Khi ngợi khen một người trẻ độc lập mạnh mẽ, có thể chúng ta không biết họ lớn lên trong môi trường phải làm bố mẹ của bố mẹ mình ra sao, cô đơn khắc khoải thế nào. Khi ngưỡng một một người trẻ học giỏi, có thể chúng ta không biết họ đã bị ngạt thở bởi kỳ vọng của cha mẹ.
Khi phán xét một người trẻ hời hợt thiếu động lực sống, có thể chúng ta không biết từ bé đến lớn họ đã được “đút sẵn” đến nỗi không còn biết mình là ai. Khi kêu ca một người trẻ thiếu nghị lực muốn kết thúc cuộc sống, có thể chúng ta không biết họ đã oằn mình mang gánh nặng mà gia đình ấn xuống quá lâu, khiến cánh giải thoát duy nhất là cái chết…
Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ của Đặng Hoàng Giang dẫn người đọc vào thế giới của người trẻ trên dưới hai mươi tuổi, lứa tuổi không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Trong thế giới đó có những run rẩy của va chạm thân thể lần đầu, có lấp lánh của tình yêu, có những đêm dài, những chuyến đi xa, những hoang mang và băn khoăn hiện sinh.
Nhưng bao trùm lên tất cả, như một tấm màn lớn, là nỗi đau. Nỗi đau từ sự cô đơn của đứa con vẫn được xã hội khen là “trưởng thành” và “ngoan,” từ sự trống rỗng nội tâm của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo, từ sự tuyệt vọng của người trẻ bị giam cầm trong nhà tù mang tên tình yêu cha mẹ.
Vang lên như những bài hát khi buồn đau khi dữ dội, những chân dung trong cuốn sách cùng các phân tích tâm lý học của tác giả sẽ khiến cha mẹ, thầy cô và tất cả những ai có người trẻ trong cuộc sống của mình phải thức tỉnh, phải ngồi xuống lắng nghe con em mình và suy ngẫm về bản thân, để học cách chữa lành và yêu thương đích thực.
Giới thiệu về tác giả
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.
Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Hiện sống và làm việc tại Việt Nam.
Review sách Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ
Những câu chuyện mà tác giả ghi nhận và kể lại từ những người trẻ, những phụ huynh có những nền tảng gia đình, tuổi thơ không hạnh phúc vô cùng chân thực và cảm động. Qua những câu chuyện đó, tác giả phân tích cho ta thấy các bệnh xã hội dưới góc nhìn của khoa học để người đọc dù là ai cũng phải nhìn lại mình.
Tác giả không chỉ đưa ra những hướng và cách chữa bệnh mà chính toàn bộ quyển sách với sự sắp xếp dẫn dắt người đọc một cách hấp dẫn và logic đã là một liều thuốc cực mạnh cho những chấn thương tâm lý của các thế hệ trong xã hội Việt hiện nay.
Quyển sách này là một giọt nước nhỏ nhưng sự lan tỏa và đóng góp của nó thì vô cùng lớn. Chính vì vậy tôi quyết định sẽ gửi nó vào thư viện khoa học tổng hợp thành phố HCM để có thể giúp đỡ và cứu vớt nhiều tâm hồn đang lạc lối khác nữa trong xã hội. (Việt Phương)
Tôi vừa kết thúc những trang cuối cùng cuốn sách của Đặng Hoàng Giang- thứ lấy đi nước mắt của tôi nhiều hơn tất cả những lần đã khóc trong tuổi 27 của mình. Mỗi buổi sáng, trên con đường từ nhà tới chỗ làm, tôi hay tự nói chuyện với chính mình, có lúc nói bằng suy nghĩ, có khi nói thành tiếng như nội tâm là một người đối diện.
Tôi đã hỏi mình “Hãy miêu tả cảm xúc bây giờ bằng những từ đơn giản nhất đi”. Sau đó, tôi thấy nội tâm mình bối rối, nó không nắm bắt được những cảm xúc đang diễn ra trong lòng tôi và miêu tả, cho dù bằng những tính từ đơn giản vui, buồn, giận, phấn khích…
Giây phút đó tôi bỗng nhận ra, người ta (mà thực ra chính là tôi chứ chẳng có người ta nào cả) thường biết rất rõ tương lai mình muốn gì. Như khi ai đó hỏi về ước mơ, tôi bảo “Muốn học nhuộm vải rồi sống ở Hội An hoặc Đà Lạt, bên cạnh người mình tin tưởng”. Hoặc nếu nói về quá khứ, tôi sẽ không a để b rồi dẫn đến c. Vậy mà, khi nói về thực tại, tôi bối rối như thể mình đang không tồn tại ở đây, trống rỗng và không gọi tên được cảm xúc cơ bản của mình.
Khi đọc “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, tôi tìm thấy những mảnh vỡ từ những ngày thơ ấu, ghép chúng lại đến khi nó thành đứa trẻ bên trong. Mỗi mảnh ghép đó, đều khiến tôi khóc lóc ít nhiều. Tôi không chắc liệu sau này mình có là một người hạnh phúc, thảnh thơi, không ganh tị hay phải chạy trên bất cứ đường đua nào hay không.
Nhưng tôi ước gì mình chữa lành được đứa trẻ bên trong, xoa dịu và vỗ về nó, để nó chịu thừa nhận tất cả những gì đã xảy ra nhưng cũng phải dũng cảm để một lần nữa tiến về phía trước. Cảm ơn ngòi bút của Đặng Hoàng Giang và cả sự dũng cảm của những cá nhân trong cuốn sách này đã giúp tôi tìm thấy phần quan trọng nhất trên hành trình của mình. (Linh)
Thật ra hơn nửa đầu Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ mình cảm thấy rất tiêu cực, khó chịu. Những cảm xúc, những ký ức mà mình cố chôn nó xuống thì nó lại ào ạt tuôn ra không ngừng, nhất là đọc những câu chuyện của nhân vật- những người buông tay với cuộc đời mình (nghiện ngập, trầm cảm, have s**…) thì mình càng cảm thấy chán nản hơn.
Vốn là mình đã định drop cuốn này. Sau đó mình quyết định dừng lại, thay vì cố gắng ép nỗi đau của mình xuống và oán trách người thân của mình thì mình buộc bản thân mình phải đối diện với nỗi đau, và thấu hiểu nó. Dần dần từ lúc nào không hay, khi mình càng đối diện với nỗi đau của inner child, mình càng cảm nhận được cả nỗi đau từ gia đình mình, và dòng họ của mình. Họ cũng đang tổn thương giống mình. Từ đó mình học cách bao dung, và mình quyết định đọc tiếp cuốn sách này, dần dần những câu chuyện trở nên tươi sáng hơn, ít ra nhân vật không còn tìm những cách tiêu cực để trốn tránh nữa.
Mình thấy hình ảnh của mình và cả cha mẹ mình qua tất cả toàn bộ câu chuyện trong cuốn sách. Từ nỗi đau khôn nguôi, cho đến dũng cảm đối mặt, học cách bao dung người thân và chữa lành cho bản thân. Đối với mình đây là một cuốn sách đáng đọc, nếu bạn cảm thấy khá tệ khi đọc phần đầu cuốn sách thì không sao cả, những ký ức của bạn chỉ đang dần dần hiện ra để chữa lành.
Chúc mọi người sẽ tìm thấy được bản thể tốt nhất trên hành trình của mình. Mình cảm thấy may mắn và tự hào vì mình đã không bỏ cuộc và quyết tâm đọc cho bằng hết cuốn sách. Cảm ơn tác giả và cảm ơn tất cả các bạn đã chia sẻ câu chuyện của mình. (Minh Phương)