Chương 1: Kiểm chứng
Mô hình Phạm tội Đơn giản theo Lý trí (SMORC)
Hãy cứ để tôi nói thẳng. Họ lừa dối. Bạn lừa dối. Và đúng, cả tôi cũng lừa dối hết lần này đến lần khác.
Là một giáo sư đại học, tôi luôn cố gắng tạo không khí tranh luận nhằm giúp sinh viên hứng thú với bài giảng. Do đó, thỉnh thoảng tôi vẫn mời các diễn giả đến chia sẻ tại lớp học – đây cũng là cách hay để giảm bớt thời gian chuẩn bị giáo án. Nói chung, đó là cách sắp xếp có lợi cho diễn giả khách mời, cho các sinh viên và cho cả bản thân tôi.
Tại một trong những giờ giảng “không cần đứng lớp”, tôi đã mời một vị khách đặc biệt tham dự lớp kinh tế học hành vi của mình. Vị khách mời thông minh và danh tiếng này là một người có thân thế rất đáng nể: trước khi trở thành nhà tư vấn kinh doanh huyền thoại trong mắt các ngân hàng và CEO lừng danh, ông đã giành được bằng tiến sĩ luật học, và trước đó nữa là bằng cử nhân tại Princeton. “Trong suốt những năm vừa qua”, tôi nói với cả lớp, “vị khách mời kiệt xuất của chúng ta đã giúp vô số doanh nhân ưu tú hiện thực hóa ước mơ của họ!”
Sau màn giới thiệu hoành tráng, vị khách mời bước ra sân khấu. Ông lập tức đi thẳng vào nội dung chính: “Hôm nay, tôi sẽ giúp các bạn đạt được ước mơ của mình. Ước mơ TIỀN TÀI của các bạn!” ông hô lớn với chất giọng sang sảng của một huấn luyện viên môn Zumba. “Các bạn đều muốn kiếm chút TIỀN, đúng chứ?”
Cả khán phòng gật đầu cười lớn, họ tỏ ra rất tán thưởng phong thái nhiệt tình và hào sảng của ông.
“Ở đây ai dám nhận mình giàu có?” ông hỏi. “Tôi biết đó là tôi, chứ sinh viên các bạn thì không đâu. Không, các bạn đều nghèo cả. Nhưng điều đó sẽ thay đổi nhờ sức mạnh của sự LỪA DỐI. Nào, chúng ta hãy bắt đầu!”
Sau đó, ông lần lượt dẫn chứng những tay lừa đảo đầy tai tiếng trong lịch sử, từ Thành Cát Tư Hãn cho đến hàng tá các CEO thời nay, như Alex Rodriguez, Bernie Magoff hay Martha Stewart. “Các bạn đều muốn trở thành người như họ,” ông cổ vũ. “Các bạn muốn nắm trong tay quyền lực và tiền bạc! Và các bạn sẽ có tất cả nếu chấp nhận lừa dối. Hãy chú ý, vì ngay lúc này tôi sẽ tiết lộ một bí mật!”
Sau phần mở màn đầy hào hứng, mọi người cùng chuyển sang một bài tập nhóm. Vị khách yêu cầu các sinh viên nhắm mắt lại và hít ba hơi thật sâu. “Hãy tưởng bạn vừa lường gạt ai đó và chiếm được 10 triệu đô-la đầu tiên,” ông nói. “Bạn sẽ làm gì với số tiền này? Mời bạn, chàng trai mặc áo xanh!”
“Em sẽ mua một ngôi nhà,” cậu sinh viên rụt rè trả lời.
“MỘT NGÔI NHÀ ư? Người giàu chúng tôi gọi đó là BIỆT THỰ. Còn bạn thì sao?” ông nói, tay hướng về phía một sinh viên khác.
“Em sẽ đi du lịch.”
“Đến hòn đảo riêng của bạn? Hay lắm! Khi bạn kiếm được tiền như một tay lừa đảo siêu hạng, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi? Ở đây có ai thích ăn ngon không?”
Một số sinh viên giơ tay.
“Sao bạn không thử món do đích thân Jacques Pépin đứng bếp? Hay một loại rượu tầm cỡ như Châteauneuf-du-Pape? Khi kiếm đủ tiền, bạn có thể sống sung túc cả đời. Cứ hỏi Donald Trump mà xem! Xem nào, với 10 triệu đô-la bạn sẽ thừa sức chở bạn trai hoặc bạn gái của mình đi bát phố. Tôi có mặt tại đây để khẳng định với các bạn rằng điều đó hoàn toàn ổn, và tôi sẽ giúp các bạn giải tỏa sự nghi ngại của mình!”
Khi đó, hầu hết sinh viên đã bắt đầu nhận ra trước mắt họ không phải là một vĩ nhân thật sự. Nhưng sau mười phút chia sẻ ước mơ về những điều hứng khởi họ sẽ làm với 10 triệu đô-la đầu tiên trong đời, họ bắt đầu bị giằng xé giữa khát khao được giàu có và ý thức rằng lừa đảo là hành vi vô đạo đức.
“Tôi cảm giác được các bạn đang do dự,” vị diễn giả lên tiếng. “Các bạn không được để cảm xúc chi phối hành động. Các bạn phải đối mặt với nỗi sợ hãi mỗi khi phân tích giữa lợi và hại. Lợi ích từ việc lường gạt để trở nên giàu có là gì?” ông hỏi.
“Là trở nên giàu có!” một sinh viên trả lời.
“Chính xác. Còn mặt trái của nó là gì?”
“Thầy sẽ bị tóm!”
“Phải rồi,” vị khách trả lời, “Bị tóm cũng là một KHẢ NĂNG. NHƯNG NÀY – đây chính là bí mật! Bị bắt quả tang khi lừa đảo không giống như phải chịu trừng phạt do lừa đảo. Hãy nhìn Bernie Ebbers, cựu CEO Worldcom mà xem. Luật sư của ông ta đã thốt ra một lời bào chữa ‘đáng hổ thẹn’, tuyên bố rằng Ebbers không rõ chuyện gì đang diễn ra. Hay như Jeff Skilling, cựu CEO Enron, người đã viết một e-mail nổi tiếng rằng: ‘Hủy hết tài liệu đi, chúng tố cáo ta đấy.’ Sau đó, Skilling đã khai rằng ông chỉ có ý ‘châm biếm’! Nếu tất thảy những lời biện hộ đó đều vô hiệu, có lẽ chúng ta nên bỏ trốn đến một đất nước không áp dụng luật dẫn độ ngay bây giờ!”
Với phong thái từ tốn nhưng chắc chắn, vị giảng viên khách mời của tôi – người thực tế là một diễn viên hài độc thoại tên Jeff Kreisler và là tác giả của cuốn sách trào lộng Lừa đảo để giàu có – đã nêu lên một tình huống thật sự khó khăn nhằm tiếp cận các quyết định liên quan đến tiền bạc dựa trên cơ sở cân nhắc giữa lợi và hại, và không hề xem xét đến khía cạnh đạo đức. Sau khi lắng nghe bài giảng của Jeff, các sinh viên đã nhận ra rằng: nếu xét theo quan điểm lý trí tuyệt đối, Jeff nói hoàn toàn đúng. Nhưng đồng thời, họ cũng không tránh khỏi cảm thấy bất an và khó chịu trước lời khẳng định của ông rằng lường gạt là cách tốt nhất để đạt đến thành công.
Cuối buổi học, tôi yêu cầu các sinh viên suy nghĩ xem hành vi của họ đã ứng với mô hình SMORC đến đâu. “Hàng ngày, các em có bao nhiêu cơ hội lừa dối mà không lo bị bắt quả tang?” tôi hỏi. “Các em đã lợi dụng bao nhiêu cơ hội trong số đó? Và chúng ta sẽ bắt gặp thêm bao nhiêu tình huống lừa đảo khác nếu mọi người đều áp dụng cách cân nhắc lợi-hại của Jeff?”
Chuẩn bị cho bước kiểm chứng
Cách tiếp cận của Becker và Jeff đối với sự bất lương đều bao gồm ba yếu tố cơ bản sau: (1) lợi ích thủ phạm nhận được từ việc phạm tội; (2) khả năng bị phát hiện (bị tóm); và (3) hình phạt dự tính nếu bị phát hiện. Thông qua việc so sánh yếu tố đầu tiên (lợi ích) với hai yếu tố sau (thiệt hại), một cá nhân lý trí bình thường có thể quyết định việc vi phạm một tội danh cụ thể có thật sự đáng công hay không.
Đến đây, có thể nói mô hình SMORC đã diễn đạt chính xác cách chúng ta ra quyết định dựa trên sự lương thiện hoặc bất lương, nhưng nỗi băn khoăn mà các sinh viên của tôi (và bản thân tôi) phải chịu đựng khi đối diện với những nguyên lý của SMORC cho thấy rằng chúng ta vẫn nên tìm hiểu sâu hơn điều gì đang thật sự diễn ra. (Các bước tiếp theo sẽ diễn giải chi tiết cách chúng ta cân nhắc việc lừa dối xuyên suốt cuốn sách, vì thế xin các bạn hãy lưu ý).
Hai đồng nghiệp Nina Mazar (giáo sư Đại học Toronto) và On Amir (giáo sư Đại học California tại San Diego) và tôi đã quyết định quan sát kỹ hơn mọi người lừa dối ra sao. Chúng tôi đã đăng thông báo khắp khuôn viên trường MIT (nơi tôi công tác vào thời điểm đó) nhằm mời gọi các sinh viên dành ra 10 phút để có cơ hội thu về 10 đô-la.1 Trong thời gian quy định, người tham gia sẽ bước vào một căn phòng rộng và ngồi trên những chiếc ghế liền bàn (loại thường dùng trong các kỳ kiểm tra). Sau đó, mỗi người sẽ được phát một tờ giấy bao gồm một dãy 20 bảng ma trận khác nhau (trình bày như minh họa ở hình bên) và được yêu cầu tìm trong mỗi ma trận hai con số có tổng bằng 10 (chúng tôi gọi đây là trò chơi ma trận, và sẽ đề cập đến nó trong những phần sau của cuốn sách). Chúng tôi cho họ 5 phút để giải càng nhiều ma trận càng tốt, và họ sẽ nhận được 50 xu cho mỗi đáp án đúng (con số này sẽ thay đổi phụ thuộc vào mục đích của bài thí nghiệm). Khi người phụ trách hô, “Bắt đầu!” các sinh viên sẽ lật sang mặt trước của tờ giấy và cố gắng hoàn thành trò chơi toán học đơn giản này càng sớm càng tốt.
1
Hình 1. Trò chơi Ma trận
Hình bên là mặt giấy minh họa trong trò chơi, với một bảng ma trận đã được phóng đại. Bạn mất bao nhiêu thời gian để tìm hết các cặp số có tổng bằng 10?
Người chơi tham gia sẽ bắt đầu thí nghiệm này theo cùng một cách, nhưng những gì xảy ra trong 5 phút kế tiếp sẽ phụ thuộc vào một điều kiện nhất định.
Hãy hình dung bạn được người khác giám sát khi đang gấp rút hoàn thành càng nhiều ma trận được giao càng tốt. Sau một phút, bạn giải được một bảng. Hai phút nữa trôi qua, bạn giải xong ba bảng. Hết thời gian quy định, bạn hoàn thành được bốn ma trận hoàn chỉnh. Như vậy, bạn đã bỏ túi 2 đô-la. Bạn tiến đến chỗ người phụ trách và nộp đáp án của mình. Sau khi kiểm tra kết quả, người phụ trách mỉm cười hài lòng. “Tốt lắm, bạn được bốn câu đúng,” cô nói và bắt đầu đếm tiền thưởng. “Của bạn đây”, bạn nhận tiền và trò chơi kết thúc. (Điểm số trong tình huống được giám sát sẽ cho thấy trình độ xử lý thực tế của các sinh viên trong trò chơi này.)
Bây giờ, hãy hình dung bạn đang trong một trường hợp khác – hay còn gọi là tình huống “máy hủy giấy” – lúc này, bạn sẽ có cơ hội gian lận. Tình huống này cũng tương tự như khi bạn được giám sát, chỉ có điều sau năm phút người phụ trách sẽ thông báo với bạn, “Sau khi hoàn thành, hãy đếm số đáp án đúng, cho bảng trả lời của bạn vào máy hủy giấy ở cuối phòng và báo tôi biết bạn đã giải chính xác bao nhiêu ma trận.” Nếu rơi vào trường hợp này, bạn sẽ tự giác tổng hợp số đáp án đúng, hủy bảng trả lời, báo cáo kết quả, nhận tiền thưởng và rời khỏi phòng.
Nếu bạn là người chơi trong tình huống “máy hủy giấy”, bạn sẽ làm gì? Bạn có gian lận không? Nếu có, bạn sẽ báo khống mấy đáp án?
Từ kết quả thu được trong hai lượt thí nghiệm, chúng tôi có thể so sánh giữa các thành tích trong tình huống được giám sát – khi người chơi không thể gian lận – với thành tích trong tình huống “máy hủy giấy” – khi người chơi có khả năng gian lận. Nếu điểm số giống nhau, chúng tôi sẽ kết luận không có trường hợp gian lận nào xảy ra. Nhưng rốt cuộc, con số đã nói lên tất cả: người chơi trong tình huống “máy hủy giấy”đạt thành tích “tốt hơn” hẳn; từ đó, chúng tôi có thể kết luận người chơi đã khai khống thành tích của họ (hay gian lận) khi họ có cơ hội hủy đi chứng cứ. Và mức độ gian lận của nhóm người chơi này sẽ thể hiện ở mức chênh lệch giữa số ma trận họ báo cáo đã giải đúng với số ma trận do nhóm người chơi còn lại thật sự giải đúng trong tình huống được giám sát.
Không mấy bất ngờ khi chúng tôi nhận ra nhiều người sẽ sẵn sàng dối trá về điểm số của họ khi có cơ hội. Trong tình huống được giám sát, trung bình mỗi người chơi tham gia giải được 4 ma trận trong tổng số 20 câu đố được giao. Trong khi đó, số ma trận trung bình người chơi báo cáo trong tình huống “máy hủy giấy” là 6 – nhiều hơn 2 ma trận so với tình huống đầu tiên. Và tổng số chênh lệch này không chỉ đến từ một vài cá nhân khai khống kết quả của họ lên gấp nhiều lần, mà từ rất nhiều người chơi gian lận một chút ít về thành tích của họ.
Càng nhiều tiền, càng khuyến khích gian lận?
Nắm trong tay số liệu thực tế trên về tính không trung thực, tôi cùng Nina và On đã sẵn sàng nghiên cứu về những động cơ thúc đẩy chúng ta lừa dối, dù ít hay nhiều. Theo mô hình SMORC, con người sẽ lừa dối kẻ khác nếu họ có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn mà không lo bị bắt quả tang hay trừng phạt. Nguyên lý này nghe có vẻ đơn giản và khá cuốn hút, nên chúng tôi quyết định sẽ kiểm chứng trong lần kế. Chúng tôi tạo ra một phiên bản khác từ thí nghiệm ma trận, nhưng lần này, chúng tôi đã thay đổi số tiền thưởng người chơi nhận được cho mỗi ma trận họ giải chính xác. Một số người chơi được hứa trả 25 xu cho mỗi đáp án đúng; trong khi một số khác được hứa trả đến 50 xu, 1 đô-la, 2 đô-la hay 5 đô-la. Ở mức cao nhất, chúng tôi hứa sẽ trả người chơi những 10 đô-la cho một đáp án đúng – một con số không tưởng. Theo bạn điều gì sẽ xảy ra? Liệu số trường hợp gian lận có tỷ lệ thuận với số tiền thưởng tăng thêm hay không?
Trước khi tiết lộ đáp án, tôi muốn chia sẻ với bạn về một thí nghiệm liên quan. Lần này, thay vì chỉ tiến hành trò chơi ma trận, chúng tôi còn yêu cầu một nhóm sinh viên khác dự đoán xem những người chơi trong tình huống “máy hủy giấy” sẽ tuyên bố họ giải đúng được bao nhiêu câu đố tại mỗi mức trả thưởng. Theo phán đoán của họ, số đáp án đúng theo tuyên bố của người chơi sẽ tăng thêm nếu tiền thưởng cũng tăng thêm. Về cơ bản, trực giác của họ trên lý thuyết cũng tương tự như giả thuyết của mô hình SMORC. Nhưng họ đã lầm. Khi xem xét mức độ nghiêm trọng của trò gian lận, chúng tôi đã nhận thấy rằng: người chơi vẫn chỉ khai khống thêm trung bình hai đáp án đúng trong điểm số của họ, bất chấp giá trị tiền thưởng dành cho mỗi câu đố. Thậm chí, số trường hợp gian lận còn giảm đi đôi chút khi chúng tôi hứa sẽ trả người chơi mức thưởng cao nhất – 10 đô-la – cho mỗi đáp án chính xác.
Tại sao mức độ gian lận lại không tăng cùng với mức tiền thưởng được đề nghị? Tại sao số trường hợp gian lận lại giảm đi chút ít khi tiền thưởng được nâng lên cao nhất? Chính thái độ dửng dưng này trước món tiền thưởng hậu hĩ đã cho thấy rằng: thói bất lương nhiều khả năng không phải là hệ quả từ quá trình phân tích lợi-hại. Vì nếu đúng như thế, lợi ích gia tăng (khoản tiền thưởng đề nghị) nhất định sẽ khuyến khích gian lận. Và tại sao mức độ gian lận lại giảm xuống thấp nhất với mức thưởng cao nhất? Tôi hoài nghi rằng khi người chơi biết họ có thể kiếm được những 10 đô-la cho một câu trả lời đúng, họ sẽ khó thực hiện hành vi gian lận hơn và cảm thấy an lòng khi biết mình vẫn là người chính trực (chúng ta sẽ quay lại chủ đề này trong phần sau). Với 10 đô-la cho mỗi ma trận, chúng ta đã không còn bàn đến tình huống lừa đảo ở cấp độ lấy cắp một chiếc bút chì tại nơi làm việc. Nó sẽ khá giống với việc bạn cuỗm về một hộp bút, một chiếc dập ghim hay một xấp giấy in, và bạn khó có thể phớt lờ hay biện minh cho hành động đó.
Tóm lấy kẻ trộm
Trong thí nghiệm kế tiếp, chúng tôi sẽ khiến người tham gia cảm thấy họ sẽ có nhiều khả năng bị bắt quả tang. Về cơ bản, chúng tôi chỉ bổ sung chút sức ép về mặt tinh thần – tương đương với một máy quay an ninh cục bộ – trong thí nghiệm này.
Chúng tôi yêu cầu một nhóm người chơi hủy đi một nửa bảng trả lời của họ – nói cách khác, nếu họ thiếu trung thực, chúng tôi có thể truy ra bằng chứng. Sau đó, chúng tôi yêu cầu nhóm thứ hai hủy toàn bộ bảng trả lời, đồng nghĩa họ sẽ không lo bị trừng phạt. Cuối cùng, chúng tôi yêu cầu nhóm thứ ba hủy hết bảng trả lời, rời khỏi phòng và đưa họ một chiếc bát khá lớn gồm khoảng 100 đô-la tiền lẻ. Trong tình huống “tự nhận thưởng” này, người chơi có thể không gian lận và rời trò chơi với số tiền thưởng tương xứng, nhưng họ cũng có cơ hội vơ thêm tiền.
Một lần nữa, chúng tôi lại yêu cầu một nhóm sinh viên khác dự đoán xem người chơi sẽ tuyên bố họ giải chính xác trung bình bao nhiêu câu đố trong mỗi tình huống. Và một lần nữa, họ lại dự đoán khuynh hướng bất lương của con người theo nguyên lý SMORC, và rằng người chơi sẽ khai khống thêm nhiều đáp án khi khả năng bị bắt quả tang được giảm bớt.
Vậy kết quả ra sao? Vẫn như thế, rất nhiều người đã gian lận, nhưng họ chỉ nói quá lên một chút, và mức độ gian lận vẫn xấp xỉ nhau trong cả ba tình huống (“hủy một nửa”, “hủy toàn bộ” và “hủy toàn bộ cộng với tự nhận thưởng”).
GIỜ ĐÂY, CÓ THỂ BẠN sẽ tự hỏi liệu những người tham gia trong thí nghiệm của chúng tôi có thật sự tin rằng họ có thể gian lận mà không bị tóm theo những cách bố trí đó hay không. Để chứng thực giả quyết này, tôi cùng Racheli Barkan (giáo sư Đại học Ben-Gurion tại Negev) và Eynav Maharabani (ứng viên thạc sĩ làm việc cùng Racheli) đã tiến hành thêm một nghiên cứu, với Eynav hoặc Tali – một trợ lý nghiên cứu khác – phụ trách giám sát. Nhìn chung, giữa Eynav và Tali không có nhiều khác biệt – tuy nhiên, do Eynav là người khiếm thị, nên người chơi sẽ dễ bề gian lận hơn khi cô phụ trách. Khi người chơi đến nhận thưởng từ bát tiền đặt trên bàn trước mặt người phụ trách, họ có thể lấy bao nhiêu tiền tùy ý, và Eynav không thể phát hiện ra điều đó.
Như vậy, liệu khả năng người chơi qua mặt Eynav sẽ cao hơn người còn lại? Thực tế cho thấy, tuy họ vẫn lấy thêm một ít so với mức thưởng xứng đáng được nhận, nhưng khi Tali giám sát các thí nghiệm, họ cũng chỉ gian lận với cùng số tiền như khi Eynav phụ trách.
Kết quả trên cho thấy rằng: khả năng bị bắt quả tang không ảnh hưởng quá nhiều đến số tiền người chơi gian lận. Tất nhiên, tôi không có ý nói chúng ta hoàn toàn không bị chi phối bởi khả năng bị bắt quả tang – suy cho cùng, sẽ chẳng ai cả gan đánh cắp một chiếc xe khi có cảnh sát đứng gần đó – nhưng các số liệu trên đã khẳng định việc bị tóm không hề có tác động lớn như chúng ta vẫn tưởng, và chắc chắn nó chẳng thể hiện được vai trò gì trong các thí nghiệm của chúng tôi.
CÓ THỂ BẠN sẽ nghĩ rằng những người tham gia trong các thí nghiệm đã lập luận như sau: “Nếu mình chỉ gian lận vài đáp án, chắc sẽ không ai nghi ngờ mình. Nhưng nếu mình gian lận nhiều hơn, mình sẽ khiến họ hoài nghi và chất vấn mình về điều đó.”
Chúng tôi đã tiến hành kiểm chứng quan điểm này trong thí nghiệm kế tiếp. Cụ thể, chúng tôi đã nói với nửa số người chơi rằng trung bình một sinh viên tham gia thí nghiệm có thể giải được 4 ma trận (đúng với kết quả thực tế). Với nửa số người chơi còn lại, chúng tôi nói với họ rằng trung bình một sinh viên có thể giải được đến 8 ma trận. Tại sao chúng tôi làm thế? Vì nếu khả năng gian lận dựa trên tâm lý không muốn gây sự chú ý, thì trong cả hai trường hợp, những người chơi sẽ chỉ khai khống thêm một vài đáp án so với con số họ cho là thành tích trung bình (đồng nghĩa họ sẽ tuyên bố mình giải được 6 ma trận nếu thành tích trung bình là 4, và được 10 ma trận nếu họ nghĩ 8 là con số trung bình).
Vậy các sinh viên của chúng tôi đã hành động ra sao khi họ tưởng rằng những người khác có thể giải được nhiều ma trận hơn? Họ đã không bị tác động dù chỉ một chút trước thông tin này. Sau cùng, họ chỉ khai khống thêm khoảng 2 đáp án (họ giải được 4 câu và báo cáo thành 6) bất kể họ tin những người chơi khác có thể giải được 4 hay 8 câu.
Kết quả này cho thấy việc gian lận không hề phụ thuộc vào nỗi lo gây sự chú ý. Không những thế, nó còn chứng minh cho mối liên kết giữa ý thức đạo đức của chúng ta với mức độ gian lận khiến chúng ta chưa cảm thấy dằn vặt. Nói cách khác, chúng ta sẽ tiếp tục gian lận đến một giới hạn nào đó cho phép chúng ta bảo toàn hình ảnh một con người trung thực vừa phải.
Đến với thực nghiệm
Nắm trong tay các bằng chứng sơ khởi ngược với mô hình SMORC, Racheli và tôi đã quyết định rời phòng thí nghiệm và đánh liều nghiên cứu trong môi trường thực tế hơn. Chúng tôi muốn kiểm chứng chúng từ những tình huống mỗi người có thể đối mặt hàng ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn kiểm tra từ “những con người bình thường” chứ không chỉ xoay quanh giới sinh viên (tuy chúng tôi cũng biết các bạn sinh viên không thích bị xem như những người “không” bình thường). Một yếu tố khác còn thiếu trong mô hình thí nghiệm của chúng tôi mãi đến thời điểm đó chính là cơ hội để mọi người hành xử một cách tích cực và nhân đạo. Đối với những thí nghiệm trong phòng kín, điều duy nhất những người chơi của chúng tôi có thể làm là lừa dối. Nhưng trong nhiều tình huống thực tế, chúng ta có thể thể hiện những hành vi từ chiết trung cho đến rộng lượng và bác ái. Trên quan điểm đó, chúng tôi đã tìm kiếm những tình huống cho phép chúng tôi kiểm chứng cả hai mặt tiêu cực lẫn tích cực trong bản tính con người.
HÃY TƯỞNG TƯỢNG trước mắt bạn là một khu chợ nông sản rộng lớn kéo dài suốt một con đường. Khu chợ này tọa lạc tại Be’er Sheva, một thị trấn phía Nam Israel. Đó là một ngày nắng nóng, và các tiểu thương đang bàn bán hàng hóa của họ trên các sạp hàng mở hai bên đường. Bạn có thể ngửi thấy mùi thảo mộc tươi lẫn trong mùi dưa chua, mùi bánh mì mới ra lò quyện với những quả dâu chín mọng, trong khi mắt bạn đang lướt qua các sạp hàng ô-liu và pho-mát. Xung quanh bạn là những tiểu thương đang nức lời tán dương hàng hóa của họ: “Rak ha yom!” (số lượng có hạn đây), “Matok!” (rất ngọt đây), “Bezol!” (giá rất rẻ đây).
Lúc này, Eynav và Tali đã bước vào chợ và tách ra hai hướng – Eynav dùng một chiếc gậy trắng để dò đường. Hai người lần lượt tiến đến chỗ một số người bán rau củ và yêu cầu cân cho họ 2 kg cà chua trong khi họ ghé qua hàng khác. Mỗi lần yêu cầu, họ đều bỏ đi khoảng 10 phút, quay lại lấy cà chua, thanh toán tiền và rời khỏi. Sau đó, họ đem cà chua đến một sạp hàng khác ở cuối chợ, nơi người chủ sạp đã đồng ý giúp họ kiểm tra chất lượng số cà chua từ mỗi người bán. Từ việc so sánh chất lượng cà chua do Eynav và Tali mua về, chúng tôi có thể phát hiện ra ai nhận được hàng tốt hay hàng xấu.
Vậy Eynav có được đối xử công bằng? Hãy nhớ rằng từ quan điểm lý trí thuần túy, có thể hiểu được tại sao người bán lại chọn cho cô những quả cà chua xấu nhất. Xét cho cùng, cô sẽ chẳng được lợi gì góc độ thẩm mỹ của chúng. Thậm chí, một nhà kinh tế học thủ cựu từ Đại học Chicago có thể quả quyết rằng: trong nỗ lực tối đa hóa lợi ích xã hội dành cho tất cả những người có liên quan (bao gồm người bán, Eynav và các khách hàng khác), người bán tốt hơn nên chọn cho cô những quả cà xấu và dành những quả đẹp cho các khách hàng khác – những người có khả năng thưởng thức khía cạnh thẩm mỹ của chúng. Tuy nhiên, vẻ ngoài của những quả cà chua họ chọn cho Eynav cũng không đến nỗi nào, thậm chí chúng còn đẹp hơn của Tali. Người bán có cách nghĩ của riêng họ, và đã chấp nhận chịu thiệt để chọn lấy những sản phẩm chất lượng tốt cho một khách hàng khiếm thị.
VỚI NHỮNG KẾT QUẢ KHẢ QUAN TRÊN, chúng tôi đã chuyển sang một loại hình nghề nghiệp khác vốn thường gắn liền với sự ngờ vực: tài xế ta-xi. Trong giới ta-xi, có một mánh khóe khá phổ biến được gọi là “phí sức” – thuật ngữ ám chỉ chiêu thức chở các hành khách không rành đường vòng quanh điểm đến nhằm kéo dài lộ trình, và đôi khi khiến cước phí tăng thêm đáng kể. Điển hình, một nghiên cứu được tiến hành trong giới tài xế ta-xi tại Las Vegas đã phát hiện một số chiếc ta-xi chuyên chở khách từ Sân bay Quốc tế McCarran đến Strip ngang qua hầm đường Interstate 215, khiến cước xe tăng đến 92 đô-la thay vì chọn một lộ trình chỉ hai dặm.
Xét trên uy tín của các hãng ta-xi, mỗi hành khách sẽ tự hỏi liệu trò moi tiền này có phải tình trạng chung, hay liệu họ có khả năng gian lận cao hơn nếu hành khách không phát hiện được hay không. Trong thí nghiệm kế tiếp, chúng tôi đã yêu cầu Eynav và Tali bắt ta-xi qua lại giữa ga tàu hỏa và Đại học Ben-Gurion tại Negev khoảng 20 lần. Giá cước ta-xi trên tuyến đường này cụ thể như sau: cước khởi điểm khi tài xế bật đồng hồ là 25 NIS (khoảng 7 đô-la). Tuy nhiên, hành khách sẽ được hưởng giá chiết khấu 20 NIS (khoảng 5,50 đô-la) nếu đồng hồ không mở. Trong kịch bản của chúng tôi, cả Eynav và Tali đều yêu cầu tài xế bật đồng hồ. Đôi khi, các tài xế vẫn nhắc những vị khách “nhà quê” rằng tiền xe sẽ rẻ hơn nếu đồng hồ không mở; mặc dù vậy, cả hai người đều khăng khăng đòi tài xế bật đồng hồ. Kết thúc chuyến đi, Eynav và Tali lần lượt yêu cầu tính tiền xe, thanh toán, ra khỏi ta-xi và chờ tầm vài phút trước khi bắt thêm chuyến khác về địa điểm ban đầu.
Khi tổng kết tiền xe, chúng tôi nhận ra Eynev đã trả ít tiền hơn Tali, bất chấp thực tế họ đều yêu cầu bật đồng hồ. Sao chuyện đó có thể xảy ra? Nhiều khả năng các tài xế đã chở Eynav trên một lộ trình ngắn hơn và rẻ hơn Tali. Nếu đúng như vậy, thì các tài xế đã không lừa dối Eynav, nhưng họ đã lừa của Tali chút đỉnh. “Tôi nghe tiếng người tài xế bật đồng hồ khi được yêu cầu,” cô kể lại, “nhưng sau đó, trước khi đến đích, tôi đã nghe rất nhiều người tắt đồng hồ để tiền xe hạ xuống còn gần 20 NIS”. “Chuyện đó không hề xảy ra với tôi,” Tali nói. “Họ chưa lần nào tắt đồng hồ, và sau cùng tôi luôn phải trả khoảng 25 NIS.”
Có hai yếu tố rút ra từ kết quả trên. Thứ nhất, rõ ràng các tài xế đã không tiến hành phân tích lợi-hại hòng gia tăng tối đa thu nhập của họ. Nếu làm thế, họ lẽ ra phải lừa tiền của Eynav bằng cách báo với cô số tiền cao hơn so với số hiển thị trên đồng hồ hoặc đánh xe vòng quanh thành phố. Thứ hai, không những không lường gạt, các tài xế ta-xi còn làm tốt hơn thế; họ đã suy nghĩ cho quyền lợi của Eynav và hy sinh chút thu nhập để cô được hưởng lợi.
Bày trò giả dối
Rõ ràng, bên cạnh những gì Becker và môn kinh tế học tiêu chuẩn đã đề cập và muốn thuyết phục chúng ta, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Trước hết, khám phá cho thấy số tiền chúng ta có thể chiếm dụng từ việc lường gạt thật sự không ảnh hưởng quá lớn đến độ nghiêm trọng của hành vi bất lương đã khẳng định bất lương không đơn giản chỉ là hệ quả từ quá trình phân tích giữa lợi ích và thiệt hại. Không những thế, các kết quả cho thấy mức độ bất lương vẫn giữ nguyên dù khả năng bị bắt quả tang có thay đổi cũng chứng tỏ thói bất lương dường như không thật sự bắt nguồn từ việc cân nhắc lợi-hại. Cuối cùng, việc rất nhiều người chỉ gian lận một chút khi có cơ hội cũng chứng minh các động cơ chi phối thói bất lương quả thực phức tạp hơn (và thú vị hơn hẳn) so với dự đoán của mô hình SMORC.
Vậy điều gì đang diễn ra ở đây? Nếu tôi cũng đề xuất một giả thuyết, chúng ta sẽ phải mất khá nhiều chương sách để kiểm chứng nó. Để tóm gọn, tôi sẽ đi thẳng vào luận điểm chính: hành vi của chúng ta chịu sự chi phối của hai động cơ trái ngược nhau. Một mặt, chúng ta muốn tự xem mình là một con người trung thực và đáng kính. Chúng ta muốn nhìn thẳng vào gương và cảm thấy hài lòng về bản thân (tâm lý học gọi đây là động lực từ cái tôi). Mặt khác, chúng ta cũng muốn hưởng lợi càng nhiều càng tốt từ việc lường gạt (đây là động lực tài chính tiêu chuẩn). Lẽ tất nhiên, hai động lực trên hoàn toàn xung khắc với nhau. Làm thế nào chúng ta có thể vừa bảo đảm lợi ích từ việc lường gạt, vừa tự xem mình là những con người lương thiện tuyệt vời?
Đây chính là lúc khả năng nhận thức linh hoạt đáng ngạc nhiên trong chúng ta có dịp thể hiện. Nhờ kỹ năng đầy nhân bản này, nếu chúng ta đảm bảo chỉ gian lận một chút ít, chúng ta có thể vẫn vui vẻ hưởng lợi từ hành vi đó, vừa tự hào về nhân cách phi thường của mình. Hành vi cân bằng này chính là một quá trình tự biện minh, và là nền tảng cho thứ chúng tôi gọi là: “học thuyết về cấp số giả dối.”
Để giúp các bạn hiểu hơn về học thuyết cấp số giả dối, hãy nhớ lại lần cuối cùng các bạn tự tính tiền thuế doanh nghiệp. Làm thế nào bạn có thể thu xếp chu đáo những quyết định nhập nhằng và mập mờ của mình? Có hợp lý không nếu bạn kê khoản tiền sửa xe vào mục chi phí kinh doanh? Nếu đúng thế, bao nhiêu liền sẽ khiến bạn thỏa mãn? Và nếu bạn có đến hai chiếc xe thì sao? Tôi không yêu cầu bạn phải bào chữa cho những quyết định của mình tại Cục Thuế Nội địa Hoa Kỳ (IRS); tôi chỉ muốn biết chúng ta sẽ tự biện minh với bản thân về những khoản khấu trừ thuế dôi ra như thế nào.
Hoặc hãy hình dung bạn đang ra ngoài dùng bữa cùng bạn bè và họ muốn bạn kể về dự án đang ngốn thời gian của bạn gần đây. Sau khi kết thúc, liệu bữa ăn này có thể xem là một khoản chi cho công việc hay không? Có thể là không. Nhưng nếu giả sử bữa ăn diễn ra trong một chuyến công tác hay bạn hy vọng những người cùng dùng bữa sẽ trở thành đối tác trong tương lai thì sao? Nếu bạn từng chi một khoản như thế, đồng nghĩa bạn đã linh động “bước qua” ranh giới đạo đức của mình. Tóm lại, tôi tin tất cả chúng ta vẫn luôn cố gắng xác định ranh giới nơi chúng ta có thể trục lợi mà vẫn không làm sứt mẻ hình tượng bản thân. Như Oscar Wilde từng viết: “Đạo đức, giống như nghệ thuật, cũng vẽ lên đâu đó một ranh giới.” Câu hỏi chính là: ranh giới đó ở đâu?
TÔI TIN JEROME K. JEROME đã giải đáp được điều này vào năm 1889 trong cuốn tiểu thuyết của ông, Ba người đàn ông trên thuyền (Đừng nói gì với con chó). Trong đó, ông đã kể một câu chuyện về một trong những chủ đề dễ dối gạt nhất trên thế thế giới: câu cá. Dưới đây là một đoạn trích từ tác phẩm:
Trước đây, tôi từng biết một chàng trai trẻ; đó là anh chàng ngay thẳng nhất trên đời; khi đi câu cá, anh ấy đã quyết định sẽ không bao giờ nói dối hơn 25% về mẻ câu của mình.
“Nếu tôi câu được 40 con cá,” anh nói, “tôi sẽ nói với mọi người mình đã câu được 50 con. Nhưng tôi sẽ không nói hơn thế đâu, vì nói dối là tội lỗi.”
Tuy phần lớn chúng ta thường không ý thức rõ yếu tố lừa dối của mình như chàng thanh niên trong câu chuyện, nhưng xét về tổng thể, phương pháp này vẫn khá chính xác; mỗi chúng ta đều tự đặt ra một giới hạn cho sự lường gạt trước khi nó hoàn toàn trở thành “tội lỗi.”
Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ tập trung làm rõ cơ chế bên trong của cấp số giả dối – hay trạng thái cân bằng mong manh giữa hai ham muốn đầy mâu thuẫn: vừa mong bảo toàn được hình ảnh tích cực của bản thân, vừa muốn hưởng lợi từ sự lường gạt.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Tâm Lý Học Hành Vi với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.