TẠI SAO MỘT CÔ GÁI ĐỨNG ĐƯỜNG LẠI GIỐNG ÔNG GIÀ NOEL TRONG CỬA HÀNG BÁCH HÓA?
Một chiều cách đây không lâu, một chiều mát lạnh báo hiệu mùa hè sắp tàn, bên ngoài khu Dearborn Homes, dự án chung cư Bờ Nam Chicago, LaSheeena – một cô gái chừng hai mươi chín tuổi – ngồi trên nắp ca-pô của chiếc SUV. Đôi mắt thâm quầng, nhưng bù lại, trông cô có vẻ trẻ trung, mái tóc thẳng viền quanh khuôn mặt xinh xẻo.
Cô mặc một bộ đồ màu đỏ-đen nhăn nhúm xấu xí, kiểu quần áo mà cô vẫn mặc từ khi còn là một đứa trẻ. Cha mẹ rất hiếm khi cho tiền mua quần áo mới, vì vậy cô thường phải mặc lại đồ của các anh họ, và thói quen đó gắn chặt với cô đến giờ.
LaSheena kể về những cách kiếm sống của mình. Như cô mô tả thì có bốn việc chính tạo ra thu nhập: “nghề hai ngón”, “giám sát”, cắt tóc và “bán hoa”.
“Nghề hai ngón”, cô giải thích, là trộm vặt đồ đạc bán lấy tiền. “Giám sát” nghĩa là lảng vảng canh chừng xung quanh khu vực buôn bán ma túy để các tay anh chị làm ăn. Cắt tóc, cô nhận được 8 đô-la nếu cắt tóc cho các cậu bé và nhận được 12 đô-la khi cắt tóc cho đàn ông.
Trong bốn nghề thì nghề nào là tệ nhất?
“Bán hoa”, cô trả lời không chút do dự.
Tại sao?
“Vì tôi không thích đàn ông. Nó khiến tôi thấy mệt óc”.
Thế nếu nghề bán dâm kiếm được nhiều tiền gấp đôi thì sao?
“Ý là tôi có làm nghề đó nhiều hơn không chứ gì?” cô hỏi. “Vâng, có”.
Từ xưa đến nay, sinh ra là đấng nam nhi luôn dễ dàng hơn thân phận một người phụ nữ. Đấy là chuyện hiển nhiên từ đời này sang đời khác, dĩ nhiên, luôn có những ngoại lệ, nhưng dù tính toán thế nào đi chăng nữa, thì đàn bà cũng khổ sở hơn đàn ông. Ngay cả khi đàn ông phải tham gia vào hầu hết mọi cuộc chiến tranh, phải đi săn bắn và làm những công việc nặng nhọc, thì đàn bà vẫn có tuổi thọ trung bình thấp hơn đàn ông.
Ở đời có những cái chết vô nghĩa lý hơn những cái chết khác. Ví như từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, có khoảng 1 triệu phụ nữ châu Âu chết để hiến tế cho thần linh, phần lớn nghèo khổ và rất nhiều người trong số đó góa bụa, họ bị coi là nguyên nhân khiến thời tiết khí hậu không thuận lợi làm mùa màng thất bát.
Giờ đây tuổi thọ của phụ nữ đã vượt qua tuổi thọ của đàn ông, chủ yếu là nhờ vào sự phát triển của y học. Tuy vậy, đến thế kỷ XX, ở rất nhiều quốc gia, sinh ra là phụ nữ vẫn bị coi là một khiếm khuyết nghiêm trọng. Các cô gái trẻ người Cameroon vẫn bị “là phẳng” ngực – bị đánh đập hoặc “vuốt ve” bằng những chiếc chày gỗ hoặc đổ dầu dừa nóng vào người – để các cô trở nên kém hấp dẫn giới tính hơn.
Ở Trung Quốc, tục bó chân cuối cùng cũng chấm dứt (dù đã trải qua cả nghìn năm đau khổ), nhưng ngày nay tỷ lệ phụ nữ bị bỏ rơi, bị mù chữ bẩm sinh vẫn nhiều hơn đàn ông, và họ còn bị ép tự tử. Phụ nữ ở các vùng nông thôn Ấn Độ, như chúng tôi đã nhắc đến ở phần đầu, vẫn tiếp tục đối diện với sự phân biệt đối xử trên tất cả các mặt trong cuộc sống.
Nhưng ở những quốc gia phát triển trên thế giới, cuộc sống của phụ nữ lại có bước phát triển thần kỳ. Đến thế kỷ XXI, ở các nước như Mỹ, Anh hay Nhật Bản, không có phân biệt trong triển vọng phát triển của phụ nữ so với đàn ông như một hoặc hai thế kỷ trước đó.
Nhìn vào bất cứ đấu trường nào – giáo dục, luật pháp, bầu cử, các cơ hội thăng tiến và nhiều lĩnh vực khác – thì ngày nay, phụ nữ hạnh phúc hơn nhiều so với bất cứ thời điểm nào khác trong quá khứ. Năm 1872, những năm cuối cùng trước khi thống kê này ra đời, 21% sinh viên đại học ở Mỹ là phụ nữ. Ngày nay, con số ấy là 58% và vẫn còn tiếp tục tăng lên. Đó quả thực là một sự áp đảo ấn tượng.
Và đến nay vẫn chưa có mức giá nào là hợp lý để trả cho việc sinh ra là một phụ nữ. Một phụ nữ Mỹ từ 25 tuổi trở lên, sở hữu tấm bằng đại học và làm việc toàn thời gian có thu nhập trung bình là 47.000 đô-la. Đàn ông ở điều kiện tương tự thường có thu nhập ít nhất là 66.000 đô-la, cao hơn khoảng40%. Điều tương tự cũng đúng với những phụ nữ làm việc tại các trường đại học đỉnh cao của nước Mỹ.
Hai nhà kinh tế Claudia Goldin và Lawrence Katz đã phát hiện ra rằng những người phụ nữ tốt nghiệp trường Harvard có thu nhập ít hơn một nửa so với con số trung bình mà một người đàn ông tốt nghiệp trường Harvard được trả.
Ngay cả khi các phân tích chỉ tính đối với những người làm việc toàn thời gian, làm đủ năm và là nhân vật chủ chốt trong các khoa, làm việc chuyên nghiệp và có các yếu tố thuận lợi khác, thì Goldin và Katz vẫn chứng minh được rằng phụ nữ tốt nghiệp Harvard kiếm tiền vẫn kém các đồng môn nam của mình khoảng 30%.
Điều gì có thể bù đắp được cho hố sâu ngăn cách ấy?
Có rất nhiều yếu tố. Phụ nữ có xu hướng bỏ việc và đặt sự nghiệp sang một bên để chăm lo gia đình hơn đàn ông. Ngay cả trong những nghề nghiệp có thu nhập cao như bác sĩ, luật sư, phụ nữ cũng có xu hướng chọn những chuyên ngành thấp hơn (ví dụ, chọn làm bác sĩ đa khoa hoặc luật sư gia đình).
Và vẫn còn tồn tại không ít sự phân biệt giữa nam và nữ trong công việc. Điều này có thể được xếp từ mức độ công khai – từ chối thăng chức cho một phụ nữ vì lý do đơn giản: cô ta không phải là đàn ông – cho đến những lý do ngầm ẩn. Một phần đáng kể trong nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ mập phải chịu sự bất công trong tiền lương hơn đàn ông thừa cân. Điều tương tự cũng xảy ra với những phụ nữ có hàm răng xấu.
Những đặc điểm sinh học tự nhiên cũng là một yếu tố nữa. Nhà kinh tế học Andrea Ichino và Enrico Moretti tiến hành phân tích hệ thống dữ liệu cá nhân của một ngân hàng lớn ở Italy và nhận thấy những nhân viên nữ dưới 45 tuổi có xu hướng vắng mặt 1 ngày trong một chu kỳ 28 ngày. Xem xét năng suất lao động của những nhân viên này, các nhà kinh tế học xác định được sự vắng mặt có lý do thường kỳ này tương ứng với 14% tiền lương ít hơn mà họ nhận được so với đàn ông.
Hoặc hãy xem xét một đạo luật của Mỹ năm 1972 có tên gọi là Điều luật IX. Nói chung, điều luật này được ban bố với mục đích ngăn cản sự phân biệt giới tính trong hệ thống giáo dục. Điều luật IX cũng yêu cầu các trường trung học và đại học phải thêm vào chương trình học các môn thể thao dành cho phái nữ tương ứng với chương trình thể thao dành cho nam giới.
Hàng triệu bạn nữ trẻ tuổi sau đó đã tham gia vào những chương trình mới này, và như nhà kinh tế học Betsey Stevenson đã phát hiện ra, các bạn nữ tham dự các khóa học thể thao ở trường trung học thì có nhiều khả năng sẽ tham dự các chương trình thể thao ở trường đại học, và có cơ hội nhận được những công việc tốt, đặc biệt là ở một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao vốn dành cho đàn ông. Đó quả là một tin tốt lành.
Nhưng Điều luật IX cũng mang đến một vài tin không vui cho phụ nữ. Khi điều luật được thông qua, hơn 90% các đội tuyển thể thao nữ ở các trường đại học có huấn luyện viên trưởng là phụ nữ. Điều luật IX sinh ra một nghề: lương cao mà mà công việc lại hấp dẫn, thú vị.
Giống như một loại thực phẩm quê mùa được một tay đầu bếp cao cấp “phát hiện” và lập tức mang nó ra khỏi căn lều tồi tàn bên đường, đặt lên bàn ăn của những nhà hàng sang trọng nhất, nghề này lập tức thiết lập cho mình những khách hàng mới: đàn ông.
Ngày nay, chỉ còn gần 40% đội tuyển thể thao nữ của các trường đại học có huấn luyện viên là phụ nữ. Trong số các môn thể thao, nghề huấn luyện viên trưởng là nữ phát triển nở rộ nhất trong Hiệp hội Bóng chày Nữ Quốc gia (WNBA), được thành lập 13 năm trước đây, như là hệ luận của Hiệp hội Bóng chày Quốc gia.
Như đã nói, Hiệp hội bóng chày Nữ Quốc gia (WNBA) có 13 đội tuyển, thì chỉ có 6 trong số đó – lại nữa, ít hơn 50% – có huấn luyện viên đội tuyển là nữ. Điều này thực sự là một bước tiến lớn từ mùa giải thứ 10 của môn thể thao này, khi chỉ có 3 trên tổng số 14 đội tuyển có huấn luyện viên trưởng là phụ nữ.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Siêu Kinh Tế Học Hài Hước với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.