Hiệu Sách Nhỏ Ở Paris là một lá thư tình gửi đến sách, đế tất cả những người tin rằng sức mạnh của những câu chuyện có thể định hình cuộc sống của chúng ta.
Cuốn sách là câu chuyện về Monsieur Perdu, chủ tiệm sách bên bờ sông Seine, người tự gọi mình là dược sĩ văn chương. Nhờ giác quan đặc biệt của mình, ông có thể kê đơn cho độc giả chính xác những cuốn sách giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Chữa lành vết thương, hàn gắn trái tim người khác, song Monsieur Perdu lại không thể chữa cho chính mình, và trái tim ông vẫn luôn rỉ máu từ khi người yêu ông bỏ ra đi để lại một bức thư mà ông chưa từng mở ra. Rồi đến một ngày, ông đọc lá thư và quyết định khám phá kết cục của câu chuyện đời mình.
Cùng với một tác giả sách bán chạy nhưng bị cấm xuất bản, và một đầu bếp người Ý thất tình, Perdu du hành dọc theo những dòng sông nước Pháp, cho chúng ta thấy rằng thế giới văn chương có thể đưa tâm hồn con người lên một cuộc du hành hàn gắn và chữa lành như thế nào.
“Hiệu Sách Nhỏ Ở Paris” viết về câu chuyện của Monsieur Perdu, chủ tiệm sách bên bờ sông Seine, người tự gọi mình là dược sĩ văn chương. Nhờ giác quan đặc biệt của mình, ông có thể kê đơn cho độc giả chính xác những cuốn sách giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chữa lành vết thương lòng cho bao người, song Monsieur Perdu lại không thể chữa cho chính mình, và trái tim ông vẫn luôn rỉ máu.
Review tiểu thuyết Hiệu Sách Nhỏ Ở Paris
Yêu và được yêu là một phép màu, thế nhưng để bản thân bị ám ảnh bởi tình yêu dường như sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp cho lắm, nhất là khi tình yêu đó đã đi đến hồi kết.
Perdu là chủ một hiệu sách độc đáo tại thành phố Paris, một con thuyền sách nằm trên một dòng sông với cái tên “Tiệm thuốc văn chương”, với mong muốn dùng văn chương để chữa lành cho những tâm hồn tan vỡ, không chỉ do tình yêu mà còn bởi những áp lực trong cuộc sống.
Nhân vật chính Perdu đã sử dụng “khả năng thấu cảm” đặc biệt của mình để hiểu những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải và bán cho họ những quyển sách như bác sĩ kê liều thuốc cho bệnh nhân.
Thế nhưng, ít ai ngờ con người đang mỗi ngày chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác, lại chẳng thể nào tự chữa trị nỗi đau luôn đeo bám trong lòng ông.
Perdu đã từng yêu, và đó là tình yêu lớn nhất của đời ông, để rồi khi tình yêu đó ra đi… ông đã mắc kẹt với quá khứ trong suốt hai mươi mốt năm, từ yêu hoá thành hận, rồi thành cố chấp mà từ đó vô tình ông đã phản bội sự tin tưởng trong tình yêu của mình.
Thế rồi, Catherine cô hàng xóm mới bị chồng bỏ đã bước vào cuộc đời ông, xáo trộn nó cùng một lá thư bị bỏ quên và khiến ông phải đối mặt với cảm xúc mà ông đã chôn dấu suốt quãng thời gian dài đã qua, để rồi ông quyết định rời Paris, lênh đênh sông nước để từ biệt với cuộc đời hơn hai mươi năm qua mà ông đã lãng phí.
Cũng trong chuyến hành trình đó, ông đã bắt đầu mở lòng trở lại với cuộc sống, với những người bạn đồng hành bất đắc dĩ và mới quen ông đã từng chút một chữa lành tổn thương của bản thân, cho phép bản thân được cảm nhận những cảm xúc mà từ lâu ông đã lãng quên, và từ đó cảm nhận cuộc sống mà ông đã bỏ lỡ… để một lần nữa cho phép bản thân mình yêu và được yêu.
Phải chăng tác giả cho ông khả năng thấu cảm đặc biệt đó, để nhấn mạnh rằng chúng ta khi chứng kiến những nỗi đau, khó khăn của người khác thì luôn có thể đưa ra những lời khuyên, tư vấn cho họ… thế nhưng vấn đề mà chính bản thân mình gặp phải thì lại bế tắc và không thể tìm ra lối thoát, chúng ta cứ thế cuộn mình trong một lớp vỏ để tránh bản thân bị tổn thương?
Tuy nhiên cá nhân mình lại không thực sự bị thuyết phục bởi chi tiết này lắm, một người không muốn và gần như hạn chế tuyệt đối những tiếp xúc thân mật, từ bỏ tất cả mọi thứ vui trên đời, chạy trốn cảm xúc của mình, một người không dám đối diện và vượt qua nỗi đau của bản thân, thì làm sao có thể đưa cho người khác những lời khuyên hợp lý nhất, lựa chọn giúp họ những quyển sách phù hợp với cảm xúc, tình huống mà họ đang mắc phải.
Mặt khác, với một người đọc nhiều sách như ông mà nói, lẽ ra phải hiểu ra từ rất sớm, có rất nhiều nỗi đau trong cuộc đời này, có những câu chuyện còn éo le hơn hoàn cảnh của ông, nỗi đau mà ông mang không nhỏ nhưng cũng không lớn hơn những nỗi đau khác. Lẽ ra những quyển sách mà ông đọc, phải là động lực để ông chấp nhận và vượt qua nỗi đau của mình hơn là giúp nó ngủ yên trong tâm hồn.
Văn chương có thể chữa lành cho những người khác, nhưng lại không chữa lành được cho ông, có vẻ như tác giả đang cố cường điệu hoá nỗi đau của nhân vật chính, cố gắng làm cho nó nổi bật giữa muôn vàn tình yêu trên cuộc đời?
Nếu đánh giá khách quan thì với mình, quyển sách có nội dung khá nhưng không thật sự logic cho lắm, và những tình huống khá dễ đoán (nhất là đoạn giữa Perdu và nữ nhà văn).
Nhìn chung lại đây không phải là một quyển quá tệ, và nó giúp ta nhận ra rằng, cho dù cuộc đời ta có trải qua bao nhiêu biến cố, dù có những nỗi đau ta tưởng rằng quá sức chịu đựng của bản thân… nhưng điều quan trọng là ta phải đối mặt với thực tế, chỉ cần dũng cảm đương đầu với cảm xúc của mình thì ta mới có thể cảm nhận được cuộc sống.
Suy ra cho cùng, chẳng phải trong cơn thập tử nhất sinh ta mới nhận ra mình muốn sống đến chừng nào sao?
Thường thì vào sáng cuối tuần đầu thu, người ta sẽ hay tìm đến cái dịu dàng lãng mạn của văn chương Pháp hay về nước Pháp, như một thói quen…
“Hiệu sách nhỏ ở Paris” của Nina George rất hợp để đọc vào những ngày này, cái lãng đãng của những đám mây nhẹ và nắng thu vàng, cái hơi nóng vẫn còn nhưng không gắt, dìu dịu chỉ đủ để khói cafe lên rất đẹp.
Một buổi sáng mà ngay từ những trang đầu tiên ta đã thấy tò mò bởi những bí ẩn, những con chữ nặng lề, hơi “tối”, hơi “nặng” như những đám mây sớm đầu thu.
Để rồi lướt qua những trang sách, những đám mây ấy dần lùi đi, những tia nắng nhảy nhót qua chậu hồng trước cửa, những đắm say ngọt ngào, những bí ẩn, những đau thương được dựng xây bởi sự khao khát tình yêu, sức hút của những tâm hồn đồng điệu.
Không gì trên đời đau đớn bằng những mối tình không cho phép nhau được quyền chiếm hữu.
Cũng không có gì đau đớn bằng việc hằng đêm giằng xé bởi yêu và hận, để rồi kết lại cảm thấy mình như một đứa trẻ, so với sự bao dung của tình địch, bỏ lỡ đi một cơ hội, mất đi người thương…
“Hiệu sách nhỏ ở Paris” cuốn hút mọt sách bởi cách người ta dùng sách để dịu đi những nỗi đau và chữa lành những vết thương tâm lý. Một cuốn sách mà hội tụ trong đó cả những chuyến phiêu lưu trên con sông dọc ngang nước Pháp làm mình nhớ đến những gì Mark Twain viết lên khi cho Huck Finn lang thang trên dòng Mississippi. Để rồi ta nhận ra, những người đàn ông dù trưởng thành đến đâu cũng từng là những cậu bé, và sẽ là những cậu bé…
Đọc “Hiệu sách nhỏ ở Paris” hóa ra không phải là để con thuyền xuôi dòng ra biển mà lại là đi về miền thượng nguồn, càng đi càng nhỏ, càng lúc càng gấp gáp. (Nguyễn Linh)