Suối Nguồn viết về một cuộc sống tôn vinh con người và định hướng về một thế-giới-như-nó-phải-là theo lý tưởng của Ayn Rand.
Tác phẩm dành cho những linh hồn chính trực, những trái tim nhiệt huyết, quyết liệt, miệt mài theo đuổi đam mê và cháy bỏng đến tận cùng, dù sự tận cùng đó phải vật vã từ trong đau đớn tuyệt vọng, điểm đích từ đống tro tàn vẫn là phượng hoàng tái sinh.
Giới thiệu tác giả Ayn Rand
Ayn Rand (1905 – 1982) tên khai sinh Alisa Zinov’yevna Rosenbaum, là tiểu thuyết gia, đồng thời là nhà triết học người Mỹ gốc Nga. Với niềm đam mê mãnh liệt cho nghệ thuật tự do, bà bắt đầu viết kịch vào năm 8 tuổi và tiểu thuyết năm 10 tuổi. Lựa chọn này dẫn dắt bà chọn Hoa Kỳ làm điểm dừng chân, trở thành nhà văn với hàng triệu bản được bán.
Dưới vai trò là triết gia, Ayn Rand nổi tiếng vì đã phát triển học thuyết Chủ nghĩa khách quan.
Với vai trò là nhà văn, bà cho ra đời nhiều tác phẩm mang giá trị lớn, có hư cấu và phi hư cấu, có tiểu thuyết và tiểu luận: We the Living (Chúng ta những kẻ sống), The Fountainhead (Suối nguồn), Atlas Shrugged (Atlas vươn mình), For the new Intellectual (Vì giới tri thức mới) và tiểu thuyết ngắn Anthem (Bài ca tư tưởng)…
Ayn Rand là người có ảnh hưởng rộng lớn tại Mỹ thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai.
Nội dung tác phẩm Suối Nguồn
Bản thảo cuốn sách từng bị 12 nhà xuất bản từ chối vì nhận định sẽ không bán được vì không tồn tại độc giả cho nó, vì quá triết lý, vì quá nhạy cảm, và cuối cùng – “Suối nguồn” đã được chào đón nồng nhiệt – hơn 6,5 triệu bản sau 76 năm kể từ khi xuất bản lần đầu (năm 1943) được bán trên khắp thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng, và vẫn liên tục được tái bản hằng năm. Ayn Rand trở thành tác giả có ảnh hưởng lớn nhất đến độc giả Mỹ trong thế kỷ XX.
Suối Nguồn gồm 60 chương nằm trong 4 phần lấy tên của 4 nhân vật: Peter Keating, Ellsworth M. Toohey, Gail Wynand, Howard Roark.
Ayn Rand viết theo một kết cấu ma quái, có chủ đích. Có khi mỗi chương là một thể song song, mỗi đường thẳng dành cho một nhân vật. Có khi mỗi phần lại mang cấu trúc lội ngược dòng từ hiện tại về quá khứ. Tưởng lộn xộn, mà xuôi dòng. Để khi lật đến trang 1199, người đọc vẫn có thể dễ dàng hình dung lại trong trí nhớ tất cả những gì đã đọc qua.
Thiết kế hình mẫu lý tưởng của Ayn Rand là một kiến trúc sư thiên tài – Howard Roark – nhân vật chính. Xuyên suốt tác phẩm, Howard là người tự chủ, chính trực, không khoan nhượng. Anh thiết kế các tòa nhà một cách trung thực và sáng tạo theo nguyên tắc phải phù hợp với vị trí, vật liệu và mục đích.
Anh là một người theo chủ nghĩa hiện đại, không có hứng thú bắt chước, vay mượn hay chắp vá từ truyền thống, cũng không chấp nhận sự phê duyệt bởi những người khác, bao gồm cả các nhà lãnh đạo hay chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc.
Các nhà phê bình và đối thủ cạnh tranh của Howard bị đe dọa và xúc phạm bởi thái độ cũng như tài năng của anh. Họ là Peter Keating – một kiến trúc sư thành công bằng cái miệng và sự vay mượn, gian lận, chơi bẩn. Họ là Ellsworth Toohey – một chủ bút của tờ Ngọn cờ, tự nhận mình là chuyên gia về kiến trúc, ông ta thâu tóm dư luận, một con người theo đuổi quyền lực thống trị tinh thần… Ngồn ngộn người trong đám dư luận ấy chống lại Howard, dưới sự dẫn dắt của Ellsworth.
Gail Wynand là cuộc đời thành công từ nghèo khó. Ông là chủ tờ Ngọn cờ – một tờ báo đáng khinh phát triển dựa trên những tin giật gân.
Gail đã phải trả giá bằng danh dự của mình để có được một vị trí mà ở đó ông có thể tiêu khiển bằng cách xem những người khác thể hiện danh dự của họ như thế nào. Cuộc gặp gỡ với Howard và các công trình của anh đã đánh thức linh hồn chính trực trong Gail, nhưng quá trễ để cứu rỗi ông.
Nhân vật thú vị nhất, có lẽ là Dominique Francon, một cô nàng được xây dựng hết sức diệu kỳ – dù qua bao nhiêu sự phi lý mà cô đã làm thì cũng chỉ là phông nền làm bật lên tình yêu cô dành cho Howard.
“Suối nguồn” có một kết thúc đẹp, đúng với mục đích ngay từ đầu của Ayn Rand là xây dựng một hệ thống xã hội ở đó Howard Roark – con người lý tưởng của bà có thể tồn tại và hoạt động. Một hệ thống tự do, hiệu quả, hợp lý. Điểm hấp dẫn của “Suối nguồn” chính là quá trình đấu tranh, kiên trì và không khoan nhượng của Howard, để kết quả cuối cùng là hệ thống xã hội đó tưởng thưởng anh và tưởng thưởng cho những năng lực tốt đẹp nhất trong mỗi con người.
Review tác phẩm Suối Nguồn
Cuốn sách gồm 4 phần riêng biệt tương ứng với tên nhân vật cũng như 4 đại biểu cho 4 nhóm người trong cái xã hội mà tác giả nhắc tới.
Thứ nhất là Peter Keating- Người điển hình sống thứ sinh- Người phủ nhận cái mình thực sự thích để đi theo cái gọi là tiêu chuẩn của cái xã hội, của cái thế giới như-nó-đang-là thay vì cái thế giới như-nó-phải-là; đời sống được định nghĩa bởi người khác, hành động được hướng dẫn bởi ý chí của người khác.
Thứ hai là Ellsworth Toohey- Một nhà tư tưởng đại diện cho cái gọi là “vị nhân sinh” như ông tự tuyên bố mình là vậy- Hiểu cái thế giới hiện tại, hiểu những gì đang diễn ra và dùng cái hiểu đó để thao túng những con người đang sống thứ sinh trong chính cái hiện tại và cụ thể là thành phố New York lúc ấy.
Thứ ba là Gail Wynand – một con người phấn đấu cả đời người để vươn lên làm chủ của thành phố, bán linh hồn mình cho công chúng, cho những người ông cực kì căm ghét những người thứ sinh trong xã hội, cho những lối đạo đức giả.
Thứ tư cũng là phần cuối của truyện là về Howard Roak (thực ra thì anh này đi xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện, có thể nói là nhân vật chính). Đại diện cho một cá thể độc lập, có thể nói là vị kỷ, một cá thể đứng tách biệt ra khỏi đám đông, anh hiểu rõ xã hội và những con người ngoài kia hơn ai hết, và anh biết rằng, dù có kết thúc như Cameron thì đó vẫn là điều đáng làm và là điều-cần-và-phải-được-làm. (Thanh Hà)