Thế Giới Là Phẳng
Tâu các Hoàng tử, với tư cách những người Công giáo Cơ đốc, và các hoàng tử những người yêu mến và thúc đẩy niềm tin Công giáo linh thiêng, và là những kẻ thù của học thuyết Mohamet, và của mọi sự sùng bái thần tượng và dị giáo, đã quyết định cử tôi, Christopher Columbus, đi đến các miền nói trên của Ấn Độ, để xem các hoàng tử, nhân dân, và các vùng đất ấy, và để tìm hiểu tính khí của họ và phương pháp thích hợp nhằm cải biến họ theo niềm tin linh thiêng của chúng ta; và hơn nữa đã chỉ dẫn rằng tôi không được đi bằng đường bộ theo hướng Đông, như lệ thường, mà bằng đường phía Tây, theo hướng mà đến nay chúng ta không có bằng chứng chắc chắn nào rằng đã có bất cứ ai đi.
Từ nhật kí của Christopher Columbus về chuyến đi 1492 của ông.
Chẳng ai đã từng chỉ hướng cho tôi như thế này trên một sân golf trước đây: “Hãy nhắm vào hoặc Microsoft hay IBM”. Tôi đứng ở điểm phát bóng đầu tiên tại sân golf KGA Golf Club ở khu trung tâm thành phố Bangalore, miền nam Ấn Độ, khi bạn chơi của tôi trỏ vào hai cao ốc bằng kính-và thép bóng loáng nổi bật lên ở đằng xa, đúng sau thảm cỏ xanh đầu tiên.
Cao ốc Goldman Sachs vẫn chưa xong; nếu không thì anh ta đã có thể trỏ vào cái đó nữa và biến nó thành bộ ba. HP và Texas Instrument có văn phòng của họ ở sau lỗ thứ chín, dọc theo lỗ thứ mười. Đó không phải là tất cả. Các mốc phát bóng là của Epson, công ti máy in, và một trong những người xách gậy của chúng tôi đội mũ 3M. Bên ngoài, một số biển hiệu giao thông cũng do Texas Instrument tài trợ, và bảng quảng cáo Pizza Hut trên đường trưng một miếng pizza bốc hơi, dưới đầu đề “Các miếng giga đầy Hương vị!”
Không, đấy dứt khoát không phải Kansas. Thậm chí không có vẻ giống Ấn Độ. Đấy là Thế giới Mới, Thế giới Cũ, hay Thế giới tiếp?
Tôi đã đến Bangalore, Silicon Valley của Ấn Độ, bằng hành trình khám phá của riêng tôi giống của Columbus. Columbus đã đi thuyền buồm với các tàu Niña, Pinta, và Santa María trong một nỗ lực để khám phá ra một đường ngắn hơn, trực tiếp hơn đến Ấn Độ bằng hướng về phía tây, qua Đại Tây Dương, mà ông cho là đường biển khơi đến Đông Ấn – hơn là đi xuống phía nam và đông vòng qua châu Phi, như những người khai phá Bồ Đào Nha thời ông đã thử đi. Ấn Độ và các Hòn đảo Gia Vị phương Đông nổi tiếng một thời về vàng, ngọc, đá quý, và tơ lụa của họ – một nguồn vật báu không kể xiết.
Tìm đường tắt qua biển này đến Ấn Độ, ở thời khi các thế lực Hồi giáo ngày đó đã chặn các đường bộ từ châu Âu, đã là một cách cho cả Columbus và nền quân chủ Tây Ban Nha trở nên giàu có và hùng mạnh. Khi Columbus căng buồm, hiển nhiên ông đã cho rằng Trái đất tròn, đó là vì sao ông lại tin chắc rằng ông có thể đến Ấn Độ bằng cách đi về phương tây. Tuy nhiên, ông đã tính sai quãng đường.
Ông nghĩ Trái Đất là một quả cầu nhỏ hơn. Ông cũng đã không dự kiến gặp một vùng đất rộng trước khi ông đến được Đông Ấn. Tuy nhiên, ông đã gọi các thổ dân mà ông đã gặp ở thế giới mới là các “Indian-dân da đỏ” [những người Ấn Độ]. Quay về nhà, tuy thế, Columbus đã có thể nói cho những người đỡ đầu ông, Vua Ferdinand và Hoàng hậu Isabella, rằng mặc dù ông không thấy Ấn Độ, ông có thể xác nhận rằng thế giới quả thực tròn.
Tôi bắt đầu đi Ấn Độ theo đúng hướng đông, qua Frankfurt. Tôi dùng Lufthansa với vé hạng thương gia. Tôi biết chính xác hướng mình đi nhờ bản đồ GPS hiện trên màn hình thòi ra từ ngăn của ghế ngồi trên máy bay. Tôi hạ cánh an toàn và đúng giờ. Tôi cũng đã gặp những người được gọi là Indian.
Tôi cũng đã đi tìm nguồn giàu có của Ấn Độ. Columbus đã tìm phần cứng – các kim loại quý, tơ lụa, và gia vị – nguồn giàu có trong thời ông. Tôi đã tìm phần mềm, năng lực trí óc, các thuật giải phức tạp, các công nhân tri thức, các call center [trung tâm phục vụ khách hàng qua điện thoại], các giao thức truyền, những đột phá về kĩ thuật quang học – các nguồn giàu có của thời chúng ta. Columbus đã vui sướng biến những người Indian ông gặp thành các nô lệ, một quỹ lao động chân tay tự do.
Tôi chỉ muốn hiểu vì sao những người Indian tôi gặp lại lấy việc làm của chúng ta, vì sao họ trở thành một quỹ quan trọng như vậy cho outsourcing [thuê làm ngoài] dịch vụ và việc làm công nghệ thông tin (CNTT) từ Hoa Kì và các nước công nghiệp khác. Columbus có hơn một trăm người trên ba tàu của ông; tôi có một nhóm nhỏ từ kênh Discovery Times vừa thoải mái trong hai xe tải dã chiến, với các lái xe Ấn Độ đi chân trần.
Khi căng buồm, ấy là nói vậy, tôi cũng đã cho rằng thế giới là tròn, song cái tôi bắt gặp ở Ấn Độ thật đã hết sức làm lung lay niềm tin của tôi vào ý niệm đó. Columbus tình cờ gặp châu Mĩ song ông nghĩ mình đã khám phá ra một phần Ấn Độ. Tôi thực sự thấy Ấn Độ và nghĩ nhiều người tôi gặp ở đó là những người Mĩ. Một số đã thực sự lấy tên Mĩ, và những người khác bắt chước rất cừ giọng nói Mĩ ở các call center và các kĩ thuật kinh doanh Mĩ ở các phòng thí nghiệm phần mềm.
Columbus tâu lên vua và hoàng hậu của mình rằng thế giới tròn và ông đã đi vào lịch sử như người đầu tiên khám phá ra điều này. Tôi quay về nhà và chia sẻ sự phát hiện chỉ với vợ, và chỉ thì thầm.
“Em yêu”, tôi thủ thỉ, “anh nghĩ thế giới là phẳng”.
Làm sao tôi đã đi đến kết luận này? Tôi nghĩ bạn có thể nói tất cả bắt đầu trong phòng họp của Nadan Nilekani ở công ti Infosys Technologies Limited. Infosys là một trong các báu vật của thế giới CNTT Ấn Độ, và Nilekani, CEO [Tổng điều hành] của công ti, một trong những thuyền trưởng chín chắn và được kính trọng nhất của nền công nghiệp Ấn Độ. Tôi đi xe với nhóm Discovery Times đến khu Infosys, khoảng bốn mươi phút từ trung tâm Bangalore, để thăm cơ sở và phỏng vấn
Nilekani. Đến khu Infosys bằng con đường sứt sẹo, với các chú bò linh thiêng, các xe ngựa kéo, và các xe kéo có động cơ tất cả cùng chen lấn sát cạnh xe chúng tôi. Tuy nhiên, một khi bước vào cổng Infosys bạn ở trong một thế giới khác. Một bể bơi lớn cỡ khu nghỉ mát nép mình gữa các tảng đá mòn và những dải cỏ được cắt tỉa, sát kề một bãi cỏ khổng lồ như một sân golf nhỏ. Có vô số quán ăn và một câu lạc bộ sức khoẻ tuyệt vời.
Các cao ốc kính-và-thép dường như mọc lên giống cỏ dại mỗi tuần. Trong một số cao ốc đó, các nhân viên Infosys đang viết các chương trình phần mềm cụ thể cho các công ti Mĩ hay châu Âu; trong các cao ốc khác, họ thực hiện những công việc hậu trường của các công ti siêu quốc gia lớn đặt cơ sở ở Mĩ và châu Âu – mọi thứ từ bảo trì máy tính đến các đề án nghiên cứu cụ thể đến trả lời các cuộc gọi của khách hàng từ khắp nơi trên thế giới.
An ninh là chặt, các camera theo dõi các cửa, và nếu anh làm việc cho American Express, anh không thể đi vào cao ốc quản lí các dịch vụ và nghiên cứu cho General Electric. Các kĩ sư Ấn Độ trẻ, nam và nữ, đi nhanh nhẹn từ cao ốc này sang cao ốc kia, lủng lẳng các thẻ ID [nhận dạng]. Một người có vẻ như có thể lo các khoản thuế của tôi. Người khác có vẻ như cô có thể tháo rời máy tính của tôi. Và người thứ ba có vẻ như cô ta đã thiết kế nó!
Sau khi ngồi cho một cuộc phỏng vấn, Nilekani đã dẫn nhóm TV chúng tôi dạo quanh trung tâm hội nghị toàn cầu của Infosys- tầng zero của công nghiệp outsourcing Ấn Độ. Nó là một phòng sâu thẳm lát ván ô gỗ nhìn giống một phòng học được xếp thành dãy từ một trường luật Ivy League.
Ở một đầu có một màn hình đồ sộ cỡ bức tường và ở trên cao có các camera trên trần cho hội nghị từ xa. “Đây là phòng hội nghị của chúng tôi, đây có lẽ là màn hình lớn nhất châu Á – gồm bốn mươi màn hình số [gộp lại],” Nilekani tự hào giải thích, chỉ lên màn hình TV lớn nhất tôi đã từng thấy. Infosys, ông nói, có thể tổ chức một cuộc hội nghị ảo của những người chơi chủ chốt của toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của nó cho bất cứ dự án nào vào bất cứ lúc nào trên màn hình siêu cỡ đó.
Như thế các nhà thiết kế Mĩ của họ có thể nói chuyện trên màn hình với các nhà viết phần mềm Ấn Độ và các nhà sản xuất Á châu của họ cùng một lúc. “Chúng tôi có thể ngồi ở đây, ai đó từ New York, London, Boston, San Francisco, tất cả đều trực tiếp [live]. Và có thể việc thực hiện là ở Singapore, cho nên người ở Singapore cũng có thể trực tiếp ở đây…
Đó là toàn cầu hoá,” Nilekani nói. Phía trên màn hình có tám chiếc đồng hồ tóm tắt rất khéo ngày làm việc của Infosys: 24/7/365 [24 giờ một ngày; 7 ngày một tuần; 365 ngày một năm]. Các đồng hồ được gắn nhãn Tây Mĩ, Đông Mĩ, GMT, Ấn Độ, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Úc.
“Outsourcing chỉ là một chiều của một thứ cơ bản hơn nhiều đang xảy ra hiện nay trên thế giới,” Nilekani giải thích. “Cái xảy ra [vài] năm vừa qua là đã có một sự đầu tư ồ ạt vào công nghệ, đặc biệt trong thời đại bong bóng, khi hàng trăm triệu dollar được đầu tư để thiết lập kết nối khắp nơi trên thế giới, cáp biển, và tất cả các thứ đó”.
Đồng thời, ông nói thêm, máy tính đã trở nên rẻ hơn và phân tán khắp thế giới, và đã có một sự bùng nổ về phần mềm – e-mail, các phương tiện tìm kiếm như Google, và phần mềm sở hữu riêng, có thể chẻ bất cứ công việc nào và gửi một phần đến Boston, một phần đến Bangalore, và một phần đến Bắc Kinh, tạo dễ dàng cho bất cứ ai để phát triển từ xa. Khi tất cả các thứ này đột nhiên xảy ra cùng lúc vào khoảng năm 2000, Nilekani nói thêm, chúng “đã tạo ra một nền nơi việc làm tri thức, vốn trí tuệ, có thể được giao từ bất cứ đâu.
Nó có thể được chia nhỏ, giao, phân phối, sản xuất và ráp lại cùng nhau lần nữa – và điều này đã cho cách làm việc của chúng ta một độ tự do hoàn toàn mới, đặc biệt việc làm có tính chất trí tuệ… Và cái mà anh đang nhìn thấy tại Bangalore ngày nay thực sự là đỉnh điểm của tất cả những điều trên kết hợp lại.”
Chúng tôi ngồi trên đi văng bên ngoài văn phòng của Nilekani, đợi đội TV dựng các camera. Tại một điểm, tóm tắt các ẩn ý của tất cả điều này, Nilekani đã thốt ra một cụm từ cứ lảng vảng trong đầu tôi. Ông nói với tôi, “Tom, sân chơi đang được san phẳng”. Ý ông muốn nói là các nước như Ấn Độ bây giờ có khả năng cạnh tranh vì lao động tri thức toàn cầu như chưa từng bao giờ có – và rằng Mĩ tốt hơn hãy sẵn sàng cho điều này.
Mĩ bị thách thức, nhưng, ông nhấn mạnh, sự thách thức sẽ là tốt cho Mĩ bởi vì chúng ta luôn sung sức nhất khi bị thách thức. Khi tôi rời khu Infosys về Bangalore tối hôm ấy và bị xóc suốt dọc đường ổ gà, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về cụm từ đó: “Sân chơi đang được san phẳng”.
Cái Nandan nói, tôi nghĩ, là sân chơi đang được san phẳng… Được san phẳng? Được san phẳng? Trời ơi, ông ta nói với tôi thế giới là phẳng!”
Tôi ở đây, ở Bangalore – hơn 500 năm sau khi Columbus vượt qua đường chân trời, dùng công nghệ hàng hải thô sơ của thời ông, và trở về an toàn để chứng minh dứt khoát rằng thế giới tròn – và một trong những kĩ sư tinh nhanh nhất Ấn Độ, được đào tạo tại học viện kĩ thuật hàng đầu của Ấn Độ và được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại nhất hiện nay, về cơ bản đã nói với tôi là thế giới này phẳng, phẳng như màn hình mà trên đó ông ta có thể chủ trì cuộc họp toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Thậm chí lí thú hơn, ông biểu dương sự phát triển này như một điều tốt, như cột mốc mới trong sự phát triển của loài người và một cơ hội lớn cho Ấn Độ và thế giới – một sự thực đã khiến thế giới chúng ta phẳng!
Ngồi đằng sau chiếc xe đó, tôi đã viết vội vàng bốn từ đó vào sổ tay của mình: “Thế giới là phẳng”. Ngay khi viết chúng, tôi nhận ra rằng đấy là thông điệp cơ bản của mọi thứ tôi đã thấy và đã nghe ở Bangalore trong hai tuần làm phim. Sân chơi cạnh tranh toàn cầu được san bằng. Thế giới được san phẳng.
Khi tôi nhận rõ điều này, cả hứng khởi và sự kinh hãi tràn đầy tôi. Nhà báo trong tôi hứng khởi khi đã tìm thấy một khung khổ để hiểu kĩ hơn các tin chính buổi sáng và để giải thích cái xảy ra trên thế giới ngày nay. Rõ ràng, hiện nay là có thể cho nhiều người hơn bao giờ hết để hợp tác và cạnh tranh trong thời gian thực với nhiều người hơn về nhiều loại việc làm khác nhau hơn từ nhiều ngõ ngách của hành tinh hơn và trên cơ sở bình đẳng hơn bất cứ thời gian nào trước đây trong lịch sử loài người – dùng máy tính, e-mail, mạng, hội nghị từ xa, và phần mềm mới năng động.
Đó là cái Nandan đã nói cho tôi. Đó là cái tôi đã khám phá ra trong hành trình của tôi đến Ấn Độ và xa hơn. Và đó là cái cuốn sách này nói về. Khi bạn bắt đầu nghĩ về thế giới như là phẳng, rất nhiều thứ có ý nghĩa theo những cách chúng không có trước đây.
Nhưng đích thân tôi cũng hứng khởi, bởi vì sự san phẳng thế giới có nghĩa là bây giờ chúng ta đang kết nối tất cả các trung tâm tri thức trên hành tinh lại thành một mạng toàn cầu đơn nhất, mà – nếu hoạt động chính trị và chủ nghĩa khủng bố không cản đường – thì sẽ có thể mở ra một kỉ nguyên thịnh vượng và đổi mới gây sửng sốt.
Nhưng suy ngẫm thế giới phẳng cũng làm tôi tràn đầy kinh hãi, về mặt nghề nghiệp và cá nhân. Sự kinh sợ riêng của tôi xuất phát từ sự thực hiển nhiên rằng không chỉ những người viết phần mềm và các geek [các tay cự phách về] máy tính được trao quyền để cộng tác trong công việc ở một thế giới phẳng. Nó cũng là al-Qaeda và các mạng lưới khủng bố khác. Sân chơi không được san bằng chỉ theo cách thu hút và siêu trao quyền một nhóm hoàn toàn mới của những người đổi mới sáng tạo. Nó được san bằng theo cách lôi kéo và siêu trao quyền một nhóm hoàn toàn mới của những người đàn ông và đàn bà giận dữ, nản chí, và bị làm nhục.
Về nghề nghiệp, sự nhận ra thế giới là phẳng làm căng thẳng thần kinh vì tôi nhận ra rằng sự san bằng này đã xảy ra khi tôi còn đang ngủ, và tôi đã bỏ quên nó. Tôi thực sự không ngủ, mà đã bận việc khác. Trước 11 tháng 9 (11/9), tôi đã tập trung theo dõi toàn cầu hoá và khai thác sự căng thẳng giữa các lực “Lexus” của sự hội nhập kinh tế và các lực “Cây Ô liu” của bản sắc và chủ nghĩa dân tộc – do đó cuốn Xe Lexus và Cây Ô liu của tôi ra đời 1999. Song sau 11/9, các cuộc chiến tranh cây ô liu đã ám ảnh tôi hoàn toàn. Tôi dành hầu hết thời gian của mình chu du trong các thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Vào các năm đó tôi đã mất dấu vết toàn cầu hoá.
Tôi đã lại tìm thấy vết đó trên hành trình của tôi đến Bangalore tháng 2 năm 2004. Một khi đã tìm thấy, tôi nhận ra rằng có cái gì đó thật sự quan trọng đã xảy ra trong khi tôi gắn bó với các lùm cây ô liu của Kabul và Baghdad. Toàn cầu hoá đã đi đến một mức mới hoàn toàn. Nếu bạn đặt cuốn Xe Lexus và Cây Ô liu và cuốn sách này lại với nhau, bạn sẽ đi đến kết luận lí lẽ lịch sử khái quát là đã có ba kỉ nguyên lớn của toàn cầu hoá.
Thời đại đầu kéo dài từ 1492- khi Columbus dương buồm, mở ra sự giao thương giữa Thế giới Cũ và Thế giới Mới – cho đến khoảng 1800. Tôi sẽ gọi thời đại này là Toàn cầu hoá 1.0. Nó đã làm thế giới co lại từ một kích thước lớn thành cỡ trung bình. Toàn cầu hoá 1.0 là về các nước và sức mạnh cơ bắp. Tức là, trong Toàn cầu hoá 1.0 tác nhân then chốt của sự thay đổi, động lực thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu đã là nước bạn có bao nhiêu cơ bắp – bao nhiêu sức cơ bắp, bao nghiêu sức ngựa, sức gió, hay, muộn hơn, sức hơi nước – và bạn đã có thể triển khai nó sáng tạo đến thế nào.
Trong kỉ nguyên này, các nước và các chính phủ (thường được tôn giáo hay chủ nghĩa đế quốc hay sự kết hợp của cả hai xúi giục) đã dẫn đường phá bỏ các bức tường và nối chặt thế giới lại với nhau, thúc đẩy sự hội nhập toàn cầu. Trong Toàn cầu hoá 1.0, các câu hỏi chủ yếu là: Nước tôi hợp với sự cạnh tranh và các cơ hội toàn cầu ở chỗ nào? Làm sao tôi có thể đi toàn cầu và cộng tác với những người khác thông qua nước tôi?
Kỉ nguyên lớn thứ hai, Toàn cầu hoá 2.0, kéo dài từ 1800 đến 2000, bị gián đoạn bởi Đại Khủng hoảng và Chiến tranh Thế giới I và II. Thời đại này làm thế giới co từ cỡ trung bình xuống cỡ nhỏ. Trong Toàn cầu hoá 2.0, nhân tố then chốt của thay đổi, động lực thúc đẩy hội nhập toàn cầu, đã là các công ti đa quốc gia.
Các công ti đa quốc gia này tiến hành toàn cầu hoá vì thị trường và lao động, đầu tiên do sự bành trướng của các công ti cổ phần Hà Lan và Anh và Cách mạng Công nghiệp làm mũi nhọn. Trong nửa đầu của thời đại này, hội nhập toàn cầu được cấp lực bởi sự sụt giảm chi phí chuyên chở, nhờ động cơ hơi nước và đường sắt, và trong nửa sau bởi sự sụt giảm các chi phí liên lạc – nhờ sự phổ biến của điện tín, điện thoại, PC, vệ tinh, cáp quang, và phiên bản ban đầu của World Wide Web (WWW).
Chính trong thời đại này mà chúng ta thực sự thấy sự ra đời và trưởng thành của một nền kinh tế toàn cầu, theo nghĩa rằng đã có sự dịch chuyển đủ của hàng hoá và thông tin từ lục địa này sang lục địa khác để ở đó có một thị trường toàn cầu, với sự chênh lệch giá về các sản phẩm và lao động.
Các động lực ở đằng sau kỉ nguyên toàn cầu hoá này là các đột phá về phần cứng – từ tàu hơi nước và đường sắt lúc ban đầu đến điện thoại và các máy tính lớn vào lúc cuối. Và câu hỏi lớn trong thời đại này đã là: Công ti tôi hợp với nền kinh tế toàn cầu ở chỗ nào? Nó tận dụng các cơ hội thế nào? Làm sao tôi có thể đi toàn cầu và cộng tác với những người khác qua công ti của tôi?
Cuốn Xe Lexus và Cây Ô liu chủ yếu là về đỉnh điểm của kỉ nguyên này, một thời đại khi các bức tường bắt đầu sụp đổ trên khắp thế giới, và sự hội nhập, và sự phản ứng dữ dội với nó, lên một mức mới hoàn toàn. Nhưng ngay cả khi các bức tường sụp đổ, vẫn còn nhiều rào cản đối với sự hội nhập toàn cầu suôn sẻ. Hãy nhớ, khi Bill Clinton được bầu làm tổng thống năm 1992, hầu như không ai ngoài chính phủ và giới hàn lâm có e-mail, và khi tôi viết Xe Lexus và Cây Ô liu năm 1998, Internet và thương mại điện tử vừa mới cất cánh.
Phải, chúng đã cất cánh – cùng với nhiều thứ khác nữa đã cùng đến trong khi tôi ngủ. Và đó là lí do vì sao tôi lí lẽ trong cuốn sách này rằng vào khoảng năm 2000 chúng ta đã bước vào một kỉ nguyên mới hoàn toàn: Toàn cầu hoá 3.0. Toàn cầu hoá 3.0 làm thế giới co từ cỡ nhỏ xuống cỡ bé tí và đồng thời san bằng sân chơi.
Và trong khi động lực trong Toàn cầu hoá 1.0 là các nước tiến hành toàn cầu hoá và động lực trong Toàn cầu hoá 2.0 là các công ti tiến hành toàn cầu hoá, động lực trong Toàn cầu hoá 3.0 – thứ cho nó đặc trưng độc nhất vô nhị – là năng lực mới tìm thấy cho các cá nhân để cộng tác và cạnh tranh toàn cầu. Và cái đòn bẩy cho phép các cá nhân và các nhóm đi toàn cầu dễ đến vậy và suôn sẻ đến vậy không phải là sức ngựa, không phải là phần cứng, mà là phần mềm- tất cả các loại ứng dụng mới – cùng chung với sự sáng tạo ra một mạng cáp quang toàn cầu biến tất cả chúng ta thành láng giềng sát vách. Bây giờ các cá nhân phải, và có thể, hỏi, Tôi hợp với cạnh tranh và các cơ hội toàn cầu ngày nay ở chỗ nào, và làm sao tôi có thể, tự mình, cộng tác với những người khác một cách toàn cầu?
Song Toàn cầu hoá 3.0 không chỉ khác các kỉ nguyên trước ở chỗ nó làm thế giới co lại và phẳng thế nào và nó trao quyền cho các cá nhân ra sao. Nó khác ở chỗ Toàn cầu hoá 1.0 và Toàn cầu hoá 2.0 chủ yếu do các cá nhân và doanh nghiệp Âu Mĩ dẫn dắt. Tuy Trung Quốc thực sự là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỉ mười tám, chính các nước, các công ti, những người thăm dò phương Tây tiến hành phần lớn việc toàn cầu hoá và định hình hệ thống. Nhưng về sau này, điều này sẽ ngày càng ít đúng hơn.
Bởi vì nó làm thế giới co lại và phẳng, Toàn cầu hoá 3.0 ngày càng nhiều sẽ được dẫn dắt không chỉ bởi các cá nhân mà cũng bởi các nhóm cá nhân – phi Tây phương, không da trắng – đa dạng hơn nhiều. Các cá nhân từ mọi nơi của thế giới phẳng đều được trao quyền. Toàn cầu hoá 3.0 biến thành có thể cho rất nhiều người để cắm và chơi [plug and play], và bạn sẽ thấy mọi sắc cầu vồng con người tham gia. (Trong khi sự trao quyền cho các cá nhân để hành động toàn cầu là đặc tính mới quan trọng nhất của Toàn cầu hoá 3.0, các công ti- to và nhỏ- cũng được trao quyền một cách mới nữa trong kỉ nguyên này. Tôi thảo luận chi tiết cả hai muộn hơn trong cuốn sách này).
Bạn cũng sẽ thích
- Thiết Kế Cuộc Đời Thịnh Vượng
- Không Ai Có Thể Làm Bạn Tổn Thương Trừ Khi Bạn Cho Phép
- Làm Giàu Từ Chứng Khoán
Không cần phải nói, tôi đã chỉ có sự đánh giá lờ mờ nhất về tất cả điều này khi tôi rời văn phòng của Nandan ngày ấy ở Bangalore. Nhưng khi tôi ngồi suy ngẫm những thay đổi này ở ban công của phòng khách sạn của tôi tối hôm đó, tôi đã biết một thứ: tôi muốn bỏ mọi thứ và viết một cuốn sách có thể cho phép tôi hiểu quá trình làm phẳng này đã diễn ra thế nào và các hệ luỵ của nó có thể là gì đối với các nước, các công ti, và các cá nhân.
Cho nên tôi nhấc điện thoại gọi cho vợ tôi, Ann, và bảo cô, “anh sẽ viết một cuốn sách nhan đề Thế giới là Phẳng”. Cô vừa buồn cười vừa tò mò – ờ, có thể buồn cười hơn là tò mò! Cuối cùng, tôi đã có khả năng thuyết phục được cô, và tôi hi vọng sẽ có khả năng làm thế với bạn, bạn đọc thân mến. Hãy để tôi đưa bạn quay về lúc đầu của hành trình của tôi đến Ấn Độ, và các điểm phương đông khác, và chia sẻ với bạn một số cuộc gặp tình cờ đã dẫn tôi đến kết luận rằng thế giới không còn tròn – mà phẳng.
Đọc sách giấy làm khả năng ghi nhớ và nắm bắt thông tin tốt hơn, tránh giảm thị lực mắt. Hãy mua cuốn sách Thế Giới Phẳng với mức giá rẻ nhất theo link dưới đây.