ĐÊM THỨ NHẤT: Hãy phủ nhận sang chấn tâm lý
Vào đến thư phòng, Chàng thanh niên cúi người khom lưng ngồi xuống một chiếc ghế. Tại sao anh lại phản đối gay gắt quan điểm của Triết gia đến như vậy? Lý do thật rõ ràng. Từ nhỏ anh đã không tự tin, cảm thấy rất tự ti về xuất thân, thành tích học tập cũng như vẻ ngoài của mình. Có lẽ vì vậy nên anh bận tâm quá mức đến cái nhìn của người khác. Vả lại, anh không thể thực lòng mừng cho hạnh phúc của người khác, đồng thời luôn ở trong tình trạng căm ghét bản thân. Đối với anh, quan điểm của Triết gia quả là không tưởng.
Chàng thanh niên: Lúc nãy thầy đã nói “một quan niệm khác”. Nhưng tôi nghe nói chuyên môn của thầy là triết học Hy Lạp cơ mà?
Triết gia: Đúng vậy, từ hồi mười mấy tuổi tôi đã làm bạn với triết học Hy Lạp. Với những người khổng lồ tri thức từ Sokrates đến Platon, Aristoteles. Hiện tại tôi đang dịch tác phẩm của Platon và có lẽ đến cuối đời tôi cũng không ngừng tìm hiểu về Hy Lạp cổ đại.
Chàng thanh niên: Thế “một quan niệm khác” là gì vậy?
Triết gia: Đó là một trường phái tâm lý học hoàn toàn mới do Alfred Adler, bác sĩ tâm thần học người Áo sáng lập vào đầu thế kỷ 20. Hiện nay, chúng ta thường gọi là “Tâm lý học Adler”.
Chàng thanh niên: Chà, thật bất ngờ. Chuyên gia về triết học Hy Lạp lại nghiên cứu cả tâm lý học sao?
Triết gia: Tôi không rõ các trường phái tâm lý học khác thì như thế nào. Nhưng có thể nói tâm lý học Adler rõ ràng là một tư tưởng, một quan điểm học thuật gần gũi với triết học Hy Lạp.
Chàng thanh niên: Nếu là tâm lý học của Freud hay Jung thì tôi cũng hiểu được ít nhiều. Đó đúng là một lĩnh vực nghiên cứu thú vị.
Triết gia: Đúng vậy, Freud và Jung cũng nổi tiếng ở nước ta. Adler vốn là thành viên tích cực trong Hiệp hội phân tâm học Vienna do Freud đứng đầu. Nhưng ông đã tách ra do xung đột về quan điểm và khởi xướng “Tâm lý học cá nhân” dựa trên lý thuyết của riêng mình.
Chàng thanh niên: Tâm lý học cá nhân? Lại là một từ ngữ nghe thật lạ. Tóm lại, nhân vật Adler đó là đệ tử của Freud phải không?
Triết gia: Không, không phải đệ tử. Mọi người thường hay hiểu nhầm như vậy nhưng cần phải phủ nhận điều này. Adler và Freud tuổi tác khá gần nhau và mối quan hệ giữa họ là giữa hai nhà nghiên cứu bình đẳng. Về điểm này, ông khác hẳn với Jung, người kính trọng Freud như cha đẻ. Ở Nhật Bản, khi nói tới tâm lý học, mọi người chỉ nghĩ đến Freud và Jung, nhưng trên thế giới, tên của Adler cũng được đề cập đến như là một trong ba người khổng lồ của tâm lý học, ngang hàng với Freud và Jung.
Chàng thanh niên: Thì ra là vậy. Hiểu biết của tôi chưa đến nơi đến chốn rồi.
Triết gia: Cậu không biết Adler cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả. Chính Adler đã nói thế này: “Có lẽ sẽ đến lúc chẳng còn ai nhớ tới tến tôi. Có lẽ mọi người thậm chí sẽ lãng quên cả sự tồn tại của trường phái Adler.” Nhưng, ông cũng nói, như thế cũng chẳng sao. Bởi vì nếu sự tồn tại của trường phái Adler bị lãng quên, có nghĩa là tư tưởng của ông đã thoát ly khỏi lĩnh vực học thuật và trở thành một thứ nhận thức phổ biến (common sense) của mọi người.
Chàng thanh niên: Tức là, nó là không đơn thuần chỉ còn là một lĩnh vực học thuật vị học thuật?
Triết gia: Đúng vậy. Dale Carnegie, tác giả nổi tiếng với các tác phẩm bán chạy tầm cỡ thế giới như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống cũng đánh giá Adler là: “Một nhà tâm lý học vĩ đại đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về con người và năng lực tiềm tàng của con người”, và tác phẩm của ông phản ảnh rõ nét nhiều tư tưỏng của Adler. Tương tự, ngay cả cuốn Bảy thói quen của người thành đạt của Stephen Covey cũng có những nội dung rất gần với tư tưởng của Adler. Nghĩa là, tâm lý học Adler được đón nhận như chân lý, như đỉnh cao của lĩnh vực khám phá con người, chứ không phải một bộ môn học thuật khô khan. Tuy nhiên, thời đại này vẫn chưa theo kịp tư tưởng được cho là đi trước cả trăm năm của Adler. Quan điểm của ông tiên phong đến mức như vậy đó.
Chàng thanh niên: Như vậy tức là quan niệm của thầy không chỉ dựa trên nền tảng triết học Hy Lạp mà còn cả quan điểm của tâm lý học Adler?
Triết gia: Đúng là như vậy.
Chàng thanh niên: Tôi hiểu rồi. Tôi xin hỏi một điều nữa, về vị thế căn bản của thầy. Thầy là Triết gia hay là nhà tâm lý học?
Triết gia: Tôi là một nhà triết học. Là một người sống trong triết học. Và đối với tôi, tâm lý học Adler là một tư tưởng ngang hàng với triết học Hy Lạp, đó là một quan điểm triết học.
Chàng thanh niên: Được rồi. Vậy tôi xin bắt đầu tranh luận.
Chàng thanh niên: Trước hết, chúng ta hãy cùng xác định các vấn đề cần tranh luận. Thầy nói rằng: “Con người có thể thay đổi.” Không chỉ thế, ai cũng có thể hạnh phúc.
Triết gia: Đúng vậy, không có ngoại lệ.
Chàng thanh niên: Chúng ta sẽ tranh luận về hạnh phúc sau, trước hết, tôi xin hỏi về “thay đổi”. Con người ai cũng mong muốn thay đổi. Tôi cũng vậy, và có lẽ nếu ra hỏi những người qua đường ngoài kia, họ cũng có cùng câu trả lời. Tuy nhiên, tại sao mọi người lại đều muốn thay đổi.
Câu trả lời chỉ có một, là vì người ta không thể thay đổi. Nếu có thể dễ dàng thay đổi, sẽ chẳng ai mất công “mong được thay đổi” cả.
Con người dẫu có muốn cũng không thể thay đổi được. Chính vì thế, mới có không biết bao nhiêu người bị lừa bịp bởi các tôn giáo mới, các buổi hội thảo tự khai sáng kỳ quặc rao giảng về việc có thể thay đổi con người. Tôi nói không đúng sao?
Triết gia: Vậy tôi xin hỏi ngược lại cậu. Tại sao cậu cứ khăng khăng rằng con người không thể thay đổi?
Chàng thanh niên: Tại sao ư? Vì thế này. Trong đám bạn tôi, có một cậu cứ giam mình trong phòng suốt bao năm nay. Cậu ấy muốn ra ngoài và nếu được cũng muốn có một công việc nữa. Cậu ấy rất muốn “thay đổi” bản thân mình hiện giờ. Với tư cách bạn bè, tôi xin đảm bảo cậu ấy là một người rất chăm chỉ và sẽ có ích cho xã hội. Tuy nhiên, cậu ấy sợ ra khỏi nhà. Chỉ cần bước một bước ra ngoài là tim cậu ấy bắt đầu đập nhanh, chân tay run lẩy bẩy. Đó hẳn là một chứng bệnh tâm thần. Muốn thay đổi cũng không thể thay đổi.
Triết gia: Theo cậu, lý do gì khiến cậu ấy không thể ra ngoài?
Chàng thanh niên: Tôi không rõ lắm. Có thể là do quan hệ với cha mẹ, hoặc cậu ấy từng bị sỉ nhục ở trường, ở nơi làm việc dẫn đến sang chấn tâm lý. Hoặc có khi ngược lại, là do cậu ấy được nuông chiều thái quá. Nói tóm lại tôi cũng không tiện dò hỏi kỹ quá khứ và hoàn cảnh gia đình cậu ấy.
Triết gia: Tóm lại là, trong quá khứ của người bạn cậu, đã xảy ra một sự kiện trở thành nguyên nhân gây sang chấn tâm lý hay gì đó. Và kết quả là cậu ấy không thể ra ngoài được nữa. Ý cậu là vậy phải không?
Chàng thanh niên: Tất nhiên là vậy. Trước mọi kết quả đều có nguyên nhân. Có gì lạ cơ chứ.
Triết gia: Vậy, giả sử nguyên nhân cậu ấy không dám ra khỏi nhà là do hoàn cảnh gia đình hồi nhỏ. Giả sử cậu ấy lớn lên đã bị cha mẹ ngược đãi, và không hề biết đến tình yêu thương. Vì vậy, cậu ấy sợ tiếp xúc với người khác, không dám ra khỏi nhà. Chuyện có thể là như thế chăng?
Chàng thanh niên: Nhiều khả năng là như thế. Chuyện đó hẳn sẽ gây ra sang chấn nặng nề.
Triết gia: Và cậu nói “Trước mọi kết quả đều có nguyên nhân”. Nghĩa là cậu cho rằng tôi của lúc này (kết quả) là do các sự kiện trong quá khứ (nguyên nhân quyết định). Tôi hiểu như vậy có đúng không?
Chàng thanh niên: Tất nhiên.
Triết gia: Nếu hiện tại của tất cả mọi người đều do các sự kiện trong quá khứ quyết định như cậu nói thì chẳng phải sẽ lạ lắm sao?
Như vậy thì, nếu những người bị cha mẹ ngược đãi khi còn nhỏ mà lại không có kết quả giống như người bạn của cậu, tức là không giam mình trong phòng, thì sẽ không hợp lý. Quá khứ quyết định hiện tại, nguyên nhân chi phối kết quả là như vậy phải không?
Chàng thanh niên: … Thầy muốn nói điều gì?
Triết gia: Nếu chỉ chú ý đến nguyên nhân trong quá khứ, giải thích sự việc chỉ bằng nguyên nhân, vậy thì sẽ rơi vào quyết định luận. Nghĩa là cho rằng hiện tại rồi cả tương lai của chúng ta đều đã được quyết định bởi những sự kiện trong quá khứ, không thể thay đổi được. Có phải vậy không?
Chàng thanh niên: Vậy ý thầy muốn nói là quá khứ chẳng liên quan gì?
Triết gia: Đúng vậy. Đó là quan điểm của tâm lý học Adler.
Chàng thanh niên: Rõ rồi. Vậy là điểm mâu thuẫn giữa chúng ta đã rõ. Nhưng, thưa thầy, theo như thầy vừa nói thì cậu bạn tôi không dám ra ngoài nữa chẳng vì lý do gì cả sao? Bởi thầy nói rằng những sự kiện trong quá khứ chẳng liên quan gì. Tôi xin lỗi, nhưng chuyện đó tuyệt đối không thể. Phải có lý do nào đó đằng sau việc cậu ấy cứ giam mình trong phòng chứ. Nếu không sẽ không hợp lý!
Triết gia: Đúng vậy. Phải có lý do nào đó. Vì vậy, tâm lý học Adler nghĩ về mục đích trong hiện tại chứ không phải về nguyên nhân trong quá khứ.
Chàng thanh niên: Mục đích trong hiện tại?
Triết gia: Không phải bạn cậu “lo lắng nên không dám ra ngoài” mà ngược lại, tôi cho rằng cậu ấy không muốn ra ngoài nên tạo ra cảm giác lo lắng.
Chàng thanh niên: Sao cơ?
Triết gia: Nghĩa là, bạn cậu đã có mục đích “không ra ngoài” trước rồi mới tạo ra cảm giác lo lắng, sợ hãi làm phương tiện để đạt được mục đích đó. Tâm lý học Adler gọi đó là “thuyết mục đích”.
Chàng thanh niên: Thầy đùa sao! Tự tạo ra cảm giác bất an và sợ hãi ư? Thầy đang nói rằng bạn tôi giả bệnh sao?
Triết gia: Không phải là giả bệnh. Nỗi lo lắng, sợ hãi bạn cậu cảm nhận được là thật. Sẽ có lúc, cậu ấy còn khổ sở vì đau đầu như búa bổ hay bị những cơn đau bụng dữ dội giày vò. Những triệu chứng đó cũng là thứ được tạo ra để đạt được mục đích “không ra ngoài”.
Chàng thanh niên: Không thể thế được! Luận điệu này quá phi lý!
Triết gia: Không. Đây chính là sự khác nhau giữa tư duy theo “thuyết nguyên nhân” và “thuyết mục đích”. Những điều cậu nói đều dựa trên thuyết nguyên nhân. Nếu cứ tiếp tục dựa dẫm vào nguyên nhân thì chúng ta sẽ mãi mãi không thể tiến thêm bước nào cả.
Chàng thanh niên: Nếu thầy kiên quyết đến mức đó thì xin hãy giải thích rõ. Sự khác nhau giữa “thuyết nguyên nhân” và “thuyết mục đích” rốt cuộc là gì?
Triết gia: Chẳng hạn, cậu bị cảm, sốt cao, phải đi khám bác sĩ. Và bác sĩ giải thích lý do bị cảm là: “Anh bị cảm do hôm qua mặc phong phanh đi ngoài đường” và coi thế là xong. Đến đó thì cậu có hài lòng không? Làm sao mà hài lòng được. Nguyên nhân là do mặc phong phanh, bị ngấm mưa hay gì chẳng thế. Vấn đề là tôi đang khổ sở vì sốt cao, là tình trạng bệnh của tôi. Nếu là bác sĩ thì nên sử dụng những biện pháp chuyên môn như kê đơn thuốc, tiêm để điều trị. Nhưng những người theo thuyết nguyên nhân, như các nhà tư vấn tâm lý hay bác sĩ tâm thần học đều chỉ dừng lại ở việc chỉ ra rằng “Bạn đang khổ sở là do những chuyện xảy ra trong quá khứ” hay động viên, “Vì vậy, bạn không có lỗi gì cả”. Cái gọi là sang chấn, chính là điển hình của thuyết nguyên nhân.
Chàng thanh niên: Khoan đã! Nghĩa là thầy phủ nhận sự tồn tại của sang chấn tâm lý?
Triết gia: Tôi một mực phủ nhận.
Chàng thanh niên: Sao thầy có thể… Chẳng phải thầy, không, chẳng phải Adler là một nhà tâm lý học lớn sao?
Triết gia: Tâm lý học Adler phủ nhận hoàn toàn sang chấn tâm lý. Đây là một điểm rất mới, có tính bước ngoặt. Đúng là quan điểm về sang chấn của Freud rất khiến người ta quan tâm. Ông cho rằng vết thương lòng ở quá khứ dẫn đến nỗi bất hạnh trong hiện tại. Khi coi cuộc đời là một “câu chuyện” dài, thì logic nhân quả dễ hiểu cũng như sự phát triển cốt truyện kịch tính sẽ rất có sức hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi phủ định quan điểm về sang chấn, Adler đã nói như thế này. “Bản thân kinh nghiệm không phải nguyên nhân của thành công hay thất bại. Chúng ta không đau khổ vì những cú sốc trong trải nghiệm của bản thân – cái được gọi là sang chấn tâm lý – mà sự thực là từ những trải nghiệm ấy chúng ta tìm ra những điều phù hợp với mục đích của mình! Con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho những trải nghiệm đó.”
Chàng thanh niên: Tìm thấy điều phù hợp với mục đích của mình?
Triết gia: Đúng vậy. Hãy chú ý rằng, Adler nói tạo ra bản thân nhờ vào “ý nghĩa chúng ta gán cho trải nghiệm”, chứ không phải “chính trải nghiệm”. Tôi không nói là những sự kiện như gặp tai nạn nghiêm trọng hay bị ngược đãi hồi nhỏ không hề ảnh hưởng chút nào tới việc hình thành nhân cách. Ngược lại, chúng có ảnh hưởng lớn. Nhưng điều quan trọng là bản thân trải nghiệm ấy không phải điều quyết định. Chúng ta quyết định cuộc đời mình bằng cách gán ý nghĩa nào đó cho những trải nghiệm trong quá khứ. Cuộc đời không phải thứ được kẻ khác định đoạt mà do chính mình lựa chọn, sống như thế nào là do chính bản thân mình.
Chàng thanh niên: Vậy, lẽ nào thầy cho rằng bạn tôi thích thế nên mới tự giam mình trong phòng? Rằng cậu ấy chủ động lựa chọn ở lì trong phòng? Thật nực cười. Cậu ấy không chủ động chọn mà là “buộc phải” chọn. Cậu ấy bị buộc phải là bản thân mình trong hiện tại!
Triết gia: Không phải! Giả sử bạn cậu cho rằng “Mình bị cha mẹ ngược đãi nên không thể thích ứng với xã hội”, thì hẳn có “mục đích” thúc đẩy cậu ta nghĩ như vậy.
Chàng thanh niên: Mục đích như thế nào?
Triết gia: Rõ nhất là có mục đích “không ra ngoài”. Để không phải ra ngoài, cậu ta tạo ra cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Chàng thanh niên: Tại sao cậu ấy không muốn ra ngoài? Vấn đề là ở chỗ đó!
Triết gia: Vậy thì hãy đặt mình vào vị trí của bố mẹ cậu ấy. Nếu con cậu ru rú giam mình trong phòng, cậu sẽ thấy thế nào?
Chàng thanh niên: Tất nhiên là tôi lo lắng rồi. Làm thế nào để thằng bé quay lại với xã hội, làm thế nào để nó trở lại hoạt bát như xưa, có phải cách nuôi dạy con của mình sai ở chỗ nào không… Tôi sẽ nghiêm túc suy nghĩ những vấn đề ấy, đồng thời tìm mọi cách để đưa con mình quay trở lại xã hội.
Triết gia: Vấn đề là ở đó.
Chàng thanh niên: Ở đâu cơ?
Triết gia: Nếu không ra ngoài, cứ ở lì trong phòng, cha mẹ sẽ lo lắng. Có thể chiếm trọn sự chú ý của cha mẹ. Sẽ được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Ngược lại, hễ ra khỏi nhà một bước, cậu ta sẽ lẫn vào “số đông” chẳng được ai chú ý. Lọt thỏm giữa những người không quen biết, trở thành một kẻ bình thường hoặc kém cỏi hơn người khác. Và sẽ chẳng được ai nâng niu nữa… Đây là tâm lý thường thấy ở những người giam mình trong phòng.
Chàng thanh niên: Vậy, nếu theo lập luận của thầy thì bạn tôi đã đạt được “mục đích” và hài lòng với tình trạng bây giờ?
Triết gia: Có lẽ cậu ấy không hài lòng, và cũng không hạnh phúc. Nhưng, chắc chắn là cậu ấy đã hành động theo mục đích ấy. Không chỉ riêng cậu ấy mà tất cả chúng ta đều đang sống theo một mục đích nào đó. Đó là quan niệm của thuyết mục đích.
Chàng thanh niên: Không, không, dù gì tôi cũng không thể chấp nhận quan điểm này. Bạn tôi vốn…
Triết gia: Được rồi, cứ tiếp tục câu chuyện về bạn cậu thì cuộc tranh luận sẽ chẳng đi đến đâu cả. Bàn luận về một người vắng mặt thật chẳng hay ho gì. Chúng ta hãy tìm một ví dụ khác.
Chàng thanh niên: Vậy ví dụ này có được không? Chuyện vừa xảy ra với chính tôi hôm qua.
Triết gia: Ờ, hãy kể cho tôi nghe nào.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Dám Bị Ghét với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.