Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội
Xây dựng thương hiệu cá nhân chính là việc quản lý cái tên của bạn – ngay cả khi bạn không sở hữu một doanh nghiệp – trong một thế giới đầy những luồng thông tin sai lệch và khó kiểm soát.
Người mà bạn đang hẹn hò có thể đã “Google” tên của bạn trước buổi hẹn đầu tiên của hai người. Người chủ doanh nghiệp mà bạn chuẩn bị có buổi phỏng vấn xin việc cũng vậy.
– Tim Ferriss
KỶ NGUYÊN WORD-OF-MOUTH
Word-of-mouth (có nghĩa là truyền miệng) là một phương pháp marketing rẻ và được nhiều người sử dụng. Định nghĩa đơn giản, đó là phương thức bạn khiến cho sản phẩm của mình được mọi người truyền tai nhau mà không cần đến các phương pháp marketing tốn kém. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội thực chất cũng là việc làm thế nào để mọi người có thể “word-of-mouth” về bạn nhiều nhất có thể. Không cần nói đâu xa, trước khi quyết định đến một quán ăn, bạn sẽ làm gì?
Chắc chắn bạn sẽ lên Google, Foody hoặc Lozi xem review hoặc hỏi bạn bè trước đúng không? Ý kiến của người đi trước luôn dễ tin hơn xem quảng cáo trên ti vi hoặc website của nhà hàng. Vậy nên, làm thế nào để người dùng nói tốt về sản phẩm của bạn là vô cùng quan trọng. Tương tự như vậy khi làm thương hiệu cá nhân, làm thế nào để mọi người truyền miệng nhau, giới thiệu nhau về thương hiệu cá nhân của bạn là mục đích cuối cùng. Ví dụ ai đó có bạn bè đang tìm việc, có thể giới thiệu về tôi như “Tao có biết blog của anh Anh Tuan Le, có nhiều bài viết hay ho về tìm việc lắm, mày vào đọc thử xem”. Thế là tôi đã thành công rồi.
Cùng với sự phát triển của Internet hiện nay, người người nhà nhà ai cũng dùng Facebook, việc truyền miệng lại càng phát triển nhanh chóng. Ví dụ, trên Facebook có rất nhiều các group cộng đồng. Những người thích nuôi chó thì có group Hội những người thích nuôi chó, người thích chơi ô tô thì có Otofun, các chị em thì có Tâm sự Eva, v.v.. Mỗi group có khoảng chục ngàn, thậm chí trăm ngàn người thảo luận mỗi ngày. Người tiêu dùng không bị bó hẹp việc chia sẻ kinh nghiệm sử dụng một sản phẩm nào đó của họ trong phạm vi những mối quan hệ người quen nữa. Nếu sản phẩm của bạn được một người nổi tiếng, có vài trăm nghìn follower viết một status cảm nhận, đảm bảo lượng người biết đến sản phẩm của bạn sẽ tăng rất nhanh. Tương tự, nếu thương hiệu cá nhân của bạn được một người đánh giá tốt, họ sẽ giới thiệu lại cho bạn bè, những người bạn ấy lại giới thiệu cho bạn bè của họ, dần dần bạn sẽ có một lượng follower nhất định. Trước đây, khi Internet chưa phát triển, thật khó để ai đó có cơ hội tiếp cận hàng nghìn người đọc hoặc người xem. Bây giờ, chỉ cần viết một status ngắn, chia sẻ lên mạng xã hội, chưa đầy mười phút sau, bạn đã có thể tiếp cận được con số đó rồi.
AI CŨNG ĐANG LÀM THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN
Có thể bạn chưa mở công ty, cũng chưa bắt đầu kinh doanh, nhưng rất có thể bạn đã tự tạo một thương hiệu cá nhân cho bản thân mình. Khi lập tài khoản Facebook, LinkedIn hoặc Twitter, thực chất bạn đã đặt bước chân đầu tiên cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân của mình. Bởi lúc ấy, dù ít hay nhiều, hình ảnh của bạn cũng bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng. Ví dụ, bạn rất thích chụp ảnh phong cảnh và đi du lịch. Bạn dùng tài khoản Facebook và Instagram để đăng tải những bức ảnh du lịch bạn chụp và ưng ý. Một ngày đẹp trời, có người nhìn thấy những bức ảnh của bạn và nảy ra ý tưởng kinh doanh với chúng. Thế là, rất có thể hôm sau, bạn sẽ nhận được một lời mời hợp tác. Chúng ta đang sống trong thời đại mà thông tin được truyền cho nhau nhanh như (hoặc có khi hơn cả) tốc độ ánh sáng. Vậy nên nếu bạn đã và đang sử dụng mạng xã hội, hãy bắt đầu nắm lấy cơ hội để xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân.
Có một số bạn nói với tôi: “Hiện tại em đang có một công việc ổn định, ở một công ty lớn, lương tháng đủ ăn đủ tiêu rồi, cần gì phải mất thời gian xây dựng thương hiệu cá nhân làm gì nữa?”. Đúng vậy, điều đó sẽ ổn nếu bạn có thể giữ được công việc ấy suốt đời. Cứ cho bạn là một nhân viên cực kỳ trung thành và sẽ cam kết gắn bó với công ty cả đời, liệu bạn có chắc chắn rằng mình sẽ làm được mãi công việc đó từ giờ cho đến già? Liệu bạn có chắc chắn rằng sẽ không có vấn đề gì xảy ra với công việc của bạn? Có những yếu tố khách quan từ bên ngoài mà chúng ta không kiểm soát được, ví dụ như công ty phá sản, thời tiết thiên tai, lạm phát, khủng hoảng kinh tế… bạn hoàn toàn có thể mất việc bất kỳ lúc nào. Thế nên để chuẩn bị cho bản thân luôn ở tâm thế sẵn sàng và không lo thất nghiệp, việc có một thương hiệu cá nhân ngay từ bây giờ khá quan trọng.
Để bắt đầu ứng tuyển một công việc vào thời điểm này bạn cần phải làm gì? Chuẩn bị một bản CV và Cover Letter đầy đủ sau đó gửi cho nhà tuyển dụng đúng không nào? Với những công việc ít người ứng tuyển và không có nhiều cạnh tranh thì như vậy là đủ. Tuy nhiên với những công việc có hàng nghìn người cùng ứng tuyển và chỉ chọn ra một vài người, làm thế nào để hồ sơ của bạn có thể nổi bật hơn so với ứng viên khác? Liệu CV và Cover Letter không có đủ? CV chỉ nên viết trong khoảng hai trang, Cover Letter không nên viết quá một trang, liệu bạn nghĩ ba trang giấy có đủ để thể hiện mọi thứ về bạn, tính cách, kinh nghiệm, kỹ năng, những gì bạn biết, những gì bạn đã trải nghiệm với nhà tuyển dụng? Nếu bạn nghĩ là không, và bạn muốn mình nổi bật hơn so với ứng viên khác, gây được ấn tượng thêm với nhà tuyển dụng, đây là lúc bạn nên bắt đầu dành chút thời gian xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân nho nhỏ.
Việc xây dựng một thương hiệu cá nhân cho bản thân cũng giống như bạn đang có một bản CV “sống” vậy. Nếu như CV bình thường của bạn chỉ nên gói gọn trong hai trang, chắt lọc những gì tốt nhất để viết vào thì với một thương hiệu cá nhân, bạn có thể làm được nhiều hơn thế. Thay vì gửi cho nhà tuyển dụng một file PDF hoặc file Word thông thường như nhiều bạn vẫn làm, bạn có thể gửi kèm cho nhà tuyển dụng link Facebook hoặc link trang blog của bạn chẳng hạn. Trong đó bạn có thể viết một status hoặc viết một bài viết chia sẻ cảm nghĩ của bạn về một dự án trong công ty, phân tích tình hình hoạt động của công ty hoặc đưa ra giải pháp nào đó. Ví dụ nếu bạn ứng tuyển vào vị trí làm digital marketing cho một công ty, thay vì gửi bản CV trắng đen bình thường, bạn có thể viết một bài trên WordPress về 10 ý tưởng bạn có thể thực hiện để giúp quảng bá cho hình ảnh công ty tốt hơn nếu được nhận. Chưa cần biết những ý tưởng đó có tốt hay không, chỉ cần thấy bạn bỏ công bỏ sức nghĩ những thứ hay ho như vậy, lại biết dùng WordPress, đảm bảo bạn sẽ được ưu tiên gọi vào vòng phỏng vấn.
Ngoài ra, nếu bạn có thể xây dựng được một thương hiệu cá nhân bền vững và tập trung vào một chủ đề nhất định, cơ hội để bạn nhận được lời mời phỏng vấn từ các công ty là rất cao, chẳng cần phải lo đi viết CV và rải đơn nữa.
Lấy ví dụ tôi rất thích viết về chủ đề giáo dục và phát triển bản thân. Chủ yếu tôi viết trên blog cá nhân là anhtuanle.com, sau đó chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội như Facebook và LinkedIn. Nhờ chăm chỉ viết khoảng một năm mà tôi cũng được mọi người nhìn thấy giống như một “expert” – chuyên gia trong lĩnh vực tìm việc và phát triển con người, cũng như biết chút ít về lĩnh vực marketing, truyền thông (vì tôi học ngành này). Thế nên không có gì ngạc nhiên khi cứ trung bình một tháng một lần, tôi lại nhận được một lời mời làm việc (hoặc hợp tác) qua email hoặc message trên LinkedIn. Hợp tác thì có đủ các dạng, ví dụ như mời tôi tham gia viết bài cho website, giúp xây dựng website, làm head-hunter (người tìm ứng viên giỏi về cho các công ty có nhu cầu), làm nhân viên marketing, v.v.. Nói chung là cơ hội ngoài kia rất nhiều. Thị trường việc làm hiện nay có vô vàn công việc đang chờ tìm được ứng viên phù hợp, chứ không hề khan hiếm như báo chí hay nói. Các công ty cũng phải đỏ mắt đi lùng sục khắp nơi để tìm người giỏi, chứ không ngồi không và chờ ứng viên lao đến. Vậy nên để giúp cho các công ty, các nhà tuyển dụng tìm thấy bạn nhanh hơn (và nhiều hơn), cách hiệu quả và thiết thực nhất chính là xây dựng thương hiệu cá nhân.
Chia sẻ cho các bạn một sự thật thú vị là thường các công ty hoặc phòng nhân sự sẽ ưu tiên tìm người quen trong mạng lưới quan hệ hoặc tìm người được giới thiệu cho các vị trí mà họ đang cần nhiều hơn thay vì đăng tuyển online. Các tin tuyển dụng bạn thấy trên Facebook, Vietnamwork… chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lượng công việc thực có trên thị trường lao động. Và thường các tin đó, hoặc sẽ là các vị trí rất bình thường (lương khoảng 3 – 4 triệu, chủ yếu là hình thức cộng tác viên, part-time), hoặc sẽ là các công việc đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, như các vị trí quản lý hay tuyển trên Vietnamwork.
Vậy 80% các công việc tốt đang nằm ở đâu? Đó chính là nằm ở việc giới thiệu. Ví dụ bây giờ công ty tôi cần tuyển một bạn sinh viên viết tốt để làm nội dung cho website, thay vì đăng tin tuyển dụng rồi chờ ứng viên ứng tuyển, lọc hồ sơ, gọi phỏng vấn khá mất thời gian, tôi sẽ nói với các nhân viên và bạn bè quen biết trong mối quan hệ của mình đại ý như: “Em/anh/chị có biết bé nào viết lách ổn ổn không, công ty tôi đang cần tuyển một vị trí như vậy. Công việc chủ yếu là… Lương khoảng xx triệu/tháng. Nếu biết bé nào như vậy thì giới thiệu cho tôi nhé!”. Vậy là xong. Thường thì những người tôi nhờ sẽ xem trong mạng lưới quan hệ của họ có ai như vậy không rồi giới thiệu cho tôi. Bạn hoặc em đó sẽ gửi CV cho tôi và chắc chắn là được phỏng vấn luôn, vì qua giới thiệu. Vậy là đỡ hẳn một vòng cạnh tranh CV.
Tương tự mỗi ngày tôi cũng nhận được rất nhiều lời nhờ giới thiệu “Bạn nào viết tốt tốt chút” hay “Bạn nào có kinh nghiệm làm sale”… cho các công ty. Và tôi cũng rất sẵn lòng nhìn xem trong các mối thân quen của mình có ai giỏi và đang có nhu cầu tìm việc không để giới thiệu. Vấn đề ở đây là, bạn phải định hình bản thân như thế nào để khi người khác nghĩ đến bạn, họ sẽ nghĩ ngay ra bạn giỏi một cái gì đó. Ví dụ khi nhắc đến tôi, Tuấn Anh, có người có thể nghĩ đến tìm việc, có người nghĩ đến viết CV, có người nghĩ đến marketing. Thế là đủ. Với những người đó khi cần hỗ trợ ở những chủ đề như vậy, họ sẽ tìm đến tôi. Bạn cũng nên như thế. Ví dụ bạn muốn tìm việc kế toán, hãy cho mọi người thấy là bạn rất đam mê trong lĩnh vực đó. Bạn viết các bài blog về lĩnh vực kế toán, bạn chia sẻ các thông tin về lĩnh vực kế toán lên Facebook mỗi ngày. Đảm bảo sau một tháng mọi người sẽ nhìn bạn khác ngay, cứ nhắc đến bạn là nhắc đến kế toán. Và nếu có công ty nào tuyển kế toán, người họ nhớ tới đầu tiên sẽ là bạn.
Với mỗi người, việc xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ mang đến một lợi ích khác nhau. Không quan trọng bạn chọn phương pháp nào, làm Vlog giống JVevermind, làm Podcast giống Quick & Snow Show hay viết blog giống tôi, quan trọng nhất bạn phải là chính bạn. Nói như mấy chị bán hàng online, bạn phải là “đồ authentic”(hàng thật) chứ đừng là “đồ fake” (hàng giả). Việc bạn là chính mình, không bắt chước bất kỳ ai, sẽ giúp bạn khác biệt với người khác, điều tối quan trọng khi xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp do người trẻ mở ra, đều phát triển dựa trên nền tảng của một thương hiệu cá nhân có sẵn. Ví dụ như bánh mỳ Minh Nhật của Minh Nhật Masterchef, anh Phạm Đình Nguyên của cà phê PhinDeli… Rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới cũng tận dụng thương hiệu cá nhân của họ và kiếm được rất nhiều tiền từ đó. Ví dụ như Oprah Winfrey, tân tổng thống Mỹ Donald Trumps hay Tony Robbins, họ đều là những người giỏi, có một thương hiệu cá nhân tốt, có hàng triệu người hâm mộ và rất giàu.
Tuy nhiên, không có nghĩa là cứ phải ông nọ bà kia, làm trong giới kinh doanh hay nghệ thuật mới nên có thương hiệu cá nhân. Thực tế, ai cũng có thể làm thương hiệu cá nhân được. Ví dụ ở Việt Nam, cực kỳ nổi tiếng ai cũng biết có thể nói đến Mỹ Tâm, Sơn Tùng MTP, Trấn Thành, v.v. – chủ yếu là những người trong giới nghệ thuật. Cấp thấp hơn một chút về thương hiệu cá nhân (tôi tạm đo lường bằng lượng follower) là Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, Chi Pu, v.v.. Những người kể trên đều có lượng follower rất lớn trên mạng xã hội, cụ thể hơn là trên Facebook. Người nhiều thì có vài triệu người quan tâm, người ít hơn thì có vài trăm ngàn người theo dõi.
Theo Gary Vaynerchuk trong cuốn Crush It, số lượng người theo dõi không quan trọng bằng chất lượng tương tác trong cộng đồng những người quan tâm tới bạn. Tuy nhiên, giữa thời buổi cơm áo gạo tiền như hiện nay, có lẽ chúng ta sẽ cần để tâm tới cả hai tiêu chí này, đặc biệt khi bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân. Một người có nhiều follower đồng nghĩa với việc các quảng cáo của họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Ví dụ như công ty bạn cần thuê một cô A có 100 nghìn follower viết một bài PR có thể chỉ phải trả 3 triệu một bài, nhưng nếu thuê anh B có 1 triệu follower thì con số đó khả năng cao sẽ phải tăng lên đến 30 triệu.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ hướng dẫn các bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, bắt đầu từ số 0, từ xuất phát điểm không có gì cho đến khi có được một lượng follower nho nhỏ, một lượng người quan tâm nhất định. Sau đó, các bước tiếp theo ta sẽ tìm hiểu sau.
THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN CỦA TÔI – ANH TUAN LE
Nếu bạn đã theo dõi Facebook cá nhân (Anh Tuan Le) hoặc blog của tôi (anhtuanle.com) thì sẽ rất dễ nhận ra thương hiệu cá nhân mà tôi đang xây dựng. Tôi là một blogger viết về chuyện tìm việc và làm việc, bằng một giọng văn đời thường. Đây là hình ảnh mà tôi đã tự chọn và xây dựng cho bản thân từ khi mới bắt đầu từ hơn một năm trước.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các trang tìm việc như Vietnamwork, CareerLink, CareerBuilder… và vô vàn các group Facebook hoặc fanpage liên quan đến tuyển dụng việc làm. Các kênh này có rất nhiều bài viết hướng dẫn về việc viết CV, đi phỏng vấn, làm thế nào để hài hòa với đồng nghiệp, cách thương thảo lương, v.v.. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các trang này có rất nhiều bài viết, nhưng lượng người đọc rất ít, hoặc thường đọc xong rồi thôi, không đọng lại được gì. Trong khi đó, có rất nhiều bạn vô tình biết đến blog của tôi trên Google, đọc xong thấy thích và quyết định thường xuyên theo dõi các bài viết tiếp theo.
Với các trang như tôi kể trên, thường mục đích của các bài viết là để làm SEO1, tức là làm thế nào cho trang web của họ lên được top Google. Vì vậy nội dung thường không thân thiện với người đọc, xào nấu lại từ các bài khác nhau hoặc dịch từ các nguồn bài viết của nước ngoài. Báo ở nước nào thường sẽ viết cho người ở nước đó, chỉ phù hợp nếu đặt vào hoàn cảnh ở nơi đó. Nếu cứ máy móc bê nguyên xi những kiến thức ấy về Việt Nam thì thực sự không phù hợp chút nào. Ngoài ra có thể là trang của doanh nghiệp lớn nên quy định về cách viết bài, cách dùng từ cũng khá khắt khe và đòi hỏi sự chuyên nghiệp, nên đôi khi bị cứng nhắc, bạn đọc đọc xong cứ thấy nhàn nhạt mà không đọng lại được gì.
1 Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO – Search Engine Optimization) là một quá trình tối ưu nội dung văn bản và cấu trúc website để các công cụ tìm kiếm chọn lựa trang web phù hợp nhất phục vụ người tìm kiếm trên Internet. Có thể hiểu đơn giản SEO là một tập hợp các phương pháp nhằm đưa website lên vị trí TOP 10 (trang đầu) trong các trang kết quả của các Search Engine.
Đó là lý do tôi chọn một hướng đi hoàn toàn riêng biệt cho bản thân khi phát triển thương hiệu cá nhân trong lĩnh vực tìm việc và phát triển cá nhân. Vẫn là những câu chuyện về viết CV, đi phỏng vấn, nhưng tôi chọn cách viết theo lối kể chuyện. Tôi không tự nhận mình là chuyên gia. Trong bất kỳ bài viết nào tôi cũng nói mình chỉ là một người đi trước, may mắn được trải nghiệm và học hỏi từ các nguồn khác nhau, nên nội dung bài viết của tôi là tổng hợp từ kinh nghiệm cá nhân cũng như những gì mà tôi học được. Ngoài ra vì viết theo phương diện cá nhân, nên tôi thoải mái dùng lối văn nói (giống giọng văn bạn đọc được từ đầu cuốn sách đến giờ), nên có lẽ như vậy cũng là cái hay, có thể lôi cuốn bạn đọc hơn, khiến bạn đọc có cảm giác dễ gần hơn. Một số người chắc sẽ phản đối hoặc không thích kiểu viết của tôi. Một số người khó tính sẽ cho rằng đã viết thì phải nghiêm túc, đã là “nhà văn” có nhiều người đọc thì phải viết sao cho hoa mỹ, cho hay để bạn đọc còn học thêm. Tuy nhiên, tôi biết đâu là thế mạnh của mình, đâu là cách viết phù hợp với mình và tôi tin có một bộ phận người đọc thích lối viết như vậy.
Tôi từng luôn luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng càng làm nhiều công việc càng tiếp xúc với nhiều người, tôi mới biết được “cách nhanh nhất để thất bại là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người”. Nếu chia thế giới làm ba phần, sẽ có ⅓ người biết và thích mình, ⅓ người rất ghét mình và ⅓ người chẳng biết mình là ai. Một ngày, tôi và bạn cũng chỉ có 24 giờ như nhau, tại sao phải cố gắng làm hài lòng những người không thích mình? Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể dành thời gian để mang thêm nhiều điều bổ ích hơn tới những người đã và đang ủng hộ mình.
Sau này khi bắt đầu tiếp xúc và làm việc với người lớn và các doanh nghiệp, tôi cũng có cố gắng thay đổi hình ảnh một chút cho phù hợp. Tôi bớt nhắng nhít đi, cách ăn mặc và cách nói chuyện tỏ ra “professional” (chuyên nghiệp) hơn để phục vụ mục đích công việc. Tuy nhiên dù có nói chuyện với đối tượng nào, về chủ đề gì, tôi vẫn giữ hai nguyên tắc trong nội dung bài nói (cũng như tất cả các bài viết của tôi), đó là: 1) nội dung có thể làm được (tức là nghe xong áp dụng được chứ không nghe suông) và 2) nội dung là câu chuyện thực tế của chính bản thân. Tôi không phải chuyên gia, nên mọi câu chuyện tôi chia sẻ nên xuất phát từ chính trải nghiệm của mình, có thật lòng thì bạn đọc mới muốn đọc, muốn xem và muốn nghe.
CHẤT LƯỢNG ĐI ĐẦU
Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nên bạn hãy cứ lo phần nội dung của bạn thật tốt, fan hâm mộ sẽ tự khắc tìm đến ngay. Đừng mới bắt đầu viết mà đã lo nghĩ xem làm cách nào để có nhiều người đọc, nhiều người theo dõi.
“HÀNG” THẬT THÌ MỚI NHIỀU NGƯỜI THÍCH
Bây giờ người tiêu dùng thông minh hơn rất nhiều. Trước khi mua một món đồ gì đó, người ta cân đo đong đếm, suy nghĩ kĩ hơn chứ không tin hoàn toàn vào quảng cáo như trước đây. Ví dụ trước khi mua một quyển sách trên Tiki, tôi phải đọc review hoặc chụp ảnh đưa lên Facebook hỏi xem bạn bè có ai đọc chưa và phản hồi ra sao. Tương tự giống như khi mua một bộ quần áo qua Facebook hay mua đồ điện tử qua Lazada, mọi người thường sẽ lướt xem phần comment và review trước, coi đó là một nguồn tham khảo trước khi quyết định có mua hay không. Vì sao lại thế? Vì chúng ta tin những review đó là người thật, việc thật, trải nghiệm thật nên đáng tin hơn là những thông tin quảng cáo của nhà sản xuất. Đó cũng là lý do vì sao các đơn vị bán hàng gần đây cũng bắt đầu tự dùng các tài khoản ảo và tự viết review cho sản phẩm của mình, nhằm tăng độ tin cậy với khách hàng.
Người tiêu dùng bây giờ tin vào những giá trị thật. Nếu bạn bán một sản phẩm giả mạo hoặc có hành vi lừa đảo, chỉ vài phút sau bạn sẽ có cơ hội nổi như cồn trên mạng xã hội. Vậy nên, dù bạn đang muốn xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân như thế nào, hãy bắt đầu bằng sự thật trước.
Mỗi ngày tôi đều viết và chia sẻ một thứ gì đó. Có hôm tôi viết một bài blog thật dài chia sẻ về việc viết CV như thế nào, đi phỏng vấn thì cần chuẩn bị những gì. Có hôm khác tôi sẽ viết một status về những cuốn sách hay nên đọc, các tips làm sao để mỗi ngày làm việc hiệu quả hơn. Vậy có phải lời khuyên nào tôi đưa ra, tips nào tôi chia sẻ cũng có thể đúng và áp dụng cho tất cả mọi người không? Đương nhiên là không. Thi thoảng tôi còn bị bạn đọc email, nhắn tin xỉ vả bảo là tí tuổi mà đã lên mặt dạy đời. Tôi có quan tâm không? Không.
Tất cả những gì tôi đang làm trên trang blog anhtuanle.com của mình cũng như trên Facebook cá nhân là tôi ra các ý kiến phân tích, các trải nghiệm của bản thân. Lúc nào trong bài viết hoặc trong các status tôi cũng ghi rõ là đây là ý kiến cá nhân, trải nghiệm cá nhân, không đúng hoàn toàn với tất cả mọi người, nên cần cân nhắc trước khi áp dụng theo. Tất cả những gì tôi viết, tôi nói đều là thật, là những trải nghiệm của bản thân tôi, không có gì giả tạo. Nếu bạn đang muốn xây dựng một thương hiệu cá nhân cho mình, dù là qua video, blog hay podcast, bạn cũng nên làm như vậy. Nếu bạn nói dối về những thứ thực sự mình không có hoặc không giỏi, tôi cam đoan là bạn sẽ bị phát hiện sớm thôi.
Ví dụ các bạn nữ bán mỹ phẩm trên Facebook bây giờ luôn cố gắng quảng cáo những cái hay cái tốt của loại mỹ phẩm đó. Chụp một bức ảnh thật lung linh trước và sau khi sử dụng sản phẩm hoặc nói về các tính năng hay ho của sản phẩm đó. Nói chung là cái gì hay ho thì khoe ra, cái gì xấu xa thì đậy lại. Vậy nếu bây giờ bạn thử một cách khác thì sao? Bạn tự quay một series vlog chia sẻ với người xem những cảm nghĩ thực sự của bạn về sản phẩm mà bạn đang bán. Ví dụ như, “Mình đang có một thỏi son rất xấu và hiện nay nó đang ế chưa bán được cho ai cả, nếu phải chọn giữa thỏi son này và một thỏi Dolce & Gabbana Monica Voluptuous hoặc một thỏi Rouge Louboutin Velvet Matte thì chắc chắn là phải chọn D&G hoặc Louboutin rồi. Thỏi này tuy kết cấu hơi xấu, nhưng bù lại thì chất lượng lại rất ổn, vừa lì lại vừa lâu trôi. Mình nhập vào định bán với giá 900K tuy nhiên do nó đang ế vì xấu quá nên mình quyết định bán rẻ còn 700K thôi, đi kèm một số quà tặng khác nữa. Vậy nên bạn nào hứng thú thì inbox mình luôn nhé.”
Ở trên tôi chỉ lấy một ví dụ rất nhỏ về việc xây dựng thương hiệu cá nhân dựa trên những điều chân thật. Viết thì dễ chứ chắc làm thật sẽ khó hơn nhiều. Tuy nhiên tôi nghĩ đó cũng là một ý tưởng hay mà các bạn đang bán mỹ phẩm hoặc thời trang online có thể thử. Nói về “mặt trái” của sản phẩm thay vì lúc nào cũng nói về cái hay cái đẹp có thể là một chiến lược giúp bạn khác biệt với các cửa hàng khác. Có thể thời gian đầu sẽ hơi khó khăn, không có khách vì cách quảng cáo của bạn hơi lạ lùng.
Nhưng thử tưởng tượng bạn cứ chăm chỉ quảng cáo, làm một series các bài review như vậy trong khoảng vài tháng, chắc chắn bạn sẽ bắt đầu có chút tiếng tăm, được mọi người biết đến là người review có tâm và chân thực nhất. Dần dần bạn có thể bán được các sản phẩm của mình vì người mua sẽ tin rằng sản phẩm của bạn luôn là sản phẩm tốt, đúng chất lượng như bạn nói. Quan trọng nhất là tôi nghĩ bạn sẽ vui khi vừa được nói thật, lại vừa bán được hàng. Chẳng cần câu từ hoa mỹ để quảng cáo. Và quan trọng hơn nữa, bạn sẽ có một thương hiệu cá nhân vững chắc cho mình, rồi biết đâu thương hiệu đấy lại mang tới cho bạn nhiều cơ hội khác như viết sách, xuất hiện trên ti vi hoặc hợp tác với các hãng thời trang…
Thế nên bạn nào đọc đến đây mà thấy hay thì hãy bắt tay làm luôn đi nhé. Đừng chần chừ.
CÁC BLOGGER MỸ PHẨM
Có một số blogger khá thành công trong việc review các sản phẩm mỹ phẩm, tôi liệt kê ở đây để các chị em (cả các anh em) tìm và tham khảo cách các bạn ấy làm thương hiệu cá nhân:
- Love at first shine – http://www.loveat1stshine.com/
- Mailovesbeauty – http://www.mailovesbeauty.vn/
- Khanh Ngoc Nguyen (Nàng Thơ) – fb.com/nang.tho.9
- Changmakeup – changmakeup.com/blog
- The Skincare Junkie – theskincarejunkie.wordpress.com
MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ MỘT KHẨU VỊ KHÁC NHAU
Khi xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân, đừng nghĩ xem bạn phải bắt chước hay làm thế nào cho giống tôi hay những người đi trước. Bạn nên cho bản thân một “khẩu vị” mà bạn thấy thích nhất. Vì “khẩu vị” của tôi cũng hơi khác người và biết đâu bạn không thích. Ví dụ đa số mọi người khi viết thường chọn câu từ rất cẩn thận, văn phong phải đi vào lòng người đọc. Tôi thì khác. Tôi thích kiểu nghĩ gì viết nấy, không câu nệ câu chữ. Tuy nhiên đó là lựa chọn của tôi. Tôi muốn các bạn đọc những gì mình viết một cách dễ hiểu nhất. Thương hiệu cá nhân của bạn cũng vậy. Nó nên đặc biệt và duy nhất, vì bạn cũng đặc biệt và duy nhất mà, có giống ai đâu! Bạn chẳng cần bắt chước để giống tôi, hay giống bất kỳ một anh chị nổi tiếng nào bạn hâm mộ. Khi bắt chước một ai đó, bạn có thể sẽ nổi tiếng nhanh, nhưng dần thương hiệu cá nhân của bạn sẽ trở nên nhạt nhoà và sớm bị lãng quên mà thôi.
Để trở thành blogger có hơn một triệu lượt view và có vài chục ngàn follower trên Facebook như bây giờ, tôi cũng phải mất thời gian để có một chiến lược phù hợp cho bản thân. Ví dụ, tôi không làm vlog mà chọn viết lách vì tôi thấy mình lên hình không ăn ảnh, cũng không được tự tin trước máy quay, nhưng lại rất tự tin khi viết. Tương tự, tôi chọn lập một trang blog riêng chứ không tập trung viết mọi thứ trên Facebook. Vì sau khi nghiên cứu, tôi thấy Facebook rất phù hợp để xây dựng cộng đồng cũng như chia sẻ cho nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn mọi thứ được lưu trữ lại thì nên có một website riêng. Ngoài ra, lập website cũng sẽ có nhiều cơ hội thu hút quảng cáo về sau và kiếm tiền từ đó. Tôi có một trang fanpage tên là Career Blog – Anh Tuan Le hiện tại có khoảng hơn 35 nghìn lượt người thích. Mỗi ngày tôi đều có gắng viết từ một đến ba status chia sẻ trên fanpage này. Mọi status ở đây đều do tôi tự viết, mọi comment do tôi tự trả lời, mọi inbox cũng vậy. Tuy có hơi bận bịu và tốn thêm thời gian nhưng tôi thích làm như vậy để cảm thấy gần gũi hơn với bạn đọc, có cảm giác kết nối hơn với những người quan tâm hoặc cần mình giúp đỡ.
Có thể những người nổi tiếng hơn tôi rất nhiều sẽ chọn cách khác. Ví dụ như trên Instagram hoặc Twitter của các ca sĩ diễn viên nổi tiếng hoặc các thầy cô giáo giỏi ở các trung tâm tiếng Anh, trong 10 status đăng trên Facebook cá nhân thì thường chỉ có một – hai status là do chính họ đăng, còn lại đằng sau là có một đội ngũ marketing quyết định xem hôm nay đăng gì, viết như thế nào, làm thế nào để câu like. Tôi không phán xét vấn đề đó là đúng hay sai, vì mỗi người có một cách lựa chọn riêng. Cách của tôi tương tác tốt hơn với người đọc, nhưng nhược điểm là mất thời gian. Khi có đội ngũ riêng, bạn có cơ hội xây dựng thương hiệu cá nhân tới nhiều người hơn, cả trăm nghìn follower chứ không phải là chỉ vài chục nghìn nữa. Tuy nhiên, chi phí khá tốn kém, bạn cũng khó nắm bắt được sát sao tâm tư nguyện vọng của người đọc.
Trong khuôn khổ cuốn sách này, tôi sẽ tập trung chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình, đi từ con số 0 đến một blogger nhỏ, có một lượng follower nhất định, chưa cần dựa vào bất kỳ đội ngũ marketing hùng hậu nào.
BÀI TẬP SỐ 3: SỞ THÍCH CỦA BẠN LÀ GÌ?
Một số bạn không biết mình có sở thích gì đặc biệt, vậy tôi sẽ hướng dẫn ở đây một số phương pháp để tìm ra sở thích.
1. Hồi bé bạn thích làm gì?
Ngày bé, bạn từng thích viết, thích làm nghiên cứu khoa học hay thích chăm sóc cho người khác? Thử dành ra 5 – 10 phút, chọn một nơi thật yên tĩnh, nghĩ và viết một số điều mình thích làm hồi bé ra giấy xem sao nhé!
2. Nếu không phải lo về tài chính, bạn sẽ làm gì?
Nếu có rất nhiều tiền, bạn sẽ làm gì? Đi du lịch? Dành thời gian với người yêu? Lập một tổ chức từ thiện? Đầu tư chứng khoán hay làm gì khác? Dĩ nhiên, tiền rất quan trọng, nhưng đừng để vấn đề tài chính làm hẹp đi các lựa chọn của bạn. Hãy thử hình dung và viết ra những gì bạn sẽ làm, rất có thể bạn sẽ nhận ra sở thích đặc biệt của mình.
3. Bạn bè đánh giá như thế nào về bạn?
Như đã hướng dẫn trong Bài tập số 1: Bạn là ai?, bạn có thể quay lại và thử làm theo các bước ở phần 2 nhỏ. Hoặc đơn giản hơn, hãy inbox cho bạn bè và hỏi trực tiếp “Theo mày thì tao hợp làm công việc gì?”, câu trả lời có thể sẽ khiến bạn vô cùng ngạc nhiên.
4. Đọc nội dung các khóa học ở trường đại học.
Bạn có thể vào website của một trường đại học bất kỳ và tìm đọc về các khóa học đang được giảng dạy. Khóa nào bạn thích? Khóa nào bạn nghĩ mình sẽ học giỏi? Khóa học nào bạn thấy chán ngắt?
Ví dụ bạn có thể bắt đầu từ trang này: https://www.undergraduate.study.cam.ac.uk/courses
5. Tìm hiểu về “idol” của mình.
Nếu bạn có hâm mộ ai đó và thường xuyên theo dõi họ trên Facebook, hãy thử Google tên người đó, tìm mọi thông tin về cuộc sống, đời tư của họ. Từ bé họ học gì, lớn lên họ làm gì, và mình có thích những điều đó không?
6. Nghĩ về thứ bạn vừa thích và vừa giỏi.
Sau khi hoàn thành các bài tập trên, hãy nghĩ về những gì bạn đã được học (trên mạng hoặc ở trường). Viết ra những thứ mà bạn thấy mình có khả năng làm được – ví dụ như thiết kế, nấu ăn, gấp giấy origami… Sau đó, thu hẹp danh sách này còn khoảng 3 – 4 thứ, và mình sẽ dùng ở các chương sau.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Tạo Dựng Thương Hiệu Cá Nhân với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.