm ra lý do đằng sau sự “dễ mến” đáng ngờ đó. Đó là vì những chiếc đồng hồ trên cổ tay của chúng tôi. Họ muốn thuyết phục chúng tôi đưa cho họ. Liệu chúng tôi có thể không giao nộp tài sản của mình được sao; và tại sao những người tốt bụng ấy lại không được có chiếc đồng hồ cơ chứ? Có thể một ngày nào đó anh ấy sẽ giúp lại chúng tôi.

Chúng tôi chờ trong một nhà kho nom có vẻ giống như phòng chờ để vào khu vực tẩy uế. Nhóm lính SS xuất hiện, bọn họ trải ra một tấm khăn và ra lệnh cho chúng tôi phải bỏ tất cả tài sản, đồng hồ và của cải vào đó. Vẫn còn một số tù nhân ngây thơ trong chúng tôi hỏi rằng họ có thể giữ lại chiếc nhẫn cưới, miếng mề đay hoặc một vật may mắn không. Lúc này chưa ai hiểu được rằng mọi thứ đều sẽ bị tước đoạt.

Tôi cố gắng kết bạn với một trong số các tù nhân cũ. Lén đến gần ông ta, tôi chỉ vào cuộn giấy ở trong túi áo khoác của mình và nói: “Này anh, đây là bản thảo của một cuốn sách khoa học. Tôi biết anh sẽ nói rằng tôi nên cám ơn Chúa vì còn sống, rằng được thế này là may mắn lắm rồi. Nhưng tôi không cầm lòng được, tôi phải giữ bản thảo này bằng bất cứ giá nào, nó chứa đựng công trình nghiên cứu cả đời tôi. Anh có hiểu không?”.

Đúng vậy, anh ta bắt đầu hiểu ra. Một nụ cười từ từ nhếch lên trên khuôn mặt anh ta, lúc đầu có vẻ thương hại, rồi dần dần chuyển thành chế nhạo, lăng mạ. Cuối cùng hắn ném vào mặt tôi một từ để trả lời – một từ nằm trong từ điển của các tù nhân trong trại: “Cứt!”. Vào lúc đó, tôi đã nhìn ra sự thật trần trụi, và đã đi đến một quyết định đánh giấu giai đoạn đầu trong phản ứng tâm lý của tôi: từ bỏ toàn bộ cuộc đời trước kia của mình.

Bỗng nhiên, những tiếng thét ra lệnh một lần nữa vang lên khiến cho nhóm tù nhân chúng tôi vốn đã tái nhợt vì kinh hoàng càng trở nên khiếp đảm tột độ. Chúng tôi bị lùa tới căn phòng chờ trước khi tắm, tập hợp quanh một tên lính SS đã đợi sẵn ở đó. Hắn nói: “Cho chúng mày hai phút, và sẽ tính giờ bằng đồng hồ của tao. Trong hai phút, chúng mày phải cởi hết quần áo ra và ném xuống chân. Không được mang thứ gì theo người ngoại trừ giày, thắt lưng, dây đeo quần, và có thể là một cái dây buộc. Bắt đầu đếm đây – bắt đầu”.

Không một chút ngập ngừng, mọi người vội vã lột sạch quần áo. Khi thời gian gần hết, họ càng căng thẳng hơn và vụng về kéo đồ lót, thắt lưng và dây giày. Rồi chúng tôi nghe thấy những âm thanh đầu tiên của trận roi; tiếng roi da đang quất xuống những thân thể trần truồng.

Tiếp theo, chúng tôi bị dồn qua một phòng khác để cạo sạch lông – không chỉ là râu tóc mà ở tất cả mọi khu vực trên cơ thể. Sau đó chúng tôi xếp hàng trở lại dưới những vòi nước. Chúng tôi hầu như không thể nhận ra nhau; nhưng một số người thấy nhẹ nhõm hẳn khi để ý thấy nước thực sự nhỏ giọt từ các vòi phun.

Trong khi chúng tôi đợi tắm, sự trần truồng đã thức tỉnh chúng tôi: chúng tôi giờ thực sự chẳng còn gì ngoài thân thể trời sinh này – ngay cả một sợi lông cũng không; tất cả những gì mà chúng tôi sở hữu, theo đúng nghĩa đen, chỉ là thân thể trần trụi này. Còn gì khác sót lại cho chúng tôi như một mối liên hệ vật chất với cuộc đời trước đây của mình? Tôi còn cặp kính và cái thắt lưng; mà thắt lưng thì sau đó tôi đã phải dùng để đổi lấy một mẩu bánh mì.

Những ai còn giữ được giây buộc cảm thấy được an ủi chút ít. Vào buổi tối nọ, người tù lâu năm phụ trách trại của chúng tôi đã đón tiếp chúng tôi bằng một bài diễn văn mà trong đó anh tuyên bố rằng (trong khi nói anh ta chỉ vào xà) sẽ đích thân treo cổ bất cứ người nào khâu tiền hay đá quý vào dây buộc của mình “dưới cái xà đó”. Anh ta tự hào giải thích rằng luật của trại cho phép một người đã bám trụ ở đây lâu năm như anh ta cái quyền đó.

Còn những câu chuyện xoay quanh đôi giày của chúng tôi cũng không hề đơn giản. Mặc dù chúng tôi được phép giữ chúng, nhưng những người có giày còn khá tốt cuối cùng cũng phải đổi lấy loại giày không vừa khác. Rắc rối thực sự dành cho những tù nhân nào đã nghe theo lời khuyên có vẻ thiện chí (khi ở trong phòng chờ) của các tù nhân lâu năm, cắt ngắn ủng bằng cách bỏ đi phần ống trên rồi dùng xà phòng làm trơn vết cắt để che giấu. Bọn lính SS dường như chỉ chờ có thế. Tất cả những người bị nghi làm việc này được đưa vào trong một phòng nhỏ kế bên. Một lúc sau chúng tôi nghe thấy tiếng roi da, và tiếng thét của những người bị đánh. Và lần này thì nó kéo dài khá lâu.

Thế là những ảo tưởng mà chúng tôi mường tượng trên xe đã bị triệt tiêu từng cái một. Điều bất ngờ là tới lúc đó, hầu hết chúng tôi đều bị xâm chiếm bởi một cảm giác hài hước. Chúng tôi biết rằng mình chẳng có gì để mất trừ cái sinh mạng trần truồng lố bịch này. Khi các vói nước bắt đầu phun, tất cả chúng tôi đã cố gắng vui đùa, về chính mình và về những người khác. Rốt cuộc thì nước thật sự đã chảy xuống từ các đường ống!

Không hiểu sao chúng tôi lại cảm thấy nực cười trước cảnh huống ấy, mặt khác trong tâm trí chúng tôi vẫn ngầm dấy lên sự tò mò. Tôi đã từng trải qua cảm giác này trước đây, đây là phản ứng của bản năng của cơ thể trước những tình huống lạ lùng nào đó. Khi tính mạng của tôi có lần bị nguy hiểm bởi một tai nạn leo trèo, tôi chỉ có một cảm giác duy nhất trong thời khắc quan trọng ấy: sự tò mò, tò mò xem tôi sẽ thoát được an toàn hay là bị nứt sọ hoặc bị vài chấn thương khác.

Ngay cả tại Auschwitz, sự tò mò vẫn âm thầm hiện hữu và ở một góc đọ nào đó, sự tò mò âm thầm đã giúp chúng tôi có thể tách mình ra khỏi hiện thực xung quanh, tạo cho mình một vỏ bọc sắt lạnh và xem tất cả những gì đang diễn ra trước mắt như một khách thể. Lúc này đây, sự tò mò cũng là một phương pháp phòng vệ. Chúng tôi đều băn khoăn không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, hình phạt nào đang chờ đợi chúng tôi phía trước; chẳng hạn như hậu quả sau việc chúng tôi đứng giữa trời trong cái giá lạnh của buổi cuối thu, trần như nhộng và ướt nhẹp sẽ là gì. Trong ít ngày tiếp theo, sự tò mò của chúng tôi chuyển thành ngạc nhiên – ngạc nhiên rằng chúng tôi không bị nhiễm lạnh.

Những người mới đến sẽ còn phải ngạc nhiên trước nhiều việc tương tự như thế. Còn bài học đầu tiên dành cho dân ngành y chúng tôi là: “Các cuốn sách giáo khoa đều nói dối!”. Ở đâu đó trong sách nói rằng con người không thể sống mà không ngủ trong một số giờ nhất định. Hoàn toàn sai! Tôi đã từng tin rằng có một số điều mà tôi không thể làm: tôi không thể ngủ mà không có cái này hoặc tôi không thể sống với cái kia cái nọ. Đêm đầu tiên ở Auschwitz chúng tôi đã ngủ trên những chiếc giường được làm từ những sợi dây bện. Trên mỗi giường (dài chừng 2 đến 2,5 mét) có 9 người ngủ, nằm trực tiếp trên những tấm ván. 9 người chia nhau 2 tấm chăn. Dĩ nhiên chúng tôi chỉ có thể nằm nghiêng, chen chúc và rúc vào nhau, điều này giúp chúng tôi đỡ lạnh hơn. Mặc dù bị cấm mang giày lên giường, song một số người vẫn bí mật dùng thay cho gối bất kể chúng bị dính đầy bùn đất. Nếu không, mỗi người sẽ phải gối đầu lên khuỷu tay. Và lúc này giấc ngủ kéo dài đem theo sự lãng quên và xoa dịu nỗi đau trong ít giờ ngắn ngủi.

Điều đáng nói là chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước sức chịu đựng của chính mình: chúng tôi không thể đánh răng, thiếu vitamin trầm trọng, nhưng răng lợi của chúng tôi khỏe hơn cả trước đây. Chúng tôi chỉ mặc độc một cái áo sơ mi trong nửa năm cho đến khi nó rách mướp, không thể hình dung rằng trước đó từng là những chiếc áo. Chúng tôi không thể tắm rửa trong nhiều ngày vì các đường ống nước bị đóng băng, nhưng những vết thương và những vết trầy xước trên da tay đầy cáu bẩn lại không hề bị nhiễm trùng. Hoặc một người từng bị chứng khó ngủ, trước đây thường giật mình tỉnh giấc chỉ vì một tiếng động nhỏ nhất ở phòng bên cạnh, thì giờ lại có thể ngủ ngon lành bất kể tiếng ngáy to như sấm của người nằm cạnh bên.

Nếu có người hỏi liệu câu nói của Dostoevski[7] rằng con người là một sinh vật có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh có đúng không, thì chúng tôi sẽ trả lời: “Đúng, con người có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, nhưng đừng hỏi chúng tôi bằng cách nào”. Nhưng các nghiên cứu tâm lý của chúng tôi khi ấy vẫn chưa đưa chúng tôi đi xa đến thế; những tù nhân chúng tôi vẫn chưa đạt tới mức độ thích nghi này. Chúng tôi vẫn còn ở chặng đầu tiên trong các phản ứng tâm lý của mình.

Hầu hết tù nhân đều có ý định tự sát, dù chỉ trong khoảnh khắc. Ý định này xuất phát từ sự tuyệt vọng, từ hiểm họa thường trực trên đầu chúng tôi từng ngày, từng giờ, và sự kề cận cái chết mà nhiều người phải chịu đựng. Từ những luận điểm cá nhân mà tôi sẽ đề cập ở phần sau, vào đêm đầu tiên ở trại, tôi đã tự hứa với mình rằng tôi sẽ không “đâm đầu vào hàng rào kẽm gai”.

Đó là cách tự tử phổ biến nhất ở trại – chỉ cần chạm vào hàng rào dây kẽm gai có điện. Đối với tôi, để đưa ra quyết định này hoàn toàn không có gì khó. Chẳng ích lợi gì việc tự tử cả, bởi vì đối với người tù, nếu tính toán và đong đếm các cơ hội một cách khách quan thì hy vọng sống là rất ít. Không ai có thể chắc chắn bất kỳ điều gì. Làm sao họ có thể biết được rằng mình có nằm trong số người ít ỏi thoát khỏi các đợt thanh trừng tù nhân hay không? Cần nhấn mạnh rằng các tù nhân tại Auschwitz, trong giai đoạn choáng váng ban đầu, không hề sợ chết. Thậm chí các phòng hơi ngạt cũng mất đi vẻ đáng sợ của chúng sau vài ngày đầu ở đây bởi rốt cuộc thì chúng đã ngăn cản được ý định tự sát của tù nhân.

Những người bạn mà tôi gặp sau này đã nói với tôi rằng tôi không phải là một trong những người bị khủng hoảng vì cú sốc nhập trại. Tôi chỉ cười, khá thành thật, khi những sự việc sau xảy ra vào buổi sáng sau cái đêm đầu tiên ở Auschwitz: Bất chấp các quy định nghiêm khắc không được rời khỏi các lán trại, một đồng hương của tôi đã tới Auschwitz vài tuần trước lén trốn đến lều của chúng tôi. Anh ấy muốn trấn tĩnh và an ủi chúng tôi nên kể cho chúng tôi nghe vài chuyện.

Anh đã trở nên rất gầy đến nỗi thoạt tiên chúng tôi không nhận ra anh. Với sự hài hước và thái độ bất chấp, anh vội vàng cho chúng tôi một ít mẹo: “Đừng lo lắng quá! Đừng sợ các cuộc tuyển chọn! Bác sĩ M (bác sĩ trưởng thuộc đội SS) thường ít nhiều chiếu cố cho những ai là bác sĩ đấy”. (Điều này sai; những lời tử tế của bạn tôi là không đúng. Một tù nhân độ 60 tuổi – bác sĩ chịu trách nhiệm quản lý khu trại giam của tù nhân đã kể cho tôi nghe việc ông đã van xin bác sĩ M cứu con trai mình khỏi bị đưa tới phòng hơi ngạt nhưng bác sĩ M đã lạnh lùng từ chối).

“Nhưng có một việc mà tôi tha thiết đề nghị các anh”, anh ấy nói tiếp, “hãy cạo râu hàng ngày, vào mọi lúc có thể, dù cho phải cạo râu bằng mảnh kính hay dù các anh có phải cho đi mẩu bánh mì cuối cùng vì nó. Các anh sẽ trông trẻ hơn và việc cạo râu sẽ làm gò má các anh trông hông hào hơn. Nếu các anh còn muốn sống, cách duy nhất là hãy chứng tỏ cho bọn lính thấy là mình còn sức làm việc. Để tôi nói cho nghe, nếu như một tay SS thấy các anh đi cà nhắc vì bị thương ở gót chân thì ngày hôm sau chắc chắn anh sẽ bị đưa đến phòng hơi ngạt. Các anh có biết chúng nó nói “Moslem” nghĩa là gì không? Moslem là từ để chỉ một người chán nản và kiệt sức vì đau ốm, không thể làm việc chân tay nặng được nữa… Chẳng sớm thì muộn, thường là sớm thôi, các “Moslem” sẽ bị đưa tới phòng hơi ngạt. Bởi vậy, hãy nhớ: cạo râu, đứng thẳng và đi đứng nhanh nhẹn. Tất cả các anh đang đứng đây, dù là mới chỉ đến đây 24 giờ, các anh cũng không phải sợ phòng hơi ngạt, có lẽ trừ anh này”. Rồi anh ta chỉ tay vào tôi và nói: “Đừng trách tôi nói thẳng nhé”. Quay sang những người khác anh ta đáp lại: “So với tất cả mọi người thì anh ta là người duy nhất phải sợ cuộc tuyển chọn tiếp theo. Vậy nên đừng lo lắng gì cả!”.

Và tôi đã cười. Tôi tin rằng bất cứ ai ở vị trí của tôi ngày đó cũng làm điều tương tự.

Tôi nhớ Lessing[8] đã từng nói: “Có những thứ khiến bạn đánh mất lý trí hoặc bạn chẳng có gì để mất cả”. Một phản ứng khác thường trong một tình huống khác thường là một hành vi bình thường. Ngay cả những nhà tâm lý học chúng tôi cũng cho rằng các phản ứng của con người trong một tình huống bất thường, như việc bị tống vào nhà thương điên cũng phải bất thường tùy theo mức độ bình thường của người đó. Phản ứng của một người trước việc nhập trại biểu hiện một trạng thái khác thường của trí óc, nhưng từ góc độ khoa học, hiện tượng này được đánh giá là bình thường và như bạn sẽ thấy ở phần sau, nó là phản ứng bình thường của tâm lý con người trước một hoàn cảnh định sẵn. Những phản ứng này của các tù nhân, như tôi đã mô tả, đã bắt đầu thay đổi trong ít ngày. Người tù chuyển từ giai đoạn một sang giai đoạn hai; giai đoạn vô cảm tương đối, khi anh ta tạo thành một kiểu chết về cảm xúc.

Ngoài những phản ứng đã nói trên, người tù mới đến còn trải qua những đau đớn về cảm xúc khác nữa, tất cả cảm xúc mà anh ta cố làm dịu đi. Trước tiên, đó là nỗi nhớ nhung vô tận về tổ ấm gia đình của mình. Cảm xúc này thường mạnh mẽ đến mức người tù cảm thấy như bị nuốt chửng bởi nỗi day dứt. Tiếp đến là cảm giác ghê tởm; ghê tởm tất cả những điều xấu xa xung quanh mình, từ cách con người cư xử với nhau cho đến hình thù gớm ghiếc của tất cả mọi vật trọng tù.

Hầu hết tù nhân đều được phát một bộ đồng phục rách rưới hơn cả bộ đồ của con bù nhìn. Giữa các lều trại toàn là rác, càng cố dọn sạch thì càng thấy nhiều thêm. Theo thông lệ, người mới đến trại thường được cho vào nhóm dọn dẹp hầm xí và thông cống. Và trong lúc vận chuyển, nếu phân bắn lên mặt người tù và họ có biểu hiện kinh tởm hoặc cố quệt đi thì cũng sẽ bị Capo cho ăn đấm. Cho nên họ càng cố nén nhịn ngay cả những phản ứng bình thường.

Giai đoạn đầu, không chịu được cảnh nhìn những người bạn tù ở các nhóm khác bị trừng phạt, người tù quay mặt đi; anh ta cũng không thể chịu được việc chứng kiến các bạn tù chạy lên chạy xuống hàng giờ liền trong bùn theo sự hướng dẫn của các cú đấm. Nhiều ngày, nhiều tuần sau thì mọi việc thay đổi. Từ tờ mờ sáng, khi trời vẫn còn tối, người tù đã lặng lẽ đứng trước lán trại, sẵn sàng đi làm. Anh có thể nghe thấy tiếng thét và nhìn thấy một bạn tù bị đánh ngã, bị dựng dậy và bị đánh quỵ một lần nữa chỉ vì người tù đó bị sốt nhưng đã báo cáo tại bệnh xá vào lúc không thích hợp. Anh ta bị trừng phạt vì bị cho rằng trốn việc.

Song người tù nào đã đạt tới giai đoạn hai trong chuỗi phản ứng tâm lý của mình sẽ không có phản ứng gì cả, dù chỉ là một cái chớp mắt. Vào lúc ấy, cảm giác của anh đã bị chai sạn và anh thản nhiên chứng kiến cảnh tượng diễn ra trước mắt. Một ví dụ khác: người tù đang chờ trong trạm xá, hy vọng được cấp cho hai ngày làm việc nhẹ trong trại vì bị thương, có lẽ anh bị phù nề và sốt. Anh ta đứng yên trong khi một cậu bé 12 tuổi được khiêng vào. Cậu bé bị bắt đứng phạt nhiều giờ trong tuyết hoặc phải làm việc bên ngoài với đôi chân trần bởi vì không có giày cho cậu. Chân cậu bé bị hoại tử vì tê cóng và bác sĩ gắp từng mẩu hoại tử đen ra khỏi chân cậu, từng miếng từng miếng một. Sợ hãi, gớm ghiếc và thương cảm là những cảm xúc mà người tù ấy không còn cảm nhận được nữa. Cảnh những người đau đớn, hấp hối và chết đã trở nên quá quen thuộc với anh trong suốt nhiều tuần ở trại; chúng không còn có thể khiến anh xúc động được nữa.

Bạn cũng sẽ thích

Có một thời gian, tôi ở trong trại dành cho các bệnh nhân bị sốt. Những bệnh nhân này bị sốt cao và thường trong tình trạng mê sảng, nhiều người gần như hấp hối. Sau khi một người chết, tôi nhìn những cảnh tượng tiếp theo mà không hề có chút cảm giác xót xa nào. Từng tù nhân sẽ đến bên cạnh cái xác vẫn còn ấm đó. Người thì nhặt nhạnh phần khoai tây thừa còn sót lại; người thì đổi giày của mình lấy đôi giày gỗ của người đã chết, người thì lấy áo, người thì vui mừng vì có thể lấy được một thứ gì đó – dù chỉ là một sợi dây còn tốt.

Tôi đã nhìn những cảnh tượng này mà chẳng chút động lòng. Cuối cùng, tôi gọi “y tá” khiêng cái xác đi. Để khiêng xác, anh ta nắm hai chân của người đã chết, kéo nó từ tấm ván – vốn là giường của 50 bệnh nhân – rớt xuống đất, rồi lôi xềnh xệch cái xác trên mặt sàn lồi lõm hướng về phía cửa. Việc vượt qua hai bậc thềm để bước ra ngoài luôn là điều khó nhọc đối với chúng tôi bởi hầu như ai cũng đã kiệt sức vì thiếu ăn. Sau vài tháng sống trong trại, chúng tôi không thể bước lên nổi những bậc thang cao 15 cm này mà không vịn vào tay vịn để kéo mình lên.

Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Đi Tìm Lẽ Sống với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.