Góc nhìn Alan – Bộ Di Sản Alan Phan là bộ sách hay nhất của TS. Alan Phan, một nhà kinh doanh tài ba, giảng viên và nhà viết sách báo. Ít ai biết rằng tiền thân của công ty sữa Vinamilk hiện nay chính là do TS. Alan Phan gây dựng. Ông cũng là người Việt đầu tiên đưa công ty Harcourt niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1997 và thị giá đạt 700 triệu USD năm 1999.
Alan Phan là ai?
Alan Phan, tên thật là Phan Việt Ái (1945-2015) có cha từ Quảng Trị, mẹ là người Miền Bắc, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, Sài Gòn. Ông được sinh ra trong một gia đình trung lưu, học ở trường Petrus Ký, được học bổng USAID và sang Mỹ học chuyên ngành Môi trường năm 1963.
Năm 1968, ông trở về nước và giảng dạy tại Cao đẳng Phú Thọ (nay là Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1969, làm việc bán thời gian cho tập đoàn Eisenberg và sau đó kinh doanh riêng với các công ty Dona Foods, Foremost Dairies (Vinamilk ngày nay), Mekong Car… Tổng nhân viên lên đến 18,000. Ông là một doanh nhân nổi danh ở miền Nam Việt Nam.
Năm 1975, ông trở lại Mỹ bắt đầu lại cuộc đời mới sau biến cố 30/04.
Là nhà kinh doanh, ông bôn ba rất nhiều nước để làm ăn, trong đó Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai nước dành đến 42 năm. Được ví như Fukuzawa Yukichi của Việt Nam, với mục đích khai phóng tư duy lệ thuộc. Độc lập, tự do làm ăn bằng chính sức lực của cá nhân, doanh nghiệp hay quốc gia, ủng hộ tiêu chí “dân giàu, nước mạnh”.
Ông cũng là người Việt đầu tiên đưa công ty Harcourt niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1997 và thị giá đạt 700 triệu USD năm 1999.
Tuy vậy, ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua trang blog Góc nhìn Alan với các bài bình luận, phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam. Ông được đánh giá là một chuyên gia với những góc nhìn thẳng thắn, sắc sảo về thực tế và dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam.
“Từ năm 2007 đến nay, tôi thường xuyên về Việt Nam. Sau 42 năm miệt mài trong môi trường kinh doanh Trung Quốc và trước đó, ở Mỹ, tôi thực sự thấy chán thức ăn và con người Trung Quốc; cũng như lối sống vội vã và sự ngạo mạn của người Mỹ. Tôi muốn tìm một điều gì đó khác hơn và hy vọng Việt Nam sẽ là một “quê hương thực sự” cho phần đời còn lại của mình.
Những vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa ở Việt Nam rất giống những gì tôi từng thấy ở Trung Quốc 15 năm về trước, hay Thái Lan, Mã Lai… 30 năm về trước.
Tuy vậy, có một điều khác biệt: tôi không sinh ra hay lớn lên tại Trung Quốc hay Thái Lan, Mã Lai… nên tôi chỉ cười với những người nước ngoài khác khi họ phê bình hay giễu cợt điều gì đó nghịch lý và thua kém của dân bản xứ, nhưng với Việt Nam, nơi tôi gọi là “quê hương”, điều này thường làm tôi đau lòng và trăn trở…”
Kính thưa những độc giả của Cộng đồng Alan, hẳn khi đọc lại những dòng tâm sự này mỗi chúng ta đều cảm thấy trong lòng dâng lên đôi phần xúc động. Lý do cho sự ra đi của chàng trai Phan Việt Ái là thời thế thế thời, là hoài bão vươn mình ra biển lớn, nhưng nguyên lai cho việc trở về của ông già Alan đơn giản là “tôi chỉ có cảm giác là mình thuộc về đây, mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác…”
Là người không còn thiếu thốn về vật chất, thời gian lẽ ra nên dành cho gia đình thì lúc sinh thời Tiến sĩ Alan Phan lại dành rất nhiều cho việc chia sẻ với với doanh nhân và người trẻ Việt. Trong gần 10 năm trở lại sinh sống tại Việt Nam Tiến sĩ đã miệt mài cống hiến cho quê hương dù là mất vài triệu đô; dù vài năm trời chỉ được vài triệu tiền nhuận bút; dù là nhận về vô số lời chỉ trích, công kích từ những người không cùng quan điểm; thậm chí đến ngày cuối đời ông vẫn dành thời gian soạn thảo bài viết cho trang góc nhìn Alan…
Bộ sách “Góc nhìn Alan – Bộ Di sản Alan Phan”
Bộ sách Góc nhìn Alan – Bộ Di Sản Alan Phan là những tác phẩm cuối cùng trong hai năm miệt mài trên chặng đường lưu giữ những kiến thức vô giá và nhân sinh quan, triết lý sống, tinh thần Alan Phan.
Bộ sách gồm 4 cuốn được biên tập từ 6 tác phẩm của Tiến sĩ mang tên: Đừng hoang tưởng về biển lớn, Một tư duy khác về kinh tế xã hội Việt Nam, Không có bữa ăn nào miễn phí, Góc nhìn Alan kinh tế, Niêm Yết sàn Mỹ và 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc. Toàn bộ các tác phẩm được trình bày một cách đẹp mắt, khoa học và bổ sung thêm phần chú thích, hình ảnh, QR code nhằm giúp các độc giả tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề được Tiến sĩ đề cập trong mỗi bài viết.
Trong đó hai tác phẩm Góc nhìn Alan về kinh tế, Góc nhìn Alan về xã hội được biên tập lại và loại bỏ những bài viết bị trùng lặp từ 4 tác phẩm: Đừng hoang tưởng về biển lớn, Một tư duy khác về kinh tế xã hội Việt Nam, Không có bữa ăn nào miễn phí, Góc nhìn Alan về kinh tế.
Góc nhìn Alan về kinh tế: Những nhận định đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam và thế giới. Dự báo xu hướng kinh tế, bí quyết kinh doanh lập nghiệp qua trải nghiệm trong hơn 42 năm bôn ba trên thế giới của TS. Alan Phan.
Góc nhìn Alan xã hội: Phân tích sâu sắc và thẳng thắn về các vấn đề của xã hội Việt và người Việt.
42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc: Cuốn sách kinh doanh được viết từ những kinh nghiệm xương máu của Alan Phan trong những năm dài lăn lộn ở nước ngoài. Bài học khởi nghiệp, điều hành doanh nghiệp hữu ích với bất cứ doanh nghiệp nào.
Niêm yết sàn Mỹ: Không chỉ hướng dẫn cách thức niêm yết sàn Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Sách còn giúp xây dựng tư duy toàn cầu, và tầm nhìn sâu rộng nhằm nắm bắt các cơ hội luôn thường trực ngoài biển lớn để vươn ra toàn cầu trong kinh doanh.