Vào sinh nhật lần thứ hai mươi, Joe đối diện một vấn đề phức tạp đến nỗi anh phải tìm người giúp đỡ, và chính vì vậy anh đã gặp bà Rubin.
Rắc rối của anh bắt đầu từ hai năm trước, khi anh bắt buộc phải đăng ký tham gia quân dịch. Anh đã nói với bạn bè ở trường trung học bằng những câu vụng về vốn đặc trưng cho các nỗ lực giao tiếp của anh, “Làm sao vụ đó tóm được cậu cơ chứ? Không thể gọi một cốc bia ấy thế mà lại có thể đi đánh trận.”
Bao giờ Joe cũng cao lớn hơn so với tuổi, thanh mảnh chứ không chắc đậm, và, theo mốt nhóm bạn, đã bắt đầu nuôi tóc dài ở hai bên mang tai nên nhìn từ phía sau cũng có thể thấy rõ. Anh không thật nổi bật về điền kinh để thu hút được sự chú ý của bất kỳ trường đại học nào, cũng không học giỏi tới mức được cấp học bổng. Vật duy nhất anh phải xuất trình khi tốt nghiệp trung học là một mảnh bìa trắng cỡ cái ví chứng nhận anh đã đăng ký tham gia quân dịch và được tự động xếp loại 1-A; việc xếp loại chính thức sẽ được tiến hành sau đó, khi anh được gọi đi khám sức khỏe. Khi vào đại học, người ta yêu cầu anh trình thẻ quân dịch, và vị giáo sư phụ trách có vẻ hài lòng khi thấy anh đã có.
Vào sinh nhật thứ mười chín, Joe nhận được một công văn làm anh sợ hết hồn. Đó là công văn của hội đồng tuyển quân, khi anh đi nghe giảng môn hóa về thì nó đã đang nằm chờ sẵn. Trong mười phút khổ sở, anh lo sợ không dám mở ra xem. “Tớ không sợ chiến tranh,” Joe khẳng định với anh bạn cùng phòng, một sinh viên triết quê ở Nevada có khuôn mặt vàng vọt, “và tớ cũng không phải kẻ từ chối nhập ngũ vì cho rằng nó trái với đạo lý, nhưng Việt Nam làm tớ điên đầu. Lạy Chúa, tớ không muốn bò lê bò toài khắp các ruộng lúa.
Cuối cùng khi mở phong bì ra, anh không thấy gì ngoài một bản thông báo in roneo, “Vì đã đỗ vào trường đại học cho nên ông được xếp loại 2-S, và ông sẽ vẫn được xếp vào loại này cho đến khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông phải báo cáo với ủy ban quân dịch về bất kỳ thay đổi nào trong tình hình học tập của ông.” Kèm theo là tấm thẻ mới để anh xuất trình với viên chức trong trường và người phục vụ quầy rượu.
Mặc dù năm đầu anh đạt được điểm số tốt nhưng năm thứ hai lại nảy sinh khó khăn. Trường anh chọn không thuộc loại lò luyện não như Berkeley, cũng không phải nơi toàn những cô cậu thích ăn diện như Stanford; nó là một trong số nhiều trường có chất lượng nằm rải rác khắp California và là nguyên nhân dẫn đến sự vượt trội trên nhiều lĩnh vực của bang đó; trong khi một bang như Pennsylvania chỉ cung cấp nền giáo dục đại học cho ba mươi mốt phần trăm học sinh tốt nghiệp trung học, California lại lo việc học hành cho bảy mươi ba phần trăm, và sự khác nhau này phải được nói đến. Joe kiên trì nỗ lực và cố gắng đạt những điểm số giữ cho anh được ở lại trường và thoát khỏi quân dịch.
Chính mục đích thứ hai này đã gây cho anh tình trạng khủng hoảng tinh thần. Bốn sự việc khó chịu dồn dập trong một thời gian ngắn. Chúng ám ảnh anh, không tài nào gạt bỏ được; bản thân các sự việc đó không có gì nghiêm trọng, nếu là mười năm trước, các chàng trai trẻ có thể dễ dàng gạt bỏ. Bây giờ, mùa thu năm 1968, chúng hợp lại để tạo nên một cơn ác mộng đáng sợ.
Sự việc thứ nhất đến một cách ngẫu nhiên. Một hôm, bạn cùng phòng Joe, một sinh viên gần như liên tục đạt điểm A và đã làm được như vậy suốt thời trung học, có một anh bạn hơn tuổi đã tốt nghiệp đại học năm trước tên là Karl đến thăm. Anh chàng to lớn, tháo vát này tạt vào phòng, nằm dài trên giường, cầm theo một lon bia. “Mặc kệ người ta nói gì với cậu,” anh ta nói giọng dạy đời, “cứ theo ba khóa Giáo dục học đi. Khối thằng cha hợm đời đã cười phá lên khi tớ bỏ lớp dự bị luật để sang khoa Giáo dục Tiểu học… Khoa Thay Tã III, bọn nó gọi như vậy. Được thôi, bây giờ chúng đang ở Việt Nam cả rồi đấy. Còn tớ thì được lánh nạn trong một trường tiểu học ở Anaheim. Trong thời gian này tớ được an toàn không phải lo lắng gì về quân dịch.” Anh ta ngả đầu vào gối, tợp một ngụm bia và nhắc lại câu khuyên bảo, “Học sư phạm đi.”
“Anh thấy nghề dạy học thế nào?” Joe hỏi.
“Ai thèm quan tâm chứ? Buổi sáng cậu trình diện. Bọn nhóc quậy tưng bừng. Cậu ngăn không cho chúng phá lớp tanh bành. Đến tối cậu được về nhà.”
“Thế anh dạy chúng những gì?”
“Chẳng dạy gì cả.”
“Anh không bị đuổi việc à?”
“Tớ to cao. Bọn trẻ sợ tớ một phép. Vậy nên tớ tương đối giữ được trật tự. Tay hiệu trưởng quá biết ơn vì có được một lớp học không ồn ào nên ông ta chẳng cần quan tâm xem tớ có dạy được gì cho lũ trẻ hay không.”
“Nghe có vẻ hay ho nhỉ,” Joe nhận xét.
“Tớ tránh được quân dịch,” anh giáo đáp.
Một thời gian sau, anh bạn cùng phòng kéo Joe cùng đi đến trường tiểu học đó để thử xem ông hiệu trưởng có công việc gì cho họ sau khi họ tốt nghiệp không, và họ quan sát bọn trẻ, trong đó có nhiều đứa da đen, la hét ầm ĩ ngoài hành lang. Ông hiệu trưởng là người hiền lành, khoảng bốn mươi tuổi, tóc rụng gần hết. “Bạn các anh là một trong những giáo viên giỏi nhất trường chúng tôi,” ông hăng hái nói. “Nếu các anh đủ điều kiện để được cấp bằng tốt nghiệp của bang California, chúng tôi sẽ rất vui lòng tăng cường các anh vào đội ngũ giảng dạy.”
Sự việc thứ hai lại đáng phẫn nộ. Một buổi tối, cửa phòng họ bật mở cái rầm và Eddie, cầu thủ bóng đá lực lưỡng tài năng đạt đến mức đủ để được cấp học bổng nhưng chưa đủ để tham gia đội một, lao vào báo tin với vẻ đắc thắng hiển nhiên, “Ơn Chúa, cuối cùng thì tớ cũng làm cô ta có mang! Chúng tớ sẽ cưới vào tuần sau.”
“Maud ư?”
“Phải. Cô ta đã đi khám và việc này chắc chắn rồi. Buổi sáng sau lễ cưới, tớ sẽ quay lại ủy ban quân dịch đặng đổi lấy tấm thẻ loại 3-A tuyệt vời như cũ… và tớ được tự do ở nhà.”
Các sinh viên khác vào chúc mừng Eddie, và anh ta hào hứng kể, “Maud và tớ đã nghiên cứu chu kỳ kinh nguyệt cho đến trúng mới thôi. Trong thời kỳ cô ta dễ thụ thai, chúng tớ phải làm ba bốn lần một ngày. Các cậu có nhớ lần tớ ngã gục trong trận Oregon không? Chết tiệt, tớ đã mệt đến nỗi đứng lên không nổi. Sáng hôm đó tớ đã làm hai trận liền với Maud. Huấn luyện viên xỉ vả tớ ra trò, nhưng tớ nghĩ đúng là sáng hôm đó lúc ở nhà tớ đã đánh trúng mục tiêu. Dù sao, cô ta cũng có mang rồi và tớ thì thoát được quân dịch.”
Một người hỏi, “Cậu cho rằng chứng nhận loại 3-A của cậu có hiệu lực ư?”
“Đó là cách chắc chắn. Tất cả các cậu nên lấy vợ đi. Khối đứa con gái ngoài kia sẽ sung sướng được qua đêm với các cậu đấy. Ngủ với các nàng hăng vào. Làm cho các nàng có mang. Mặc cho quỷ tha ma bắt chính quyền đi.”
“Có đáng làm thế không?” ai đó hỏi.
“Ai thèm quan tâm chứ? Khi cuộc chiến vô nghĩa này kết thúc, ly hôn rồi đường ai nấy bước.”
“Cậu có định ly hôn không?” Joe hỏi.
Anh chàng cầu thủ bóng đá nhìn Joe, định nói đùa một câu nhưng rồi nghĩ lại và đáp, “Nếu cô gái mang thai với cậu tình cờ lại là người cậu yêu thì lợi cả đôi đường.”
“Cô gái của cậu không phải à?”
“Cô gái của tớ không phải,” anh chàng to lớn nói.
Kinh nghiệm thứ ba khiến cho việc tự vấn lương tâm trở nên không thể tránh khỏi. Tầng trên có một sinh viên ngốc nghếch đáng thương tên là Max, kỳ nghỉ cuối tuần nào cũng chúi mũi vào sách vở, nhưng mãi vẫn không sao hiểu nổi các phép toán hoặc Adam Smithh[3]. Đó là một chàng béo có nước da xấu đến từ Los Angeles và muốn làm bác sĩ, theo lời bà mẹ, nhưng các giáo viên nhanh chóng nhận ra đây là điều không thể, vì vậy cậu chuyển sang khoa thương mại, nhưng rồi ngay việc này cũng thành không thể.
“Mày phải ở lại trường!” cha mẹ cậu gầm lên. “Mày muốn làm chúng tao mất mặt à? Mày muốn thôi học mà đi lính à?”
Mẹ cậu đã thu xếp cho cậu chuyển sang khoa sư phạm. “Có thể mày mới kiếm được một công việc giảng dạy ở Los Angeles, chẳng hạn như trường Harry Phillips, và thế là mày được an toàn.” Cậu chuyển sang khoa sư phạm nhưng rồi đến cả sự thông minh để thi đỗ cậu ta cũng thiếu, giờ thì có vẻ như cậu ta sẽ bị buộc thôi học, mất quyền được hoãn quân dịch, và sẽ phải trở lại loại 1-A.
Trong cơn khủng hoảng này, Max lạch bà lạch bạch chạy khắp ký túc xá, tìm một ai đó sẵn lòng lẻn vào phòng thi làm bài sát hạch thay cậu. “Câu hỏi dễ thôi,” cậu giải thích, “nhưng mỗi tội tớ không tài nào sắp xếp được ý nghĩ của mình.” Khi không tìm được ai ở tầng hai vui lòng mạo hiểm, cậu quay lại phòng Joe và nói, “Ngay cả khi anh không đi nghe giảng thì anh vẫn có thể trả lời được các câu hỏi, Joe ạ. Tôi biết là anh có thể.” Cậu làm rất kém, và sau khi bài thi được chấm xong, Max nhận được tin xấu. Cậu trượt. Thời gian hoãn quân dịch chấm dứt. Cậu phải vào quân đội. Hai bậc phụ huynh quẫn trí tới đón, và trong căn phòng riêng kín đáo của cậu, họ đã mắng mỏ không tiếc lời khiến cho cậu rời ký túc xá mà mắt đỏ hoe và run lẩy bẩy. Cậu trốn cha mẹ để đến từ biệt Joe. “Anh là một người bạn tốt,” cậu nói. Rồi, khắp người run lẩy bẩy, cậu bước ra xe.
Đám sinh viên bàn luận về Max một hồi lâu và thống nhất với nhau một điều: nếu có một người không nên ra trận thì đó chính là Max. Một sinh viên Y dự bị nói, “Cậu có muốn cậu ta làm đồng đội của mình khi đi tuần qua một ruộng lúa không?” Một người khác nói, “Bắt đi lính chỉ vì họ học kém ở đại học thì đúng là tội ác.” Nhưng anh chàng sinh viên triết cùng phòng với Joe chỉnh lại, “Tội ác bắt đầu từ khi nước ta cho phép sử dụng trường đại học làm nơi miễn trừ một nghĩa vụ mà đối với những nước khác thì lại là bắt buộc.”
Sau khi đám đông giải tán, Joe và anh bạn cùng phòng còn tiếp tục tranh luận đến quá nửa đêm, và lần đầu tiên Joe được nghe một người có học thức đề xuất lý thuyết rằng toàn bộ chế độ xã hội là trái đạo đức. Anh bạn cùng phòng lý luận, “Như cậu nói hôm nọ đấy, việc Karl làm hỏng cuộc đời của học sinh để anh ta có thể thoát khỏi quân dịch là một sự trái đạo đức hiển nhiên, nhưng nó lại do một sự trái đạo đức lớn hơn tạo ra. Sự trái đạo đức của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ khi tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố mà Quốc hội chưa bao giờ cho phép.”
“Cậu nói thế là có ý gì?” Joe hỏi.
“Lấy ví dụ thằng cha cầu thủ bóng đá hợm hĩnh khoe khoang việc đã làm một cô gái hắn không hề yêu mang thai chỉ vì mục đích trốn lính mà xem. Việc đó rõ ràng là trái đạo đức, nhưng không thể xảy ra nếu nền dân chủ của chúng ta không thối nát từ trước. Các quan chức được bầu để đại diện cho chúng ta lại để mình bị qua mặt, rồi vỗ tay tán thưởng khi Tổng thống hành động trái pháp luật.”
“Cậu sẽ làm gì với chuyện đó?”
“Tớ không biết. Nhưng tớ biết là người ta không thể hợp tác vô hạn định với tình trạng trái đạo đức mà không thành ra hư hỏng. Và tớ không có ý định biến mình thành hư hỏng.”
Anh ta nói nhỏ nhẹ, nhưng với sức thuyết phục sâu sắc đến nỗi Joe phải tự xác định xem anh sẽ cho phép việc trốn quân dịch bằng cách ẩn tránh trong trường đại học tiêm nhiễm vào anh sâu đến mức nào.
Chính kinh nghiệm thứ tư đã đúc kết quan điểm của anh, một việc mà bản thân nó tầm thường đến mức đối với người bình thường trong những thời điểm bình thường thì nó thậm chí còn chẳng được nhắc đến. Joe tới một quán bar nằm trong khu vực khá phức tạp phía bên kia thành phố để nghe một nhóm nhạc trình diễn và trên đường về ký túc xá anh tình cờ đi qua một nhóm da đen đang tụ tập ở góc phố, và một anh chàng mặc quân phục cất tiếng gọi, “Ê, thằng cha da trắng! Hẹn gặp mày ở Việt Nam nhé.” Nhưng một người khác nói, “Hắn thì không đâu. Hắn là sinh viên đấy.” Joe cười, chĩa ngón cái và ngón trỏ tay phải làm súng, vừa giả bộ bắn vào chàng lính vừa tặc tặc lưỡi. Anh lính bèn lùi lại hai bước, ôm lấy ngực kêu, “Chết tiệt, hắn bắn trúng rồi.”
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Sáu Người Đi Khắp Thế Gian với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.