Tác giả của Những Tù Nhân Của Địa Lý cho rằng yếu tố địa lý quyết định chính sách chính trị của các quốc gia. Những dãy núi, con sông, bình nguyên, sa mạc chính là những biên cương hữu hình khiến chính sách chính trị của nhiều lãnh đạo bị giới hạn. Từ đó, họ trở thành những “tù nhân của địa lý”.
Nội dung cuốn sách
Tim Marshall sẽ mở ra cho bạn những góc nhìn hoàn toàn mới lạ và trầm trồ trước những vấn đề bạn ngỡ rằng mình “biết tuốt”.
Nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầy biến động của ông Donald Trump vừa kết thúc. Trong bốn năm tính từ khi phiên bản mới nhất của sách xuất bản ở Mỹ vào năm 2016, nhiều sự kiện đã xảy ra nhưng vẫn không làm thay đổi bức tranh địa chính trị mà Tim Marshall đã phác họa trong tương quan Mỹ và chính sách của họ đối với thế giới.
Trong những năm gần đây, với Trung Quốc, sáng kiến Con đường tơ lụa mới, cuộc chiến thương mại đang tiếp diễn, và sự trỗi dậy về công nghệ của họ vẫn chưa làm giảm sút vị thế siêu cường số 1 của Mỹ. Quan trọng nhất, sự thiếu vắng một lực lượng hải quân mạnh mẽ và hiện đại vẫn là vấn đề kìm hãm vị thế của Trung Quốc như cách đây hơn bốn năm.
Hạm đội Nga vẫn bị cô lập trong biển Đen, vì cửa ra Địa Trung Hải vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Âu kiểm soát. Vị thế của Nga vẫn bị kìm hãm khi tiếp tục thiếu vắng một cảng nước ấm để làm căn cứ cho những hạm đội của họ.
Ngoài việc vẫn còn nguyên ý nghĩa địa chính trị sau hơn bốn năm, sách giúp người đọc rút ra những kiến giải lý thú.
Thứ nhất, giao thông trên biển vẫn đóng vai trò quan trọng với thương mại và địa chính trị của thế giới hôm nay. Bằng việc kiểm soát những hải đạo huyết mạch như kênh đào Suez ở Ai Cập, eo biển Hormuz vào vịnh Ba Tư, eo biển Bosphorus qua Thổ Nhĩ Kỳ, eo biển Malacca qua Malaysia, Singapore và Indonesia, những thế lực chính trị có thể kiểm soát nguồn doanh thu và kinh tế khu vực, thay đổi chính sách ngoại giao của nhiều quốc gia.
Thứ hai, vấn đề di dân tự nhiên thực sự là một công cụ hiệu quả và nguy hiểm của những quốc gia có tham vọng bành trướng về lãnh thổ.
Thứ ba, vùng đệm là yếu tố quyết định chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc. Từ thời cổ đại, hai đế quốc La Mã và Ba Tư tuy đối đầu nhau nhưng vẫn tồn tại song song qua nhiều thế kỷ, vì chính giữa họ tồn tại một vùng đệm rộng lớn. Iraq là vùng đệm giữa hai thế lực Iran và Saudi Arabia.
Ukraine và Ba Lan là vùng đệm ngăn ngõ tiến công của các nước Tây Âu vào Nga. Chính ở những quốc gia vùng đệm này, tranh chấp và mâu thuẫn giữa các cường quốc sẽ diễn ra. Điều đó quyết định chính sách tiếp cận về quân sự, ngoại giao và kinh tế của các cường quốc.
Review sách Những Tù Nhân Của Địa Lý
“Nói nhanh cho vuông, đây là một trong những cuốn sách hay nhất về địa chính trị bạn có thể tưởng tượng: đọc nó cũng giống như một nguồn ánh sáng rọi vào tâm trí bạn. Marshall có cái đầu mạch lạc, sáng suốt và sở hữu một năng lực gần như thần bí là có thể làm cho bức tranh toàn cảnh trở nên dễ hiểu và mạch lạc.
Cuốn sách này, bao quát một chủ đề phức tạp như vậy, thật kinh ngạc là tôi đã không thể buông cuốn sách cho tới khi đọc xong. Tôi không thể tìm ra một cuốn sách nào khác có thể giải thích tình hình thế giới hay hơn.” (Nicholas Lezard)
Tôi biết đến cuốn sách đã lâu, nhưng vẫn lưỡng lự mãi trong việc ra quyết định có nên mua hay không. Có lẽ vì chủ đề địa chính trị khá xa lạ với tôi. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài của cuốn sách đã cuốn hút và thôi thúc tôi phải sở hữu nó. Thế là tôi đánh cược, quyết tâm mua quyển sách để biến nó thành một thành viên trong bộ sưu tầm sách của mình.
Có lẽ bạn đã từng nghe đến câu nói “Đừng vội đánh giá một quyển sách chỉ qua cái bìa của nó”. Tôi đã từng e ngại với một chủ đề như vậy, liệu rằng nội dung có nhàm chán hoặc cuốn sách có dễ đọc và dễ thấu hiểu hay không. Nhưng thật may mắn, tôi đã đưa ra lựa chọn đúng đắn. Những tù nhân của địa lí là một cuốn sách đẹp về hình thức lẫn đặc sắc về nội dung.
Cuốn sách đã mang đến cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời trên hành trình tiếp cận đa dạng các kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Vì thế, tôi muốn lan tỏa trải nghiệm tích cực này đến với mọi người. (Anh Ngọc)