Giận là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nó mở ra cho ta những khả năng kỳ diệu, nhưng lại rất dễ thực hành để ta tự mình từng bướ thoát khỏi cơn giận và sống đẹp với xã hội quanh mình.
Giận được xuất bản tại Hoa Kỳ ngày 10.9.2001, trước biến cố 11.9.2001 có một ngày. Vì thế Giận đã trở thành quyển sách bán chạy nhất Hoa Kỳ – 50.000 bản mỗi tuần – trong vòng 9 tháng liên tiếp.
Tại Hàn Quốc, quyển sách này đã bán được 1 triệu bản trong vòng 11 tháng. Rất nhiều độc giả nhờ đọc sách này mà đã điều phục được tâm mình, sử dụng ái ngữ lắng nghe để hoà giải với người thân, đem lại hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đồng của họ.
Về Tác giả Thích Nhất Hạnh
Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam.Ông sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Ông là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Một số tác phẩm của ông: Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng – Nẻo về của ý – Am mây ngủ – Văn Lang dị sử – Đường xưa mây trắng – Truyện Kiều văn xuôi – Thả một bè lau – Bông hồng cài áo – Đạo Phật ngày nay – Nói với tuổi hai mươi – Trái tim của Bụt…
Nội dung cuốn sách Giận – Thích Nhất Hạnh
Những cảm xúc luôn xuất phát từ những câu chuyện quanh cuộc sống của con người và có những cảm xúc chỉ sau khi nó được bộc phát ra con người ta mới thấy hối hận. Việc để điều chỉnh cơn nóng giận là rất khó với nhiều người. Mời bạn đọc cùng khám phá những bài học vô cùng giá trị giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của bản thân qua cuốn sách “Giận” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Biến rác thành hoa
“Tôi ý thức là đang có rác trong tôi. Tôi sẽ chuyển rác ấy thành phân xanh để vun bón cho yêu thương được phục hồi”
Những điều tiêu cực là một phần trong cuộc sống và khi đã tin tưởng vào pháp môn tu tập thì cách khôn ngoan nhất chính là đối diện với những điều tiêu cực ấy, biến chúng thành những năng lượng cho bạn. Bước đầu của học cách kiềm chế cơn giận chính là ôm ấp và nhận diện.
Ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm
“Chánh niệm không bao giờ đánh phá sân hận hay tuyệt vọng. Chánh niệm chỉ có đó để nhận diện. Chánh niệm về một cái gì chính là nhận diện sự có mặt của cái đó trong hiện tại. “Thở vào, tôi biết sân hận phát khởi trong tôi; thở ra, tôi mỉm cười với sân hận của tôi.”
Nếu dùng tâm từ bi để chăm sóc mình, bạn ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm thì mọi thứ sẽ được tỉnh thức, bạn hiểu được nguyên nhân của sân hận, bạn dùng cách tu tập, thiền và chánh niệm để chuyển hóa chứ không phải né tránh hay át lấy cơn giận bằng cách đánh phá hay đấu tranh tư tưởng một cách khó chịu …Cơn giận cũng chỉ là một cảm xúc tại khoảnh khắc hiện tại và nó sẽ qua đi nếu bạn học cách tu tập đúng nghĩa để những cảm xúc tiêu cực này không làm hại đến tâm của bạn và mọi người xung quanh.
Chăm sóc em bé sân hận
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cơn giận cũng cần được chúng ta chăm sóc và ôm ấp cho đến khi chúng ta hiểu rõ nguồn gốc của sự vận hành của tâm sân hận trong ta. Nếu không tu tập, tâm trí chúng ta sẽ không được tự do, tương tụ như mọi thói quen, “chăm sóc em bé sân hận” cũng là quá trình bạn quan tâm đến cảm xúc của chính mình.
Tu tập không phải là gò bó bản thân vào khuôn khổ để chịu đựng những quy tắc khó nhằn hay gây khó chịu cho chính mình mà tu tập là để tâm hồn được an nhiên, để kiềm chế được những cảm xúc tiêu cực. Như thầy Thích Thánh Tuệ đã từng nói: “Tu không phải là ngày mai, ngày kia sẽ hạnh phúc mà tu lúc nào là hạnh phúc lúc đó”.
Đọc sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bản thân mình đã mở rộng được tâm hồn để lĩnh hội được những kiến thức rất hay mà thầy đã chuyển tải trên những trang sách, không hề gò bó, khó hiểu. Đọc từng trang sách, bản thân mình hiểu rằng, để tâm an nhiên và không sân hận chính mình phải học cách tu tập trước.
“Tuệ giác này giúp ta bớt khổ rất nhiều. Nhưng người kia thì vì không biết tu tập nên vẫn còn ở trong địa ngục. Nhờ có chăm sóc cơn giận, ta ý thức rằng người kia còn đang đau khổ và ta bắt đầu để tâm đến người ấy”
Với mình đọc những cuốn sách mang tư tưởng Phật Giáo của thầy Nhất Hạnh giúp mình ngộ ra rất nhiều điều bổ ích và khi gấp những trang sách cuối cùng của “Giận” cũng là lúc mình tự tu tập theo những phương thức được chia sẻ trong sách.