Bỏ lại ga tàu điện ngầm sau lưng, Hoa băng qua bãi cỏ rộng. Xa xa, những vạt rừng của ngoại ô Stockholm sáng lên trong ánh nắng hè muộn. Tâm trí Hoa trở về với những vần thơ của Anna Akhmatova, nhà thơ người Nga yêu dấu của chị gửi từ hồi đại học.
Đàng nào cũng chết, sao không bây giờ?
Ta chờ mi đó, ta đang nát lòng
Ta tắt đèn đi, cửa ta toang mở.
Những lời trò chuyện cùng Thần Chết mà Akhmatova viết trong giai đoạn tăm tối nhất của đời bà đã đi theo Hoa qua gần bốn thập kỷ, quãng thời gian chị học cách sống với căn bệnh trầm cảm của mình.
Chờ mi đến cùng, giản đơn ngọt mộng
Vóc dáng thế nào cũng không quan trọng
Ào đến mau đi như viên đạn độc…
Đến lúc này, dù giai đoạn thê thảm nhất đã qua, trầm cảm vẫn đeo bám chị như một con chó lẽo đẽo ở bên, lúc xa lúc gần. Nó sẽ gửi những tín hiệu trước khi lặng lẽ áp tới, như vào sáng nay. Đầu tiên, chị có cảm giác lạnh ở lưỡi. Rồi sẽ hơi đau bụng. Tâm trạng vui vẻ, hào hứng của chị đột ngột biến mất, một nỗi buồn vô cớ xuất hiện. Tự nhiên nước mắt chị chảy ra. Rồi Hoa thấy như có con rắn lạnh ngắt trườn trong bụng, khiến chị phải rùng mình. Cái đau đớn bên trong lớn dần lên, một thứ đau đớn khó tả được bằng lời.
Từ bìa rừng, con đường mòn cong nhẹ và bắt đầu trườn lên cao. Hoa bước đều trên sỏi và chỉnh lại chiếc áo khoác màu cam. Những lúc như thế này, chị sẽ tránh xa tin tức thời sự, chọn mặc đồ nhiều màu dù thực ra chị chỉ thích màu trắng và đen, và cố gắng hoạt động chân tay thay vì tiếp tục ngồi bên bàn giấy. Gần cả cuộc đời, Hoa không rõ mình bị sao. Giỏi nhạc và vẽ, biết đọc từ sớm, được nhiều người tấm tắc là thần đồng, nhưng Hoa lớn lên với một cảm giác căm ghét bản thân.
Càng được khen, con bé Hoa lại càng cảm thấy mình xấu xí, kém cỏi, và tin rằng thực ra nó đang bị chế giễu. Những lúc sắp lên sân khấu, là tâm điểm của hàng trăm ánh mắtm là những lúc nó muốn chết nhất. Đó không phải là cảm giác muốn biến mất vì xấu hổ, mà là mong muốn tự tiêu diệt bản thân, nhưng không theo một cách nhẹ nhàng mà phải thật đau đớn. Sự căm ghét chính mình lớn lên theo thời gian và trở nên tự nhiên với Hoa như người khác thấy đói, thấy khát. Càng giấu nó đi, nó lại càng trở thành một thứ ung nhọt bên trong chị.
Hoa vẫn cho rằng chuyện của chị là kết quả của một tuổi thơ cô đơn. Chị đã ở một mình nhiều quá. Nếu như hồi nhỏ chị được lắng nghe, được vuốt ve, được tặng quà, thì liệu nỗi cô đơn có tích tụ lại thành bệnh như thế này không? Bố chị là quan chức lớn, cả bố lẫn mẹ đều đi công tác biền biệt.
Trò chuyện cùng tác giả
Trong cuốn sách mới Đại Dương Đen vừa ra mắt, ông ghi rõ ngay từ phần 1 “những câu chuyện người thật việc thật ở đây có thể gây cảm giác nặng nề, mong bạn đọc lưu ý”. Vậy, ông có sợ điều đó sẽ ngăn cản người ta mua sách, hoặc mua sách về rồi nhưng lại trì hoãn việc đọc hay không?
TS Đặng Hoàng Giang: Tôi đoán rằng trong số bạn đọc của cuốn sách sẽ có nhiều người trầm cảm, nên cho rằng một nhắn nhủ như vậy là phù hợp, để họ có thể chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào những câu chuyện trong sách.
Hoặc có thể chọn thời điểm đọc thích hợp, ví dụ khi họ thấy khỏe mạnh hơn. Cuốn sách được viết ra với mục tiêu là phục vụ những người cần nó, chứ không phải để nhắm tới việc bán được càng nhiều càng tốt.
Trong câu chuyện của Bảo Anh, cô bất bình về việc bác sĩ khám chữa nói mình bệnh “chỉ vì một thằng đàn ông”, “không yêu thằng này thì yêu thằng khác”. Lại có câu chuyện bác sĩ kê đơn liên tục mà không dành nhiều thời gian cho bệnh nhân. Và trong đó có câu “Bác sĩ giỏi thì không thiếu, nhưng bác sĩ có trách nhiệm cao với bệnh nhân thì không có nhiều đâu”… Có phải ẩn sâu trong những câu chuyện của mình, ông muốn cảnh báo cả việc hệ thống y tế còn “loạng choạng” khi khám chữa bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm?
TS Đặng Hoàng Giang: Trải nghiệm của rất nhiều người trầm cảm và người thân của họ cho tôi thấy những lỗ hổng khổng lồ trong hạ tầng y tế liên quan tới sức khỏe tinh thần.
Hổng về số lượng. Câu “Bác sĩ giỏi thì không thiếu…” thực ra là một đánh giá hào phóng của một nhân vật ở Hà Nội. Các con số thống kê vẽ nên một bức tranh khác hẳn. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, trung bình chỉ có 1 bác sĩ tâm thần cho nửa triệu dân. Sách có trích dẫn một ví dụ, tỉnh Long An có 2 triệu người dân, ghi nhận chính thức hơn 6.000 bệnh nhân tâm thần (chắc chắn con số trong bóng tối lớn gấp nhiều lần), nhưng chỉ có 3 bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang công tác tại tỉnh. Đến bất cứ một khoa tâm thần nào, chúng ta sẽ thấy nó bị quá tải ra sao.
Hổng về chất lượng, thể hiện qua việc nhiều y bác sĩ mắng nhiếc, gắt gỏng người có tâm bệnh, phán xét, kỳ thị người có hành vi tự hại, tự sát; hoặc lãnh đạm, vô cảm với họ. Đây không chỉ là vấn đề về y đức, nó là vấn đề của chuyên môn. Tất cả khiến cho người trầm cảm càng sợ đi khám chữa bệnh hơn.
Tất nhiên, tôi cũng nghe được những trải nghiệm tích cực về những nhân viên y tế nhẹ nhàng, tôn trọng người bệnh, nhưng chúng ít tới mức khi nó xảy ra, người ta có thể cảm động tới phát khóc.
Ông hẳn đã tiếp xúc nhiều với những người trầm cảm nhưng chọn 12 câu chuyện để đưa vào sách. Những câu chuyện đó chiếm tỷ lệ thế nào trong tổng số trường hợp ông đã phỏng vấn sâu, và vì sao ông lại chọn những trường hợp này?
Tác giả: Tôi đã trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc với khoảng 50, 60 người trầm cảm và trong nhiều trường hợp tôi đã đồng hành hàng năm trời với họ. Những câu chuyện được chọn để đưa vào sách là những chuyện khiến tôi có ấn tượng nhất. Đó cũng là những nhân vật có khả năng biểu đạt dù rất khó khăn, để giúp người ngoài có thể có một hình dung về thế giới kỳ lạ của trầm cảm.
Ngoài ra, các chân dung cũng nói lên điều quan trọng là trầm cảm xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi gia đình. Như tôi đã viết trong Đại Dương Đen, nó không chỉ có ở trong giới trẻ “vì chúng vốn thất thường trong cảm xúc”; không chỉ ở người học hành cao, “vì họ suy nghĩ quá nhiều”; không chỉ ở trong giới văn nghệ sĩ, “vì họ quá nhạy cảm”; không chỉ ở người có kinh tế đầy đủ, “bởi người nghèo lo kiếm sống thì lấy đâu ra thời gian mà trầm cảm”.
Tên cuốn sách là Đại dương đen, còn trong sách có một chương ông nói “Hãy bỏ chiếc kính đen xuống”. Màu đen đó, đằng sao nó là thông điệp gì vậy?
Tác giả: Nhiều người trầm cảm hay dùng ẩn dụ họ bị rơi vào một hố đen, một sự trống rỗng khổng lồ, hay một đại dương tím sẫm mà họ không thể nào thoát ra được. Họ chìm và bị bao vây bởi sự cô đơn và chết chóc, xa dần với thế giới, với cuộc sống cũ của họ.
Còn cái kính màu đen liên quan tới phương pháp trị liệu tâm lý mang tên liệu pháp nhận thức hành vi. Liệu pháp này được đặt trên nền tảng lý thuyết là người trầm cảm có những niềm tin sai lệch, tiêu cực về bản thân và về thế giới. Họ đeo một cái kính đen. “Tôi là kẻ vô tích sự.” “Chẳng có ai yêu mến tôi cả”. Phương pháp trị liệu này giúp người trầm cảm nhận ra những nhận thức sai lệnh của mình và thay đổi chúng. Nó giúp họ bỏ cái kính đen xuống để có thể nhìn mọi thứ một cách trung lập hơn.
Ai cũng nhận thấy rằng người trầm cảm có suy nghĩ tiêu cực, nhưng chỉ đơn giản yêu cầu họ “suy nghĩ tích cực lên đi” thì cũng vô nghĩa như yêu cầu một vận động viên bơi lội “bơi nhanh lên đi.” Vận động viên cần được hướng dẫn, phân tích để thay đổi kỹ thuật bơi của mình.
Tương tự, liệu pháp nhận thức hành vi, bằng các can thiệp nhất định, giúp người trầm cảm nhận diện được các khuôn mẫu nhận thức, thái độ có hại của mình trước cuộc sống, qua đó thay đổi chúng và thay đổi hành vi của mình.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Đại Dương Đen – Những Câu Chuyện Từ Thế Giới Của Trầm Cảm với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.