Thế Giới Phẳng nói về biên giới phi truyền thống, thế giới dường như không khoảng cách nhưng thực ra lại rất khoảng cách, đan xen về lợi ích giữa các quốc gia. Trong cái thế giới “phẳng” mà không phẳng đó, ai chớp được cơ hội sẽ thành công.
Thế Giới Phẳng là cuốn sách vô cùng nổi tiếng của Thomas L. Friedman – một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times có những tác phẩm và công trình nghiên cứu về vấn đề toàn cầu hoá rất thành công.
Cuốn sách được trao giải thưởng cuốn sách hay nhất trong năm do Financial Times và Goldman Sachs Business bình chọn và Thomas L. Friedman cũng được bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất Hoa Kỳ.
Thế Giới Phẳng chỉ sự phát triển toàn cầu hóa khi nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng hơn trước.
Trong xu thế toàn cầu hóa, việc tiếp cận và tham khảo những tri thức đương đại từ những nước đã phát triển về sự chuyển động của thế giới (đang ở bước ngoặt từ “tròn” sang “phẳng”, như cách nói của tác giả) có lẽ sẽ giúp chúng ta có thêm những thông tin bổ ích để có sự chủ động trong quá trình hội nhập.
Review sách Thế Giới Phẳng
Chúng ta đã quen với những tác phẩm kinh điển trong văn học, nghệ thuật nhưng “Thế Giới Phẳng”, theo mình, là một tác phẩm kinh điển về thế kỷ 21 trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và sự vận động của thế giới.
Đây không phải là một cuốn sách lịch sử thế giới mà là một tác phẩm hoành tráng về thế giới trong thế kỷ 21, thế kỷ của bùng nổ công nghệ số và xu hướng toàn cầu hóa.
Tác giả đã làm phẳng thế giới khi bỏ qua những rào cản về địa giới, văn hóa, tôn giáo… để nói về một thế giới với những vấn đề chung, những cơ hội và thách thức của các quốc gia, của toàn thế giới. Để từ đó từng quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân có thể nhìn thấy cơ hội và thách thức của riêng mình.
Với nhiều năm làm nhà báo cho một trong những tờ báo lớn nhất thế giới New York Times, Thomas L. Friedman đã cho người đọc những sự kiện, những thông tin, những số liệu mà không dễ gì có được và không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Điều đó chỉ có thể đến từ những nhà báo kỳ cựu như Friedman, một nhà báo lớn với 3 giải thưởng Publizer.
Cuốn sách tuy khá dày, hơn 700 trang, nhưng nếu bạn thực sự quan tâm đến thế giới, quan tâm đến sự vận động của xã hội loài người trên hành tinh này thì cuốn sách như một dòng chảy đưa bạn qua nhiều góc nhìn khác nhau, qua nhiều vấn đề to lớn khác nhau của thế giới. Trong đó, nổi bật là xu hướng Toàn Cầu Hóa và vai trò địa chính trị của từng quốc gia trong sự bùng nổ không ngừng của thế giới về mọi mặt.
Khi đọc được thông tin cuốn sách này được trợ giá từ Văn phòng Văn hóa – lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, mình có cảm giác vui mừng vì sự hỗ trợ này. Tuy giấy in không được tốt lắm nhưng với một tác phẩm lớn như thế này, mình có thể hiểu và thông cảm được với nhà xuất bản Trẻ. (Minh Huỳnh)
Trong các cuốn sách của Friedman, mình chọn Thế giới phẳng là khởi điểm bên cạnh 2 cuốn Chiếc Lexus và cây Oliu, Nóng – Phẳng – Chật. Thực sự lúc mới đọc khá là sốc và ngại vì số trang dày, hơn nữa mình không hứng thú lắm với mấy lý thuyết kinh tế nhưng đọc mới thấy nó cần đến thế nào.
Dù chưa có thời gian đọc hết nhưng nhìn chung sách chủ yếu xoay quanh vấn đề Toàn Cầu Hoá, những bạn nào ham học hỏi chắc chắn sẽ rất thích vì những luận điểm tác giả đưa ra khá sát thực qua đó mới thấy được sức mạnh khủng khiếp của internet và mạng lưới toàn cầu, vừa phù hợp với thời kì hội nhập sắp tới của Việt Nam. Đầu tư thời gian đọc quyển này là một lựa chọn đầy khôn ngoan nếu muốn vươn xa ra thế giới. (Hùng Lê)
Mình cảm thấy đây là một cuốn sạch cực kì hữu ích cho các bạn học kinh tế, cái nhìn đa chiều, xu hướng của thời đại, thế giới bây giờ phẳng rồi, sân chơi bây giờ sẽ công bằng cho mọi quốc gia. Tuy nhiên cạnh tranh nhiều hơn, khốc liệt hơn.
Nhờ đọc cuốn sách này mà mình biết nhiều thêm về lịch sử, về các quốc gia đang vùng lên phát triển như Ấn Độ. Người dịch còn kém một số chỗ đọc hơi khó hiểu, nhìn chung là ok. Sách không dành cho những người lười đọc, lười tư duy. Hỗ trợ kiến thức rất tốt cho những bạn học kinh tế, ngoại thương. (Lê Chinh)