Kiếp Người – Vĩnh Cửu Và Vô Thường là một dòng tự sự, hồi cố về ký ức và quá trình lớn lên của một đứa trẻ, từ ngày nó còn ở tuổi thơ ấu cho đến ngày nó chạm chán với xã hội xung quanh mình.
Cuốn sách khám phá những sự kiện làm nên nhận thức của đứa trẻ ấy về gia đình, về cộng đồng, về thế giới nó thuộc về. Và hơn hết, cuốn sách tự hỏi điều gì khiến đứa trẻ nhận ra chính mình trong một kiếp sống vốn dĩ đã được định hình bởi người khác. Là nhân tố đến sau và rơi tõm vào bể đời, nó phải đặt ra những câu hỏi gì để thích nghi và chia sẻ một mảnh đời chung với vô vàn những con người không giống mình trong xã hội.
Trước ngưỡng cửa cuộc đời, đứa trẻ đó tự hỏi: Vì sao tôi lại được sinh ra? Sự tồn tại của tôi có quan trọng hay không trong một vũ trụ nghìn trùng? Bằng cách nào tôi có thể nhận thức được tôi là chính mình? Loài người sinh ra với cá tính, bản chất được định sẵn, hay những gì định hình nên con người đều được kiến tạo thông qua những tương tác xã hội?…
Hãy thử dừng lại ở một quãng nào đó của cuộc đời và suy ngẫm về những câu hỏi trên, ta sẽ nhìn đời và nhìn chính mình với nhiều gam màu và âm điệu hơn. Khi ấy ta nhìn vào những điều hiển nhiên trong cõi đời này và thấy chúng không còn hiển nhiên nữa.
Review sách Kiếp Người – Vĩnh Cửu Và Vô Thường
Một lăng kính có thể phóng to thu nhỏ, xáo trộn và sắp xếp xu hướng đào sâu vào nội tâm và nghiên cứu chính bản thân mình: “Tôi là ai” hay những khách thể của sự suy tư: thời gian và không gian, cái chết, tình yêu, cái đẹp, sự trở thành. Tạm nói, sự ấn tượng của tôi dàn trải khắp cuốn sách. Xuyên suốt các phần, từ “cõi sống” được đề cập rất nhiều, song hành là những suy tư đa góc độ về cái chết.
Chết là gì mà ai cũng lo sợ. Nhưng càng đọc nhiều tác phẩm viết về cái chết, nhận thức của tôi về nó đã mất hẳn sự bi quan. Có chăng đó chỉ là cái nấc cụt của tiến hoá, tiến ở kiếp này rồi lại hoá ở kiếp sau, cứ như vậy tiến rồi lại hoá…. Anh gọi cái chết là một đặc tính mang đầy sự quyến rũ, và tôi cũng vậy. Cái chết định đoạt cách ta sống. “Nếu đằng nào cũng chết, ta phải làm gì với sự sống của mình?”
Gần hơn với thời hiện đại, ai từng nghiên cứu tâm linh qua những tác phẩm của Osho, Thích Nhất Hạnh hay Marcus Aurelius, khi nói về về sức mạnh của việc an trú hiện tại, hay mối tương giao giữa cái chết và sự sống của loài người, tất cả họ đều đồng ý rằng sự thức tỉnh trong hiện tại là khả năng duy nhất mang một người đến bản chất thực và giúp họ hòa nhập với sự bình an nội tâm.
Gần hơn, một cố nhạc sĩ quen thuộc đã gieo cả kiếp người vào trong một câu hát, “hạt bụi nào hoá kiếp thân ta, để một mai ta về làm cát bụi”. Kiếp người, bắt đầu từ đâu và mất đi sẽ về đâu, cõi sống bỗng biến thành một dấu chấm lặng sau một dấu hỏi dài lên và xuống vô cùng uyển chuyển.
Theo dõi Người Kể Chuyện từ những năm 2018, tôi hay sưu tập và chép tay những bản giao ca cộng hưởng tâm hồn đâu đó giữa anh và tôi, rồi trở thành một độc giả chân thành lúc nào không hay. Tôi cho rằng đây hẳn là một nghệ sĩ tài hoa đã đồ nét cho những trong sách đời mình những năm gần vào 20. (Phan Anh)
Theo dõi bạn Long từ rất lâu rồi qua các bài viết cực sâu sắc của bạn trên page Người kể chuyện, hay trên vietcetera. Vì thế ngay khi bạn Long ra cuốn “Kiếp người” mình đã đặt mua liền. Sách không viết về những bài học nhân sinh với triết lý sâu sắc, mà nó là những dòng tự sự của một người trẻ mới bước chân vào xã hội. Nhờ thế mà mình cũng thấy bản thân trong chính những câu chuyện Long kể. (Hà My)
Nội sung sách xoay quanh việc hồi tưởng lại kí ức, về những chiêm nghiệm của tác giả để truyền đạt lại những suy tư về sự sinh ra, về cơ thể, ngôn ngữ, tình yêu, hay cái đẹp… Đọc để ngẫm lại về chính bản thân mình hay cũng để tìm hiểu những kiến thức mới mà trước đây vốn cho nó là đúng. Rất đáng đọc. (Minh Ánh)
Theo dõi và lắng nghe, suy ngẫm và học hỏi từ anh Long – chủ nhân Người kể chuyện đã được một thời gian khá lâu, mình cảm thấy có thể mở mang và lĩnh hội rất nhiều thông qua cách anh nhìn nhận sự việc, giải thích vấn đề và nói thoả lòng người. Cảm ơn anh đã mang đến một tác phẩm chỉn chu và tinh tế như thế này. (Mai Audrey)