Trang chủ / Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức

Đọc sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức

Review sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức - Chuyển Hóa Bản Thân, Trao Quyền Cho Con Cái. Tải sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức PDF/EPUB/AZW3

Dưới đây là nội dung cuốn Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức. Hãy mua cuốn Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức trên Shopee để ủng hộ tác giả.

Không ai mới sinh ra đã là cha mẹ hoàn hảo, cũng không ai mới sinh ra dám khẳng định mình là cha mẹ thông thái; vì thế tất cả các bậc cha mẹ cần phải học, học cách làm thế nào để trở thành cha mẹ, làm thế nào để tiếp thu được những kiến thức làm cha mẹ đầy đủ và sớm nhất.

1. HỌC LÀM CHA MẸ TỐT

“Đá quý muốn mài thành viên ngọc đẹp, phải nhờ đến đôi bàn tay tài hoa của người thợ chế tác; vàng thô muốn luyện thành đồ trang sức, đương nhiên cũng phải cậy nhờ đến người thợ gia công vàng. Việc luyện vàng và mài ngọc không phải ai cũng làm được, đều cần trải qua quá trình học hỏi và rèn luyện… Tương tự như vậy, để bồi dưỡng nên được những người con tài giỏi, cha mẹ chẳng khác nào những người thợ, cũng phải khổ công học tập và rèn luyện không ngừng.”

Thái Nguyên Bồi (Trung Quốc)

Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy rất nhiều cha mẹ tập trung hết sức lực của mình vào trẻ, họ hi sinh bản thân mình và dành toàn bộ tình yêu cho trẻ. Thế nhưng điều này liệu có đúng đắn? E rằng không ít cha mẹ chưa từng suy ngẫm nghiêm túc về vấn đề này.

Mỗi ngành nghề đều có tiêu chuẩn riêng để đánh giá mức độ thành công, nhưng sự dạy dỗ trong gia đình thì phải đợi đến khi trẻ trưởng thành mới nhìn ra được kết quả. Công việc có thể làm lại từ đầu, còn những năm tháng phát triển của trẻ thì không bao giờ làm lại được.

Sách hay khuyên đọc

Phu nhân Stoner(1) cho rằng, chỉ nuôi dưỡng trẻ thôi là chưa đủ, phải đến khi dạy dỗ được trẻ nên người thì cha mẹ mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bà từng tâm sự rằng: “Ngay từ khi mang thai con gái, tôi đã suy nghĩ rất nhiều xem mình sẽ dạy con như thế nào. Cứ mỗi lần con bé cựa mình trong bụng là tôi lại hình dung tới khuôn mặt xinh xắn của cháu. Khi đó, tôi tự dặn là mình nhất định sẽ trở thành người mẹ tốt, mỗi ngày niềm vui sắp được làm mẹ lại lớn dần trong tôi.”

Phu nhân Stoner cũng nói: “Tôi cho rằng để nuôi dạy được một đứa trẻ nên người, cha mẹ có kiến thức và kĩ năng nhiều thế nào cũng không bao giờ là đủ, bởi cuộc sống hàng ngày luôn nảy sinh những vấn đề mới đòi hỏi cha mẹ phải giải quyết. Là cha mẹ giỏi thì bạn phải không ngừng tìm tòi và tự mình cải thiện phương pháp dạy con, hơn nữa quá trình này phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, giúp trẻ khi trưởng thành có thể tự đương đầu với mọi khó khăn.”

Phu nhân Stoner còn nhấn mạnh thêm rằng: “Trở thành cha mẹ lí tưởng là điều khó, tôi cũng như các bậc cha mẹ khác luôn cảm thấy những người xung quanh làm cha mẹ tốt hơn mình. Thực tế khi đóng vai trò là “mẹ” thì con người ta vẫn nằm trong giai đoạn phát triển của đời người, phải đối mặt với hàng ngàn thử thách của cuộc sống và tất nhiên bản thân vẫn có rất nhiều khuyết điểm. Nhưng dù thế nào, thì tôi vẫn luôn nỗ lực để làm được những điều tốt nhất, để trở thành một bà mẹ hoàn hảo.”

Làm cha mẹ là “nghề” cao quý và vĩ đại nhất, bên cạnh việc phải lo cho trẻ có đủ cơm ăn áo mặc thì cha mẹ còn phải gánh trách nhiệm giáo dục trẻ trưởng thành… Điều cốt lõi của giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là bồi dưỡng trẻ có một nhân cách lành mạnh. Nhưng trên thực tế, đa số các bậc cha mẹ lại coi trọng trí tuệ hơn đạo đức. Thống kê cho thấy mỗi gia đình có một kiểu dạy trẻ khác nhau, song hầu hết có một điểm chung là cha mẹ không biết hay không xác định được cách dạy trẻ như thế nào mới là đúng. Vì sự không đúng ấy nên mới dẫn đến tình trạng trẻ không vâng lời; kết cục là cha mẹ lấy đánh đập làm phương pháp dạy dỗ, khiến trẻ bị tổn thương tâm lí lâu dài.

Giáo dục gia đình thành công đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp và sự nhất quán trong suy nghĩ, hành động của cha mẹ con cái. Cha mẹ đúng nghĩa đối với trẻ không chỉ là người dạy dỗ đơn thuần mà còn phải có năng lực và phương pháp dạy dỗ đúng đắn, nếu không trẻ sẽ từ chối lĩnh hội những điều cha mẹ dạy và công sức của cha mẹ sẽ trở nên vô ích.

Làm cha mẹ cần hiểu được con mình muốn gì; hiểu được việc chúng la hét, khóc lóc có nguyên nhân từ đâu; hiểu được điều chúng muốn tìm kiếm thực sự đằng sau những hành động; hiểu được suy nghĩ và hành động, ngôn ngữ và lời nói; cũng phải hiểu được năng lực tiếp nhận thông tin khi chúng còn nhỏ và tâm tư tình cảm khi chúng trưởng thành.

Nhà giáo dục Đào Hành Tri từng nói: “Muốn con trở thành người như thế nào thì trước tiên cha mẹ phải là người như thế ấy.” Cha mẹ nếu không có phương pháp giáo dục khoa học thì cũng sẽ mất đi năng lực dạy dỗ trẻ, vì thế mới có câu: “Giáo dục gia đình không chỉ là vấn đề nuôi dạy trẻ mà còn là sự dạy dỗ cho cả hai thế hệ.” Do vậy, để trẻ tiếp thu được một cách toàn diện sự dạy dỗ, thì việc đầu tiên cha mẹ cần làm là chủ động tiếp nhận tất cả những phương pháp giáo dục đúng đắn.

Lời khuyên của chuyên gia

Học cách làm cha mẹ như thế nào

(1) Học những kiến thức pháp luật có liên quan đến giáo dục trẻ

Phải hiểu được trách nhiệm cơ bản và chuẩn mực trong việc dạy dỗ trẻ, hiểu được nghĩa vụ, quyền lợi của bản thân và thực hiện chúng.

(2) Hiểu trẻ và học từ chính trẻ

Hiểu được đặc điểm và nhu cầu của trẻ, học cách suy nghĩ đứng từ góc độ của trẻ, học những thứ mình còn thiếu ở trẻ và cùng trẻ trưởng thành.

(3) Học những kiến thức cơ bản về giáo dục trẻ trong gia đình

Phải hiểu được nội dung, quy luật, đặc điểm và phương pháp giáo dục trẻ trong gia đình để gắn kết được với trẻ, đồng thời nắm bắt được phương pháp dạy trẻ hiệu quả nhất.

(4) Học từ thực tiễn

Mỗi một đứa trẻ đều có cá tính riêng, hơn nữa mỗi giai đoạn phát triển khác nhau lại có đặc điểm tâm lí khác nhau. Do đó, cha mẹ phải từ thực tiễn nuôi dạy trẻ để phân tích tình hình… từ đó tìm ra phương pháp dạy dỗ trẻ phù hợp nhất.

2. HỌC CÁCH ĐẶT MÌNH VÀO THẾ GIỚI CỦA TRẺ

“Dạy dỗ trẻ là một việc vô cùng quan trọng. Trẻ là công dân tương lai của đất nước, của thế giới, là những nhân vật làm nên lịch sử. Trẻ sau này cũng sẽ trở thành cha mẹ, sẽ gánh vác trọng trách dạy dỗ cho lớp con cháu; trẻ còn là niềm hi vọng, là chỗ dựa của cha mẹ khi vào tuổi xế chiều. Do vậy dạy dỗ trẻ đúng đắn từ bây giờ, cha mẹ sẽ có một tuổi già hạnh phúc; ngược lại sẽ là một tuổi già đầy vất vả gian nan. Cha mẹ không coi trọng việc dạy dỗ trẻ là đã làm một việc không phải với những người khác, thậm chí là với cả đất nước mình.”

Makarenko (Liên Xô cũ)

Hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, uống sữa mẹ giúp trẻ lớn lên một cách khỏe mạnh, ít mắc phải bệnh tật. Nhưng thực tế có rất nhiều bà mẹ mới sinh vì lí do này lí do khác mà không cho trẻ bú sữa mẹ. Thậm chí có những bà mẹ trẻ giao phó hoàn toàn con mình cho ông bà hay bảo mẫu chăm sóc, bao biện rằng “Công việc của tôi rất bận, làm gì có thời gian để chăm sóc con”…

Kết hôn, sinh con đẻ cái và chăm sóc gia đình, những điều này ắt sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp thăng tiến của những người trẻ tuổi, nhưng không thể vin vào lí do này để kiếm cớ thoái thác trách nhiệm nuôi dạy trẻ. Sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái là không gì có thể thay thế được. Thông qua hành vi hàng ngày của cha mẹ, trẻ sẽ học được rất nhiều điều tốt đẹp, chẳng hạn như biết quan tâm tới mọi người, sống chan hòa với những người xung quanh,… Bởi vậy cha mẹ phải luôn ở bên trẻ, tích cực giao lưu với trẻ, giúp trẻ phát triển nhân cách toàn diện. Nếu cha mẹ giao phó trẻ cho người khác thì sẽ khó có cơ hội để giáo dục trẻ, cũng khiến khoảng cách giữa cha mẹ và trẻ ngày một xa hơn.

Một chuyên gia giáo dục, mỗi khi trò chuyện với các bậc cha mẹ thường hay nói câu này: “Cha mẹ cứ lấy lí do bận việc rồi không thu xếp thời gian để chăm sóc con cái. Như vậy liệu có đúng không? Trên đời này còn việc gì quan trọng hơn việc chăm con? Nếu đã không có thời gian để chăm con thì cha mẹ còn sinh con làm gì?”

Thực tế, nếu chúng ta đặt con cái và sự nghiệp lên một “cái cân” thì sẽ nhận thấy con cái “nặng” hơn nhiều. Bởi sự trưởng thành của trẻ là quá trình không ngừng và liên tục, quá trình ấy không thể “trồng lại”, không thể “phục chế”, càng không thể trì hoãn được; nói cách khác, sự nuôi dưỡng và giáo dục trẻ chỉ đến một lần trong đời, sẽ không bao giờ lặp lại lần hai. Chúng ta thấy rất nhiều người khi nhỏ học hành bình thường, nhưng lại tạo dựng được cơ nghiệp từ lúc còn rất trẻ, trong khi có người là “thần đồng” khi nhỏ nhưng thành công tìm đến với họ lại rất muộn, mãi khi về già mới nổi danh; điều này để chứng tỏ thêm một điều: việc dựng nghiệp có thể bắt đầu vào bất cứ lúc nào, nhưng việc nuôi dạy trẻ thì phải bắt tay thực hiện ngay khi chúng cất tiếng khóc chào đời.

Tôi đã từng xem một câu chuyện như thế này trên tivi: Có một bà giáo rất giỏi, khi con gái của bà bị sốt cao thì bà vẫn miệt mài đứng lớp, kết quả là cô bé đã bị cơn sốt đó cướp đi sinh mạng, nhưng bà giáo lại cho rằng: “Bốn mươi học sinh cũng chính là bốn mươi đứa con. Vì những đứa con này mà tôi không bao giờ cảm thấy hối hận về những gì mình đã làm!”

Người mẹ này đã vì bài học dành cho bốn mươi đứa trẻ trên lớp mà đánh mất đi đứa con thân yêu của mình. Chúng ta khâm phục tinh thần làm việc của bà, vị trí trên bục giảng đúng là để dành cho bà; nhưng bảo vệ con cũng là thiên chức của một người mẹ, khi tính mạng của con bị đe dọa, khi tinh thần của con bị tổn hại thì có nghĩa là người mẹ đã không làm tròn bổn phận của mình.

Cũng có một số bà mẹ trẻ cho rằng, mình dồn hết tâm sức cho sự nghiệp thì sẽ mang lại cho trẻ một cuộc sống vật chất no ấm, họ không tiếc tiền đầu tư cho trẻ, đem đến cho chúng một cuộc sống thoải mái, thậm chí là xa hoa. Nhưng điều đứa con cần không phải tiền bạc mà lại là sự yêu thương chăm sóc chu đáo của cha mẹ.

Cậu bé Trung Dũng ba tuổi có một cuộc sống vô cùng đầy đủ; cậu có hẳn một phòng riêng đủ tiện nghi, đồ chơi nhiều không đếm xuể, trên giá sách bày vô số những đĩa nhạc và truyện. Nhưng Trung Dũng lại rất hay nổi cáu. Ngày nào trước khi đi làm, mẹ cũng mắng mỏ cậu không tiếc lời. Mẹ đi làm từ sáng sớm và trở về nhà khi tối mịt, thậm chí có những hôm cậu ngủ say mẹ mới trở về.

Mẹ Trung Dũng cũng cảm thấy áy náy, nhưng chị thật sự rất bận, không có thời gian chăm sóc con. Bố Trung Dũng một năm có khoảng tám tháng phải đi công tác xa nhà, cũng may là cô bảo mẫu tính tình cẩn thận, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ chu đáo nên Trung Dũng càng lớn càng khỏe mạnh. Nhưng dù lớn thế nào thì cậu bé vẫn tỏ ra nhút nhát trong mọi chuyện, điều này khiến cho mẹ Trung Dũng không yên lòng.

Tính cách trẻ có liên quan chặt chẽ đến tình cảm của cha mẹ, như mối tương quan giữa mặt trời, không khí và nước vậy. Trẻ có thể không có quần áo hàng hiệu, xe điều khiển từ xa, siêu nhân Ultra hay chuột máy, nhưng không thể thiếu được sự đồng hành của cha mẹ trong những cuộc chơi, điều này có nghĩa là cha mẹ nên dành thời gian bên trẻ nhiều hơn, chăm sóc và yêu thương trẻ nhiều hơn.

Hơn nữa, sự nghiệp và con cái không phải là hai trạng thái đối lập nhau, chỉ cần cha mẹ khéo léo sắp xếp một chút là có thể giải quyết được.

Ai cũng biết Dương Lan là một phụ nữ rất thành đạt trong sự nghiệp, chị cũng là người may mắn khi được làm mẹ của hai đứa con kháu khỉnh – một gái và một trai. Mặc dù công việc vô cùng bận rộn, nhưng sau khi sinh con, chị vẫn dành thời gian cho con bú sữa mẹ; khi con còn nhỏ, chị luôn ở bên cạnh con. “Mặc dù có chút vất vả, nhưng bù lại mình luôn cảm thấy hạnh phúc.” Dương Lan tâm sự như vậy.

Khi con lớn, do công việc đòi hỏi phải đi công tác nước ngoài liên tục nên Dương Lan không thể đưa đón con đi học thường xuyên, trong lớp học dương cầm của cô con gái lớn thì chị là một trong những phụ huynh có số lần đi công tác nhiều nhất, có tháng chị phải làm việc ở năm quốc gia khác nhau.

Một lần trong cuộc phỏng vấn, có nhà báo hỏi chị: “Chị bận trăm công nghìn việc như vậy thì thời gian đâu để dạy dỗ con cái?”

Chị liền trả lời: “Mỗi khi giải quyết xong công việc, trở về nhà tôi lại có cảm giác vô cùng áy náy nên đã dành hết thời gian của mình cho con. Tôi có một nguyên tắc đó là mình còn sức thì sẽ còn làm việc, khi tiếp xúc với con, tôi luôn nói chuyện với chúng một cách chuyên tâm và đầy nhiệt huyết, chăm chú nghe và giải đáp những điều chúng hỏi, cả tâm hồn và thể xác của tôi đều hòa vào cùng thế giới của chúng.”

Có thể thấy, rất nhiều ông bố bà mẹ có sự nghiệp thành công nhưng vẫn nuôi dạy con rất xuất sắc, họ đã tìm ra những phương pháp dạy con phù hợp với điều kiện của mình, toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ của một bậc cha mẹ.

Triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau từng nói: Một con hổ còn biết rằng, sau khi sinh con sẽ phải nuôi con mình trong vòng một năm, chúng không bao giờ bỏ rơi con mình. Điều này cũng có nghĩa đã là cha mẹ thì không có lí do nào để thoái thác trách nhiệm dưỡng dục con cái.”

Trên thực tế, chỉ cần luôn nghĩ đến con thì cha mẹ dù bận rộn đến đâu cũng có thể sắp xếp được thời gian để chăm sóc con. Khi trẻ được ở cùng với cha mẹ thì chúng sẽ có cảm giác an toàn, tâm trạng thoải mái và tinh thần lạc quan thật sự, điều này sẽ khiến cha mẹ cảm thấy sự hi sinh của mình là hoàn toàn xứng đáng.

Dành thời gian tiếp xúc và lắng nghe trẻ, cha mẹ sẽ hiểu được những điều trẻ thích. Một đứa trẻ ba tháng tuổi đã bắt đầu cảm nhận được những biểu hiện về tình cảm, ngữ khí hay ngôn ngữ cử chỉ của cha mẹ; nếu trẻ luôn có một tinh thần vui vẻ thì đó sẽ là sự kích thích rất tốt cho trí não; nếu trẻ được thỏa mãn tâm lí, được ôm ấp vuốt ve thường xuyên thì dễ có được một tâm thái lành mạnh, rất có lợi cho sự phát triển sau này.

Một điều chúng tôi thành thật muốn khuyên nhủ các bậc cha mẹ là: Con cái quan trọng hơn sự nghiệp rất nhiều! Bạn có thể có hàng núi công việc cần phải giải quyết ngay lập tức hay có một loạt kế hoạch để phát triển bản thân, thì những việc này vẫn có thể gác sang một bên để dành thời gian cho trẻ trước. Cha mẹ quan tâm, khẳng định vị trí của trẻ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với trẻ sẽ giúp trẻ phát huy được tiềm năng của bản thân.

Lời khuyên của chuyên gia

10 phương pháp giáo dục trẻ cha mẹ cần quan tâm:

Để có được phương pháp giáo dục trẻ tốt nhất, thì cha mẹ cần nắm được những vấn đề sau:

1. Xã hội là chỉnh thể của sự hợp tác, việc học tập đối với con người có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

2. Tiền đề của giáo dục trẻ là thấu hiểu trẻ, mà tiền đề của thấu hiểu trẻ chính là tôn trọng trẻ.

3. Mỗi trẻ sẽ có những phương thức học tập khác nhau, một số trẻ hợp với việc học chuyên tâm tại lớp, một số trẻ hợp với việc học xen lẫn các hoạt động ngoại khóa.

4. Mỗi trẻ đều có quyền được sống, được phát triển, được nâng niu bảo vệ, được có gia đình, được tham gia đời sống văn hóa xã hội và vui chơi…

5. Cuộc sống của trẻ ngày nay khác nhiều so với trước kia, chỉ khi thừa nhận sự khác biệt, mới có thể giáo dục trẻ được tốt.

6. Trên đời này không có đứa trẻ nào sinh ra đã hư hỏng, vì thế muốn trẻ thành công thì cần có những phương pháp dạy dỗ tốt ngay khi trẻ còn nhỏ.

7. Việc bồi dưỡng nhân cách cho trẻ quan trọng hơn thành tích trẻ đạt được.

8. Học tập cùng trẻ sẽ giúp cha mẹ và trẻ cùng tiến bộ.

Bạn cũng sẽ thích

9. Có yêu thương thì cha mẹ mới giáo dục con cái, nhưng tình thương khác nhau sẽ đem đến cho con cái bạn những vận mệnh khác nhau.

10. Học tập suốt đời chính là tờ giấy thông hành trong thế kỷ XXI, vì con mà cha mẹ hãy học tập không ngừng nghỉ.

Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.