Siêu Kinh Tế Học Hài Hước thực sự là cuộc cách mạng trong tư duy khiến bất cứ ai từng đọc qua cũng phải thay đổi cách nhìn nhận về thế giới xung quanh.
Một cái nhìn hài hước về Kinh tế học
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuốn sách này đã nhanh chóng bán được trên 4 triệu bản và được dịch ra hơn 35 thứ tiếng, trở thành cuốn sách bán chạy nhất của thời báo NewYork Times.
Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner cùng Siêu Kinh Tế Học Hài Hước sẽ lại một lần nữa mở ra cho những độc giả quen thuộc cũng như lần đầu biết đến họ một cái nhìn mới sâu sắc hơn, dí dỏm hơn và cũng đầy ngạc nhiên hơn.
Siêu kinh tế học hài hước – BÙNG NỔ với những câu hỏi đáng suy ngẫm song không kém phần thú vị:
- Có thể cứu thế giới bằng việc ăn thịt một con kangaroo không?
- Tại sao một cô gái đứng đường lại giống ông già Noel trong cửa hàng bách hóa?
- Lòng vị tha và sự vô cảm – thứ nào dễ kiểm soát hơn?
- Giông bão, trụy tim và tai nạn giao thông giống nhau ở điểm gì?
- Làm thế nào để tóm dính một phần tử khủng bố?
Bằng những suy luận dí dỏm kết hợp với khả năng kể chuyện tài tình, Levitt và Dubner đã lần lượt giải đáp những khúc mắc cho các vấn đề như: sự nóng lên toàn cầu; vì sao mại dâm ngày nay lại rớt giá thê thảm hay tìm hiểu xem mọi người phản ứng ra sao khi bị kích động. Thế giới thông qua nhãn quan của các tác giả đầy hiện thực – có tốt, xấu, kỳ dị, và hơn hết là “siêu hài hước”.
Review sách Siêu Kinh Tế Học Hài Hước
Bạn đã đọc Kinh tế học hài hước (Freakonomics) và bạn muốn biết Siêu kinh tế học hài hước (Superfreakonomics) có gì khác biệt?
Nếu như trong Kinh tế học hài hước, tác giả đã làm cho chúng ta cực kỳ ngạc nhiên, thú vị trước những hiện tượng tưởng như bình thường nhưng “nhìn vậy mà không phải vậy” xảy ra hàng ngày quanh ta thì Siêu kinh tế học hài hước hướng ta suy nghĩ đến những vấn đề mang tính xã hội hơn, thời sự hơn, và khiến ta phải trăn trở nhiều hơn.
Vẫn phong cách đặt câu hỏi không những chỉ khó mà còn hoàn toàn bất ngờ như “Điều gì là nguy hiểm hơn, vừa say rượu vừa lái xe, hay vừa say rượu vừa đi bộ?”, “Tại sao biện pháp hóa trị liệu được kê đơn cho bệnh nhân nhiều như vậy trong khi nó thực sự không hiệu nghiệm đến thế?”, hay “Liệu thay đổi giới tính có giúp tăng mức lương của bạn lên không?”… các tác giả đã thử thách tư duy chúng ta một lần nữa, giúp ta khám phá những khía cạnh bí ẩn rất thú vị của đời sống xã hội.
Qua những câu chuyện về cách con người phản ứng trước động cơ, và sử dụng những dữ liệu thống kê để làm nổi bật những khía cạnh mà trước đó bạn chưa bao giờ nghĩ đến, tác giả cho ta thấy kinh tế học đã chạm đến cuộc sống hàng ngày như thế nào.
Ví như việc đi bộ khi say xỉn thì nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với việc lái xe khi say; Những tay ma cô dắt gái giống với đám cò nhà đất như thế nào; Vì sao những kẻ đánh bom liều chết nên mua bảo hiểm sinh mạng; Tại sao Iran lại dùng động cơ kinh tế, chứ không phải kêu gọi lòng thương người, để tăng số người hiến thận; Trẻ xem ti vi thường xuyên có nhiều nguy cơ dính dáng đến tội ác khi lớn lên…
Trong Kinh tế học hài hước và Siêu Kinh tế học hài hước, Levitt và Dubner đã pha trộn cách suy nghĩ thông minh với tài kể chuyện hấp dẫn không giống bất kỳ ai trong nhiều chủ đề khác nhau của cuốn sách, từ việc tìm hiểu cách thức giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu cho đến lý giải vì sao giá của việc mua dâm càng ngày càng giảm một cách không ngờ.
Từ việc khảo sát cách thức mà con người phản ứng trước những sự việc khác nhau, các tác giả đã cho cả thế giới thấy rõ động cơ của những hành động đó – có tốt, có xấu. Phần phân tích cuối cùng rất đáng đọc vì vấn đề đó thực sự “siêu hài hước”.