Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài
Tôi đang đọc một cuốn sách của người bạn thân Richard Carlson, người vừa mất cách đây không lâu. Cuốn sách có tựa là Don’t Get Scroogled (Đừng bần tiện) và tôi đọc xong chương “Chấp nhận: giải pháp tối thượng”. Nó khiến tôi dừng lại và suy nghĩ.
Richard viết: “Chấp nhận nghe có vẻ thụ động, nhưng khi bạn cố gắng chấp nhận, bạn nhận ra nó hoàn toàn không có nghĩa là không làm gì hết. Đôi khi chấp nhận còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn cả than phiền, đối đầu, hoặc ngồi im bất động như bạn vẫn thường làm. Một khi bạn trải nghiệm sự tự do mà việc
chấp nhận mang lại – nó trở thành bản chất thứ hai của bạn.”
Chấp nhận. Tìm kiếm phúc lành đang giấu mình giữa những nghịch cảnh. Thoải mái trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn đang lâm vào. Bám vào câu châm ngôn ngàn xưa rằng cuộc đời không cho bạn những gì bạn muốn nhưng sẽ gửi đến bạn những gì bạn cần. Tất cả chúng ta đều có những ngày vất vả, những giai đoạn khắc nghiệt, lúc này hay lúc khác.
Đó là vì bạn và tôi đều đang học trường đời. Thử thách, xung đột, mâu thuẫn, bất an, tất cả đều là phương tiện để ta trưởng thành. Ngày sẽ sáng lên, và mùa sẽ luôn thay đổi. Khi chấp nhận “điều phải đến” thì lúc cay đắng sẽ qua nhanh và ngày tươi sáng sẽ dài hơn. Và đó luôn là lời chúc dành cho bạn.
(1) Mọi người đều tránh xa xung đột. Nó khiến ta cảm thấy tồi tệ nên ta tránh né, và hy vọng bằng cách nào đó xung đột tự hóa giải. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Thay vì vậy nó cứ mưng mủ như một vết thương nhiễm trùng (điều ta né tránh thường lại dai dẳng).
(2) Quan điểm của tôi về nó: xung đột không gì khác hơn là một cơ hội để trưởng thành và kết nối sâu xa hơn với người khác. Mọi xung đột đều ẩn chứa cơ hội học hỏi một bài học quý giá, và cơ hội phát triển bản thân (về hiểu biết, nhận thức và quan điểm). Mỗi xung đột, dù với người thân hay với khách hàng, là cả một cơ hội lớn để trui rèn mối liên lạc gần gũi hơn với người đó. Bằng cách biến đổi sự bất mãn thành thời khắc thú vị cho cả hai bên.
(3) Vậy đừng trốn chạy xung đột. Đừng chỉ gửi email khi biết mình cần mặt đối mặt để nói rõ sự thật. Vai trò lãnh đạo cũng bao hàm cả sự quân bình giữa lòng trắc ẩn với sự can đảm. Mặc dù bạn có thể cảm thấy xung đột thật rắc rối, nhưng nó thực sự là một món quà. Hãy đón nhận nó. Hãy thưởng thức những tiềm năng mà nó mang theo. Xung đột sẽ phục vụ đắc lực cho bạn.
Hãy hình dung về một bảng điều khiển với đồng hồ đo trên ấy. Bên trái đề chữ Tự do. Bên phải đề chữ Trách nhiệm. Đối với tôi, để trở thành nhà lãnh đạo và sống một cuộc đời vượt trội nghĩa là đấu tranh để giữ sự quân bình mong manh giữa hai điều trên. Nói một cách khác, cây kim trên đồng hồ đo trách nhiệm nên ở chính giữa.
Cuộc sống nói chung là sự quân bình. Và một trong những sự quân bình mang tính sống còn chính là giữa tự do và trách nhiệm. Vâng, cứ việc tự do. Tận hưởng giây phút này. Sống đầy đam mê. Thư giãn thoải mái. Sống cho hiện tại. Tuy nhiên, cũng phải có trách nhiệm. Phải đề ra mục tiêu. Giữ lời hứa. Hoàn thành những công việc quan trọng. Làm tròn bổn phận.
Cuộc sống của bạn – giây phút này đây – ở vị trí nào trên đồng hồ đo trách nhiệm? Quá nhiều thời gian cho sự tự do và không đủ thời gian thực hiện các đòi hỏi để xây dựng sự nghiệp và bổn phận hàng ngày? Hoặc ngược lại? Ở thái cực nào cũng đều mất quân bình. Vậy đây là ý tưởng lớn: bạn hãy suy nghĩ xem trạng thái đứng giữa sẽ như thế nào. Ý thức tốt sẽ dẫn đến lựa chọn đúng. Và lựa chọn đúng sẽ dẫn đến kết quả khả quan.
(1) Sáng nay tôi thức dậy với những lời trong một bài hát của ca sĩ Mick Jagger: “Ủy mị chẳng ích gì, chuyện trôi qua nhanh lắm”. Đùng như thế. Cuộc đời thực sự đang trôi nhanh lắm.
(2) Sao lại trì hoãn những việc có thể làm hôm nay cho những lúc rảnh rỗi trong tương lai xa xôi nào đó? Sao không đóng vai một con người vượt trội bây giờ mà lại dành điều đó vào một thời điểm khác mai sau? Sao lại chần chừ thụ hưởng những giờ phút tuyệt vời và chờ đến khi về già?
Một ngày nọ tôi đọc cuốn sách về một phụ nữ trẻ suy tư về kế hoạch để dành tiền hưu. Cô nói: “Tôi muốn bảo đảm mình sẽ để dành thật nhiều tiền – như vậy tôi mới có thể vui sống vào cuối đời”. Tôi không nghĩ vậy. Tại sao phải chờ đến già mới hưởng thụ cuộc sống?
(3) Tôi không có ý nói rằng bạn nên bỏ qua tầm quan trọng của việc lên kế hoạch cho tương lai. Hãy biết nhìn xa và chuẩn bị cho suốt cuộc đời. Đó là sự quân bình. Hãy lên kế hoạch. Để dành tiền cho tuổi hưu. Hãy dự trù. Nhưng đồng thời cũng cần biết sống cho giây phút này. Sống thật đầy đủ.
Sự khác biệt giữa người tài giỏi và những người khác nằm ở thói quen. Một vài thói quen tốt sẽ tạo khác biệt lớn cho cuộc đời và sự nghiệp của bạn lúc cuối cùng. Chúng tạo ra khác biệt giữa sự tầm thường và phi thường. Vậy hãy chọn kỹ các thói quen … Một thói quen tốt giống như một cây sồi thẳng đứng.
Nó khởi thủy chỉ là hạt giống nhỏ, được gieo trồng vào một giây phút duy nhất. Nếu không chăm sóc hàng ngày, nó sẽ chết ngay. Nhưng nếu chăm sóc, mỗi ngày một ít, nó tự nhiên lớn lên. Cho đến một ngày nào đó cây to đến nỗi không thể đốn chặt được nữa. Thói quen sẽ chỉ rõ bạn đến gần đỉnh núi của mình như thế nào.
Tôi nhận thấy một số thói quen của những người vượt trội bao gồm: dậy sớm; hứa ít, cho nhiều; ham mê học hỏi; dùng sáu mươi phút đầu tiên trong ngày để mơ mộng, dự tính hoặc đơn giản là tập thể dục để duy trì sức sống của bản thân. … Một vài thói quen để bạn chọn. Để thực hành. Để gieo hạt giống.
Tôi vừa đọc một bài trong tạp chí GQ. Bài báo trích dẫn lời của diễn viên Andy Garcia nói rằng: “Điều quan trọng khi bạn theo đuổi một mục tiêu là không bao giờ quên tính toàn vẹn của hành trình ấy.” Tôi rất thích cách diễn tả này. Và Garcia đã đúng. Hành trình đến bất cứ kết quả nào – dù là một kỹ năng tuyệt vời hay một cách sống tốt đẹp – cũng quan trọng ngang bằng với đích đến của nó (nếu không nói là quan trọng hơn).
Có một điều tôi mong bạn hãy suy ngẫm: hành trình leo núi ban tặng nhiều giá trị và phần thưởng hơn việc đến được đỉnh núi. Tại sao? Bởi vì chính cuộc hành trình sẽ hình thành cá tính, tạo cơ hội để bạn nhận ra tiềm năng của mình và kiểm tra xem bạn thực sự muốn chiến thắng tới đâu.
Chính hành trình mới dạy bạn, biến đổi bạn, và kêu gọi tài năng ẩn náu trong con người. Bạn phải phát huy những phẩm chất của một người xuất sắc, như sự kiên định, can đảm, dẻo dai, trắc ẩn, hiểu biết. Tất nhiên, đạt tới ước mơ sẽ mang lại cảm giác tuyệt vời. Tôi luôn đồng ý như vậy. Nhưng nó không mang lại những quà tặng tương tự như những gì bạn nhận được qua cuộc hành trình. Trong thử thách, ta học hỏi được nhiều hơn lúc thành công.
Vậy mỗi khi bạn cảm thấy nôn nóng, tuyệt vọng hay chán nản trên đường tiến tới một cuộc đời mình mong muốn, hãy nhớ rằng chính nơi bạn dừng chân có thể là nơi tốt nhất dành cho bạn. Và có lẽ hành trình còn tốt hơn cả đích đến.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.