Trang chủ / Linh Ứng

Đọc sách Linh Ứng

Review sách Linh Ứng. Tải sách Linh Ứng - Hành trình từ kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh PDF/EPUB/AZW3

Dưới đây là nội dung cuốn Linh Ứng. Hãy mua cuốn Linh Ứng trên Shopee để ủng hộ tác giả.

Tìm mộ, hành trình kỳ diệu và linh thiêng

Hướng dẫn tìm mộ qua thư từ một thời gian, ông Nhã bắt đầu thấy nhiều thư từ bị thất lạc. Nhiều người ở vùng sâu vùng xa đã được ông vẽ bản đồ nhưng có lẽ vì lý do đó mà chưa tìm được mộ.

Lúc đầu ông cũng phải gặp gỡ trực tiếp thân nhân liệt sĩ để vẽ bản đồ, sau đó là giai đoạn gửi bản đồ chỉ mộ qua đường bưu điện và cuối cùng là qua điện thoại. Tất cả những biến chuyển đó, như một hành trình tất yếu đưa ông đến được với ý nghĩa tối thượng của việc tìm mộ là hướng dẫn thân nhân giúp các vong hồn siêu thoát, có nghĩa là thoát hẳn sự ràng buộc bám víu vào hài cốt mồ mả, vừa giúp người đang sống bớt đi sự cực khổ, day dứt.

Những cuộc tìm kiếm kỳ lạ

Năm 1998, Nguyễn Văn Nhã bắt đầu “hành hiệp” ngoại cảm. Nói là hành hiệp vì ngay từ đầu, ông không nhận tiền bạc, vật chất của bất kỳ ai ông giúp. Từng chứng kiến hàng trăm người ăn chực nằm chờ hàng chục ngày trời ở nhà của một nhà ngoại cảm ngoài Bắc. Ông không khỏi băn khoăn, vì việc tìm mộ người chết sao lại làm khổ người sống như vậy? Nên làm thế nào cho người ta bớt khổ cực tốn kém thời gian là điều ông tâm niệm từ khi bắt đầu khởi sự. Thời điểm này, nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ trong Nam chưa có. Thân nhân các gia đình liệt sĩ phải lặn lội ra Bắc hy vọng được trực tiếp nói chuyện với nhà ngoại cảm. Ông Lê Minh Trung, lúc này là cán bộ phòng văn hóa Q.4, TP.HCM kể lại ông cũng ra Bắc nhiều lần rất tốn kém nhưng chưa thành. Tình cờ biết đến ông Nhã đã tìm được mộ đồng đội của cha ông nên gia đình mừng rỡ tìm đến và đã được Ông Nhã hướng dẫn tỉ mỉ gia đình tìm hài cốt.

Ông Trung thuật lại rằng ban đầu họ không tin lắm vì ông Nhã hướng dẫn đến Công viên Lê Thị Riêng trong khi đồng đội chết cùng cha ông, nhờ sự hướng dẫn của chính ông Nhã lại được tìm thấy ở Cầu Dừa, Q.4. Ông Nhã hướng dẫn: Cách cổng sau công viên 200m theo con đường mòn, qua 2 ngã ba rẽ phải 10m thì thấy đường mòn nhỏ hơn. Hài cốt nằm cặp con đường này, phía Bắc cách khoảng 20m có 1 cây cao 8m lá to, phía Nam là đường mòn nhỏ có 1 rễ cây, tại chỗ có 3 bụi mắc cỡ ba bông và một cục đá màu xanh, một cục màu đỏ bằng nắm tay.

Ông Trung đi một mình đến công viên thấy mọi vật ở thực địa đều chính xác như lời ông Nhã nói. Kéo thước đo khoảng cách ông Nhã ghi trên sơ đồ thì sai số không quá 1m. Ông đánh dấu vị trị về kể với gia đình, họ vẫn nghi ngờ. Thậm chí ông Trung nghĩ rằng có thể ông Nhã thường xuyên đến công viên này nên đã biết chính xác mộ phần. Sáng hôm sau họ trở lại khai quật. Để “thử” ông Nhã, ông Trung gọi điện, ông Nhã nói trong đoàn đi có một người mang áo trắng. Ông Trung nhìn lại, quả thật đoàn đi 7 người, trong đó có một người trong Ban quản lý công viên đi cùng mặc áo trắng. “Hay là người này làm hiệu cho ông Nhã”-ông Trung trộm nghĩ. Lập tức ông Nhã nói tiếp: Từ người áo trắng đến cục đá màu đỏ chừng 1,2m, hãy đào chỗ đó! Ông Trung kéo thước đo khoảng cách thì đúng 1,2m, không lệch tí nào. Ông Nhã dặn thêm, nếu gặp khó khăn thì đợi khoảng 9g sẽ có con bướm vàng bay đến đậu ở đâu thì đào ở đó. Chỉ một lát sau, một chú bướm vàng bay đến đậu ngay bàn cúng khoảng 3 phút rồi bay đi. “Lúc này tôi thật sự thấy ớn lạnh, người bủn rủn vì sự màu nhiệm trước mắt. Cũng nhờ vậy mà gia đình càng có niềm tin sẽ tìm thấy hài cốt”-ông Trung nhớ lại.

Sách hay khuyên đọc

Sau khi đào chừng 1,5m thì tìm được xương cốt mặc dù không còn được nhiều. Mẹ ông Trung cầm nắm đất trên tay thoáng chút buồn, nghĩ ngợi. Bà gọi cho ông Nhã kể rằng chồng bà trước đây có một cái răng vàng. Tìm được hài cốt bà rất vui nhưng ước gì bà được thấy cái răng vàng đó để chắc chắn là chồng mình. Lập tức, ông Nhã nói: “Chiếc răng vàng ở trên tay bà rồi đó”! Bà hồi hộp bóp nhẹ từng miếng đất nhỏ thì thấy đúng 7 cái răng, mang đi rửa thì tìm được cái răng vàng trong số đó. “Cả nhà tôi khóc òa lên vì sung sướng. Cảm giác lâng lâng hạnh phúc và kính sợ trước sự linh thiêng mà thầy Nhã mang lại thật khó có thể nào quên”-ông Trung hồi tưởng. Xương cốt của cha ông sau đó được cải táng, chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố.

Thời đó, còn có một vị khách khá đặc biệt mà ông Nhã còn nhớ rõ. Đó là ông Quản Trọng Quân, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao. Ông Quân đi tìm chú ruột là liệt sĩ Quản Trọng Hoàng, một nhà cách mạng nổi tiếng từng là Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ trong kháng chiến chống Pháp. Ông bị giặc bắt và đưa ra bắn năm 1942 tại Hóc Môn, TP.HCM. Sau giải phóng, có nguồn tin nói rằng các chiến sĩ khởi nghĩa năm 1940 bị giặc bắn và chôn ở đất Thánh Chà. Sau này sở Vệ sinh thành phố xây trụ sở đào móng gặp nhiều xương cốt đã cho chở đi đâu không rõ. Việc tìm kiếm hài côt ông coi như bế tắc.

Thông qua người quen, ông Quân được gặp trực tiếp ông Nhã. Ông Nhã sau khi nghe chuyện xong liền nói: Người này cao 1m66, thấp hơn ông anh một chút và có một người em nữa. Ông Quân thoáng giật mình, vì ông Hoàng có anh ruột là Quản Trọng Linh, cao đúng 1m68 và một người em ruột tên Quản Trọng Huệ. Ông Quân kể mình với ông Nhã hoàn toàn xa lạ, lần đầu gặp nhau nhưng ông Nhã đã nói đúng từng chi tiết như thế thì không thể không tin.

Ông Nhã vẽ sơ đồ chỉ đến một khu nghĩa địa hoang, lấy trụ sở UBND xã Xuân Thới Thượng, H. Hóc Môn làm điểm xuất phát với lời dặn dò: Dọc đường đi bên trái có quán ăn, trạm y tế và miếu; bên phải có chợ và cây xăng. Nếu xác định đúng 5 điểm trên thì mới tìm ra, nếu không đúng tức là đã lệch hướng 180 độ . Hôm sau, ông Quân lên đường, thì phát hiện quán ăn, trạm y tế và miếu thờ lại nằm bên phải, chợ và cây xăng lại nằm bên trái, ngược với sơ đồ, cuộc tìm kiếm bất thành.

Hôm sau nữa, ông Quân rủ thêm người thân cùng đi. Chợt nhớ lại lời ông Nhã dặn việc lệch hướng 180 độ trước đó, họ lật ngược tấm bản đồ và nhìn từ phía sau. Thật kỳ diệu, tất cả các điểm đã trùng khớp theo hướng trên bản đồ. Sau này ông Nhã cho tôi biết là bản đồ có mặt dương và mặt âm. Nhiều trường hợp mặt dương không ứng nghiệm đã lật ngược bản đồ xem mặt âm và thành công. Họ theo hướng ấy, tìm được mộ ở khu mả. Trước khi đi, ông Nhã đã nói rõ: Trên mộ có một que củi dài 1,2m có nhánh, dưới chân mộ có 3 bông hoa dại màu vàng tươi nhỏ bằng đầu bút. Khi gia đình ông Quân đến nơi, đã tìm thấy tất cả các dấu hiệu và bắt đầu đào bới. Ông Nhã còn nói trên đầu mộ có một cục đá. Để chắc chắn, ông Quân hỏi: Cục đá to ngần nào? Ông Nhã trả lời ngay: Viên đá hình tam giác, đáy khoảng 8 cm. Gia đình ông Quân đào lên tìm thấy một viên gạch lót nền xưa hình tam giác, đo thì đáy rộng đúng bằng 8cm! Nhiều người trong gia đình ông chết điếng, sững người vì sự linh nghiệm lạ kỳ trước mắt.

Cuộc tìm mộ sau hơn 52 năm có kết quả mỹ mãn. Gia đình ông tìm được nhiều mảnh xương của liệt sĩ Quản Trọng Hoàng mang về cải táng. Ông Quân tâm sự rằng, đó là giây phút giải tỏa sự chờ đợi tưởng như vô vọng của cả một dòng họ. Nhiều cán bộ cách mạng lão thành còn sống lúc đó cũng cảm động rơi nước mắt khi nhìn thấy hài cốt đồng đội mình mà trước đó họ nghĩ sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy.

Cội rễ của sự linh nghiệm

Những cuộc tìm mộ chính xác liên tiếp, tiếng tăm của ông Nhã được truyền tai nhau, ngày càng đông người tìm đến. Bản thân ông đang làm tổng giám đốc của một doanh nghiệp. Công việc bận rộn nên chỉ có thể hoạt động ngoại cảm mỗi ngày hai tiếng, từ 16h30 đến 18h30. Thế nhưng, từ sáng sớm, đã có nhiều người tìm đến xin gặp. Hình ảnh những bà mẹ già khổ cực từ quê lặn lội lên Sài Gòn chầu chực trước cơ quan khiến ông không khỏi bị ám ảnh. Ông cho ghi vào sổ từng trường hợp rồi hẹn ngày quay lại lấy bản đồ. Tuy nhiên do lượng người đăng ký quá đông, nhiều trường hợp phải mất đến 2 tháng ông mới phản hồi kịp.

Trăn trở mãi, cuối cùng ông nhận được tín hiệu gửi bản đồ tìm mộ qua đường bưu điện. Ở đây phải nói thêm, mỗi cách tìm mộ, ông đều phát tâm gửi đến các thế giới khác, khi nhận được tín hiệu tức là đã được đồng ý giúp đỡ. Những người cần tìm mộ viết thư gửi, ông đều đặn vẽ bản đồ rồi gửi lại qua đường bưu điện cho họ. Năm 1999, ông gặp một kỷ niệm ý nghĩa và đáng nhớ nhất trong những ngày tháng hoạt động ngoại cảm của mình. Đó là lúc ông đọc được trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật một tấm ảnh hạnh ngộ sau ngày giải phóng của bà má Trần Thị Bính cùng con trai Lê Văn Thức quê ở Bến Tre, một tử tù Côn Đảo. Ông Thức là chiến sĩ cách mạng hoạt động ngầm trong lòng địch. Sau khi bị lộ, ông bị tuyên án tử hình và đày ra Côn Đảo. Cho đến tháng 5/1975, sau ngày giải phóng, tàu hải quân chở những người tù vào đất liền. Bà Bính và con trai ôm chầm lấy nhau, nước mắt chan hòa. Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp lại khoảng khắc ấy, làm nên một tác phẩm để đời. Câu chuyện được đăng trên báo lúc bấy giờ có một chi tiết khác khiến ông Nhã chú ý: Bà Bính có người con gái thứ ba tên là Lê Thị Tố, năm 1949, chị bị giặc Pháp bắn chết tại Tiền Giang và mất luôn xác.

Tấm ảnh người mẹ già đau khổ trên báo cứ hiện lên trong tâm trí ông. Lập tức, ông phát tâm tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Tố, giúp người mẹ ấy tìm lại được con. Trời phật thương tình, ông nhận đủ dấu hiệu. Ông vẽ hoàn cahirnh bản đồ, thông qua tòa soạn báo Tuổi Trẻ nhờ gứi đến bà Bính. Ông còn dặn dò cẩn thận, gia đình theo chỉ dẫn đến nơi, sẽ có tiếng gà gáy chỉ mộ. Người “tử tù” Lê Văn Thức sau hai ngày lặn lội tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm đến nơi theo chỉ dẫn là một vung đất tại xã Láng Biển, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau khi thắp nhang khấn nguyện, quả thật có con gà trống từ đâu lại cất vang tiếng gáy. Ông đào và tìm được hài cốt chị gái mình ngay chỗ đó.

Bà má Bính, từ cuộc trở về của người con trai tử tù 24 năm trước đó không ngờ cuối đời lại có thêm cuộc “hạnh ngộ” với người con gái thất lạc sau 50 năm đằng đẵng. Bà lúc đó đã 93 tuổi. Bây giờ thì bà đã ra đi nhưng có lẽ là trong hạnh phúc mãn nguyện. Riêng ông Nhã thì mãi nhớ kỷ niệm xúc động ấy, ông thường nói với tôi rằng:“May mắn là duyên lành đến kịp”.

Hướng dẫn tìm mộ qua thư từ một thời gian, ông Nhã bắt đầu thấy nhiều thư từ bị thất lạc. Nhiều người ở vùng sâu vùng xa đã được ông vẽ bản đồ nhưng có lẽ vì lý do đó mà chưa tìm được mộ. Từ đó, ông lại nhận được tín hiệu hướng dẫn tìm mộ trực tiếp qua điện thoại. Không cần vẽ bản đồ, ai gọi tới ông chỉ trực tiếp, chỉ cần ghi lại khoảng 10 dòng và làm theo. Tôi tò mò hỏi ông: “Không có bản đồ thì việc tìm mộ có linh nghiệm và chính xác không”? Ông cười tươi nói: “Chính xác và linh nghiệm hơn cả khi có bản đồ”. Khi vẽ bản đồ thì tỷ lệ tìm được mộ chính xác chỉ hơn 60% nhưng chỉ qua điện thoại thì đạt gần 80%. “Chỉ qua điện thoại người ta bớt tốn kém, cực khổ nhiều lắm. Có lẽ vì vậy mà trời phật cũng thương tình, cho linh nghiệm hơn”-ông tâm sự. Sau này nhiều người kể lại, dù không có bản đồ, nhưng tất cả thông tin đều ứng nghiệm và mỗi cuộc tìm kiếm đều như có đấng siêu nhiên chỉ đường.

Câu chuyện về ông Trần Công Thại, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh có lẽ là một trong những trường hợp như thế. Khoảng năm 2000, ông Thại gọi điện cho ông Nhã nhờ tìm hài cốt cha mình. Cuộc điện đàm giữa hai người chưa quen rất ngắn. Ông Nhã hướng dẫn ông Thại đến một ngã tư ở địa bàn Q.Gò Vấp rồi tìm đến nhà bà Hai Nga nào đó, 48 tuổi, có mặc áo bông màu đỏ. Hài cốt của ông cụ nằm dưới tường rào nhà bà này, chỗ có nhánh cây và một mảnh gạch vỡ sát vách tường. Ông Thại cùng con trai lên đường tìm đến ngã tư như hướng dẫn. Nhưng nhà cửa san sát, đường sá tấp nập, không biết tìm nơi đâu. Bất lực, ông gọi điện lại cho ông Nhã. Ông Nhã nói qua điện thoại: “Anh chờ một chút, chừng 15 phút sau sẽ có hai con bướm vàng đến dẫn đường”. Quả thật, chỉ 5 phút sau, hai con bướm vàng bay qua bay lại trước mặt hai cha con ông. Ông Thại giật thót mình gọi lại báo với ông Nhã thì được khuyên: “Hãy đi theo hai con bướm đó”.

Bạn cũng sẽ thích

Hai cha con ông Thại đi theo hai con bướm vàng, đến một bờ tường thì chúng biến mất. Lấy can đảm, ông bấm chuông trên tường. Một phụ nữ trung niên ra mở cửa. Ông hỏi: “Chị có phải là chị Hai Nga”? Chủ nhà trả lời: “Dạ đúng. Anh là ai”? Ông Thại sốt ruột hỏi dồn: “Có phải chị 48 tuổi”. Bà Nga sững sờ: “Dạ đúng. Sao anh biết”? Lúc này cả chủ lẫn khách đều hốt hoảng. Đặc biệt là cha con ông Thại, ai cũng tái mặt bần thần vì những lời tiên đoán của ông Nhã trước đó. Lấy lại bình tĩnh, ông kể lại cho bà Nga đầu đuôi câu chuyện tìm mộ và cơ duyên được gặp bà. Chủ nhà nghe xong cũng điếng người kinh ngạc. Họ dẫn nhau ra bờ tường tìm kiếm thì phát hiện một chố có cành cây nhô ra, ngay phía dưới là mảnh gạch vỡ nằm sát vách. Phần vì cảm động, phần vì kinh sợ trước câu chuyện siêu nhiên kỳ bí, bà Nga đồng ý cho ông Thại đào tường tìm kiếm. Sau khi đào tìm, họ phát hiện hài cốt ông cụ ngay dưới bức tường. Những người ổng cuộc đến giờ vẫn chưa thể nào quên một trải nghiệm linh thiêng và kỳ lạ đến vậy.

“Những sự việc kỳ là như vậy đã xảy ra nhiều”-ông Nhã nói với tôi. “Nhưng phải biết rằng, tất cả đều được hồn thiêng đất nước trợ giúp thì mới linh nghiệm”. Ông thoáng chút buồn khi nói với tôi rằng tìm mộ không phải là một cái “nghiệp” gắn vào bất kỳ ai. Vì có đến hàng triệu ngôi mộ của liệt sĩ, của lính cộng hòa và cả những nạn nhân của hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Nhà ngoại cảm dù có giỏi đến đâu thì cũng chỉ tìm được một phần nhỏ thôi. Thành ra sự trợ giúp của hồn thiêng đất nước, của chư vị Bồ Tát đều hướng con người chúng ta chạm đến cái ý nghĩa tuyệt vời của tìm mộ, đó là sự siêu thoát. Phần “tinh anh” thiêng liêng nhất ấy vượt lên, thoát hẳn ra khỏi mộ phần hay hình hài xương cốt mà ta cứ mãi cất công tìm kiếm.

Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Linh Ứng với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.