Vì sao bạn nên đi viếng các nghĩa trang
Nhìn đâu Rick cũng thấy những ngôi sao nhạc rock. Họ xuất hiện trên truyền hình, trên trang nhất các tạp chí, trong các chương trình hoà nhạc, và trên các trang của người hâm mộ. Đâu cũng nghe thấy những bài hát của họ – trong trung tâm mua sắm, trong danh sách phát của máy nghe nhạc cá nhân, trong phòng tập gym. Các ngôi sao nhạc rock có mặt ở khắp nơi. Có rất nhiều người như thế. Và họ đều thành công cả. Những câu chuyện về vô số tay guitar xuất sắc khích lệ Rick, khiến anh chàng thành lập một nhóm nhạc. Nhưng liệu Rick có thể làm nên chuyện?
Khả năng thành công chỉ nằm ở mấp mé con số không. Như rất nhiều người khác, có khả năng cao anh chàng sẽ kết thúc sự nghiệp ở nghĩa địa của những nhạc sĩ thất bại. Các nhạc sĩ trú ngụ trong nghĩa địa ấy đông hơn gấp mười nghìn lần số nhạc sĩ đứng trên sân khấu, thế nhưng chẳng có nhà báo nào hào hứng đưa tin về các thất bại của họ cả – trừ trường hợp của những siêu sao thất thế. Điều này làm cho những nghĩa trang kia trở nên vô hình với người ngoài cuộc.
Trong cuộc sống hàng ngày, vì chiến thắng hiển hiện rõ ràng hơn thất bại, nên bạn thường đánh giá cơ hội thành công cao hơn mức thực tế. Là một người ngoài cuộc, bạn (cũng như anh chàng Rick) rơi vào ảo tưởng và quên mất tỷ lệ thành công trên thực tế nhỏ đến thế nào. Như bao người khác, Rick là một nạn nhân của thành kiến sống sót.
Đằng sau mỗi tác giả được ưa chuộng, bạn có thể tìm thấy một trăm văn sĩ khác chẳng bao giờ bán được sách. Đằng sau họ lại là một trăm người nữa thậm chí còn chẳng tìm được đơn vị xuất bản. Đằng sau những người này lại là một trăm người khác có những bản thảo dang dở đóng bụi trong các ngăn kéo. Và đằng sau mỗi người trong số đó là một trăm người khác đang mơ mộng rằng – một ngày nào đó – họ sẽ viết một cuốn sách. Riêng bạn thì chỉ nghe nói đến những tác giả thành công (ngày nay, nhiều người trông số họ còn tự xuất bản sách của mình), mà không nhận ra rằng thành công trông văn chương khó đạt được đến thế nào.
Thực tế đó cũng áp dụng với nhiếp ảnh gia, doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên, kiến trúc sư, những người đoạt giải Nobel, những người dẫn chương trình truyền hình, và những người đẹp trong các cuộc thi nhan sắc. Giới truyền thông hoàn toàn không có hứng thú đào bới quanh khu mộ của những kẻ không thành công. Đó cũng không phải là phận sự của họ. Để tránh sập bẫy thành kiến sống sót, chính bạn phải tự đào sâu tìm hiểu.
Bạn cũng sẽ gặp phải thành kiến sống sót khi giải quyết chuyện tiền nong hay rủi ro: hãy hình dung bạn của bạn thành lập một công ty mới. Bạn nằm trông nhóm các nhà đầu tư tiềm năng, và nhận thấy một cơ hội thực sự: đây có thể là một Google thứ hai. Có thể bạn sẽ gặp may mắn. Nhưng thực tế là gì? Kịch bản dễ xảy ra nhất chính là công ty đó thậm chí còn không thể bước qua vạch xuất phát. Kịch bản thứ hai dễ xảy ra hơn là công ty đó sẽ phá sản trong vòng ba năm. Trong số các công ty sống sót qua ba năm đầu này, phần lớn không bao giờ phát triển đến hơn mười nhân viên. Nếu như thế, bạn chớ nên mạo hiểm đầu tư số tiền mồ hôi nước mắt của mình hay sao?
Không nhất thiết như vậy. Nhưng bạn nên hiểu rằng thành kiến sống sót ấy đang hiện hữu, bóp méo tỷ lệ thành công một cách tinh vi.
Ta hãy lấy ví dụ là chỉ số bình quân công nghiệp Down Jones. Chỉ số này chỉ bao gồm những người sống sót tuyệt đối mà thôi. Các doanh nghiệp nhỏ và thua lỗ không thể nào gia nhập thị trường chứng khoán, nhưng lại chiếm phần lớn trong tổng số các doanh nghiệp. Chỉ số chứng khoán không thể hiện nền kinh tế của một quốc gia. Tương tự như thế, báo chí cũng không đưa tin về tất các các nhạc sĩ. Và bạn cũng nên cẩn trọng với số lượng đông đảo các cuốn sách và diễn giả thuyết trình về thành công: những người không thành đạt chẳng bao giờ viết sách hay diễn giảng về các thất bại của họ.
Thành kiến sống sót có thể trở nên đặc biết nguy hại khi bạn trở thành hội viên của đội chiến thắng. Thậm chí nếu thành công của bạn có được hoàn toàn do tình cờ, bạn sẽ phát hiện ra những điểm tương đồng với những người chiến thắng khác và coi chúng như là các yếu tố làm nên thành công. Tuy nhiên, nếu từng một lần thăm viếng nghĩa trang của các công ty và các nhân thất bại, bạn sẽ nhận ra rằng họ cũng sở hữu nhiều phẩm chất làm nên thành công giống như bạn.
Nếu có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về một hiện tượng cụ thể, một vài nghiên cứu sẽ công bố những kết quả có ý nghĩa thống kê hoàn toàn do tình cờ – ví dụ như mối liên hệ giữa mức tiêu thụ rượu vang đỏ và tuổi thọ cao. Những nghiên cứu (không chính xác) này ngay lập tức sẽ rất được quan tâm và yêu thích. Vì thế, bạn sẽ chẳng đời nào đọc được thông tin về những nghiên cúu có kết quả chính xác nhưng tẻ nhạt.
Thành kiến sống sót đồng nghĩa với việc: mọi người đánh giá quá cao khả năng thành công của họ một cách có hệ thống. Hãy đề phòng sai lầm bằng cách thường xuyên thăm viếng nghĩa trang của các thương vụ đầu tư, các dự án và những nghề nghiệp từng có lúc hứa hẹn. Chuyến thăm ấy có thể buồn thật, nhưng nó sẽ giúp giữ cho đầu óc bạn được sáng suốt.
Havard có làm bạn thông minh hơn?
Tiểu luận gia kiêm thương gia Nassim Taleb quyết tâm xử lý đám mỡ thừa ngoan cố của mình, nên ông bèn cân nhắc thử tập nhiều môn thể thao khác nhau. Có điều, mấy tay chạy bộ trông có vẻ khẳng khiu và khổ sở quá, trong khi những gã tập thể hình trông lại thô kệch và ngu ngốc, còn những tay đua xe thì sao? Ôi trời, toàn những gã nặng mông! Trông khi đó thì, những tay kình ngư thu hút ông nhờ vóc dáng cân đối, thon gọn. Ông bèn quyết định đăng ký tại một bể bơi địa phương và tập luyện chăm chỉ hai lần một tuần.
Sau một thời gian ngắn, ông nhận ra mình đã rơi vào ảo tưởng. Những kình ngư chuyên nghiệp có được cơ thể hoàn hảo không phải nhờ tập luyện miệt mài. Đúng hơn, họ bơi lội giỏi chính là nhờ vóc dáng của họ. Kết cấu cơ thể chính là một nhân tố giúp họ được chọn chứ không phải là kết quả từ hoạt động rèn luyện. Đối với những người mẫu nữ quảng cáo mỹ phẩm cũng vậy, rất nhiều người tiêu dùng nữ tin rằng các sản phẩm đó giúp họ trở nên xinh đẹp. Thế nhưng đâu phải mĩ phẩm khiến các cô gái ấy xinh đẹp như người mẫu. Đơn giản chỉ là các cô người mẫu kia bẩm sinh đã hấp dẫn rồi, và chỉ vì thế nên họ mới được chọn để quảng cáo mỹ phẩm. Còn với vóc dáng kình ngư, thì vóc dáng đẹp là một nhân tố để được chọn, chứ không phải là kết quả.
Bất cứ khi nào chúng ta nhầm lẫn các nhân tố để chọn lục với kết quả, chúng ta rơi vào cái mà Taleb gọi là ảo tưởng vóc dáng kình như. Nếu không có sự ảo tưởng này, một nửa các chiến dịch quảng cáo sẽ chẳng đạt được kết quả. Thế nhưng thành kiến này không chỉ liên quan đến mong ước có được một bộ ngực đẹp hay gò má chuẩn mực. Chẳng hạn, trường Havard có tiếng là một đại học hàng đầu. Rất nhiều người vô cùng thành đạt đã từng theo học ở đó. Liệu có phải Havard là một ngôi trường tốt? Chúng ta không biết được điều đó. Có lẽ ngôi trường ẩy dở tệ, nhưng nó lại chiêu mộ được những sinh viên sáng dạ nhất.
Tôi từng kinh qua hiện tượng nà tại đại học St. Gallen ở Thuỵ Sĩ. Đây được coi là một trong mười trường kinh doanh hàng đầu tại Châu Âu, nhưng những buổi học tôi từng tham dự (dù sao cũng xinh lưu ý là chúng diễn ra hai mươi năm trước) lại chỉ ở mức tầm tầm. Tuy nhiên, rất nhiều người tốt nghiệp ở trường ấy ra lại thành công. Lý do là gì vẫn chưa rõ – có thể là vì khí hậu ở vùng thung lũng hẹp hoặc thậm chí là đồ ăn ở căng tin. Thế nhưng lý do khả dĩ nhất có thể chính là sự tuyển chọn gắt gao.
Khắp nơi trên thế giới, các trường đào tạo MBA chiêu dụ thí sinh bằng những số liệu liên quan đến thu nhập tương lai. Tính toán đơn giản này nhằm mục đích chứng tỏ rằng tiền học phí cao ngất ngưởng sẽ được bù đắp trong một thời gian ngắn. Cách làm này khiến rất nhiều sinh viên tiềm năng sập bẫy. Tôi hông có ý nói là các trường cường điệu hóa số liệu, thế nhưng bạn không nên tin sái cổ những tuyên bố của họ. Tại sao? Bởi vì những người theo đuổi tấm bằng MBA vốn đã khác biệt so với phần còn lại.
Chênh lệch thu nhập giữa cả hai nhóm bắt nguồn từ vô vàn các lý do vốn chẳng liên quan gì đến tấm bằng MBA cả. Một lần nữa chúng ta lại thấy ảo tưởng vóc dáng kình ngư phát tác: nhân tố của sự chọn lọc bị nhầm lẫn với kết quả. Do đó, nếu như bạn đang cân nhắc học lên cao, hãy làm điều đó vì những lý do nằm ngoài một khoản lương cao hơn.
Khi tôi hỏi những người hạnh phúc về bí quyết đạt được sự mãn nguyện, tôi thường được nghe những câu trả lời kiểu như “Bạn phải nhìn nhận chiếc cốc đầy một nửa thay vì vơi một nửa”. Cứ như thể những người ấy không hề nhận ra rằng họ sinh ra đã hạnh phúc và giờ đây có xu hướng nhìn thấy điều tích cực ở vạn sự. Họ không hề nhận ra rằng tính cách tươi vui – theo rất nhiều nghiên cứu, chẳng hạn nghiên cứu do Dan Gilbert thuộc trường Harvard tiến hành – chính là một đặc điểm tính cách chủ đạo được duy trì suốt đời.
Hoặc, như các nhà khoa học xã hội David Lykken và Auke Tellegen tuyên bố thẳng tưng, “cố gắng cảm thấy hạnh phúc hơn cũng vô ích như cố gắng trở nên cao ráo hơn”. Vì thế, ảo tưởng vóc dáng kình ngư cũng chính là một dạng tự ảo tưởng. Khi những người lạc quan ấy viết sách rèn luyện bản thân (self-help), ảo tưởng này có thể trở nên lừa mị. Đó là lý do ta nên bỏ qua những lời khuyên lẫn bí kíp mà những tác giả ấy đưa ra. Đối với hàng tỷ người, những lời khuyên ấy khó lòng có tác dụng. Bởi những người không hạnh phúc thì chẳng bao giờ viết sách rèn luyện bản thân về các thất bại của họ cả, nên thực tế này vẫn bị che giấu.
Kết luận: Hãy cẩn trọng khi người ta khuyến khích bạn cố gắng đạt được một số thứ nhất định – cho dù đó là cơ bụng săn chắc, vẻ ngoài không tì vết, một thu nhập cao hơn, tuổi thọ cao hơn, một phong thái đặc biệt, hay là hạnh phúc. Bạn có thể sập bẫy ảo tưởng vóc dáng kình ngư. Trước khi quyết định dấn thân, xin bạn hãy nhìn vào gương – và thành thật với những gì mình nhìn thấy.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.