Từng Bước Nở Hoa Sen của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những quyển sách “dạy” ta cách sống an nhiên như thế. Bốn mươi bảy bài kệ trong sách cũng là bốn mươi bảy bài học giúp ta tu tập chánh niệm mỗi ngày, hướng đến sự an lạc trong cả tâm, thân và sống hết mình cho từng giây phút hiện tại.
Không nhơ cũng không sạch
Không bớt cũng không thêm
Trí tuệ Ba La Mật
Không có pháp nào trên
Sống là chuyển hóa không ngừng, tất cả mọi vật nương vào nhau để tồn tại. Thân tâm an trú trong chánh niệm thì khi đốt một lò trầm, tâm ta cũng thanh tịnh. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận cả sinh lẫn diệt, cả còn lẫn mất, cả vui lẫn buồn. Vì có sự sống là có chết chóc… có sum họp thì có chia lìa, có được thì sẽ mất đi…
Đức Phật dạy rằng: “Cứu chữa cho tâm quan trọng hơn là cho thân, vì đó là nguyên nhân gây ra bao điều tội lỗi. Người có tâm từ bi rộng lớn và hành vi thiện lành, tâm sẽ ít bị vẩn đục bởi phiền não tham, sân, si chi phối. Nếu chúng ta mỗi ngày tỉnh giác từng ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, thì ta sẽ biết cách làm chủ bản thân để ngày càng hoàn thiện chính mình hơn về mọi mặt.”
Những bài kệ trong tập này đã được thực tập tại Làng Hồng trong mùa Hè năm 1984. Thiếu nhi cũng như người lớn đã chép tay các bài kệ này để học thuộc lòng.
Ta chỉ thực tập được các bài kệ sau khi đã thuộc lòng chúng, khi nâng chén trà lên chẳng hạn nếu ta có ý thức thì tự khắc bài kệ sau đây đến với ta một cách tự nhiên:
Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ ở đây
Mà sở dĩ bài kệ đến với bạn một cách dễ dàng và tự nhiên là vì bạn đã thuộc lòng nó.
Bạn không cần học thuộc lòng một lần tất cả các bài kệ. Trước hết bạn học thuộc lòng một vài bài mà bạn ưa thích. Rồi từ từ học thêm một bài, rồi một bài khác. Trong tập này chỉ có bốn mươi bảy bài kệ. Mỗi bài là một bài thơ, cho nên các bài kệ cũng có thể được gọi là thi kệ.
Những bài kệ trong Từng Bước Nở Hoa Sen có nhiệm vụ nuôi dưỡng ý thức và nuôi dưỡng chánh niệm. Sử dụng chúng trong một thời gian, bạn sẽ thấy có sự biến đổi trong cuộc đời bạn.
Dần dần, bạn sẽ có chánh niệm trong mỗi tư thế và động tác trong ngày. Bạn sẽ thấy bốn mươi bảy bài kệ trong đây chỉ là những bước đầu của nếp sống tỉnh thức.
Ngày xưa (nghĩa là mới hôm qua đây thôi) tại các thiền viện ở Việt Nam, cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu do thiền sư Độc Thể biên tập là cuốn sách đầu tiên mà thiền sinh được học. Sách này gồm khoảng năm mươi bài kệ, một số do tác giả sáng chế, một số trích từ kinh Hoa Nghiêm. Sách đã từng được dịch nhiều lần ra chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Thiền sinh cũng học thuộc lòng các bài kệ ấy để mà thực tập.
Tại sao ta không sử dụng những bài kệ ấy mà lại sáng tác ra những bài thi kệ khác?
Lý do có nhiều. Trước hết sách không còn được hiện đại, đời sống bây giờ khác với đời xưa nhiều, trong sách không có những bài kệ dùng trong các sinh hoạt mới như lái xe hơi hoặc khi nói điện thoại… Lý do thứ hai là phần lớn những bài kệ trong sách có tính cách ước lệ và trừu tượng. Lý do thứ ba là sách hơi mang nặng màu sắc Mật giáo.
Tuy nhiên các bài thi kệ mới đã thừa hưởng được tinh thần và đường hướng của các bài kệ cũ. Thêm vào đó, những thi kệ dưới tay bạn có tính cách thực dụng hơn, cụ thể hơn, hiện đại hơn và đem lại cho ta nhiều niềm vui khi ta thực tập. Những bài thi kệ mới vừa là chánh niệm vừa là thi ca, rất thích hợp với truyền thống Thiền.
Sách này có thể vừa được dùng trong thiền môn để thay thế cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu vừa được dùng trong cuộc sống hàng ngày ngoài xã hội.
Xin các bạn trong khi thực tập, nếu thấy có những câu những chữ nào có thể thay đổi cho hay hơn thì ghi lại và gửi cho tác giả hoặc nhà xuất bản, để kỳ in sau, các bài kệ được toàn mỹ. Nếu bạn có sáng tác những bài thi kệ thì cũng xin gửi về cùng với lời bình giải.
Mỗi bài thi kệ trong tập sách này đều đã được bình giải. Tác giả đã viết những lời bình giải này theo yêu cầu của một số hành giả đã từng thực tập tại Làng Hồng.
Review sách Từng Bước Nở Hoa Sen
Viết nhiều và viết dài để trình bày hết được nội dung vấn đề thì dễ, nhưng để tóm gọn nội dung nhưng vẫn truyền tải đầy đủ thông điệp thì rất khó. 47 bài thơ súc tích được gọi là các bài Kệ chứa đầy ý nghĩa, đọc thì rất nhanh nhưng để thực hành và chứng ngộ có lẽ mất cả đời.
Mình rất thích bài kệ Rửa chân và Đổ rác. Sự an lạc của ngón chân, sự an lạc của thân tâm ít khi bạn để ý tới cái ngón chân mình, đúng không? Vậy mà khi bạn đạp phải gai thì cả ng bạn đau đớn chứ không chỉ mình cái ngón chân nó đau đâu, vậy đó.
Một thùng rác bẩn. Một bông hồng thơm. Muôn vật chuyển hoá. Thường trong vô thường. Rác thì rất bẩn và hôi, phải không? Nhưng nếu ủ rác hữu cơ thành phân xanh để bón hoa và cây cỏ. Hoa nở thì đẹp và rất thơm, phải không? Nhưng sau vài ngày hoa héo và trở thành rác. Rác là một phần của hoa. Hoa là một phần của rác. Mọi vật chuyển hoá gọi là vô thường. Cái này trong cái kia, sự sống không phải của mỗi cá thể mà trong mọi cá thể. (Bất Hối)
Những nội dung xúc tích và gần gũi về cuộc sống, nhưng thiền sư sẽ cho chúng ta cách sống chánh niệm, an lạc từ những việc nhỏ nhất như lái xe, rửa bát, tưới cây. Để từ đó thấy cuộc sống nhiệm mầu không phải từ những thứ to tát, mà tất cả mọi người đều bắt đầu từ mọi sinh hoạt đơn giản nhất, nhưng vẫn thấy đáng sống, hạnh phúc và ý thức về môi sinh, lòng biết ơn. Sách thầy Thích Nhất Hạnh thì nội dung khỏi bàn cãi rồi, rất thâm sâu và bậc cao, nên tuỳ mỗi người, mỗi giai đoạn sẽ có sự ngộ và thẩm thấu khác nhau. (Ngọc Lâm)