Nhờ có năng lượng chánh niệm mà ta biết được những gì đang có mặt trong giây phút hiện tại, kể cả người mà ta thương. Bạn sẽ khám phá ra rằng nguyên nhân chính của đau khổ chính là hạt giống giận trong bạn. Có lẽ hạt giống giận ấy trong quá khứ đã được tưới tẩm quá nhiều lần bởi chính bạn hay những người khác.
Chúng ta mãi bôn ba, rong ruổi cuộc trong cuộc sống. Chúng ta không có khả năng hay cơ hội dừng lại để nhìn sâu vào cuộc đời của mình. Chúng ta phải nhìn lại, và nhìn sâu vào cuộc đời của mình. Chúng ta phải nhìn lại, và nhìn sâu để có thể hiểu.
Có nhiều người chỉ ưa đọc sách nói về các truyền thống tâm linh, chỉ ưa lễ nghi hình thức mà ít khi thực tập các giáo lý đã dạy. Giáo lý của bất cứ truyền thống tâm linh nào cũng có thể chuyển hoá với điều kiện là phải đem ra mà thực tập. Thực tập như trên thì ta có thể “biến hầm lửa thành hồ sen”, Và như thế không những có thể chấm dứt đau khổ trong ta mà còn là một nguồn vui tươi hạnh phúc cho người xung quanh.
Một quả bom sắp nổ
Tôi có biết một thiếu phụ ở tại Bắc Mỹ. Thiếu phụ này có đạo Cơ Đốc. Bà ta đã rất đau khổ vì hai vợ chồng sống với nhau không được hòa thuận. Cả hai đều có học thức và đều đậu bằng tiến sĩ (Ph.D.). Nhưng người chồng luôn luôn gây gổ với vợ con. Ông không bao giờ có thể nói chuyện với vợ con. Trong gia đình, ai cũng tránh né ông vì khi nào ông ta cũng như một quả bom sắp nổ. Tâm sân hận của ông rất lớn. Ông nghĩ rằng vợ và các con của ông khinh khi ông, bởi vì không ai muốn đến gần ông. Thực ra thì vợ ông và các con ông đâu có khinh ông. Họ chỉ sợ ông thôi. Họ sợ đến gần ông rồi ông nổi tam bành lên thì nguy.
Rồi một ngày kia người vợ không chịu đựng được nữa và có ý muốn tự tử. Nhưng trước khi thực hành ý định bà ta gọi điện thoại cho một bà bạn để thổ lộ tâm tình. Bạn của bà ta, một Phật tử có tu tập, trước đây đã từng mời bà tham dự thiền tập, những mong bà ta bớt khổ đau phần nào nhưng bà ta luôn luôn từ chối, viện lý một tín đồ đạo Chúa như bà không thể tu theo đạo Bụt.
Chiều hôm đó khi bà bạn Phật tử biết được ý định muốn tự tử của bạn mình liền nói với bà ta qua điện thoại: “Chị nói chị là bạn của tôi mà nay chị muốn chết. Vậy thì trước khi chị thực hành ý định tôi chỉ xin chị một điều là tôi mời chị nghe một bài pháp thoại của Thầy tôi mà chị đã từng từ chối. Bây giờ, nếu quả chị là bạn của tôi, xin chị hãy lấy taxi đến đây và nghe cái băng pháp thoại này rồi sau đó chị muốn gì thì tùy chị.”
Khi người bạn đến, bà bạn Phật tử để cho bà ta ngồi một mình trong phòng khách để nghe bài pháp thoại về Nghệ Thuật Tái Lập Truyền Thông. Suốt thời gian trên một giờ đồng hồ nghe pháp thoại bà ta đã chuyển hóa sâu sắc. Bà đã khám phá ra được nhiều điều. Bà ta đã ý thức rằng chính bà đã có trách nhiệm một phần nào về đau khổ của bà và bà đã làm cho chồng đau khổ rất nhiều. Bà ý thức rằng bà đã không giúp ích gì cho ông. Vì tránh né ông mà bà đã làm ông ngày càng thêm khổ. Qua bài pháp thoại bà đã hiểu rằng muốn giúp chồng thì bà phải biết lắng nghe với tâm từ bi. Điều này trong năm năm qua bà đã không làm được.
Lắng nghe với tâm từ bi làm vơi bớt khổ đau
Một người mà lời nói đầy sân hận, căm hờn là vì người ấy đang vô cùng đau khổ. Vì đau khổ mà người ấy nói ra những lời chua chát, cay đắng, trách móc khiến cho ta khó chịu và tìm cách xa lánh. Muốn thấu hiểu và chuyển hóa cơn giận thì phải học phép thực tập hạnh lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ. Có một vị Bồ Tát có khả năng lắng nghe với tâm từ bi rộng lớn, đó là Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng ta phải thực tập hạnh lắng nghe sâu như Ngài thì mới có thể hướng dẫn một cách cụ thể khi một người đầy sân hận tìm đến xin giúp đỡ để tái lập truyền thông.
Lắng nghe với tâm từ bi có thể làm người khác bớt khổ. Tuy nhiên, mặc dầu có nhiều thiện chí ta cũng khó lắng nghe một cách sâu sắc nếu ta không thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nếu ta có thể ngồi yên và lắng nghe người ấy với tâm từ bi chỉ trong một giờ thì ta có thể làm vơi bớt khổ đau của người ấy rất nhiều. Ta lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có cơ hội giãi bày tâm tư và nguôi bớt khổ đau.
Phải lắng nghe thật chăm chú. Phải lắng nghe với tai, với mắt, với cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu ta chỉ giả vờ lắng nghe, nếu ta không lắng nghe hết mình thì người kia sẽ nhận ra ngay và khó mà vơi bớt khổ đau. Phải luôn luôn giữ tâm từ bi trong khi lắng nghe. Muốn vậy trong khi lắng nghe ta phải theo dõi hơi thở chánh niệm và duy trì ý hướng muốn giúp người kia.
Lắng nghe với tâm từ bi là một phép thực tập rất sâu sắc. Ta lắng nghe mà không phán xét, không trách móc. Ta lắng nghe chỉ vì ta muốn giúp người kia vơi bớt khổ đau. Người kia có thể là cha, là mẹ, là con trai, con gái, là vợ hay chồng của ta. Thực tập lắng nghe sâu sắc chắc chắn có thể giúp người khác chuyển hóa sân hận và khổ đau của họ.
“Nấu chín” cơn giận
Nhìn kỹ khuôn mặt mình khi đang giận có thể giúp ích rất nhiều. Đó là một tiếng chuông chánh niệm. Khi thấy gương mặt mình như vậy thì tự nhiên khởi ý muốn “làm ăn cho khá hơn”. Khi giận, quý vị dư biết phải làm gì để cho khuôn mặt tươi đẹp hơn. Chẳng cần đến mỹ phẩm. Chỉ cần cười nụ cười chánh niệm. Nếu thở được như thế một hay hai lần là bạn sẽ thấy mình dễ coi hơn rất nhiều. Nhìn vào gương, “thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười” là tự nhiên cảm thấy nhẹ nhõm.
Cơn giận là một hiện tượng tâm lý, tuy nhiên, cơn giận cũng liên hệ với các yếu tố sinh hoá của cơ thể. Cơn giận làm cho các bắp thịt căng thẳng, nhưng khi biết mỉm cười bạn sẽ thư giãn và cơn giận sẽ giảm bớt ngay. Nụ cười giúp cho năng lượng chánh niệm phát sinh và từ đó giúp ta ôm ấp cơn giận.
Nên nhớ rằng, cảm xúc chỉ là một cảm xúc. Cảm xúc đến trong ta một thời gian rồi sẽ biến đi. Thế thì tại sao ta lại phải chết vì cảm xúc? Ta còn có nhiều cái khác hơn là cảm xúc. Đây là điều quan trọng phải nhớ. Khi có một cảm xúc mạnh thì hãy tiếp tục thở hơi thở chánh niệm, hướng về huyệt đan điền và luôn nhớ rằng cảm xúc mạnh sẽ đi qua.
Cơn giận cũng cần nấu cho chín. Ban đầu thì cơn giận “còn sống”. Khoai còn sống thì ăn không được. Cơn giận “còn sống” thì không có gì vui. Nhưng nếu biết chăm sóc, ôm ấp cơn giận, nghĩa là biết nấu cho chín, thì năng lượng tiêu cực của cơn giận sẽ được thay thế bằng năng lượng tích cực của hiểu biết và thương yêu.
Điều này bạn có thể làm được. Không phải chỉ có các Bậc Đại Nhân mới làm được. Chính bạn, bạn cũng có thể làm. Bạn có thể chuyển đổi đống rác của tâm sân hận thành bông hoa của tâm từ bi. Nhiều người đã làm được như thế trong vòng mười lăm phút. Bí quyết là phải tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, tiếp tục thực tập bước chân chánh niệm, chế tác năng lượng chánh niệm để ôm ấp cơn giận.
Hãy ôm ấp cơn giận với tất cả nâng niu, dịu hiền. Cơn giận không phải là kẻ thù, cơn giận là em bé do chính ta thai nghén và cho ra đời. Cơn giận cũng giống như bao tử hay buồng phổi. Mỗi khi bao tử hay buồng phổi bị bệnh, ta không bao giờ nghĩ đến chuyện cắt bỏ nó đi. Ta chấp nhận cơn giận trong ta, biết rằng ta có thể chăm sóc, chuyển hóa nó thành một năng lượng tích cực.
Cứu căn nhà cháy
Khi ai làm cho ta giận thì ta khổ. Ta muốn nói một câu hay làm một việc gì đó để cho người kia khổ, nghĩ rằng làm như thế thì ta sẽ bớt khổ. Ta tự bảo: “Tôi muốn trừng phạt anh. Tôi muốn làm cho anh đau khổ vì anh đã làm cho tôi đau khổ. Thấy anh đau khổ, tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.”
Rất nhiều người có xu hướng hành động một cách trẻ con. Sự thật là khi ta làm cho người kia đau khổ thì người ấy sẽ trả đũa bằng cách làm cho ta đau khổ thêm. Kết quả là leo thang đau khổ cho cả hai bên. Đáng lẽ ra thì cả hai bên đều cần tình thương, cần giúp đỡ. Không ai đáng bị trừng phạt cả.
Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình. Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi. Phần lớn chúng ta không làm được điều gì đó. Chúng ta chỉ muốn theo đuổi người kia để trừng phạt.
Nếu một cái nhà đang cháy thì việc trước nhất phải làm là chữa cháy căn nhà chứ không phải chạy theo đuổi bắt người đốt nhà. Nếu chỉ lo chạy theo người ta nghi là đã đốt nhà thì căn nhà sẽ cháy rụi trong khi ta chạy theo đuổi bắt người kia. Như thế là không khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã.
Bạn cũng sẽ thích
- Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch
- Góc nhìn Alan – Bộ Di Sản Alan Phan
- Người Nam Châm – Bí Mật Của Luật Hấp Dẫn
Dụng cụ chữa lửa
Bụt cho chúng ta nhiều dụng cụ rất hữu hiệu để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tâm ta. Đó là hơi thở chánh niệm. Đó là bước đi chánh niệm. Đó là thực tập ôm ấp sân hận, quán chiếu tri giác. Đó là phương pháp nhìn sâu vào người đã làm ta giận để nhận ra rằng người kia cũng đang đau khổ và cần được giúp đỡ. Những phương pháp trên đây rất thực tế và do đích thân Bụt dạy.
Hơi thở có ý thức là khi thở vào thì biết mình thở vào, biết là không khí đang đi vào cơ thể, khi thở ra thì biết là thở ra, biết là không khí đang đi ra khỏi cơ thể. Thở như thế sẽ tiếp xúc được với cả không khí vào cơ thể, đồng thời cũng tiếp xúc được với tâm bởi vì tâm đang tập trung chú ý vào hơi thở. Chỉ cần một hơi thở có ý thức là có thể trở về tiếp xúc với thân, tâm và những gì đang xảy ra chung quanh. Chỉ cần ba hơi thở có ý thức là có thể duy trì sự tiếp xúc đó.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Giận – Thích Nhất Hạnh với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.